Chương 3: Phương Diện Hình Thức Nghệ Thuật Trong Thơ Inrasara

>>> Mở đầu

>>> Chương 1: Vài nét khái quát về nhà thơ Inrasara

>>> Chương 2: Phương diện nội dung trữ tình trong thơ Inrasara

Thơ Inrasara trên tiến trình vận động và phát triển đã thể hiện trong đó những đặc trưng về thể thơ với cách sử dụng thể thơ một cách đặc biệt. Trên tiến trình ấy cũng đã thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ và giọng điệu thơ một cách đặc sắc.

3.1. Những đặc trưng về thể thơ

Inrasara là nhà thơ viết theo phong cách khá mới mẻ. Những thể thơ mà ông sử dụng đều là những thể nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, những thể nghiệm ấy đã mang đến cho người đọc một cái nhìn mới về văn học trong giai đoạn  hiện nay. Nền văn học gần hơn với cuộc đời thực, gần hơn với những tâm tư, xúc cảm  của con người. Inrasara sử dụng thể thơ tự do, đậm chất văn xuôi tự sự, cùng với đó là lối thơ vắt dòng và phân cách tạo nên hiệu quả nghệ thuật. Cuối cùng là những thể nghiệm về hình thức thơ mới, mang đến hơi thở mới mẻ cho nền văn học Việt Nam đương đại.

3.1.1. Thể thơ tự do đậm chất văn xuôi tự sự

Thơ Việt Nam trên tiến trình phát triển của mình đã đi qua nhiều sự thay đổi. Những sự thay đổi ấy ảnh hưởng nhiều đến phong cách của mỗi nhà thơ và đến cả những thể thơ mà nhà thơ tìm cách để chuyển tải cảm xúc của mình. Nhà thơ Inrasara, ngay từ lần đầu tiên xuất hiện đã không để cho thơ mình bị bó buộc trong những niêm luật chặt chẽ. Thơ ông phóng khoáng, thể thơ tự do chuyển tải mọi ý nghĩ, tư tưởng và tình cảm tới người đọc. Đọc thơ Inrasra tưởng như ta đang đọc một câu chuyện, đầy nhịp điệu mà vẫn thơ:

“Tôi sinh ra

níu

trần cánh tay cha, sờn lưng áo mẹ

gầy còng

tôi níu vào bóng tháp

tháp luống tuổi

tôi níu vào cái không thể níu

lớn  lên”

                                                (Tôi chẳng có gì trầm trọng cả)

Những câu thơ dài ngắn khác nhau, nối tiếp nhau trong mạch cảm xúc tưởng như đứt đoạn, nhưng lại thể hiện rõ nhất tình cảm của người con xa quê. Hình ảnh quê hương dội về trong kí ức, ngắt từng nhịp. Tuổi thơ gắn với tình yêu cha, mẹ, gắn với những niềm khổ cực cứ đan xen lại với nhau trong nhiều thứ cảm giác. Và với cả tháp, ngọn tháp in hằn vết quê hương, để có thể lớn lên.

Thơ Inrasara cứ đi trên con đường tìm đến với cái bản thể của nó. Đi trong ngôn ngữ vỡ vạc bằng tình yêu và niềm tin. Những dòng tự sự chảy tràn từ tâm huyết, chảy tràn từ hồn sống linh thiêng của đất trời. Đoạn thơ dài rồi ngắn, từng từ vỡ ra từ câu thơ, vỡ ra trong giọng điệu thân quen:

“Bỏ lại sau lưng những ngôi làng mệt nhoài

            hàng cây đơn điệu, lối cỏ rũ buồn

tôi

ngọn gió, ngọn đồi và ngọn bấc

đi

Vội vã

như không kịp cho mặt trời kia gầy đi

                        ngọn đồi kia già đi

như không kịp cho nửa đời còn lại”

                                                (Hành hương em)

Không theo bất cứ một thể thơ nào, thơ Inrasara đi như “ngọn gió lang thang nơi cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp”, đi vào mọi ngóc ngách của tình cảm. Chính vì vậy, thơ Inrasara không hề đơn điệu, không hề nhàm chán, bởi sự cách tân về thể thơ luôn mang lại cho người đọc cảm giác mới mẻ. Inrasara trong cuộc hành trình của mình đã “bỏ lại sau lưng những hàng cây mệt nhoài”, những thể thơ của ông đi qua “hàng cây đơn điệu, lối cỏ rũ buồn” mà không dẫm đạp lên chúng, không để thơ mình như những hình ảnh ấy. Mà thơ ông đi tìm về chân trời mới, đi “vội vã” chỉ sợ không bắt kịp dòng chảy thời gian, chỉ sợ “mặt trời kia gầy đi, ngọn đồi kia già đi” mà đời người thì có hạn, đi để kịp “nửa đời còn lại”.

Càng về sau thơ Inrasara càng gần với cuộc sống đời thường, và thể thơ càng gần với chất văn xuôi tự sự. Những câu thơ dài như một đoạn văn, nhưng vẫn đầy tính nhạc, đầy tính nhịp điệu. Những cặp đối ngắn trong một câu thể hiện sự đặc biệt về thể thơ mà ít nhà thơ nào có được:

“Em đồng nội lang thang sông suối bàn chân trần nhỏ bé

            em mưa núi nắng đồi lũ đồng bão cát bãi nắng

            phanrang cháy da cũng là em tuyết laval cắt thịt”

                                                (Chuyện 4: Chuyện Trà Irahani)

Hay ở một đoạn thơ khác ta cũng thấy rõ nhịp điệu được sử dụng một cách khá lạ:

“Nhớ sáng tạo điệu bước em & ánh mắt em

môi hé em & vùng ngực nõn em. Sáng tạo

bàn tay móng ngắn em & vòng ôm hôn nhiệt tình em”

                                                (Yêu nhau 3 thì – 1.Thì lãng mạn hậu kì)

Ngay từ tập thơ đầu tay rồi những tập thơ về sau và mới đây là tập “Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ Tân hình thức”, thơ Inrasara luôn đậm chất văn xuôi tự sự. Nhưng không hề có sự lặp lại trong từng tập thơ, từng bài thơ cũng như trong từng câu thơ. Sự luôn sáng tạo và mới mẻ, nhất là những thể nghiệm về thể thơ luôn là điều không chỉ độc giả mong đợi mà còn tạo nên những nét khác biệt trong thơ của từng nhà thơ.

