Chuỗi Cung ứng Toàn Cầu đang Gặp Thách Thức Lớn
Có thể bạn quan tâm
Khó khăn trong duy trì quy trình sản xuất “khép kín”
Trong khi nhiều chủ nhà máy đang cố gắng đối phó với tình hình hiện nay thông qua chuỗi quản lý sản xuất "khép kín" khiến công nhân bị cô lập bên trong, một số cho rằng điều này ngày càng trở nên khó duy trì trong bối cảnh các quy định phòng chống COVID-19 tại các địa phương đang làm phức tạp thêm nỗ lực mua sắm nguyên vật liệu cũng như vận chuyển sản phẩm đi.
Một nguồn thạo tin cho biết, Foxconn Interconnect Technology, một đơn vị của Tập đoàn Foxconn Đài Loan, chuyên sản xuất các thiết bị kết nối và truyền dữ liệu, vẫn duy trì mở cửa hoạt động của một nhà máy ở Côn Sơn - giáp với Thượng Hải, theo quy trình vòng sản xuất “khép kín” song chỉ có thể vận hành ở mức 60% công suất. Hôm thứ Tư, hơn 30 công ty Đài Loan, trong đó có nhiều công ty sản xuất linh kiện điện tử, cho biết các biện pháp phòng, chống COVID-19 ở miền đông Trung Quốc đã khiến họ phải tạm ngừng sản xuất cho đến ít nhất là tuần tới.
Chuỗi cung ứng và kinh tế toàn cầu đang trở nên khó khăn hơn vì cách tiếp cận “không khoan nhượng” với COVID-19 của Trung Quốc |
Trước đó một ngày, tập đoàn phụ tùng ô tô Bosch của Đức cho biết họ đã phải tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy ở Thượng Hải và Trường Xuân, đồng thời đưa hai nhà máy khác vào quy trình sản xuất "khép kín". Cũng trong ngày thứ Ba, Pegatron Corp của Đài Loan - doanh nghiệp lắp ráp iPhone của Apple Inc, đã tạm dừng hoạt động tại Thượng Hải và Côn Sơn.
Sven Agten, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Rheinzink, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng từ kẽm của Đức, cho biết những thách thức về hậu cần khiến quy trình “khép kín” không thể hoạt động tại nhà kho và cơ sở sản xuất ở Thượng Hải và dự kiến đơn vị này sẽ không bán được hàng trong tháng 4 và có thể là cả tháng 5. "Chúng tôi không chỉ cần công nhân trong nhà kho và cơ sở sản xuất để làm việc, mà cần cả xe tải và lái xe để chuyển hàng đi. Đây là hai thành phần quan trọng nhưng hiện tại cả hai đều không thể", ông Sven Agten nói với hãng tin Reuters.
Cách tiếp cận “không khoan nhượng” với COVID-19 của Trung Quốc - mặc dù số ca mắc thấp và ngay cả khi phần còn lại của thế giới đã và đang cố gắng chuyển sang sống chung với coronavirus - đang tỏ ra khó khả thi do khả năng lây nhiễm cực cao của biến thể Omicron nhưng ít gây tử vong. Trong khi đó, nỗ lực “cắt đứt” các chuỗi lây lan ca nhiễm cũng có nghĩa là các cấm đoán đi lại, khoanh vùng dịch tại các địa phương khác còn đang vượt xa cả các điểm nóng về ca nhiễm là Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc. Một nghiên cứu ngày 7/4 của Gavekal Dragonomics cho thấy, đã có 87 trong số 100 thành phố lớn nhất của Trung Quốc tính theo GDP đã áp dụng một số hình thức hạn chế để kiểm dịch. Hôm thứ Bảy tuần trước, nhà sản xuất xe điện Nio cho biết họ phải tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở Hợp Phì của mình - mặc dù cấp địa phương không có lệnh cấm nào - mà vì các nhà cung cấp từ các khu vực khác đã ngừng hoạt động.
