Khái Quát Về Các Dân Tộc Thiểu Số ở Việt Nam

Tác giả: Cù Phúc Thành

Viện Nghiên cứu Kinh tế & PTNNL, Trường ĐH Kinh tế và QTKD

Giới thiệu

Lĩnh vực Kinh tế Phát triển và nhiều lĩnh vực khoa học Kinh tế khác thường xuyên liên quan đến các dân tộc thiểu số nên việc nắm bắt đặc điểm của các dân tộc này là điều hết sức cần thiết. Việt Nam có tất cả 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với sự phân bố địa lý và đặc điểm dân tộc học vừa đan xen phức tạp vừa phân tán tản mát trên các vùng rất cách xa nhau nên thường khiến cho các nhà nghiên cứu rất lúng túng, khó nắm bắt toàn bộ và theo thống hệ xuyên suốt tình hình các dân tộc thiểu số. Nhằm giúp giải quyết khó khăn này, bài viết dưới đây làm sáng tỏ các vấn đề chính yếu của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam bằng một cách tiếp cận mới, được trình bày theo một thống hệ rõ ràng, mạch lạc, dễ nắm bắt đồng thời cung cấp nhiều thông tin ở phạm vi rộng lớn hơn như nguồn gốc phát sinh và di cư của các nhóm nhân chủng dẫn đến sự hình thành và hiện diện 53 dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay.

1 Các dân tộc ở Việt Nam phân theo theo ngữ hệ và ngữ chi

Sự hiện diện của các dân tộc hiện nay ở Việt Nam là do hậu quả của lịch sử di dân lâu dài. Các sắc tộc phát sinh tại một địa điểm gốc nào đó, sau đó vì các lý do như: i) môi trường tại nơi đang ở không chứa nổi dân số đã trở nên quá lớn; ii) sinh kế (trong quá khứ) chủ yếu dựa vào nông nghiệp thô sơ đốt rẫy làm nương nên sau vài năm đất đai trở nên bạc màu phải tìm đất mới; iii) tìm cách xâm lược các sắc tộc láng giềng giàu có; iv) chạy trốn kẻ thù; v.v… mà họ di cư sang các vùng lân cận. Cứ như thế mà hình thành sự phân bố các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam như ngày nay. Cách phổ biến nhất để nhận diện một dân tộc là căn cứ vào ngôn ngữ mà họ nói. Có nhiều dân tộc tuy tiếng nói khác nhau nhưng nguồn gốc xa xưa lại cùng chung một tổ tiên là một nhóm nhân chủng nói cùng một thứ tiếng. Trong quá trình di cư, các nhóm người trong cùng nhóm nhân chủng đó ngày càng tách xa nhau và biến đổi ngôn ngữ nhiều đến nỗi khi hai nhóm tiếp xúc với nhau thì họ không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ với nhau, cùng lắm họ cũng chỉ hiểu "lõm bõm" một số từ. Hiện tượng này rất phổ biến, ví dụ người Tày ở Việt Nam và người Thái ở Thái Lan tuy không giao tiếp được với nhau nhưng vẫn hiểu "lõm bõm" một số từ của nhau, đó là vì họ có chung tổ tiên xa xưa phát tích ở Quảng Tây, Trung Quốc. Các dân tộc có họ hàng càng gần nhau thì tiếng nói càng giống nhau; các ngôn ngữ gần kề với nhau ấy làm thành một nhóm ngôn ngữ gọi là một ngữ chi; tất cả các ngữ chi của các dân tộc có chung một tổ tiên xa xưa tập hợp lại sẽ làm thành một ngữ hệ. Như vậy, cách phân loại các dân tộc theo ngữ hệ và ngữ chi là một trong những cách phân loại quan trọng nhất, cách phân loại này cho phép xếp vô số các dân tộc khác nhau, phân bố hết sức tản mát trong những phạm vi địa lý rộng lớn vào cùng một nhóm và nhờ đó có thể nắm bắt được tổng quan tình hình các dân tộc. Về thực chất, đây là cách phân loại Dân tộc học theo các nhóm nhân chủng có chung tổ tiên. Theo cách phân loại này, tất cả các dân tộc ở Việt Nam dược sắp xếp vào các nhóm ngữ hệ và ngữ chi như trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Các dân tộc ở Việt Nam phân theo nhóm ngữ hệ và ngữ chi

Ngữ hệ

Số ngữ chi

Số dân tộc

Dân số

(nghìn người)

Các ngữ chi cụ thể

Các dân tộc cụ thể

Nam Á

6

25

91.364

1. Kinh

2. Việt-Mường

3. Môn-Khmer cực nam

4. Môn-Khmer Bahnar

5. Môn-Khmer Katu

6. Môn-Khmer cực bắc

Kinh, Mường, Thổ, Chứt, Khmer, Bahnar, M’nong, Xtieng, Co, X’đang, Hre, Bru-Vân Kiều, K’tu, Tà Ôi, Khmu, Kháng, Mảng, Ơ Đu, Xinh Mun, v.v…