3.1.2. Lối thơ vắt dòng và phân cách

Lối thơ vắt dòng là một thể nghiệm mới mẻ về hình thức thơ của nền văn học hiện đại. Ở Việt Nam, chỉ có một vài nhà thơ đi đầu trong cuộc cải cách thơ này. Và một trong những người đầu tiên ấy phải kể đến Inrasara.

Lối thơ vắt dòng là một trong những thể loại của thơ Tân hình thức và thơ Hậu hiện đại. Chữ nghĩa chảy tràn qua từng dòng, không khoảng cách, không giới hạn, dòng nọ nối tiếp dòng kia, từ nọ nối tiếp từ kia. Tưởng như những dòng thơ và mạch cảm xúc ấy không bao giờ dừng lại:

“Nỗi khát ở phía trước

cà phê Đà Lạt đồi rách mộng, bãi biển Quy Nhơn

nát gió, Phan Rang tháp nắng ruỗng mòn

Sài Gòn snack bar hồng, chai Bordeaux

                        chát bồng tâm thức

Hà Nội gọi mời thu cuồng mê”

                                                (Hành hương em)

Câu chữ đi trong nỗi khát khao mong đợi của thi sĩ, khát mọi điều phía trước, khát mọi cảnh đẹp và vẻ đẹp trên khắp đất nước. Nỗi khát khao ấy không thể dừng khi nó đang chiếm lĩnh mọi tư tưởng và tình cảm của nhà thơ. Hình ảnh từng vùng đất hiện lên, qua tâm tưởng, đi qua mọi cảm xúc và tình yêu, đi qua cả những niềm đau khi “bãi biển Quy Nhơn nát gió”, đi qua cả những đam mê của tiết trời mùa thu Hà Nội. Nhà thơ đi cùng ngôn ngữ của mình như một người khách du lịch, nơi nào cũng đầy sức quyến rũ, không thể dừng chân. Dường như ngôn ngữ vắt dòng đã làm tăng thêm nhịp của những bước chân phiêu bạt, vô định mà không hề vô tình.

Hay vẫn là những bước chân, nhưng chậm chạp. Những từ vắt dòng làm câu thơ như dài ra, con đường cũng dài ra theo từng bước mỏi mệt:

“Bao nỗ lực trắng xóa – họ chậm chạp bước đi

lầm lũi như thế. Dọc thế kỉ cuối cùng của thiên kỉ

tiếng nói bã nát giấu vào túi

đội trên đầu cái thúng rỗng, họ đi

biết mình là kẻ cuối cùng”

                                                (Hành hương về bên kia đêm tối)

Những bước chân kia đi về đâu, “chậm chạp” lại kéo dài đến “lầm lũi” như thế. Khoảng cách giữa hai câu thơ không có, sự chuyển đổi chỉ là những cảm giác ngày càng buồn thêm, dài ra, như con đường số phận họ đi sẽ không bao giờ kết thúc. Còn cả những sự chuyển đổi cảm giác, rất gần mà như vừa thực, vừa ảo. Không hề có sự phân tách trong từng câu:

“Nắng Gió Bão Lốc xoáy Giận dữ của biển Vần vụ của mây

Đất Đá Mưa Núi lửa Sa mạc Cồn cát tiếp cồn cát Sóng lừng

Sấm dậy Chớp ngày Nham thạch Thiên thạch Sao hỏa Khủng

long thức và bước đi Vô nghĩa của tiếng hát Máu xanh Rừng

khát Đuôi sao chổi quét ngang không gian”

                                                (Tiếng trống Ginang)

Tưởng như sự phân cách câu không rõ ràng, những động từ mạnh liên tiếp và nối tiếp nhau tạo nên nhịp điệu dồn dập như tiếng trống Ginang. Nhà thơ, đã để cho thị giác người đọc bắt gặp những từ ngữ viết hoa, cũng là một cách để ngăn nhịp cho câu thơ. Ta có thể đọc như:

“Nắng

Gió

Bão

Lốc xoáy

Giận dữ”

Những câu ngắn và cảm xúc mạnh ngập tràn. Không hề ngắt câu mà như ngắt câu, còn những chỗ tưởng như ngắt câu lại không hề ngắt câu:

“{…} Sao hỏa Khủng

long thức và bước đi {…}”

Đặc biệt, ở tập thơ mới được xuất bản gần đây “Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ Tân hình thức” lối thơ vắt dòng được sử dụng một cách đậm đặc và rõ nét, làm nên chỉnh thể một câu chuyện. Hầu như tất cả những bài thơ trong tập thơ này đều là sự thể nghiệm một cách mới mẻ, đầy sáng tạo, đi vào con đường mà chỉ ít nhà thơ hiện đại Việt Nam dám đi. Đương đầu với những khó khăn và thử thách, đồng thời cũng tạo nên một phong cách mới mẻ cùng sự chuyển đổi cảm giác trong thơ, Inrasara cho chúng ta thấy sự đẹp đẽ và được lạ hóa khi những câu dài triền miên, có sự phân tách nhưng không có điểm dừng cụ thể:

“Mẹ dắt anh chị em tôi đi trốn

năm sáu ba. Không đâu xa mẹ dắt

qua nhà bà cô cách ba ngõ, mẹ

nói ngủ lại bà cô côi cút. Tôi {…}”

                                    (Chuyện 1: Chạy dịch)

Điểm dừng không nhất thiết là ở cuối dòng mà có thể dừng ở ngay trong câu:

“Tôi có thằng bạn mắc bệnh ăn

chữ. Không thứ gì khác hắn ăn

sáng trưa chiều hắn nhai ngấu nghiến.

