Cộng đồng Các Dân Tộc Thiểu Số Trong Khối đại đoàn Kết Toàn Dân Tộc ...

Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển - Nguồn: archives.gov.vn

Các dân tộc thiểu số trong cộng đồng dân tộc Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 14 triệu người (chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước). Đồng bào các dân tộc thiểu số phần lớn sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, gồm 5.063 xã, phường thị trấn của 52 tỉnh, trong đó có 1.159 xã khu vực I; 2.179 xã khu vực II và 1.707 xã khu vực III (tổng số 12.994 thôn bản đặc biệt khó khăn), trong đó có 61 huyện nghèo nhất cả nước (tỷ lệ đói nghèo trên 50%) của 20 tỉnh là: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng. Quy mô dân số có sự chênh lệch đáng kể: 4 dân tộc có số dân trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer); 4 dân tộc có số dân từ 60 vạn đến dưới 1 triệu người (Hoa, Nùng, Mông, Dao); 9 dân tộc có số dân từ 10 vạn người đến dưới 60 vạn người (Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Sán Chay, Chăm, Xơ Đăng, Sán Dìu, Cơ Ho, Hrê); 19 dân tộc có số dân từ 1 vạn người đến dưới 10 vạn người, đặc biệt 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1 nghìn người, đó là Si La (840), Pu péo (705), Rơ- măm (352), Brâu (313), Ơ Đu (301).

Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái. Suốt dọc biên giới phía Bắc và phía Tây có nhiều cửa ngõ thông thương giữa nước ta với các nước láng giềng. Miền núi là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, nơi thượng nguồn của những con sông lớn, có hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc chủng, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, được hình thành và phát triển gắn với lịch sử đất nước góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong tính thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Xác định mối quan hệ khăng khít và tầm quan trọng của địa bàn cũng như vai trò của các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề cao vấn đề đoàn kết dân tộc, coi đó là yếu tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Từ nhận thức trên, Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất với nội dung cốt yếu là xây dựng một sự liên minh giữa các tầng lớp và giai cấp khác nhau của xã hội hướng tới một chương trình hành động thống nhất và thiết thực để hình thành một đội ngũ những người có cùng mục tiêu đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Trải qua 87 năm hoạt động, kế thừa vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện cuả tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc3.

Là bộ phận của dân tộc Việt Nam, thành phần trong đại gia đình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 53 dân tộc thiểu số sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp, cống hiến vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm 1941, để trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã về nước, chọn Cao Bằng và vùng Việt Bắc làm căn cứ cách mạng. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây được vinh dự đùm bọc, che chở cho Bác Hồ và các cơ quan lãnh đạo của cách mạng. Việt Bắc trở thành “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”.

Năm 1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân “có lòng yêu nước, thương nòi”, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, nêu rõ: “Việt Minh coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn là thành thực muốn đánh đuổi Nhật - Pháp để dựng lại một nước Việt Nam tự do và độc lập”4.

Với “chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”5, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân xung quanh ngọn cờ “đánh đuổi Nhật, Pháp”. Đến năm 1942, các tổ chức cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập và phát triển ở hầu hết các địa phương trong cả nước như Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc.

Thắng lợi to lớn đầu tiên của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra trong bối cảnh lực lượng cách mạng Việt Nam còn non yếu cả về kinh nghiệm, trang bị và không được bất kỳ sự giúp đỡ nào của bên ngoài. Sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám chính là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc. Sức mạnh này đã được tập hợp, tôi luyện qua các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo từ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931 đến cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa trong cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc đã đi đầu trong cuộc cách mạng vĩ đại này.

Ngày 19/4/1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Plei Ku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Đại hội, trong thư Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ lẫn nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.

Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”6. Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thể hiện lòng mong mỏi, vừa là mệnh lệnh để các dân tộc anh em cùng đoàn kết phấn đấu cho mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Việt Bắc lại trở thành Thủ đô kháng chiến. Cùng với việc làm tròn nghĩa vụ hậu phương, đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực này đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, làm thay đổi cục diện chiến tranh cách mạng. Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đã hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, góp phần hoàn thành cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, toàn dân, toàn diện kéo dài 9 năm.