Thái-Đại

1

12

4.400

1. Thái-Đại

Tày, Nùng, Thái, Lào, Sán Chay, v.v…

Mông-Dao

2

3

2.070

1. Mông-Dao

Mông, Dao, Pà Thẻn

Nam Đảo

1

5

1.160

1. Nam Đảo

Chăm, Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chu Ru

Hán-Tạng

2

9

1.093

1. Hán

2. Tạng-Miến

Hoa, Ngái, Sán Dìu Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La

Tổng cộng

12

54

100.087

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và một số nguồn khác

Bảng 1 cho biết ở Việt Nam có tất cả 5 nhóm dân tộc phân theo ngữ hệ là: Nam Á, Thái-Đại, Mông-Dao, Nam Đảo và Hán-Tạng. 5 ngữ hệ này lại chia ra thành 11 ngữ chi là Kinh, Việt-Mường, Môn-Khmer cực nam, Môn-Khmer Bahnar, Môn-Khmer Katu, Môn-Khmer cực bắc, Thái-Đại, Mông-Dao, Nam Đảo, Hán và Tạng-Miến. Dân số ước tính cho mỗi dân tộc được tính bằng cách lấy tỷ lệ dân số mỗi dân tộc trong tổng dân số Việt Nam đã được xác định trong Tổng điều tra dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê nhân với dân số Việt Nam cập nhật ngày 16/9/2020 là hơn 100 triệu người. Trên cơ sở dân số ước tính của mỗi dân tộc, dân số của mỗi nhóm ngữ chi, ngữ hệ được tính bằng cách cộng gộp dân số của tất cả các dân tộc trong ngữ chi, ngữ hệ đó. Sau đây chúng ta sẽ giới thiệu chi tiết hơn về từng ngữ hệ.

1.1 Ngữ hệ Nam Á

Các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic Languages) là lớn nhất cả về dân số (khoảng 91.364 triệu người, chiếm 91,3% tổng dân số việt Nam); số ngữ chi (6 ngữ chi, chiếm 54,5% số ngữ chi ở Việt Nam); lẫn số dân tộc (25 dân tộc, chiếm 46,3% số dân tộc ở Việt Nam). Các ngữ chi thuộc Ngữ hệ Nam Á là: Kinh, Việt-Mường, Môn-Khmer cực nam (nhóm này chỉ có 1 dân tộc là Khmer), Môn-Khmer Bahnar, Môn-Khmer Katu và Mon-Khmer cực bắc. Các dân tộc thuộc ngữ hệ này bao gồm: Kinh, Khmer, Mường, Thổ, Chứt, Bahnar, M’nong, Xtieng, Co, X’đang, Hre, Bru-Vân Kiều, K’tu, Tà Ôi, Khmu, Kháng, Mảng, Ơ Đu, Xinh Mun, v.v… Nguyên nhân dân số của Ngữ hệ Nam Á lớn nhất là trong ngữ hệ có dân tộc Kinh - dân tộc đa số của Việt Nam. Nguyên nhân số ngữ chi và số dân tộc của ngữ hệ này lớn nhất là do cư trú ở Việt Nam lâu đời nhất và trừ dân tộc Kinh, tất cả các dân tộc còn lại đều sống rất tách biệt, cô lập nên không bị pha trộn và đồng hóa ngôn ngữ.

Hình 1: Nơi phát tích của các nhóm nhân chủng ở Trung Quốc và Đông Nam Á khoảng 3.500-500 trước Công nguyên

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Austronesian_peoples#/media/File:Likely_routes_of_early_rice_transfer,_and_possible_language_family_homelands_(archaeological_sites_in_China_and_SE_Asia_shown).png

Chú thích: EARLY SINO-TIBETAN: Nơi phát tích tổ tiên của các dân tộc nói ngữ hệ Hán-Tạng (Hán, Tây Tạng, Myanmar)

EARLY HMONG-MIEN: Nơi phát tích tổ tiên của các dân tộc nói ngữ hệ Mông-Dao (Mông, Dao, Pà Thẻn)

EARLY AUSTRONESIAN: Nơi phát tích của các dân tộc nói ngữ hệ Nam Đảo (Philippines, Indonesia, Malaysia)

EARLY AUSTRO-ASIATIC: Nơi phát tích của các dân tộc nói ngữ hệ Nam Á (Kinh, Khmer, Mường, Môn, Munda...)

EARLY KRA-DAI: Nơi phát tích của các dân tộc nói ngữ hệ Thái-Đại (Choang, Thái, Tày, Nùng, Lào...)

Về nguồn gốc nhân chủng, các nhóm thuộc Ngữ hệ Nam Á phát sinh từ khoảng vùng thượng nguồn và trung lưu sông Mekong (màu xanh lá cây nhạt trong Hình 1) sau đó di cư tỏa đi khắp vùng Đông Nam Á lục địa trở thành những cư dân thường trú đầu tiên của vùng này; điều này giải thích tại sao nhóm Ngữ hệ Nam Á lại cư trú ở Việt Nam lâu đời nhất. Tuy nhiên, do lịch sử di cư và quá trình pha trộn nhân chủng phức tạp mà mỗi dân tộc trong ngữ hệ này có những đường hướng phát triển hết sức khác nhau. Dân tộc Kinh do pha trộn cả về văn hóa lẫn về nhân chủng với nhiều dân tộc khác từ phương bắc di cư tới, trước hết là với người Thái-Đại (đó là lý do tại sao kết quả của công trình gần đây nhất phân tích gene của người Việt đã cho thấy hệ gene của người Việt gần với người Thái nhất), sau đó là với các nhóm người Bách Việt, sau đó nữa và đặc biệt quan trọng là với người Hán nên tiếp thu được nhiều tinh hoa cả về thể chất lẫn văn hóa và trở thành dân tộc có dân số lớn nhất trong ngữ hệ, với dân số cả ở Việt Nam lẫn ở hải ngoại khoảng trên 90 triệu người; đồng thời cũng là dân tộc có trình độ phát triển cao nhất trong ngữ hệ. Dân tộc có dân số lớn thứ nhì là Khmer với khoảng dưới 20 triệu người, chủ yếu sống ở Cambodia, một phần đáng kể sống ở miền nam Việt Nam và phía đông Thái Lan nhưng trong suốt lịch sử tồn tại đã luôn luôn bị chèn ép, xâm lược và co cụm nên không phát triển được như người Kinh ở Việt Nam hoặc người Thái ở Thái Lan. Các dân tộc khác do lịch sử bị xâm lược và đồng hóa bởi các nhóm người Thái-Đại, Tạng Miến và Hán từ phương bắc di cư xuống Đông Nam Á mà bị đồng hóa mất danh tính sắc tộc hoặc trở nên tàn lụi, co cụm thành các dân tộc thiểu số hiếm, rất ít người (có những dân tộc ngày nay thậm chỉ chỉ còn chưa đến 20 người), sống biệt lập trong các hang cùng ngõ hẻm của núi rừng, hết sức chậm phát triển.