Vợ hắn khóc hai năm nay rồi”

                                                (Chuyện2: An chữ)

Lối thơ vắt dòng là một đặc điểm của thơ không vần và thuộc một phần trong thơ Tân hình thức. Kiểu thơ đọc liên tục từ dòng này sang dòng khác, lập lại những nhóm chữ để tạo thành điệp vận và vần không hợp cách. Theo Khế Iêm, “thơ Tân hình thức Việt sử dụng ngôn ngữ đời thường, kết hợp với một số yếu tố và kĩ thuật của thơ tự do tiếng Anh, phá vỡ âm hưởng Tiền chiến, chấm dứt nửa thế kỉ dậm chân tại chỗ của thơ”[1] . Thơ Việt đã trải qua nhiều sự thay đổi về thể thơ, nếu ở phép làm thơ của thơ Đường với luật bằng, trắc, vần và cao độ, với niêm luật chặt chẽ, thì sang đến thơ Tiền chiến chỉ còn giữ lại vài yếu tố như vần, trau chuốt chữ và cách đọc ngừng ở cuối dòng. Thơ Tiền chiến là cảm xúc, nhẹ nội dung, có những vần điệu du dương nên thường được phổ nhạc hết sức thành công. Còn thơ Tân hình thức với chữ nghĩa, hình ảnh bóng bẩy và cầu kì không còn, chỉ còn sự đơn giản, tự nhiên như một dòng đời sống. Vần và chỗ ngắt không bất di bất dịch chỉ ở cuối dòng mà như thơ tự do, xuất hiện ở những chỗ không thể đoán trước. Từ truyền thống đến thơ tự do và Tân hình thức, thơ như sợi chỉ xuyên suốt luôn luôn đổi thay phù hợp với nhịp đập mỗi thời đại. Và Inrasara đã bắt kịp dòng chảy ấy, hòa mình vào để yêu hơn ngôn ngữ dân tộc, thứ ngôn ngữ đầy tài hoa mà đẹp đẽ. Đồng thời lối thơ vắt dòng trong thơ Inrasara cũng đã tạo nên những hiệu ứng nghệ thuật về sự chuyển tải cảm xúc cũng như cách kể chuyện đầy tính sáng tạo.

Ngoài lối thơ vắt dòng, thơ Inrasara có những sự phân cắt trong từng dòng thơ. Những phân cắt ấy nhiều khi là những khoảng trắng được dựng trong những câu thơ dài ngắn khác nhau. Khoảng trắng trong thơ hay là khoảng trắng trong tâm hồn thi sĩ:

“ Tôi đang                 làm gì             là gì

nhà thơ           nhà nghiên cứu         nhà kinh

doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước

chắc chắn tôi là chim          kiếp sau

làm loài ếch              có lẽ               kêu ồm

ộp ngoài                                mưa”

                                    (Chuyện 1: Chuyện tôi)

Sự cô đơn và vô định của người thi sĩ trước sự đổi thay thời cuộc, những câu hỏi tưởng chừng như muôn đời của thế gian “tôi đang làm gì, là gì…” như in sâu vào tâm trí của con người mang tâm thế cô đơn. Nhưng Inrasara đã để cho những khoảng trắng xuất hiện giữa những dòng thơ, như một khoảng lặng để mà nghĩ suy, để mà tìm cho mình một điều gì đó bình yên giữa cuộc sống xô bồ. Hay tác giả đang tự hỏi mình, khoảng trắng đó để những câu hỏi dài ra, sâu thêm, để lắng lại tâm hồn. Tự hỏi mình là ai trong cuộc đời, cũng như khi tác giả để cho những kí ức tuổi thơ dội về, để “trăm con sông ôm ấp tuổi dại mình”. Khoảng trắng cũng đập vào thị giác người đọc, làm lạ hóa những câu tưởng chừng đơn giản mà đầy những hàm ý của tâm tư tác giả. Người đọc có thể nhận ra được tâm thế của người thi sĩ giữa những đường biên, giữa những nghĩ suy về thời cuộc và về chính bản thân mình.

Sự phân cắt trong từng dòng còn được thể hiện bằng một hình thức khác, đó là việc sử dụng những dấu gạch chéo, mạnh mẽ, quyết liệt:

“Hãy học ngợi ca và tha thứ, ơi người anh em

ngợi ca người tha phương / kẻ ở lại

ngợi ca người vợ biết an ủi vỗ về / cả bà vợ mút mùa cẳn nhẳn

ngợi ca người tình thủy chung / im lặng trước tình nhân trơn trượt

ngợi ca người bạn ghé lưng gánh việc /

                                    tha thứ thằng bạn nhát hèn chạy trước

ngợi ca kẻ thù có ích / đứng dậy rời khỏi bàn kẻ thù bé nhỏ dễ làm

                                    suy nhược thần kinh ta”

                                                (Khởi động của khởi động)

Không còn là những khoảng lặng để suy tư, ngẫm nghĩ, những dấu gạch chéo ( / ) thể hiện sự quyết đoán mang tính lí trí của người thi sĩ. Giờ đây, người thơ không còn phải băn khoăn trước sự đổi thay của thời cuộc nữa, mà là sự quyết định trong tầm tay của anh ta. Hoặc là làm cái này, hoặc là cái kia. Tự mình quyết định hạnh phúc cho bản thân mình, anh hoặc là ngợi ca hoặc là tha thứ. Ngợi ca cho những tâm hồn đẹp đẽ luôn đi tìm về phía chân trời mới đầy hoài bão, tự do và thứ tha cho những tâm hồn nhiều khi lầm lạc, có khi thứ tha cả những gì nhỏ bé, đơn điệu, không xúc cảm. Sự ngắt câu bằng gạch chéo thể hiện hai mảng đối lập nhau nhưng luôn song trùng nhau trong hiện tại, buộc ta phải có sự quyết định của bản thân. Những câu chữ dường như không đầu không cuối nhưng nhờ sự đối lập đã tạo ra những nhịp điệu và âm hưởng cho dòng thơ, đoạn thơ, cho thấy sự nhịp nhàng của ngôn ngữ.

