Đẻ Mướn: Một Thực Tế Chưa được Công Nhận
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Một sĩ quan công an con nhà khá giả đang chạy đôn chạy đáo vì vợ chồng chưa có con. Để giải quyết vấn đề khá tế nhị này, không ít người phải tìm nhờ người “đẻ mướn”.
Hành trình đi tìm bé Na!
Nhìn hình thể bên ngoài ai cũng nghĩ rằng cặp “vợ chồng son” - anh D. và chị H. - nhà ở chân cầu Điện Biên Phủ có đầy đủ “tư cách, khả năng” thành cha, thành mẹ. Nhưng không hiểu sao, lấy nhau hơn 6 năm mà chị H. vẫn chưa một lần cấn thai. Anh chị dắt nhau vào Bệnh viện Từ Dũ.
Theo kết quả xét nghiệm thì tinh trùng của người chồng không đủ về số lượng cũng như chất lượng. Lúc này, anh D. mới biết đây chính là hậu quả của một vụ tai nạn giao thông mà anh là nạn nhân cách đó gần chục năm.
Do bể ổ bụng, gãy 2 xương đùi quá nặng… nên trong 20 ngày nằm điều trị tại bệnh viện, anh D. đã lên bàn mổ 5 lần. Thuốc tê, thuốc trụ sinh cũng như các hóa chất khác đã làm ảnh hưởng đến khả năng làm cha của anh. Sau 4 lần vào bệnh viện để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, chị H. đều có thai nhưng chỉ sau hơn 2 tháng thì bị “sút” (sẩy thai).
Lần cuối cùng, một bác sĩ điều trị gọi anh D. vào phòng riêng và nói: “Theo kiểm tra, lần này chị H. rất khó có khả năng mang thai. Tử cung đã quá yếu, nếu vận dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm như lần trước thì cũng được nhưng vài tháng sẽ lại sẩy thai. Nói thật với anh, chúng tôi đã hết cách”. Nghe tin như sét đánh, anh bỏ luôn chị H. trong bệnh viện, phóng xe thẳng ra… một quán nhậu ở bờ kè!
Hai tháng sau mọi chuyện trở nên đơn giản khi chị T. - em bà con bạn dì của anh D. - cho biết đã tìm được người đủ sức khỏe mang thai giùm. Đó là chị V., 22 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Cũng như các cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, gia đình anh D. chị H. cũng chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Mấy lần trước “của mình, mình chịu”, lần này giao cho người khác cả anh D. và chị H. đều hồi hộp.
Trong thời gian chờ đợi cấy phôi thai, chị T. đã thuê một căn hộ ở quận Bình Tân cho chị V. ở. Và đó cũng là căn nhà mà chị V. ở trong suốt thời gian thai sản với sự giám sát bí mật của một người dì được “điều động” từ miền Trung vào theo dõi. Đương nhiên, toàn bộ chi phí cấy phôi, ăn ở, sinh hoạt, đi lại… do vợ chồng anh D. chi trả. Để đảm bảo thông tin liên lạc, chị T. còn sắm riêng cho chị V. một điện thoại di động.
Anh D. tâm sự: “Thời gian đó tôi như người ngồi trên đống lửa. Để đảm bảo hạnh phúc gia đình, không biết ai chỉ vẽ mà chị T. giấu biệt tung tích của tôi cũng như chỗ ở của chị V. với mọi người. Nhiều lúc tôi năn nỉ xin gặp sản phụ để động viên, nhưng chị T. dứt khoát từ chối”.
Thời gian trôi đi lặng lẽ, ngày chị V. vào viện sinh con, cả nhà nóng lòng chờ đợi. Như một đoạn phim hành động đầy bí ẩn, đâu khoảng 20h tối, nhà anh D. có tiếng chuông gọi cửa dồn dập. Vừa mở cửa, chị T. lách vội vào nhà, rồi chạy thẳng lên lầu, đặt em bé còn đỏ hỏn lên nệm. Chị T. nói như phán: “Nhiệm vụ hoàn thành! Cháu gái, nặng 3,1 kg! Nó vừa ra phòng, tôi làm thủ tục xuất viện rồi phóng thẳng về đây. Con V. đang nằm trong phòng hậu sanh chưa tỉnh đâu. Bà H. nấu nước pha sữa cho nó đi, tôi quay lại bệnh viện thanh toán hợp đồng và thủ tục cho con V.!”.