Hình 2 cho biết sự phân bố của các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ngày nay (thể hiện bằng các mảng có màu trên bản đồ Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ). Chú ý rằng Vietic (màu hồng) chính là nhóm Kinh và Việt-Mường, bao gồm cả thảy 4 dân tộc là Kinh, Mường, Thổ, Chứt; Bahnaric là các dân tộc thuộc Ngữ chi Môn-Khmer Bahnar, thể hiện bằng màu xanh dương; Katuic là các dân tộc thuộc Ngữ chi Môn-Khmer Katu, thể hiện bằng màu tím; Khmuic là các dân tộc thuộc Ngữ chi Môn-Khmer cực bắc, thể hiện bằng màu đỏ.

Hình 2: Sự phân bố của các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á trên thế giới ngày nay

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/File:Austroasiatic-en.svg

Do các dân tộc nói Ngữ hệ Nam Á là nhóm nhân chủng chủ đạo ở Việt Nam nên sẽ rất hữu ích nếu chúng ta biết thông tin chi tiết về phả hệ của ngữ hệ này (xem Hình 3). Theo sơ đồ trong Hình 3, Ngữ hệ Nam Á được hình thành cách đây khoảng 8.300 năm (trên sơ đồ ghi là 6300 bc, nghĩa là năm 6.300 trước Công nguyên). Từ ngôn ngữ chung ban đầu đã biến hóa ra thành rất nhiều ngôn ngữ và nhóm ngôn ngữ khác nhau, trong đó tiếng Vietic (tiếng của tổ tiên chung của các dân tộc Kinh, Mường, Thổ, Chứt) được hình thành vào khoảng 1.500 năm trước Công nguyên (cách đây khoảng 3.500 năm); tiếng Khmer được hình thành cách đây khoảng hơn 1.000 năm; tiếng Bahnar (Bahnaric) ra đời trước tiếng Vietic khoảng 500 năm; và tiếng Khơ Mú (Khmuic) hình thành trước tiếng Vietic hơn 1.000 năm. Các tài liệu lịch sử Việt Nam cho biết vào khoảng Thế kỷ VI trong thời Việt Nam nội thuộc nhà Đường thì một ngôn ngữ mới tách ra khỏi tiếng Mường và trở thành tiếng Kinh.

Hình 3: Sơ đồ phả hệ của Ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatic)

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Austroasiatic_languages#/media/File:AustroAsiatic_tree_Peiros2004.png

1.2 Ngữ hệ Thái-Đại

Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và vùng phụ cận (mảng màu Ô liu trong Hình 1) là nơi phát sinh ngữ hệ Thái-Đại (Tai-Kadai). Các DTTS thuộc ngữ hệ này di cư sang phía tây và phía nam tới Vân Nam (Trung Quốc), Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Hình 4 cho biết sự phân bố của các dân tộc thuộc Ngữ hệ Thái-Đại trên thế giới, chủ yếu ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á (các mảng màu tím trên bản đồ). Chú ý rằng trong bản đồ "THO" là chỉ dân tộc Tày ở Việt Nam do trước đây người Việt Nam gọi nhầm người Tày là người Thổ.

Hình 4: Sự phân bố các dân tộc thuộc Ngữ hệ Thái-Đại trên thế giới ngày nay

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Tai_peoples#/media/File:TaiFamilyTree_Overlaid_On_Map.png

Tại Việt Nam, nhóm các dân tộc thuộc Ngữ hệ Thái-Đại có dân số lớn thứ hai, với khoảng 4,4 triệu người, chiếm 4,4% dân số Việt Nam. Nhóm này có cả thảy 12 dân tộc, coi như tất cả đều thuộc về 1 ngữ chi và vẫn gọi là Ngữ chi Thái-Đại. Các dân tộc thuộc ngữ hệ này gồm: Tày, Nùng, Thái, Lào, Choang, Sán Chay, v.v…

1.3 Ngữ hệ Mông-Dao

Khoảng chỗ các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam của Trung Quốc là nơi phát tích của ngữ chi Mông-Dao (màu xanh da trời trong Hình 1). Từ rất lâu đã có những đợt di cư liên tục của nhóm người nói ngữ hệ này xuống phía nam tới các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc và vùng núi phía bắc của Đông Nam Á (Mianmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam). Tại Việt Nam, Mông-Dao là nhóm ngữ hệ có dân số lớn thứ 3 với khoảng 2,07 triệu người, chiếm 2,06% dân số Việt Nam; gồm 3 dân tộc là Mông, Dao, Pà Thẻn; coi như cùng thuộc về một ngữ chi và cũng được gọi là Ngữ chi Mông-Dao.

1.4 Ngữ hệ Nam Đảo

Từ nơi phát tích (màu xanh dương đậm trong Hình 1) người Austronesian vượt qua eo biển Đài Loan sang cư trú tại hòn đảo này và phát minh ra công nghệ đóng thuyền vượt đại dương và di cư bằng đường biển sớm nhất thế giới. Từ Đài Loan họ tràn xuống các đảo Đông Nam Á và trở thành dân tộc đa số của các nước Philippines, Indonesia, Malaysia. Thậm chí từ các đảo Đông Nam Á họ còn vượt cả Ấn Độ Dương sang tận châu Phi trở thành sắc dân đa số của đảo quốc Madagasca (người Malagasy); và đi thuyền khắp Thái Bình Dương cư trú tại hầu hết các đảo của đại dương này (trong đó lớn nhất là New Zealand và Hawaii); thậm chí họ còn sang tới bờ biến Thái Bình Dương của châu Mỹ, cả Bắc Mỹ, Trung Mỹ lẫn Nam Mỹ (các công trình phân tích gene của thổ dân Columbia và Peru cho thấy có thành phần gene của người Austronesian). Những người Austronesian ở lại nơi phát tích (Trung Quốc lục địa) thì sau này đều bị đồng hóa vào các dân tộc khác và sau cùng là trở thành dân tộc Hán.