Lối thơ vắt dòng và phân cắt là một hiện tượng của thi pháp nghệ thuật hết sức đặc sắc tạo nên những âm hưởng mới cho thơ hiện đại. Tâm hồn thi sĩ được trải dài và mênh mang trong những câu thơ dài ngắn vần vè không cố định, hay là những khoảng lặng tâm hồn trong từng khoảng trắng của câu chữ, hoặc chính lại là sự can thiệp của lí trí giữa những câu ngắt dòng gạch chéo. Từ những thủ pháp nghệ thuật này ta hiểu hơn về tâm hồn thi sĩ Inrasara trong tiến trình phát triển của thơ ca hiện đại Việt Nam đồng thời cũng thấy được sự nhạy bén và luôn bắt kịp những xu hướng thơ trên thế giới.

3.1.3. Những thể nghiệm hình thức thơ mới

Trên con đường tìm đến với cái đẹp tìm đến với những điều mới mẻ đều đòi hỏi phải có sự thể nghiệm, nhất là đối với thơ. Sự lặp lại quá nhiều một thể thơ thường gây đến sự nhàm chán cho người đọc, vì vậy nhà thơ phải biết đi tìm cái mới, điều khác biệt để không bị trộn lẫn và vùi lấp giữa bao nhiêu thứ bộn bề của đời thường. Inrasara luôn đi tìm cho mình cái mới mẻ ấy, bởi Inrasara đã khẳng định và cho chúng ta thấy thiểu số là ít chứ không hề là nhỏ. Ông đã có những bước tiến trong việc sử dụng những hình thức thơ mới.

Trước hết là việc sử dụng những câu thơ dài triền miên, bất tận, đọc không đoạn ngắt, không chấm câu, không phẩy câu. Một hơi thơ như gió miền duyên hải cứ cuốn mãi, cuốn mãi không dừng:

“Con đường vẫn trầm vọng gọi băng qua những tầng dày mò lịch sử dưới lớp sóng phế hưng của vạn ngàn triều đại đã qua và vạn ngàn triều đại sắp tới”

                                                (Con đường lửa thiêng)

Hay:

“Những kẻ không lời ra đi còn ngoái lại trông

gió thổi vào khoảng không họ bỏ lại

trôi những cánh đồng, rữa những mái núi

cho lộ thiên đồi tháp ủ niềm bí mật câm

thắc thỏm qua bước bạo động của thời gian”

                                                            (Cái nhìn ngoái lại)

những câu thơ hay tiếng lòng thi sĩ, trôi dạt mãi mà không có bến dừng. Tưởng chừng như câu thơ có vẻ rườm rà nhưng thực ra chính nó mới thể hiện đầy đủ, trọn vẹn nhất tâm hồn, tình cảm và tư tưởng mà tác giả muốn gửi gắm. Thơ đọc liền mạch không ngừng nghỉ cho thấy người thi sĩ cứ để mình trôi theo dòng cảm xúc. Cũng từ đó người đọc nhận ra xu hướng thơ ngày càng gần với văn xuôi, ranh giới giữa thơ và văn xuôi gần như chỉ còn là một khoảng cách không rõ nét.

Thứ hai, trong khi diễn giải những cảm xúc, tư tưởng và tình cảm của mình Inrasara thường để cho người đọc hướng đến và chú ý vào những điểm quan trọng. Ông thường sử dụng dấu ngoặc đơn nhằm giải thích ý nghĩa và những điều vướng mắc:

“Một câu tục ngữ – một dòng ca dao

nửa bài đồng dao – một trang thơ cổ

tôi đi tìm và nhặt

như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ

(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)”

                                                (Ngụ ngôn của đất)

Tưởng chừng giữa những dấu ngoặc đơn ấy chỉ để giải thích cho người đọc hiểu rõ hơn về những hoàn cảnh xuất hiện tư tưởng, nhưng cùng với đó chính là điều quan trọng nhất mà tác giả hướng đến cho người đọc. Hay đoạn thơ:

“Hôm nay về với nước mắt chảy dài

Em nhìn quê hương – quê hương nhìn em thầm lặng

Trên vầng trán chờ đợi đã hằn sâu. Im lặng

(Ngôn ngữ thành thừa nơi xứ cô đơn)”

                                                (Trường ca quê hương)

Trước sự cô đơn của con người, ngôn ngữ chỉ là sự thừa thãi bởi đã thiểu số giữa lòng đa số, dường như ngôn ngữ là thứ hàng quá xa xỉ. Sự giải thích ngắn gọn nhưng đem đến cho người đọc thấy rõ ý tưởng tác giả muốn chuyển tải.

Cũng là một sự thể nghiệm, Inrasara là một trong những người đi đầu của cuộc cách mạng về thơ Tân hình thức và Hậu hiện đại. Ông thể hiện một con người thơ luôn sát bước cùng thời đại. Tân hình thức chỉ là cách trình bày cho thơ mới lạ. Bài thơ đôi khi là một chuỗi liên hệ âm, thanh vần, phép nói lại trong ngôn ngữ nối tiếp hoặc chồng chéo lên nhau, lồng vào nhau như ma trận chữ nghĩa, mọi hình ảnh và ý nghĩa dẫm đạp và xô đẩy nhau tạo thành một văn bản rối mù. Nhưng không phải vì thế mà không chuyển tải ý nghĩa. Chính tinh thần hậu hiện đại mới là điều đáng nói trong tư tưởng và hành động của Inrasara. Inrasara tiếp thu tinh thần này và biến hóa một cách vững vàng tự tại, giá trị của tiểu tự sự cũng như bình đẳng với đại tự sự. Mọi thứ đều có thể xếp ngang hàng nhau tùy ý muốn của con người:

“Nó không                             đói

nó thấy đứa con trai đầu mặc xà

lỏn                              dúm đất sét đống đồ chơi

điện tử đắt tiền tan chảy                 trôi đi

tan chảy tiền nhà băng                   xe hơi mới

tậu trôi đi                  phấn               son môi bà vợ

cô bồ nhí thơm múi mít trôi                        đi”

                                                (Chuyện 10: Chuyện nó)

cứ như vậy thơ Inrasara ngập tràn những ẩn ngữ, ẩn ngữ về cuộc đời, con người và những số phận cùng cuộc hành trình đến cuộc sống.

