Khoa học ngày càng tiến bộ thì vấn đề văn hóa xã hội và con người càng trở nên phức tạp. Từ ngày các bác sĩ bắt đầu làm thụ thai nhân tạo thì tình mẫu tử lại càng trở nên phiền toái. Thụ thai nhân tạo / in vitro fertilization (IVF) là cách tạo bào thai bằng cách lấy trứng của một người đàn bà và tinh trùng của một người đàn ông đem cấy với nhau cho thụ thai ở phòng thí nghiệm. Khi trứng đã đậu, bác sĩ sẽ chuyển cái thai phôi đó đặt vào trong dạ con / tử cung của một người đàn bà thứ hai. Người đàn bà này sẽ mang cái bào thai đó và đợi ngày khai hoa nở nhụy, gọi là người mang thai hộ / đẻ mướn. Vấn đề được đặt ra là khi đứa trẻ chào đời thì ai sẽ là mẹ, là cha đứa nhỏ, và tư cách của đứa trẻ sẽ ra sao đối với người mẹ đẻ mướn, người mẹ / người cha thuê đẻ và người mẹ / người cha ruột thit vô danh nào đó? NHỮNG TRẮC TRỞ Cuộc đời không phải lúc nào cũng êm đềm xuôi mái mà thường có những bất trắc xẩy ra. Có những người đã chấp nhận đẻ mướn, nhưng khi sinh đứa trẻ ra thì lại đổi ý không trao đứa nhỏ cho người đã thuê mình đẻ. Hoặc ngược lại có người, khi đứa trẻ chào đời, thì lại không muốn nhận đứa nhỏ là con nữa. Phân định ai là mẹ đứa bé giữa người đẻ mướn, người thuê đẻ, người cho trứng và người biếu tinh trùng đã là vấn đề khó xử nói chi đến vấn đề người muốn nhận, người không hoặc chẳng ai muốn nhận đứa bé là con mình cả. Có khá nhiều trường hợp lắt léo khiến cuộc tranh luận lại nảy sinh nhiều vấn đề khúc mắc khác. Trường hợp một bé gái mới sanh đựợc 3 tháng do một bà mẹ Ấn Độ đẻ mướn sinh ra đã phải sống những ngày tháng đầu đời trong cảnh tranh cãi mờ mịt về pháp luật không biết ai là mẹ. Báo Straits Times ở Singapore ngày 6-10-2008 đã bàn cãi về tình trạng bé gái này rất sôi nổi. Nhưng may thay –theo tin CNN ngày 2 tháng 11 năm 2008- vấn đề đã được tạm giải quyết. Bà ngoại đứa bé đã từ thủ đô Ấn Độ, New Delhi bay qua Osaka, Nhật Bản để trao đứa bé tên Manjhi cho người cha của bé. Bé Manjhi là kết quả phối hợp giữa tinh trùng của một người đàn ông Nhật và trứng của một người đàn bà vô danh được cấy rồi thụ thai trong bụng một người đàn bà Ấn Độ ở thành phố Anand thuộc tiểu bang Gujarat. Vấn đề pháp luật đặt ra là người cha là ông Ikufumi Yamada và vợ ông là Yuki Yamada đã đồng ý trả tiền thuê người đàn bà Ấn Độ mang thai và đẻ dùm lại bất thần ly dị nhau trước khi đứa bé chào đời. Bây giờ, người chồng thì bằng lòng muốn giữ đứa nhỏ làm con, nhưng bà vợ đã ly dị lại không muốn đứa nhỏ nữa. Theo luật Ấn Độ thì mẹ đứa nhỏ buộc phải hiện diện để đứa nhỏ có thể có giấy thông hành đi Nhật. Trường hợp bé Manjhi thì cả hai bà mẹ đẻ mướn và bà mẹ / vợ ly dị đều không muốn bị liên hệ. Vấn đề quả là nan giải. Nhưng may thay, cuối cùng vụ việc đã được tạm giải quyết ổn thỏa do quyết định của Tòa Án Ấn Độ là không phải chỉ cần trao đứa nhỏ cho ông Yamada mà còn cần phải xác định việc đẻ mướn có hợp pháp hay không? Theo tờ Straits Times thì quyết định đó được đưa ra khi chính phủ vừa mới ban hành một bản dự thảo luật về việc đẻ mướn. Nhưng thực ra cho đến giờ việc đẻ mướn vẫn còn lờ mờ mung lung chưa rõ nét. KHÁCH DU LICH VÀ THỤ THAI NHÂN TẠO Tình trạng đẻ mướn ở Ấn Độ hiện đang phát triển nở rộ gây chú ý giới báo chí truyền thông rất mạnh. Tờ Sun Herold ở Úc ngày 2-11-2008 đã cho biết Ấn Độ hiện là nơi đang tiếp nhận rất nhiều du khách đến từ Âu