Khoảng năm 200 trước Công nguyên, một nhóm người Austronesia từ đảo Sumatra của Indonesia đã vượt biến tới Nam Trung Bộ của Việt Nam ngày nay, những người cư trú ở vùng duyên hải trở thành dân tộc Chăm, những người di cư lên Tây Nguyên trở thành các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chu Ru. Cả thảy 5 dân tộc thuộc Ngữ hệ Austronesian này có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 1,2% dân số Việt Nam, là nhóm ngữ hệ lớn thứ 4 của Việt Nam.

1.5 Ngữ hệ Hán-Tạng

Nhóm ngữ hệ có dân số nhỏ nhất là Hán-Tạng (Sino-Taibetan Languages), với khoảng 1,09 triệu người, chiếm 1,09% dân số Việt Nam. Ngữ hệ có 2 ngữ chi là Hán (Han) và Tạng-Miến (Burmese-Tibetan) bao gồm 9 dân tộc là Hoa, Ngái, Sán Dìu, Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La. Nguồn gốc của nhóm ngữ hệ này sẽ được đề cập chi tiết ở phần sau.

Trong 54 dân tộc Việt Nam thì dân số người Kinh chiếm đại đa số (85,7%), dân số của tổng cộng 53 dân tộc còn lại chỉ chiếm 14,3% nên được gọi là các dân tộc thiểu số (DTTS). Dưới đây chúng ta sẽ xem xét chi tiết hơn về các DTTS theo các nhóm ngữ chi.

2 Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam phân theo ngữ chi

Bảng 2 trình bày tình hình các DTTS ở Việt Nam phân theo ngữ chi. Theo cách phân chia này, các DTTS thuộc về 10 nhóm ngữ chi xếp theo thứ tự dân số từ lớn nhất đến nhỏ nhất là: Thái-Đại, Mông-Dao, Việt-Mường, Môn-Khmer cực nam, Nam Đảo, Môn-Khmer Bahnar, Hán, Môn-Khmer Katu, Môn-Khmer cực bắc, Tạng-Miến.

Bảng 2: Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam phân theo nhóm ngữ chi

TT

Ngữ chi

Số dân tộc

Các dân tộc cụ thể

Dân số

(nghìn người)

Tỷ lệ trong dân số DTTS

(%)

Nơi phân bố

1

Thái-Đại

12

Tày, Nùng, Thái, Lào, Sán Chay, v.v…

4.400

33,2

Đông Bắc và Tây Bắc

2

Mông-Dao

3

Mông, Dao, Pà Thẻn

2.070

15,6

Đông Bắc và Tây Bắc

3

Việt-Mường

3

Mường, Thổ, Chứt

1.520

11,5

Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Yên Bái, phía tây Nghệ An, phía bắc Quảng bình

4

Môn-Khmer cực nam

1

Khmer

1.420

10,7

Đồng bằng Sông Cửu Long

5

Nam Đảo

5

Chăm, Ê Đê, Gia Rai, Ra Glai, Chu Ru

1.160

9,0

Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên

6

Môn-Khmer Bahnar

12

Bahnar, M’nong, Xtieng, Co, X’đang, Hre, v.v...

1.160

8,7

Bình Phước, Tây Nguyên

7

Hán

3

Hoa, Sán Dìu, Ngái

1.093

8,2

Tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, có đáng kể ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, rải rác một số tỉnh Đông Bắc

8

Môn-Khmer Katu

3

Bru-Vân Kiều, K’tu, Tà Ôi

202

1,5

Miền núi Trung Trung bộ từ Quảng Bình tới Quảng Nam

9

Môn-Khmer cực bắc

5

Khmu, Kháng, Mảng, Ơ Đu, Xinh Mun

152

1,1

Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và vùng cực tây Nghệ An

10

Tạng-Miến

6

Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La

55,8

0,4

Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, lào Cai

Tổng cộng

53

13.268,8

100,0

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và một số nguồn khác

2.1 Ngữ chi Thái-Đại

Tại Việt Nam, các DTTS thuộc Ngữ chi Thái-Đại là Tày, Nùng, Thái, Lào, Choang, Sán Chay, v.v... với tất cả 12 dân tộc với tổng dân số khoảng 4,4 triệu người, chiếm 33,2% dân số DTTS, là nhóm DTTS lớn nhất. Về nơi phân bố, nhóm Thái-Đại chủ yếu sống ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Trong nhóm Thái-Đại thì DTTS lớn nhất là Tày (trên 1,83 triệu người, cũng là DTTS lớn nhất Việt Nam), tập trung chủ yếu ở vùng đông bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai). Lớn thứ nhì là Thái (khoảng 1,75 triệu người, cũng là DTTS lớn thứ nhì Việt Nam), tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái). Lớn thứ 3 là Nùng (khoảng 1,09 triệu, là DTTS lớn thứ 7 Việt Nam), tập trung ở vùng Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh). Các DTTS còn lại thường nhỏ hoặc rất nhỏ, chỉ có từ vài nghìn, vài chục nghìn đến gần 200 nghìn người. Nét đặc trưng chung của các DTTS trong nhóm này là tuy thuộc vùng cao nhưng thường cư trú ở các nơi đất thấp tương đối bằng phẳng như các thung lũng, các ven suối, ven sông...; sinh kế chủ yếu là sản xuất lúa nước trên ruộng đất bằng hoặc ruộng bậc thang; có bản sắc văn hóa giàu có và tinh tế, có cách ứng xử giao tiếp nhã nhặn.