Những thể nghiệm về hình thức thơ mới đã làm nên một Inrasara rất riêng, không trộn lẫn. Inrasara thổi hồn vào từng câu chữ, diễn đạt nó bằng những sự sáng tạo của riêng mình. Chuyển tải dược mọi nội dung và ý nghĩa bằng lối thơ đặc biệt ấy, Inrasara cũng đã tạo nên một dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc.

3.2. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ và giọng điệu thơ

Một con người một khi đã chọn con đường văn chương làm lẽ sống thì luôn tìm cách tạo nên một nét riêng, nét độc đáo không thể trộn lẫn giữa mình với những người khác. Thơ không chỉ thể hiện tiếng lòng, mà đôi khi nó còn là sự phá cách, chơi chữ, sự làm khác và làm mới chính mình. Chính vì vậy, nghệ thuật sử dụng ngôn từ và giọng điệu thơ làm nên phong cách cho một nhà thơ. Thứ ngôn ngữ mà hằng ngày chắt lọc được, đưa vào thơ trở thành điểm nổi bật cho sự phân biệt và giọng điệu thơ chính là tính cách mà anh ta thường thể hiện.

3.2.1. Nghệ thuật trùng điệp và sự phá cách của ngôn từ

Inrasara từng nói: “Thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến phương trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ”[2]. Ngôn ngữ là tiếng nói của dân tộc, mang bản sắc và văn hóa dân tộc. Sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để làm nổi bật văn hóa mình là điều không phải bất kì ai cũng làm được và làm tốt. Nhưng với Inrasara con người đứng giữa đường biên văn hóa Việt – Chăm ấy đã tạo nên sức hút kì diệu của ngôn từ. Với tiếng Việt ông tha thiết, với tiếng Chăm giống như là máu mủ của ông. Có thể nói Inrasara là nhà thơ dân tộc thiểu số Chăm biết dung hợp cả hai yếu tố Việt – Chăm, làm sáng lên văn hóa của cả hai dân tộc này.

Inrasara sử dụng nghệ thuật trùng điệp trong ngôn từ một cách hiệu quả, không còn là chữ nghĩa vô tri, nghệ thuật trùng điệp trong câu thơ làm nên nét nhạc, đồng thời cùng với đó là dòng tư tưởng của tác giả. Yếu tố lặp từ được sử dụng khá nhiều trong thơ Inrasara:

“như thể sắp mưa

như thể sự thành khẩn, như thể một bài thơ

như thể mâm cơm thân mật

như thể một bài phê bình

như thể cơn gió lạ sắp quét qua đồi trọc

như thể điếu văn thương tiếc nhưng không

như thể cuốn tiểu thuyết vừa khóc chào đời

nhưng không”

                                                (Cuộc sống nhưng không)

hàng loạt “như thể”, một giả định, một hiện thực tưởng như xảy ra nhưng lại không xảy ra. Tác giả dường như đứng giữa đường biên thực và ảo, đang tìm lối đi cho mình. “Như thể” lặp đi lặp lại, thấy hiện thực xa mờ. Để rồi cuối cùng trở lại với cuộc sống sau một chuỗi “như thể” ấy là “nhưng không”, chẳng có gì là thực, tất cả chỉ là những ảo ảnh, những giấc mơ không thực.

Cùng với phép lặp từ là phép lặp câu cũng đã thể hiện nghệ thuật trùng điệp một cách đầy hiệu quả:

“Sẽ bật lên

Tiếng thơ đến sau tiếng thơ cuối cùng

Hơi thơ dài lâu nén lồng ngực

Sẽ bật lên

Hạt mầm vùi sâu hơn hạt mầm vùi sâu nhất

Sau trận mưa tháng năm

Rì rào cho đời khúc hát xanh”

                                                (Ngụ ngôn viết cho mình)

Câu thơ ngắn “Sẽ bật lên”, hành động dứt khoát thoát ra khỏi những thứ vùi lấp, cái sáo mòn cũ kĩ. Chính ở đây tác giả đã đi sâu vào khám phá bản thể mình, có một sức mạnh để khẳng định mình. Bật lên tiếng thơ từ những hơi thơ nén trong lồng ngực hay chính là bật lên tiếng lòng mình trong cuộc sống bề bộn này. Bật lên những hạt mầm vùi sâu trong lòng đất để hứng hơi thở đất trời, gom góp vào đất trời thêm một mầm cây, để khám phá cuộc đời.