Nhớ lại thời điểm đó, chị H. tâm sự: “Cả đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Lần đầu tiên được làm mẹ tôi lúng túng, loay hoay bên cháu bé suốt đêm. Không ít lần quên mình là “mẹ nuôi”, thấy cháu bé giật mình khóc ré, tôi cũng vạch ngực cho cháu bú! Ngộ thiệt, không có sữa mà nó cũng nín! Thương cháu quá! Vợ chồng tôi mang ơn cô T. cũng như chị V. suốt đời! Tôi đã đặt tên nó là T.”.
Mọi thủ tục hộ tịch cô T. đã liên hệ với một “đường dây” khác lo liệu. Cháu V.T (tên của 2 người có công “sinh ra” cháu) được khai sinh với tên họ cha, mẹ đầy đủ. Để kỷ niệm cái lúc sinh ra đã “bị” cô T. “bắt cóc” bồng về nhà, chị H. đặt tên ở nhà cho cháu là bé Na!
Một thực tế đang phát sinh
Nhìn bé Na vô tư đùa giỡn, nhõng nhẽo với vợ chồng anh D. tôi không khỏi nao lòng. Bé Na rất giống anh D. từ dáng đi “lạch phạch” cho đến giọng nói. Ôm bé Na vào lòng, chị H. tâm sự: “Chúng tôi vẫn biết việc làm của mình là trái pháp luật, nhưng với tình cảnh này thì tụi tôi không còn con đường nào khác. Tôi hy vọng trong thời gian tới pháp luật cũng như mọi người có cái nhìn khác với những cặp vợ chồng hiếm muộn đang khắc khoải mong chờ một đứa con nhờ người khác mang thai giùm!”.
Bà Nguyễn Nguyệt Huệ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, nói: “Chúng tôi biết rất rõ các trường hợp đó và chia sẻ với các cặp vợ chồng hiếm muộn vì không thể hoàn thành sứ mệnh làm cha, làm mẹ của mình. Qua tiếp xúc hàng ngày tại cơ quan cũng như ngoài xã hội, tôi biết vấn đề “đẻ mướn” không phải chỉ xảy ra đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn trong nước mà nhiều cặp vợ chồng nước ngoài cũng đến trao đổi với chúng tôi để xin con. Họ thiết tha mong mỏi pháp luật Việt Nam cho phép người mang thai hộ như pháp luật tại nước họ”.
Tại một số cuộc hội thảo, hội nghị về “xin con nuôi” hay “đăng ký hộ tịch”, nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật cần công nhận việc “đẻ mướn” để dễ quản lý. Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý vì cho rằng rất khó quản lý, bởi nó sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp xã hội. Vấn đề xã hội nóng bỏng này phải chờ ý kiến của Bộ Tư pháp. Do đó, “đẻ mướn” - một thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay - vẫn lặng lẽ tiếp diễn…
Từ khóa » đẻ Mướn Là Gì
-
Mang Thai Hộ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Mang Thai Hộ Là Gì? Phân Biệt đẻ Thuê Và Mang Thai Hộ - LuatVietnam
-
“Đẻ Thuê” Là Gì? “Đẻ Thuê” Có Hợp Pháp Hay Không?
-
Mang Thai Hộ: Thông Tin Cần Biết
-
Mang Thai Hộ Là Gì? Những điều Luật Mới Nhất Về ...
-
Đẻ Mướn - Wiki Là Gì
-
Đẻ Mướn - Báo Thanh Niên
-
3 Phút Cùng Luật Sư: Đẻ Thuê Có Vi Phạm Pháp Luật Không? | Báo Dân Trí
-
Đẻ Mướn Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Mang Thai Hộ Vì Mục đích Nhân đạo - Chế độ Chính Sách Lĩnh Vực Y Tế
-
ĐẺ MƯỚN Tiếng Anh Là Gì - Trong Tiếng Anh Dịch - Tr-ex
-
Con Sinh Ra Nhờ Mang Thai Hộ Là Con Của Ai? - Luật Hoàng Phi
-
'Nghề' đẻ Thuê - VnExpress
-
đẻ Mướn
-
đẻ Mướn
-
Đường Dây Mang Thai Hộ, đẻ Thuê - Báo Tuổi Trẻ
-
NGƯỜI ĐẺ MƯỚN VÀ TÌNH MẪU TỬ