Người Tày ở Việt Nam trong truyền thống vốn đã có trình độ phát triển khá cao. Nhờ các yếu tố: dân số lớn và sống tại nhiều địa điểm bằng phẳng tập trung khá đông đúc với môi trường tự nhiên khá thuận lợi; có các mối quan hệ lâu dài, cận kề và rất thân ái, mật thiết với người Kinh; đặc biệt là có lợi thế gần một trung tâm văn hóa rất lớn của cả nước là Đại học Thái Nguyên nên người Tày có rất nhiều cơ hội phát triển tốt. Thành tựu nổi bật là về tích lũy vốn con người: người Tày có một đội ngũ trí thức cao cấp đông đảo gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, cử nhân. Có lẽ người Tày có nhiều trí thức nhất trong các DTTS. Người Nùng là một nhóm có quan hệ huyết thống rất gần gũi với người Tày và có sự phát triển cũng tương tự như người Tày nhưng có dân số ít hơn.

Người Thái về cơ bản cũng tương tự như người Tày nhưng do không có sự gần kề mật thiết với một trung tâm văn hóa lớn và khu vực sinh sống biệt lập hơn nên không phát triển bằng người Tày. Tuy nhiên, người Thái cũng có những tiềm năng tương lai phát triển rất lớn nếu các điều kiện kinh tế - xã hội được cải thiện. Các dân tộc khác trong nhóm Thái-Đại là những nhóm nhỏ sống rải rác, biệt lập hơn và kém phát triển hơn so với Tày, Thái, Nùng nhưng vẫn có những mối quan hệ khá gắn kết với các nhóm người khác chứ không đến nỗi quá biệt lập như các nhóm DTTS thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây Bắc.

2.2 Ngữ chi Mông-Dao

Bộ phận người Mông-Dao vào Việt Nam làm xuất hiện 3 dân tộc Mông, Dao và Pà Thẻn, cư trú khắp các tỉnh Miền núi phía Bắc. Dân số nhóm này khoảng 2,02 triệu người; chiếm 15,6% dân số DTTS; là nhóm DTTS lớn thứ nhì Việt Nam.

Mông là DTTS lớn nhất trong nhóm Mông-Dao với dân số khoảng 1,2 triệu người (là nhóm DTTS lớn thứ 5 Việt Nam); Dao là DTTS lớn thứ nhì trong nhóm với 846 nghìn người (là nhóm DTTS lớn thứ 8 ở Việt Nam); dân tộc Pà Thẻn rất nhỏ, chỉ có khoảng 7,6 nghìn người.

Đặc điểm nổi bật của hai dân tộc lớn trong nhóm này là sống ở những địa điểm rất cao, nơi không có dân tộc nào khác đến sống. Trong một khu vực có người Mông-Dao thì người Mông thường ở trên đỉnh các ngọn núi, người Dao ở lưng chừng núi còn dưới chân núi là các dân tộc quen sống ở vùng đất thấp như Tày, Thái, Mường, v.v... Người Dao đã đến Việt Nam từ rất lâu, đến nỗi ngày nay nơi cư trú của họ đã đến tận Hà Nội (ví dụ vùng núi Ba Vì). Người Dao có đặc tính hiếu hòa, biết khéo léo sống hòa hợp không va chạm lợi ích với những nhóm người xung quanh (một trong những biểu hiện đó là lựa chọn điểm cao để sống) nên thường ít gặp xung đột sắc tộc. Tuy nhiên cũng vì điều kiện sinh kế trên lưng chừng núi rất khó khăn và cách biệt nên mặc dù đến Việt Nam từ rất lâu nhưng dân số người Dao không cao bằng người Tày hay người Thái.

Người Mông đến Việt Nam muộn hơn người Dao và người Thái-Đại nên chủ yếu vẫn sống ở các vùng sát biên giới phía bắc. Tuy đến muộn hơn rất nhiều và sống trên những độ cao lớn nhất, có điều kiện sinh kế hết sức khó khăn và rất cách biệt với các nhóm người khác nhưng người Mông lại đông dân hơn người Dao. Sở dĩ như vậy là vì người Mông có khả năng thích nghi rất cao do đặc điểm lịch sử liên tục phải di cư không những vì lý do sinh kế mà còn vì lý do tị nạn xung đột sắc tộc. Từ thời Cổ đại sử sách Trung Hoa đã ghi chép sự kiện nhà Chu (1046-256 TCN) trừng phạt Tam Miêu (tổ tiên người Mông) ở vùng Hồ Bắc, Trung Quốc. Từ đó người Mông liên tục chống đối không những đối với nhà Chu mà bất cứ thế lực cầm quyền nào khác nếu như lợi ích của họ bị xâm phạm, như thế họ gây ra truyền thống luôn luôn xung đột sắc tộc và luôn luôn phải chạy tị nạn. Khi đến vùng đất mới, vì đến sau nên không còn nhiều chỗ trống và vì nhu cầu trốn lánh kẻ thù nên họ thường tìm đến những điểm cao nhất để cư trú, lâu đời trở thành quen sống với sinh thái núi cao. Hoàn cảnh như thế khiến họ phát triển được khả năng cảnh giác đề phòng nguy hiểm, khả năng thích ứng với môi trường mới và khả năng học được rất nhanh phương pháp sinh kế của các nhóm người khác. Lịch sử di cư lâu dài qua rất nhiều vùng khiến cho những khả năng này càng được tăng cường, củng cố sắc nhọn hơn, do đó họ chẳng những vẫn duy trì được sự tồn tại mà còn phát triển dân số khá nhanh.

Người Pà Thẻn chỉ là một nhóm rất nhỏ, tuy ngôn ngữ thì thuộc về nhóm Mông-Dao nhưng phương pháp sinh kế thì lại khác hẳn: sống ở vùng thung lũng có sông suối như nhóm người Tai-Kadai. Đây là kết quả của sự giao thoa lâu đời giữa các dân tộc cận kề.