Châu và Anh Quốc muốn có con bằng cách thụ thai nhân tạo. Những mẫu quảng cáo nhan nhản trên báo chí truyền thanh truyền hình rất hấp dẫn như: “Đàn bà trẻ, khỏe mạnh có trứng rụng tuyệt vời sẵn sàng giúp bạn có con”. Ấn Độ không chỉ cung ứng người mẹ đẻ mướn mà còn cung cấp trứng cho các bà từ nhiều nơi khác đến Ấn Độ cấy thai để mong có con. Tờ Sun Herold kể lại trường hợp bà Ekaterina Aleksandrova, quốc tịch Đức đã tới Ấn Độ và được cấy 5 thai phôi trong bụng nhưng cuối cùng chỉ có một phát triển thành công. Bà Aleksandrova không có một liên hệ di truyền máu mủ nào với đứa nhỏ mới chào đời vào tháng 9 năm 2008. Ngoài ra cha mẹ ruột thịt (biological) của đứa nhỏ lại ở xa cách cả 7,000 cây số ngàn và ngôn ngữ phong tuc thì lại hoàn toàn khác biệt. Cả trứng lẫn tinh trùng đều do những người vô danh hiến tặng. Tinh trùng được mua trên internet tại Ngân Hàng tinh trùng Danish, còn trứng thì lấy từ một người đàn bà Ấn Độ. Một trường hợp khác mới xẩy ra gần đây –theo tin đài BBC ngày 12-10-2008- là bé gái 3 tháng Dairy đã được thụ thai tại bệnh viện Rotunda ở Mumbai (Bombay). Bé là kết quả phối hợp của một trứng được biếu tặng và tinh trùng của ông Bobby và cấy vào tử cung một người mẹ đẻ mướn. Cũng vẫn theo tin Đài BBC thì hiện nay những cặp vợ chồng gốc Á Châu ở Anh Quốc nhờ những bà đẻ mướn người Ấn Độ rất thịnh hành vì trứng và tinh trùng biếu tặng gốc Á Châu rất hiếm. Ngoài ra dịch vụ bệnh viện và đàn bà đẻ mướn ở Ấn Độ lại rất rẻ so với những quốc gia Tây Phương. Theo BBC thì một bà mẹ đẻ mướn Ấn Độ nhân được thù lao khoảng từ 2,500 đến 3,500 pounds (tức từ $3,922 đến $5,475 dollars), tương đương với 10 năm lương của một người trong số họ. Trước đây, tờ International Herald tribune ngày 4 tháng 3 năm 2008, đã tường thuật cho biết giá thụ thai nhân tạo tại Ấn Độ -gồm cả tiền vé máy bay và tiền thuê khách sạn cho một cặp vợ chồng đến từ ngoài Ấn Độ- là khoảng $25,000, tức bằng một phần ba (1/3) giá phải trả tại Hoa Kỳ. Những bà mẹ đẻ mướn cũng sẵn sàng cho những cặp vợ chồng đồng tính, như trường hợp Yonatan Gher và một ý trung nhân đàn ông không cho biết tên. Họ cũng dùng dịch vụ bệnh viện Rotunda như BBC đã loan tin. Bác sĩ Kausal Kadam đã tạo một thai phôi cho Gher và người tình của ông bằng tinh trùng của một trong hai người –Họ dấu không cho biết là của ai- phối hợp với một trứng vừa được lấy ra từ một người đàn bà biếu tặng ít phút trước đó ở ngay trong cùng một bệnh viện. Điều đặc biệt là người biếu tặng trứng, người mẹ đẻ mướn và cha mẹ tương lai của đứa trẻ cũng không được phép tiếp xúc, liên lạc với nhau. NHỮNG BĂN KHOĂN LO NGẠI ĐẾN TỪ BÊN NGOÀI Báo chí truyền thanh truyền hình cũng đã đưa ra nhiều nhận định về vấn đề thụ thai nhân tạo và đẻ mướn. Họ nêu lên những vấn nại, băn khoăn, vấn đề luân lý về việc đẻ mướn ở Ấn Độ. Họ lo ngại việc đẻ mướn sẽ bị lợi dụng cũng như nhiều cặp vợ chồng, cả những cặp đồng tính dùng dịch vụ này ở Ấn Độ để né tránh luật lệ ở quốc gia họ sống. Tại Israel, mặc dù luật cho phép những cặp đồng tính được nhận con nuôi, nhưng việc nhờ người đẻ hộ thì vẫn chưa được phép. Một trường hợp né tránh pháp luật khác mới xẩy ra ở Pháp là một bà đã 59 tuổi sinh ba. Theo tin AP ngày 8 tháng 9, 2008 thì khi tin bà này có thai được tung ra thì ngay lập tức tại Pháp đã có những cuộc tranh luận rất sôi nổi xẩy