Cũng trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, đồng bào các dân tộc thiểu số khắp trên cả nước, trong đó có đồng bào Tây Nguyên, đồng bào miền núi Liên khu 5 đã anh dũng chiến đấu, đánh bại các cuộc hành quân của địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Tấm gương anh hùng Núp vẫn còn sáng mãi trong ký ức của đồng bào Tây Nguyên cũng như trong nhân dân cả nước.

Từ cuối năm 1954, với âm mưu chia cắt Việt Nam, Mỹ lập nên ở miền Nam chính quyền thân Mỹ. Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam lại phải tiếp tục và bước sang giai đoạn mới.

Để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân miền Nam cùng đứng lên chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Tuyên ngôn của Mặt trận nêu rõ: “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sỹ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Ngay sau khi được thành lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thu hút được hàng chục tổ chức yêu nước tham gia, và hệ thống của Mặt trận đã được thành lập thống nhất từ cấp xã đến cấp huyện và cấp tỉnh tại hầu hết các địa phương miền Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng rừng núi và vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã trở thành các căn cứ địa cách mạng, như: Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bào các dân tộc ở những vùng này không chỉ đóng góp của cải cho kháng chiến, mà còn chịu sự đánh phá ác liệt của bom đạn, của những cuộc tiến công càn quét của địch. Núi rừng và đồng bào Tây Nguyên đã đùm bọc bộ đội, ôm trọn, che chở đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh. Vùng đất miền núi Trung bộ và Tây Nguyên đã diễn ra những chiến dịch lớn như Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Pley Me, Sa Thầy, Đắc Tô, Bắc Tây Nguyên, và đặc biệt Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, đã đưa “cuộc chiến tranh cách mạng sang một giai đoạn mới, từ tiến công có ý nghĩa chiến lược phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam”, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Đoàn kết các dân tộc - nhiệm vụ mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc

Tháng 11/1989, Bộ Chính trị ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 22-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế, xã hội miền núi; tháng 3/2003, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Triển khai chủ trương của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các chính sách cụ thể, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường củng cố đoàn kết các dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững quốc phòng, an ninh...

Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.

Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.

Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với việc bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị của Việt Nam.

Đoàn kết các dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận có nhiệm vụ tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc, các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; về đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.

2. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh những gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ người có uy tín tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo từng khu vực ở địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

3. Phối hợp triển khai, thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình trong các lĩnh vực, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và về văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

4. Phát huy nội lực, vai trò tự quản tại các khu dân cư, động viên ý thức tự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, tích cực đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, quan tâm tập huấn, phổ biến chuyển giao KHKT; hỗ trợ vốn, khuyến khích đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng tiểu vùng, từng địa phương.

5. Vận động đồng bào giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống về văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội; đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để thực hiện tốt những nội dung trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải chủ động giám sát và chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị rà soát, giám sát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách đã ban hành. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn của Ủy ban Mặt trận các cấp; phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên và Ban Thanh tra nhân dân, tăng cường công tác giám sát đầu tư cộng đồng ở các khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với các chính sách về dân tộc và công tác dân tộc.

Đồng thời, Mặt trận các cấp cần phối hợp tham gia thực hiện hiệu quả công tác phản biện xã hội thông qua việc tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc; chương trình, kế hoạch về xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với những dân tộc có tỷ lệ phát triển dân số thấp.

Đối với đồng bào sống ở vùng khu vực biên giới, Mặt trận các cấp cần tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, tăng cường các mô hình kết nghĩa, tự quản; phối hợp giải quyết tốt quan hệ giữa các dân tộc thiểu số trong nước với đồng tộc, thân tộc ở nước ngoài; tham gia xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Mặt trận Tổ quốc các cấp cần có biện pháp phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các cá nhân tiêu biểu, nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập hợp, vận động người tiêu biểu có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; chủ động để các cá nhân tiêu biểu có thể tham gia nhiều hoạt động như các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tham dự các cuộc hội thảo khoa học, các hội nghị, tham gia triển khai các phong trào để cá nhân tiêu biểu có cơ hội trao đổi thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, đề xuất các sáng kiến, kiến nghị về các vấn đề quan trọng của địa phương.

Chú thích:

1. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12. Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 84.

3. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nxb. CTQG, H., 2015, tr. 7-8.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7. Sđd, tr. 461.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7. Sđd, tr. 461.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 249, 250.

Nguyễn Văn Nhật

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học

Từ khóa » đất Nước Việt Nam Có Bao Nhiêu Dân Tộc Thiểu Số