2.3 Ngữ chi Việt-Mường

Ngữ chi Việt-Mường gồm 3 DTTS là Mường, Thổ, Chứt với dân số khoảng 1,52 triệu người; chiếm 11,5% dân số DTTS; là nhóm DTTS lớn thứ 3 của Việt Nam. Dân tộc Mường chủ yếu sống trên các vùng đồi núi phía tây Đồng bằng sông Hồng và sông Mã, tập trung đông nhất ở Hòa Bình và Thanh Hóa, bên cạnh đó là Phú Thọ, Sơn La. Người Thổ sinh sống chủ yếu ở phía nam Thanh Hóa, miền tây Nghệ An. Người Chứt cư trú chủ yếu tại khu vực phía bắc Quảng Bình. Người Mường là DTTS lớn nhất trong nhóm và lớn thứ ba Việt Nam với khoảng 1,43 triệu người, các dân tộc còn lại tổng cộng chỉ có khoảng 90 nghìn người.

Dân tộc Mường ngày xưa vốn thuộc cùng một nhóm dân tộc với người Kinh, vốn định cư làm nông nghiệp lúa nước ở những vùng đất thấp từ lưu vực sông Mã, sông Hồng ra tới biển. Sau đó trong thời bắc thuộc, những người sống ở các khu vực trung tâm chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Trung Hoa trong một thiên niên kỷ nên biến đổi về ngôn ngữ, văn hóa trở thành dân tộc Kinh; những người ở các vùng biên, sát với núi rừng (phía tây của nhóm) không trực tiếp chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, cơ bản vẫn giữ được ngôn ngữ và văn hóa cũ nên trở thành dân tộc Mường. Tuy nhiên, do sống liền kề và vẫn còn rất nhiều nét văn hóa tương đồng với người Kinh; do địa bàn sinh sống không quá xa xôi khó tiếp cận; do cộng đồng khá đông và ở khá tập trung nên người Mường có những mối quan hệ rất gần gũi, gắn kết với người Kinh, chịu ảnh hưởng của người Kinh rất nhiều. Điều đó khiến cho người Mường có trình độ phát triển khá cao, không thua kém người Kinh quá xa. Các dân tộc Thổ, Chứt do chỉ có ít người và cư trú biệt lập ở những vùng sâu vùng xa nên trình độ phát triển không cao bằng người Mường.

2.4 Ngữ chi Môn-Khmer cực nam

Nhóm Môn-Khmer cực nam là dân tộc Khmer; dân số khoảng 1,42 triệu người; chiếm 10,7% dân số DTTS; là DTTS lớn thứ 4 của Việt Nam. Không giống hầu hết các DTTS khác vốn thường sinh sống ở miền núi, người Khmer cư trú ở Đồng bằng sông Cửu Long làm thành DTTS lớn nhất sống ở đồng bằng. Địa bàn của họ chủ yếu tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre.

Đáng lẽ dân tộc Khmer phải có trình độ phát triển rất cao do các điều kiện sau đây: i) có truyền thống văn minh rạng rỡ được cả thế giới ngưỡng mộ với đỉnh cao là Đế quốc Khmer và văn hóa Angkor; ii) cư trú lâu đời ở vùng đồng bằng phì nhiêu với sinh kế rất thuận lợi; iii) cộng đồng đông đảo và tập trung, sống xen kẽ gần sát và hòa thuận với các cộng đồng có trình độ phát triển cao nhất nước là người Kinh và người Hoa; … Tuy nhiên trong thực tế, người Khmer lại có tỷ lệ nghèo lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tụt hậu rất xa so với người Kinh và người Hoa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất nằm ở văn hóa. Trung tâm văn hóa, tinh thần có hấp lực gắn kết cộng đồng cực mạnh là các chùa Phật giáo Theravada (Phật giáo Nam tông); giáo phái này chủ trương thoát tục, xa lánh cõi đời, tiết chế ham muốn, tham vọng. Cộng thêm các yếu tố khác liên tục tác động sâu xa đến tâm thức người Khmer trong một quá trình lịch sử rất dài (ví dụ luôn luôn bị chèn lấn, xâm lăng, mất lãnh thổ và môi trường sống bởi các sắc tộc khác từ tứ phía, luôn luôn phải chạy loạn) nên người Khmer lại càng tìm nơi trú náu tinh thần sâu trong Theravada. Hậu quả là người Khmer sống trong các phum, sóc khép kín hết sức kiên cố, sinh kế chủ yếu dựa vào nông nghiệp lạc hậu, tự cấp tự túc, con người không muốn rời xa cộng động, có xu hướng bằng lòng với cuộc sống đơn giản hiện có và phó thác cuộc đời cho số phận.

2.5 Ngữ chi Nam Đảo

Nhóm Ngữ chi Nam Đảo bao gồm các DTTS nhỏ, mỗi dân tộc thường chỉ có vài trăm nghìn người trong đó lớn nhất là Gia Rai (trên 463 nghìn người) và Ê Đê (trên 373 nghìn người). Trừ người Chăm, các dân tộc thuộc nhóm này cũng có cách sinh sống tương tự như nhóm Môn-Khmer Bahnar ở Tây Nguyên, nghĩa là: sống khép kín trong các buôn làng; kiếm sống dựa vào thiên nhiên mang tính tự cung tự cấp; biệt lập, ít quan hệ với các cộng đồng khác; trình độ phát triển rất thấp. Dân tộc Chăm cư trú ở vùng đồng bằng Duyên hải Nam Trung bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Trong lịch sử người Chăm vốn rất đông dân và có mật độ dân số cao, đã từng phát triển thành quốc gia Champa rực rỡ; sau đó vì chiến tranh liên miên nên Champa sụp đổ không còn là một quốc gia nữa. Từ đó người Chăm tàn lụi và di cư ra khỏi Việt Nam rất nhiều, một phần lớn sang Cambodia, một phần nhỏ trở về vùng đất tổ tiên xa xưa là đảo Sumatra ở Indonesia. Ngày nay tại Việt Nam người Chăm chỉ còn lại khoảng 160 nghìn người. Tuy cũng cư trú ở đồng bằng và có trình độ phát triển không quá kém người Kinh nhưng do hậu quả lịch sử mà các cộng đồng người Chăm cũng sống rất khép kín, tránh tiếp xúc với các dân tộc khác, nhất là với người Kinh. Người Chăm chính là dân số đạo Hồi chủ yếu ở nước ta.