ra. Luật nước Pháp không cho phép đàn bà trên 42 tuổi cho trứng và đẻ mướn hoặc thụ thai nhân tạo, nghĩa là không được phép tham gia vào tiến trình cấu tạo thai nhi kiểu như vậy. Nhật Bản cũng đang tranh cãi về việc đẻ mướn. Tin từ Reuters ngày 12 tháng 3 năm 2008 cho biết các bác sĩ sản phụ khoa Nhật đã ra tuyên cáo phản đối chống lại và tẩy chay việc đẻ mướn vào năm 1983, tuy nhiên cũng không có luật lệ chính thức nào ngăn cấm việc đó. Reuters cắt nghĩa là đã có một số cặp vợ chồng có con nhờ những bà mẹ đẻ mướn với sự trợ giúp của các bác sĩ ở Nhật. Theo bản tường thuật về một cuộc họp của một số nhà chuyên môn trong Hội Khoa Học Nhật Bản thì cuộc bàn luận về vấn đề này đã diễn ra cả hơn một năm trời do yêu cầu của chính phủ. Họ nêu vấn đề nguy hiểm sức khỏe cho cả hai phía mẹ đẻ mướn và đứa trẻ. Các nhà chuyên môn cũng nêu những quan tâm ái ngại là những người trong cùng gia đình giòng họ cũng rất có thể bị những người khác ép buộc làm như vậy. “Cần phải có luật mới để dựa vào đó mà thi hành; thụ thai mướn cần phải được nghiêm cấm”.Bản tường thuật trong tháng này cho biết một bản dự thảo luật kêu gọi trừng phạt tất cả các bác sĩ, các cơ quan, bệnh viện và khách hàng dùng việc đẻ mướn như một dịch vụ thương mại. Ý kiến của nhà báo Ellen Goodman cũng nêu những quan tâm lo lắng của mình trên tờ Boston Globe ngày 11 tháng 4, 2008. Goodman còn bày tỏ thiện cảm với những cặp vợ chồng không thể có con một cách tự nhiên. Nhưng bà rất quan ngại về việc buôn bán tình mẫu tử của người đẻ mướn, trong đó con người đã đơn thuần trở thành dụng cụ trao đổi trên thương trường quốc tế. “Chúng ta không thể tự bán thân mình để làm nô lệ” -bà viết- “ Chúng ta không thể bán con của chúng ta. Nhưng thương vụ đẻ mướn đang đi gần đến cả hai tác hại đó một cách nguy hiểm”. KẾT LUẬN: HÃY TÔN TRỌNG SỰ SỐNG VÀ NHÂN QUYỀN Giáo Hội Công Giáo rõ ràng là đã chống đối việc này rồi, kể cả việc thụ thai nhân tạo một cách tổng quát cũng như sử dụng những bà mẹ đẻ mướn. Năm 1987 trong một giáo huấn về tôn trọng đời sống con người ngay từ nguyên khởi, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã đề cập đến việc đẻ mướn ở nhiều điểm khác nhau. Giáo huấn cấm việc thi hành, không phải chỉ vì có một nhân vật thứ ba diện diện trong mối liên hệ giữa cặp vợ và chồng, mà còn bởi lẽ “ Bà mẹ đẻ mướn, một cách khách quan đã không hoàn thành bổn phận làm mẹ của mình, bổn phận trung trinh phu thê và bổn phận của tình mẫu tử cần phải có”. Ngoài ra giáo huấn còn nêu lên hành động đẻ mướn đã xâm phạm đến phẩm giá con người và quyền của đứa trẻ đòi hỏi phải được sinh ra do chính cha mẹ ruột / có liến quan máu mủ với nó. Giáo huấn này phù hợp với Giáo Lý Công Giáo: “Đứa trẻ không phải là một món nợ nhưng là một hồng ân. ‘Hồng ân tuyệt hảo nhất của cuộc hôn nhân’ là một con người. Đứa trẻ không thể bị coi là một đồ vật sở hữu: đó là ý nghĩ của những người tự cho mình có ‘quyền có đứa trẻ ‘. Trong lãnh vực này, chỉ mình đứa trẻ có những quyền lợi đích thực của nó là: quyền sinh hoa trái do tác động phu thê của cha mẹ mình, và quyền được tôn trọng như một con người có nhân vị ngay từ lúc mới thụ thai” (Câu 2378). Nhưng buồn thay, việc toàn cầu hóa đã đang vươn cánh tay dài đến tận cả bụng người mẹ, và dịch vụ buôn người đang đâm chồi nở rộ, gây tổn thương nhân quyền một cách thảm hại. |