Và những tác động toàn cầu
Không chỉ sản xuất khó khăn khi phải đáp ứng quy trình “khép kín” mà khâu vận tải cũng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Trên nhiều tuyến đường, vận tải bằng xe tải đã bị tắc nghẽn, phải xếp hàng dài, chậm trễ và khiến chi phí vận tải tăng cao. Giám đốc điều hành tại một công ty vận tải đường bộ đề nghị không nêu tên cho biết, giá để đặt một chuyến xe tải từ tỉnh Sơn Đông đến Thượng Hải đã tăng hơn gấp bốn lần bình thường, từ 7.000 Nhân dân tệ (1.100 USD) lên 30.000 Nhân dân tệ. "Công ty chúng tôi đã vô cùng khó khăn trong việc tìm kiếm xe tải có sẵn tại gần Thượng Hải trong hai tuần qua vì nhiều tài xế xe tải bị kẹt trên đường cao tốc hoặc bị cách ly trong các thành phố", vị này nói và cho biết thêm rằng, bên ông đang ký hợp đồng phụ cho các đơn đặt hàng - chấp nhận tổn thất - để giữ cho hàng hóa được di chuyển.
Thành phố Từ Châu, một trung tâm hậu cần, vào ngày 8/4 vừa qua đã bắt đầu yêu cầu các tài xế xe tải phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính được thực hiện trong vòng 48 giờ và tiếp tục phải có thêm các xét nghiệm khi đến nơi. Lái xe cũng không được phép ra khỏi xe tải của họ. Trong khi đó, cũng có một số tài xế xe tải đã bị mắc kẹt trên các đường cao tốc sau khi đến thăm các khu vực như Thượng Hải, bởi điều đó có nghĩa là mã sức khỏe trên điện thoại thông minh của họ tự động bị vô hiệu. Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin về một tài xế xe tải đã phải sống trong xe tải của mình trong bảy ngày sau khi đi đến Thượng Hải.
Nhiều tổ chức doanh nghiệp nước ngoài đã lên tiếng về những quan ngại của họ về tình hình hiện nay. Tuần trước, Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc đã gửi một lá thư cho chính phủ nước này, trong đó cho biết khoảng một nửa số công ty Đức tại Trung Quốc đang gặp phải các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt tác động của quy định cấm để đối phó với COVID hiện nay, như tiếp tục giữ cho các cảng và sân bay hoạt động, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo chu trình “khép kín”. Tuy nhiên khó khăn vẫn xuất hiện. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy, số lượng tàu container phải chờ đợi tại Thượng Hải - cảng container nhộn nhịp nhất thế giới - và cảng Zhoushan gần đó đã lên tới 118 - tăng lên hơn gấp đôi kể từ đầu tháng 4 đến nay và tăng gần gấp ba lần so với một năm trước. Hãng vận tải container Maersk của Đan Mạch hôm thứ Hai đã đưa ra khuyến nghị với các khách hàng nên chuyển hướng từ cảng Thượng Hải đang tắc nghẽn sang các điểm đến khác của Trung Quốc.
Với những gián đoạn như hiện nay, các nhà kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5% trong năm nay của Bắc Kinh ngày càng khó đạt được. ING tuần trước đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống 4,6%, từ mức dự báo 4,8% của tổ chức này trước đó. Hôm thứ Tư, Iris Pang, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc của ING, cảnh báo triển vọng tiêu cực đi của kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trên toàn thế giới. “Một vấn đề ở Trung Quốc cũng có thể là một vấn đề đối với nền kinh tế toàn cầu”, bà Iris Pang nói.
Chen Xin, người điều hành một xưởng thêu và tranh may mặc gia đình ở tỉnh Quảng Đông, cho biết từ cuối tháng 3 đã không thể giao khoảng 70-80% đơn đặt hàng vì khách hàng không thể nhận hàng. “Tình hình hiện nay là, tác động của chính sách còn lớn hơn cả dịch bệnh”, người này cho biết.
Từ khóa » Các Chuỗi Cung ứng Khép Kín
-
Chuỗi Cung Ứng Khép Kín Là Gì? - AccNet
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín Với Phát Triển Bền Vững - VILAS
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín được Hiểu Như Thế Nào ?
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín Là Gì
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín Với Phát Triển Bền Vững - Sapuwa
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín Và Vai Trò Của Nhà Tài Trợ Vốn - Sacombank
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín Với Phát Triển Bền Vững Và Nền ... - 123doc
-
Đầu Tư Chuỗi Cung ứng Khép Kín: Tăng Lợi Thế Kinh Doanh
-
Chuỗi Cung ứng Khép Kín Với Phát Triển Bền Vững Và Nền Kinh Tế ...
-
Doanh Nghiệp Cần Xây Dựng Chuỗi Cung ứng Khép Kín
-
Chuỗi Cung ứng Thực Phẩm Là Gì?
-
Phát Triển Bền Vững Trong Chuỗi Cung ứng Tại Việt Nam Trong Giai ...