2.6 Ngữ chi Môn-Khmer Bahnar

Nhóm Môn-Khmer Bahnar gồm 12 dân tộc là Bahnar, M’nong, Xtieng, Co, X’đang, Hre, v.v... sinh sống ở đông Nam bộ (Tây Ninh, Bình Phước), Tây Nguyên và vùng miền núi, trung du các tỉnh nam Trung bộ (xem Hình 2). Nhóm này có dân số 1,16 triệu người, chiếm 8,7% dân số DTTS, là nhóm DTTS lớn thứ 6 Việt Nam. Nhóm Môn-Khmer Bahnar bao gồm các dân tộc nhỏ, mỗi dân tộc thường chỉ có vài chục nghìn người, thậm chí chỉ vài nghìn người. Có một số dân tộc có trên 100 nghìn người nhưng cao nhất cũng chưa tới 300 nghìn người. Nhóm này sống khép kín, biệt lập theo tổ chức buôn làng, kiếm sống dựa vào thiên nhiên mang tính tự cung tự cấp, ít quan hệ với các cộng đồng khác, trình độ phát triển rất thấp.

2.7 Ngữ chi Hán

Trong lịch sử, do nhu cầu tị nạn chính trị và tìm nơi sinh sống tốt hơn mà nhiều người thuộc dân tộc Hán ở Trung Quốc, chủ yếu là từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Triết Giang đã di cư sang Việt Nam từ thời Cận đại làm thành 3 dân tộc là Hoa, Sán Dìu và Ngái. Ngữ chi Hán là DTTS lớn thứ 7 Việt Nam với khoảng 1,09 triệu người, chiếm 8,2% dân số DTTS. Trong đó, dân tộc Hoa chiếm đại đa số với 927 nghìn người, chiếm 84,8% dân số cả nhóm, và là nhóm DTTS lớn thứ 7 ở Việt Nam. Người Hoa ở rải rác trên khắp Việt Nam nhưng tập trung hầu hết ở TP.Chí Minh (trên 50%) và Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Như vậy, người Hoa cũng là một DTTS lớn không sống ở miền núi mà ở đồng bằng, không những thế lại ở những nơi đô thị và vùng đồng bằng phồn thịnh, trù phú nhất nước. Dân tộc Sán Dìu có khoảng 165 nghìn người phân bố chủ yếu ở miền trung du của vùng Đông Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc). Dân tộc Ngái chỉ có rất ít người (trên 1 nghìn người).

Dân tộc Hoa chính là người Hán, dân tộc lớn nhất của Trung Quốc và cũng là dân tộc lớn nhất của thế giới. Người Hán đã phát triển Nền văn minh Trung Hoa, một trong 6 chiếc nôi văn minh của nhân loại và là một nền văn minh rất lâu đời, có trình độ phát triển rất cao. Người Hán có khả năng sáng tạo xuất sắc với rất nhiều thành tựu đỉnh cao trong mọi lĩnh vực, từ khoa học công nghệ cho đến kinh tế, đặc biệt là thương mại, trong đó có những thành tựu thuộc hàng bậc nhất thế giới. Sự phồn thịnh của Thượng Hải, Hồng Công, Quảng Châu, Thâm Quyến, Đài Loan, Singapore phần lớn được đem lại từ sự sáng tạo của người Hán. Dân tộc Hoa ở Việt Nam có cùng gốc đông nam Trung Quốc (Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang) như người Hồng Công và người Singapore nên cũng có những khả năng sáng tạo rất cao. Cộng đồng người Hoa ở miền nam Việt Nam đã có những đóng góp rất to lớn trong lịch sử phát triển đất nước: họ chính là những người đầu tiên gây dựng đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn sầm uất của Viễn Đông mà ngày nay là TP. Hồ Chí Minh và khai phá, mở mang vùng đất Hà Tiên ở Kiên Giang thành một nơi phồn thịnh, trù mật. Dân tộc Hoa ở TP. Hồ Chí Minh chính là nhóm người giàu có nhất Việt Nam. Như người Hán ở mọi nơi khác, người Hoa ở Việt Nam có mạng lưới kết nối rất chặt chẽ và nhanh nhạy với mạng lưới người Hán trên khắp thế giới nên chứa đựng một tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên người Hoa có xu hướng chỉ quan tâm tới kinh tế, nhất là thương mại để làm giàu cho bản thân chứ chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề khác.

