Con Sinh Ra Nhờ Mang Thai Hộ Là Con Của Ai? - Luật Hoàng Phi

Mục lục bài viết

Toggle
  • Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?
  • Về thẩm quyền cấp giấy chứng sinh:
  • Chế độ thai sản của nữ quân nhân mang thai hộ?

Câu hỏi:

Tôi có một vấn đề muốn nhận được sự tư vấn như sau: tôi hiện nay 28 tuổi, là nữ, đã lấy chồng nhưng vợ chồng tôi chưa có con, do đó, tôi và chồng đã dùng biện pháp mang thai hộ, của một người phụ nữ, đã thỏa thuận kĩ bằng hợp đồng mang thai hộ. Tuy nhiên tôi có điều băn khoăn là khi làm giấy khai sinh cho cháu thì tên cha, mẹ sẽ như thế nào? tôi có là mẹ của cháu hay không? và thủ tục làm khai sinh cho cháu như thế nào? xin cảm ơn đã trả lời câu hỏi!

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến với chúng tôi, với câu hỏi của bạn, Luật Hoàng Phi xin trả lời như sau:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là gì?

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Theo đó, ta thấy rằng, vì một lý do nào đó mà cặp vợ chồng không sinh được con thì họ sẽ nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, người mang thai hộ cũng phải là người thân thích của mỗi bên vợ/chồng.

Chúng ta có thể thấy, xét về mặt khoa học, thì mang thai hộ là việc lấy noãn của người vợ, và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó mới cấy vào trong tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai mà sinh con. Do đó, con sinh ra là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ bởi đó là noãn và tinh trùng của cặp vợ chồng đó, đã được thụ tinh, rồi mới cấy vào tử cung của người khác, vì người mẹ không có khả năng mang thai hoặc nhiều lý do khác. Con sinh ra sẽ có đặc điểm, hình dạng cũng như các yếu tố sinh học giống với bố, mẹ ( người nhờ mang thai), người mang thai hộ không phải là mẹ của đứa trẻ đó. Đó là về mặt sinh học, còn về mặt Pháp luật,  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã có quy định về việc xác định cha, mẹ khi mang thai hộ như sau:

“ Điều 94. Xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”

Do đó, Pháp luật cũng đã thừa nhận con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ là con chung của vợ, chồng nhờ mang thai hộ, không phải con của người mang thai hộ. Theo đó, bạn và chồng bạn là cha, mẹ của con được sinh ra dù thực hiện việc mang thai hộ.

Chúng ta đã xác định bạn và chồng bạn chính là cha, mẹ của con được sinh ra nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, về vấn đề cấp giấy khai sinh cho con trong trường hợp mang thai hộ cũng cần có những lưu ý nhất định. Cần thực hiện việc cấp giấy chứng sinh cho con trước, sau đó mới thực hiện việc xin cấp giấy khai sinh cho con.

Về thủ tục cấp giấy chứng sinh thì theo quy định tại Thông tư Số: 17/2012/TT-BYT quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh và thông tư Thông tư số 34/2015/TT-BYT sửa đổi, bổ sung thông tư 17/2012/TT-BYT thì thủ tục làm giấy chứng sinh cho con trong trường hợp mang thai hộ như sau:

Về thẩm quyền cấp giấy chứng sinh:

– Bệnh viện đa khoa có khoa sản; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, Bệnh viện sản – nhi;

–  Nhà hộ sinh;

–  Trạm y tế cấp xã;

–  Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp khác được phép cung cấp dịch vụ đỡ đẻ

Về thủ tục cấp giấy chứng sinh trong trường hợp mang thai hộ được quy định trong thông tư 34/2015/TT-BYT như sau:

“Trường hợp trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ thì Bên vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc Bên mang thai hộ phải nộp Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ theo Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và Bên mang thai hộ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi trẻ sinh ra.

Trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ sẽ được cấp Giấy chứng sinh theo Mẫu quy định tại Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng sinh này là văn bản chứng minh việc mang thai hộ khi làm thủ tục đăng ký khai sinh.”

Theo đó, bạn và chồng bạn cùng người mang thai hộ phải nộp cho cơ quan cấp giấy chứng sinh bản xác nhận sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ, bản thỏa thuận về việc mang thai hộ và sẽ được cấp giấy chứng sinh theo quy định.

Sau khi đã được cấp giấy chứng sinh thì bạn và chồng bạn thực hiện thủ tục xin cấp giấy khai sinh cho theo quy định tại Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể:

– Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật, văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

–  Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

– Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

Tóm lại, bạn và chồng bạn (là người nhờ mang thai hộ) chính là cha, mẹ của con sinh ra nhờ mang thai hộ, và có quyền, nghĩa vụ như cha, mẹ đối với con theo quy định của pháp luật hiện hành. Bạn cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng sinh và giấy khai sinh cho con theo quy định của pháp luật.

Quý vị có thể tham khảo mục HỎI – ĐÁP pháp luật về những nội dung có liên quan đến bài viết như sau:

Chế độ thai sản của nữ quân nhân mang thai hộ?

Tôi tên là Phạm Thị Phương. Tôi có cô em gái là công an. Hiện nay có người nhờ em gái tôi mang thai hộ. Vậy, xin hỏi luật sư nếu em gái tôi đồng ý mang thai hộ thì em gái tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Pháp luật quy định như thế nào trong trường hợp này? Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Với câu hỏi của Chị: Tư vấn quy định chế độ thai sản của nữ quân nhân mang thai hộ, Luật sư của Hoàng Phi xin được trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 33/2016/NĐ-CP về chế độ thai sản của nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, nữ làm công tác cơ yếu mang thai hộ như sau:

Thứ nhất: Về hưởng chế độ khi khám thai:

– Nữ quân nhân, nữ công an nhân dân, nữ làm công tác cơ yếu (sau đây gọi chung là lao động nữ) mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc lao động nữ mang thai hộ có bệnh lý hoặc thai nhi không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính theo ngày làm việc, không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thứ hai: Chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

– Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thứ ba: Chế độ khi sinh con:

– Lao động nữ mang thai hộ khi sinh mà đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mà phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được hưởng các chế độ sau:

+ Trợ cấp một lần cho mỗi đứa trẻ bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh;

+ Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản kể từ ngày nghỉ việc trước khi sinh cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời Điểm giao đứa trẻ hoặc thời Điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

+ Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc Điểm b Khoản này, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời Điểm sinh.

– Khi lao động nữ mang thai hộ sinh thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội.

Thứ tư: Về mức hưởng chế độ thai sản:

Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ.Trường hợp lao động nữ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Khoản 2 Điều này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này lao động nữ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, trường hợp lao động nữ mang thai hộ đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh và có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội thì vẫn được hưởng chế độ thai sản quy định tại Điểm a, b Khoản 3 và Khoản 5 Điều này; thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, chế độ thai sản của nữ quân nhân mang thai hộ được quy định chi tiết tại Nghị định 33/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Từ khóa » đẻ Mướn Là Gì