Hay là phép lặp câu trong sử dụng liên tục những câu thơ ngắn:

“Chợt trang nghiêm nắng viện bảo tàng

Chợt kiêu sa thoáng cao ốc Sài Gòn

Nhảy múa

Nhảy múa

Nhảy múa”

                                                (Apsara – vũ nữ Chàm)

Tạo nên hiệu quả nghệ thuật không ngờ. Từng nhịp múa tưởng như cứ lặp đi lặp lại trước mắt, uyển chuyển nhịp nhàng. Giữa cuộc sống đời thường có thể tìm thấy đâu được vẻ đẹp quyến rũ của những điệu múa cuốn hút ta đến như vậy. Nhưng còn hơn thế nữa, câu thơ ngắn “nhảy múa” còn là nhịp của cuộc sống đời thường, nhịp sống đang từng ngày chảy trôi:

“Chảy đi

Chảy đi

Chảy trôi đi

Chảy trôi tất cả đi…”

                                                (Tụng ca của nước)

Sự phá cách của ngôn từ được Inrasara thể hiện qua những hình thức thơ độc đáo. Nếu lối thơ vắt dòng và phân cắt trong từng dòng thể hiện những cách tân nghệ thuật để làm nền cho tư tưởng tác giả diễn đạt, thì ở đây từng từ lại không hề có khoảng cách. Sự viết liên tiếp các từ không ngừng nghỉ trong tiếng Việt là chưa từng có. Vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết, viết liền mạch sẽ tạo nên những chữ tưởng rằng không hề có ý nghĩa nếu không biết cách phân tách từng từ. Inrasara đã sử dụng ngôn ngữ như một chất liệu nhào nặn bằng mọi phương pháp, làm nên một văn bản độc đáo. Ông viết:

“{…} lang thang mãi khu rừngnguyênsinhem

{…} anh có tin vào rừng phìnhiêuem ?

{…} Chỉ rừngphìnhiêuem là tặng vật của mối nguồn

chỉ đồngmẫuhệnhiệmmàuem là mùa màng vô tận”

                                                (Liên khúc chuyện tình vùng cao)

từ ngữ không có khoảng cách hay là dòng tư tưởng, tình cảm của tác giả cứ muốn nó liên tục như thế, không mất đi mà in sâu vào tâm trí. Chữ viết Việt Nam, từ những kí tự Latinh bình thường, giờ đây dưới con mắt của Inrasara, như một tác phẩm nghệ thuật mà người đẽo gọt nó nhất định phải yêu và hiểu ngôn ngữ như chính giọt máu của mình vậy.

Ngôn từ còn được phá cách  hết sức độc đáo khi nhà thơ chèn những kí tự đặc biệt vào giữa các từ. Ngay tựa đề bài thơ tác giả đã viết “Thì H{ậu h}iện đại” đã cho thấy sự mới lạ và đẹp đẽ của ngôn từ Việt. Đồng thời tác giả cũng đã để lại sự tò mò cho độc giả, thực ra ý tác giả là hậu hiện đại hay hiện đại, hay chúng ta đang đứng giữa đường biên của H{ậu h}iện đại để phán xét và tìm con đường đi cho riêng mình. Quay về với cái truyền thống hay tiếp tục dấn thân trên con đường văn chương ngày càng mới lạ về cách sử dụng từ ngữ. Điều đó chỉ có mỗi người mới tự trả lời được. Còn với Inrasara thì sáng tạo ngôn ngữ riêng của mình trong ngôn ngữ cộng đồng, phiêu lưu đi tìm dưỡng chất mới cho mùa màng văn học dân tộc.

3.2.2. Những cách tân của giọng điệu

Không chỉ ngôn từ được sử dụng một cách đầy hiệu quả và mang tính nghệ thuật như thế, giọng điệu trong thơ Inrasara cũng đã làm nên nét riêng, mới lạ. Nhịp điệu quan trọng hơn cả. Ngôn ngữ mới luôn cần hình ảnh lạ, nhưng chính nhịp điệu làm bài thơ tồn tại như là bài thơ. Từ những tập thơ đầu tiên, Inrasara thể hiện giọng điệu khá thân quen, là thể thơ tự do nhưng sự chông chênh về câu chữ với những thanh âm tạo nên một Inrasara với tấm lòng thơ được trải dài:

“Ôm hoài vọng của đuôi sao chổi

Giấu chút nắng quê hương vào túi

Làm hành trang mai mốt tìm về”

                                                (Những bước chân xa)

Nhịp điệu thơ chậm, một hồn thơ rung cảm trước sự ra đi. Vẫn biết ra đi là tìm một chân trời khác, nhưng vẫn lưu giữ chút hình ảnh miền quê nghèo đói. Tâm hồn thi sĩ Inrasara hôm nay như tâm hồn người chiến sĩ năm xưa cuă Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Đến những tập thơ sau nhịp điệu vẫn mang tính chủ động khi trong nó là cả một tâm hồn thi sĩ rung động trước mọi biến đổi của thời cuộc:

“Tôi còn buồn là tôi còn sống

tôi còn viết là tôi còn yêu

tôi hết yêu là tôi đã chết”

                                                (An ngữ Pauh Catwai)

Đi cùng với truyền thống, Inrasara có những cách tân về giọng điệu trong thơ. Sự nhịp nhàng uyển chuyển của sự kết hợp những điệp từ điệp ngữ làm nên nhịp điệu khá lạ:

“Ra đi từ sầu của mây, từ lạc của lòng

từ bạc của lời, từ im tiếng khóc

từ lặng câm của đêm đồi trọc”

                                                (Những bước chân xa)

ở đây cũng có sự kết hợp của vần và những âm cuối, tuy nhiên những thanh bằng, trắc chính là thứ tạo nên nhịp điệu của ngôn từ. Inrasara làm thơ như là một trò đùa bất tận, trò đùa trong sự bất lực tận cùng của ngôn ngữ. Ông phó thác cho ngôn ngữ thao túng, dồi tung. Cái ông giữ lại được chính là cái nhịp điệu, ông thả hồn cho ngôn ngữ nhưng lại chi phối nó trong nhịp điệu ngôn từ mình.

Ngay cả ở những câu thơ dài như kéo ngân thêm thời gian, nhịp điệu vẫn cứ lẩn khuất trong từng câu, từng chữ:

“Không bình thường chút nào kẻ giữa trận trường kì ăn

độn cứ tìm cho ra gói Jet phả khói trầm tư về

cõi hủy phá & sáng tạo, hủy phá để sáng tạo,

hủy phá @ sáng tạo, anh chàng Shiva thiên kỉ

xưa chịu chơi thế là cùng”

                                                (Chấm phá Trà Vigia)

Có thể nói, với nhịp điệu, Inrasara đã tạo nên một nét riêng, khác biệt, không trộn lẫn. Nhịp điệu được sử dụng khá hiệu quả và thu hút bởi sự lôi cuốn của những ẩn ngữ và sự kết hợp tài tình trong luật bằng, trắc.