Dân tộc Sán Dìu tuy nói và viết Ngữ chi Hán nhưng có lẽ thuộc một sắc tộc có liên quan nhân chủng học với các nhóm người xuất xứ từ đảo Hải Nam, Trung Quốc (một biểu hiện rõ nét là người Sán Dìu ăn trầu cau còn người Hán thì không) nên không được Chính phủ Việt Nam phân loại là người Hoa. Dân tộc này có xu hướng đồng hóa với người Kinh tại các nơi mà họ sinh sống. Dân tộc Ngái còn gọi là Khách Gia (Hakka) tuy rất ít người nhưng có một điểm rất đặc biệt nên chú ý. Họ vốn là một nhóm người Hán xuất xứ từ phía bắc Trung Quốc (thuộc tỉnh Thái Nguyên, Trung Quốc ngày nay) di cư đi khắp nơi, bị kỳ thị bởi các nhóm người Hán khác nhưng lại sinh ra rất nhiều nhân vật nổi tiếng như Hồng Tú Toàn, Tôn Dật Tiên, Lưu Vĩnh Phúc, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Trương Phát Khuê, Lý Quang Diệu, v.v… Đây có thể là một nguồn trí tuệ độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

2.8 Ngữ chi Môn-Khmer Katu

Nhóm Ngữ chi Môn-Khmer Katu có dân số đứng thứ 8 với khoảng 202 nghìn người, chiếm 1,5% dân số DTTS, gồm các dân tộc Bru-Vân Kiều, K’tu, Tà Ôi sinh sống tại vùng miền núi các tỉnh trung Trung bộ từ Quảng Bình cho tới Quảng Nam (xem Hình 2). Nhóm này bao gồm các dân tộc rất nhỏ sống cực kỳ biệt lập ở những ngõ ngách núi rừng hiểm hóc sâu xa, ngại và tránh tiếp xúc với các dân tộc có cộng đồng lớn, nhiều dân tộc có nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với Nhóm Môn-Khmer cực bắc, nhóm Ngữ chi Katu là nhóm dân tộc có trình độ phát triển thấp nhất.

2.9 Ngữ chi Môn-Khmer cưc bắc

Đứng thứ 9 về dân số là Ngữ chi Môn-Khmer cực bắc với khoảng 152 nghìn người, chiếm 1,1% dân số DTTS; gồm 5 dân tộc Khmu, Kháng, Mảng, Ơ Đu, Xinh Mun sống chủ yếu ở các tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái) và vùng cực tây Nghệ An (xem Hình 2). Nhóm này giống nhóm Ngôn ngữ Katu: gồm các dân tộc rất nhỏ sống cực kỳ biệt lập ở những ngõ ngách núi rừng hiểm hóc sâu xa, ngại và tránh tiếp xúc với các dân tộc có cộng đồng lớn, nhiều dân tộc có nguy cơ tuyệt chủng, là các nhóm dân tộc có trình độ phát triển thấp nhất.

2.10 Ngữ chi Tạng-Miến

Có dân số ít nhất là nhóm Ngữ chi Tạng Miến, chỉ khoảng 55,8 ngàn người, chiếm 0,4% dân số DTTS; gồm 5 DTTS là Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá và Si La. Về nguồn gốc, trong lịch sử từ phía đông bắc Myanma và tây nam Trung Quốc (đông nam Tây Tạng và tây nam Vân Nam) có các nhóm người thuộc Ngữ chi Tạng-Miến di cư sang các vùng lân cận, một bộ phận tới Việt Nam làm xuất hiện 6 dân tộc là Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La. Do đặc điểm của nơi xuất phát và hướng di cư nên nhóm ngữ chi này cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc (Lào Cai, Điện Biên, Sơn La). Nhóm ngữ chi Tạng-Miến cũng chỉ gồm các dân tộc rất nhỏ, trong đó dân tộc Hà Nhì có dân số lớn nhất với khoảng 24,4 nghìn người. Điều lý thú là tuy ở vùng miền núi cao rất xa xôi hẻo lánh hẻo lánh và chỉ có dân số rất ít nhưng nhìn chung người Hà Nhì vẫn có trình độ phát triển kinh tế, nhận thức và học vấn cao hơn các dân tộc lân cận (họ có chữ viết riêng bằng ký tự Latin). Các dân tộc khác trong nhóm Ngữ chi Tạng-Miến chỉ có từ vài trăm đến hơn 10 nghìn người, cũng có sinh kế tương tự như các dân tộc nhỏ của nhóm Ngữ chi Thái-Đại.

Hình 5: Người Hà Nhì

Nguồn: http://vov4.vov.vn/TV/chuyen-muc/ang-su-thi-co-phuy-ca-na-ca-cua-nguoi-ha-nhi-c1257-111228.aspx

3 Các dân tộc thiểu số lớn nhất ở việt Nam

Trên cơ sở nội dung các phần đã nêu ở trên chúng ta liệt kê ra danh mục 8 DTTS lớn nhất Việt Nam và trình bày trong Bảng 3. Tám DTTS lớn nhất có tổng dân số khoảng 10,5 triệu người, chiếm 79% dân số DTTS. Mỗi dân tộc trong số các dân tộc không nằm trong số 8 dân tộc lớn nhất đều chỉ có dân số dưới 500 nghìn người.

Bảng 3: Tám dân tộc thiểu số lớn nhất Việt Nam

Thứ hạng

Dân tộc

Ngữ hệ

Ngữ chi

Dân số

(triệu người)

Nơi phân bố

1

Tày

Thái-Đai

Thái-Đại

1,820

Đông Bắc, Lào Cai, Yên Bái

2

Thái

Thái-Đai

Thái-Đại

1,750

Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình

3

Mường

Nam Á

Việt-Mường

1,430

Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ

4

Khmer

Nam Á

Môn-Khmer cực nam

1,420

Đồng bằng sông Cửu long

5

Mông

Mông-Dao

Mông-Dao

1,200

Vùng núi cao phía Bắc

6

Nùng

Thái-Đai

Thái-Đại

1,090

Đông Bắc

7

Hoa

Hán-Tạng

Hán

0,927

TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long

8

Dao

Mông-Dao

Mông-Dao

0,846

Vùng núi cao phía Bắc

Tổng cộng

10,483

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê và một số nguồn khác

Tỷ lệ lớn về dân số của 8 DTTS lớn nhất nói lên rằng, trong các nghiên cứu về chính sách phát triển cho vùng DTTS cần phải đặc biệt chú ý tới tác động của chính sách đối với các dân tộc này.

Từ khóa » đất Nước Việt Nam Có Bao Nhiêu Dân Tộc Thiểu Số