Vấn đề Chuẩn Hoá Từ Vựng Tiếng Việt (phần 1)
1. Từ vựng chuẩn và chuẩn hoá từ vựng
Như trên đã chứng minh[1], gần một thế kỉ qua, từ vựng tiếng Việt đã lớn mạnh phi thường cả về chất lượng lẫn số lượng. Nhưng do đã được phát triển vào những thời kì khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, nên từ vựng tiếng Việt hiện nay không khỏi còn những chỗ chưa thống nhất. Điều đó gây cản trở cho sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học của chúng ta. Cho nên, chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt là một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Nói đến chuẩn hoá từ vựng thì phải hiểu thế nào là chuẩn từ vựng. Theo chúng tôi, từ vựng chuẩn là những từ đã được trau chuốt, gọt giũa, đã được sàng lọc để phục vụ hữu hiệu nhất cho yêu cầu giao tiếp văn hoá của toàn dân tộc. Như vậy, chuẩn từ vựng được hình thành dần dần trong quá trình sử dụng. Chuẩn từ vựng không đứng yên tại chỗ mà cũng vận động phát triển theo thời gian. Chuẩn hoá từ vựng thuộc phạm trù quy phạm hoá (cordination) ngôn ngữ. Quy phạm hoá ngôn ngữ là kết quả nhận thức khoa học về những quy luật thể hiện chuẩn ở một giai đoạn nhất định của sự phát triển ngôn ngữ, là sự tập hợp những quy luật về cách dùng từ và các hình thái trong mọi phong cách của ngôn ngữ văn hoá.
Nội dung của chuẩn hoá từ vựng bao gồm cả ba mặt:
- Mặt ý nghĩa của từ ngữ
- Mặt ngữ âm của từ ngữ
- Mặt chữ viết của từ ngữ
Về mặt ngữ nghĩa, một đơn vị từ vựng hợp chuẩn là đơn vị có khả năng diễn đạt chính xác nhất nội dung cần diễn đạt, tự thân nó lại ngắn gọn, không gây hiểu lầm. Trước đây, có người đã dùng từ "mẹo" để diễn đạt khái niệm "ngữ pháp". Mặc dù từ "mẹo" ngắn gọn, lại rất Việt Nam nhưng không chính xác, dễ gây hiểu lầm nên không thể coi là từ hợp chuẩn. Khi dùng từ này, người ta dễ liên tưởng đến nghĩa gốc của nó là "cách khôn ngoan, thông minh được nghĩ ra trong một hoàn cảnh nhất định để giải quyết việc khó", trong khi ngữ pháp lại là quy luật khách quan, không phải con người tự nghĩ ra. Mặt khác, khi cần diễn đạt khái niệm "ý nghĩa ngữ pháp" thì nếu nói "ý nghĩa mẹo" thì thật khó mà hiểu được. Để diễn đạt khái niệm "performative" nếu dùng thuật ngữ "ngữ vi" cũng dễ nhầm là phạm vi ngôn ngữ. Theo chúng tôi, thuật ngữ "ngôn hành" là thích hợp hơn.
Về mặt ngữ âm, hệ thống ngữ âm của tiếng Việt được hình thành dần dần trên cơ sở phương ngữ Bắc Bộ với sự bổ sung thêm một số yếu tố của các phương ngữ khác. Vì thế, đứng trước những biến thể địa phương, cần lựa chọn biến thể nào phù hợp với hệ thống ngữ âm chuẩn của tiếng Việt. Chẳng hạn, giữa các biến thể dô và vô, nhâng dâng và nhân dân, dĩa và đĩa, gáo và gạo,… thì vô, nhân dân, đĩa, gạo,… là chuẩn. Khi các địa phương dùng các từ khác nhau để chỉ cùng một sự vật, hiện tượng thì từ của phương ngữ Bắc Bộ được coi là chuẩn. Chẳng hạn, giữa các từ mô và đâu, nỏ và không, chộ và thấy,… thì các từ đâu, không, thấy là chuẩn. Cần lưu ý là các tiêu chuẩn của cái gọi là chuẩn chỉ tồn tại ở giá trị xã hội của nó chứ không động chạm đến bản thân hệ thống cấu trúc của nó. Vì thế, những hình thức ngôn ngữ khác với chuẩn không phải là những hình thức "dưới chuẩn" hoặc "không chuẩn". Trong những hoàn cảnh giao tiếp nhất định vẫn có thể dùng nó. Thực tế, chuẩn ngữ âm hình thành dần dần, không thể đòi hỏi các địa phương trong cả nước phát âm các từ thống nhất ngay được. Tuy nhiên, không thể coi nhẹ vấn đề chính âm. Vai trò của nhà trường và các phương tiện thông tin đại chúng là vô cùng quan trọng trong vấn đề này.
Về mặt chữ viết, chữ quốc ngữ là cơ sở tốt để thống nhất chính tả giữa các vùng. Ngôn ngữ trước hết là để nói, nhưng trong thực thế giao lưu văn hoá và xã hội ngày nay, chữ viết có một tác dụng quyết định đối với cuộc sống. Vì thế, chuẩn chính tả là cơ sở để bảo đảm và củng cố tính thống nhất của ngôn ngữ. Người miền Nam có thể nói coong cháo, nhâng dâng, dô,… nhưng khi viết thì phải viết con cháu, nhân dân, vô,… Người miền Bắc có thể phát âm lẫn lộn châu với trâu, lồi với nồi, xung với sung,… nhưng khi viết thì phải viết con trâu, châu báu, xung đột, bổ sung, lồi lõm, cái nồi,…
Trong việc chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt, cần lưu ý ba mảng khác nhau: các từ thông thường, các tên riêng, và các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật.
Theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 318–320.
[1] Xem Nguyễn Thiện Giáp. Sđd, trang 292–318.
Đọc thêm: Một số vấn đề về chuẩn mực hoá ngôn ngữ
Đọc tiếp: 2. Chuẩn hoá các từ ngữ thông thường
Chia sẻ:
- Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
- Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
- Nhấp để chia sẻ trên WhatsApp (Mở trong cửa sổ mới)
- Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)
Từ khóa » Chuẩn Ngôn Ngữ Là Gì
-
Ngôn Ngữ Tiêu Chuẩn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "chuẩn Mực Ngôn Ngữ" - Là Gì?
-
Chuẩn Ngôn Ngữ Là Gì - Học Tốt
-
Chuẩn Hoá Tiếng Việt Về Mặt Từ Vựng - Vietlex :: Ngon Ngu Hoc
-
Chuẩn Mực Ngôn Ngữ. Các Loại Chuẩn Mực Ngôn Ngữ
-
Chuẩn Mực Ngôn Ngữ
-
Ngôn Ngữ Chuẩn Mực - Luận Văn, đồ án, đề Tài Tốt Nghiệp
-
Phương Ngữ Và Vấn đề Chuẩn Hóa Ngôn Ngữ | Ngành Văn Học
-
Định Nghĩa Và Ví Dụ Về Tiêu Chuẩn Hóa Ngôn Ngữ - Also See
-
Chuẩn Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Một Số Vấn đề Về Chuẩn Mực Hoá Ngôn Ngữ: Nhu Cầu Mượn Từ
-
Ngành Ngôn Ngữ Học Là Gì? Điểm Chuẩn Và Các Trường đào Tạo
-
Báo Chí Cần đi đầu Trong Chuẩn Hóa Ngôn Ngữ - Báo Nhân Dân
-
Giáo Dục Chuẩn Mực Ngôn Ngữ Giao Tiếp Cho Học Sinh