3.3. Phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật

3.3.1. Hình tượng song trùng của hiện thực và tâm linh

Để đạt được sự thành công trong việc chuyển tải những cảm xúc, tư tưởng của mình, nhà thơ xây dựng nên những hình tượng nghệ thuật với sự đời thường nhưng ẩn giấu trong nó là chất men để làm nên cái đặc biệt. Inrasara thành công với việc xây dựng hình tượng song trùng giữa hiện thực và tâm linh.

Ngay từ những tập thơ đầu tiên, Inrasara đã đưa người đọc vào thế giới của cát, nắng, gió và xương rồng. Không phải những hình tượng thật quá xa lạ, mà là những hình tượng gần gũi với cuộc sống con người. Nhất là hiện tượng gợi về trong nó thế giới của tuổi thơ, của cực nhọc và của cả niềm vui, nỗi buồn. Tâm tư con người được gửi cả trong nó:

“Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã

Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá

Quê hương cằn khô nóng bức nghèo nàn

Quê hương buồn. Quê hương yêu thương

Quê hương em lũ trẻ con chơi bẩn”

                                                (Trường ca quê hương)

Những hình tượng cứ liên tục xuất hiện, chỉ ra thế giới hiện thực còn đầy những niềm đau, niềm thương cảm. Nhưng không phải vì thế mà con người rời bỏ nó. Quê hương buồn đấy nhưng vẫn là quê hương yêu thương, yêu từ trong tấm lòng của người con xa quê, nhớ về quê trong niềm da diết được trở về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Đất, đá, cát, xương rồng… những hình tượng ấy gián tiếp nói về quê hương ông, đã lưu giữ trong tâm hồn ông từ lúc thiếu thời. Cái nghèo khó và cả những niềm thương đều được cất giấu, ẩn trong những hình tượng ấy, một cách gián tiếp nói về tình yêu quê hương của tác giả, gián tiếp nói về tấm lòng của người con xa quê luôn hướng về quê hương trong cái nhìn đầy những cảm thông nhưng vô cùng đẹp đẽ.

Đối với Inrasara hình ảnh tháp là một hình tượng đặc biệt, trở đi trở lại, không chỉ gián tiếp nó về quê hương gầy, quê hương xanh xao mà ở đây hình tượng hiện thực ấy còn có sự song trùng với tâm linh. Tháp hiện lên, mỗi lần khác biệt, giữa cái tháp hoang, tháp nắng, tháp lạnh ấy đều là những tâm tư không thể nào đoán định. Tháp hoang xuất hiện “thình lình mọc lên từ đất” với khuôn mặt lông lá – âm u – dọa nạt, là “ung nhọt trên làn da mềm mại”. Tuy vậy, tháp, cái linh hồn của đất trời Champa ấy vẫn vươn mình đứng lên như quen thân, như xa lạ, để đôi khi ta tìm về đó trú ẩn thì “hồn tháp đã bay xa” để lại những kí ức về một thời huy hoàng của vương quốc Chăm. Sự thờ ơ, hờ hững của con người đã không thể níu chân tháp, níu chân một người bạn quen thân, có tấm lòng bao dung, rộng mở. Bởi tháp dù “người bỏ rơi – lịch sử bỏ quên” thì bước chân thời gian vẫn nhớ, nhớ về một kí ức đẹp đẽ.

Còn tháp nắng thì như ngàn đời nay “Biết mấy vạn đời rồi tháp đứng

                                                                                                trên đồi hoang

                                                                                                            như dấu lặng

                                                                                                                        phơi bày”

(Tháp nắng)

cũng là sự hoang tàn, sự thờ ơ của con người trong cả hoang mạc của lòng nhân gian lạnh. Không có một sự ngợi ca nào nhưng tháp vẫn đứng, chống chọi với thời gian và cả sự biến đổi của lòng người. Rồi đột nhiên:

“Thoáng sát na không gian bùng vỡ

Tháp hiện nguyên hình

                        tháp nắng

                                    thênh thang”

            `                                   (Tháp nắng)

Sát na là chữ của nhà Phật dùng để chỉ một khoảng thời gian rất ngắn như tia chớp nhưng trở thành vĩnh cửu. Vẻ đẹp tháp nắng giữa sát na ấy không phải ai cũng nhìn thấy được, chỉ có người con tha thiết và yêu Chăm mới cảm nhận một cách sâu sắc. Và dù chỉ là một thoáng sát na thì tháp vẫn là đẹp, vẫn là vĩnh cửu trong vẻ đẹp mang đầy tính tâm linh ấy.

Còn “Tháp lạnh” thì như một người phụ nữ trông chồng kia, tháp với “cánh tay gầy để vuột mất đàn con – chỏng chơ tháp đứng”. Ở đây còn cả sự cô đơn, bất lực. Trước bão gió của thời gian ướt đầm, ướt dầm ấy chỉ để mình tháp gánh chịu, mình tháp đau khổ. Trong tâm hồn tháp vẫn “nhớ hơi ấm người, nhớ nắng bàn chân” nhưng cũng như tháp hoang, tháp lạnh, tháp nắng đang cô đơn bởi chính sự thờ ơ của con người, sự lạnh lùng của con người đối với những di tích đã làm nên Champa huy hoàng.

Ngoài hình tượng tháp thân quen, giữa sự song trùng hiện thực –  tâm linh ấy, những hình ảnh về quá khứ xưa cũ cũng thể hiện tâm linh một cách sâu sắc. Hình ảnh Apsara – vũ nữ Chàm với nụ cười phiêu lãng trên môi vẫn còn đó, nhắc nhớ con người về một hình tượng đẹp đẽ nhưng đang dần đi vào quên lãng. Để rồi Apsara mang hình hài vũ nữ ấy, với “đường cong diễm ảo khơi vơi” (Apsara – vũ nữ Chàm) ấy đi về với cõi đá “cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương”. Chỉ bởi một thoáng sát na kia thành vĩnh cửu mà Apsara – vũ nữ mang tính tâm linh đẹp đẽ.

Đi qua những đất, đá, nắng, gió, đi qua cả tháp, ta thấy hình tượng hiện lên đẹp đẽ mang đầy tính hiện thực nhưng cũng không kém phần linh thiêng, đó là hình ảnh cây xương rồng. Ngay từ đầu, cây xương rồng trong con mắt nhà thơ đã như một “nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang”. Đi “lạc bước qua triền đồi quê tôi để chịu bị cầm tù trong cát”. Xương rồng chịu những nỗi đau khổ như con người ở đây. Nhưng còn hơn thế, xương rồng gắn với tâm hồn con người để khi đi xa không người con nào là không nhớ, không ai là quên về những cát nắng hanh hao, về quê hương và con người đó. Rồi để khi bất hạnh trong cuộc sống, gặp những khổ đau không thể chịu đựng nổi thì:

“Tôi vội vã quay về quỳ dưới chân đồi và khóc

Cây xương rồng nhìn tôi với đôi mắt lửa và vỗ về tôi bằng bàn tay gai nhọn hoắt” (Sinh nhật cây xương rồng). Xương rồng không chỉ đơn thuần là hình ảnh quê hương nữa, nó đã trở thành nỗi an ủi những tâm hồn lầm lạc, như người cha, người mẹ dẫn đường con đi, chỉ những điều đúng – sai khi người con tha phương trở về.

Còn đó những hình tượng song trùng giữa hiện thực và tâm linh, con đường – nơi dẫn con người về với quê hương, con đường dẫn cả những tâm hồn trở về với bản thể của nó. Rồi hình tượng ngôi nhà – nơi trú ẩn của con người đồng thời là nơi trú ẩn của những niềm khát khao đẹp đẽ… Hiện thực – tâm linh hòa trộn với nhau, một sự hòa quyện mang đầy những niềm thương, nỗi nhớ, tình yêu và niềm hi vọng. Tâm linh và hiện thực, hiện thực và tâm linh trong thơ Inrasara là nét đặc biệt, nét khác biệt để ngôn ngữ thổi hồn vào di tích, mang đến nhiều sự cảm nhận mới mẻ.

3.3.2. Hình tượng mang tính đồng hiện

Ngoài tính gián tiếp, hình tượng trong thơ Inrasara còn mang tính đồng hiện. Đồng hiện tức là những hình ảnh song song xuất hiện với nhau làm nền cho nhau để biểu hiện một tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn truyền đạt.

Sự đồng hiện giữa “anh” và những con người quanh anh dường như cho chúng ta thấy sự ngăn cách giữa những tâm hồn con người:

“Em trách anh mãi triết lí xa trong khi mắt mẹ buồn gần

Gót chân gái quê lấm lem mà tứ thơ anh cứ là sang trọng”

                                                                                    (Xa và gần)

Tâm hồn con ngưòi chẳng thể gần nhau được nữa. Nghệ thuật đồng hiện nhưng lại thể hiện sự xa cách. Điều đó làm nên những nét khác biệt so của thơ Inrasara đối với những nhà thơ khác.

Còn có những sự đồng hiện không chỉ là hai hình ảnh nữa:

“Một ánh nhìn của cha

nửa nụ cười của mẹ

và hai bàn tay diệu vợi của em

giữa mênh mông màu nắng quê hương

hỏi tôi còn tìm thiên đường đâu nữa”

                                                (Ngụ ngôn của đất)

sự đồng hiện này lại thể hiện một tư tưởng khác của tác giả. Yêu quê, nhớ về quê là nhớ về cha, về mẹ, về người em nơi thôn dã. Chính điều đó làm nên một tâm hồn thơ dạt dào, đầy tình yêu, đầy ước vọng.

Nghệ thuật đồng hiện còn được thể hiện ngay trong hình thức nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng, Đó là sự phân cắt câu thơ bằng gạch chéo:

“Trong khởi đông khó nhọc này

chúng ta vẫn là kẻ đứng ngoài rìa

thứ đồ cổ ngoài rìa cuộc sống sinh vật đang hình thành

chúng ta được đo đếm / thỉnh thoảng được sơn phết

chúng ta được xoa đầu / được vỗ vỗ vào má

chúng ta được đem cất / đôi lúc được bày ra

người ta ăn nói như thể rất có chúng ta /

vẫn như là chúng ta vắng mặt”

                                                (Khởi động của khởi động)

Nghệ thuật đồng hiện đã làm hiện lên bức tranh hiện thực, như có chúng ta mà cũng như không có chúng ta. Tất cả những hành động đó chỉ như là sự giả tạo mà con người cố tình tạo ra trong “khởi động khó nhọc này”.

Có thể nói với nghệ thuật đồng hiện, Inrasara đã làm nổi bật lên những tư tưởng cũng như tình cảm của riêng tác giả. Nghệ thuật đồng hiện giữa những sự soi chiếu làm cho câu thơ có hồn, có nhịp điệu, thể hiện phong cách, nét riêng của tác giả. Nghệ thuật đồng hiện là một trong những phương thức nghệ thuật đặc trưng cho thể loại thơ tự sự trong dòng chảy của thơ Việt hiện đại nói chung và thơ Inrasara nói riêng.

[1] Khế Iêm, Chú giải về thơ Tân hình thức, tanhinhthuc.com.

[2] Lương Ngọc An, phỏng vấn Inrasara, báo An ninh Thủ đô, ngày 17. 8. 2005.

Share this:

  • Twitter
  • Facebook
Like Loading...

Từ khóa » Thế Nào Là Câu Thơ Vắt Dòng