Dân Tộc Thiểu Số Là Gì? Dân Tộc Nào được Gọi Là ... - Luật Dương Gia

Mục lục bài viết

  • 1 1. Dân tộc thiểu số là gì?
  • 2 2. Các đặc trưng của dân tộc thiểu số:
  • 3 3. Những dân tộc thiểu số tiêu biểu tại Việt Nam:

1. Dân tộc thiểu số là gì?

Mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét đặc trưng riêng về truyền thống, văn hóa được tạo dựng bởi bề dày lịch sử dân tộc. Ở Việt Nam cũng vậy, 54 dân tộc mang 54 màu sắc văn hóa khác nhau, tạo lên sự phong phú, đa dạng.

Dân tộc là gì?

Dân tộc là quốc gia theo nghĩa rộng, gồm cộng đồng người dân cùng nhau sinh sống trên một lãnh thổ rộng lớn, được vận hành bởi sự quản lý của bộ máy nhà nước, trong một dân tộc thì có thể gồm nhiều tộc người, mỗi tộc người lại có những nét văn hóa và ngôn ngữ khác nhau tạo ra nét phong phú, độc đáo.

Ngoài ra dân tộc còn được hiểu là những nhóm người cùng sinh sống với nhau trên một khu vực địa lý nhất định trong lãnh thổ, mang những đặc điểm riêng biệt như về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán…

Dân tộc thiểu số là gì?

Dân tộc thiêu số là những dân tộc có số dân ít, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng dân số cả nước, đa số các dân tộc thiểu số đều tập trung sinh sống ở những khu vực giáp biên giới, vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn, vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra cộng đồng các dân tộc thiểu số ít người thường khó hòa nhập do họ sử dụng ngôn ngữ riêng, nhận thức còn hạn chế, có nhiều phong tục tập quán cổ hủ.

Ở nước ta thì chỉ có dân tộc Kinh được coi là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ dân số lớn trong tổng số dân số cả nước, còn 53 dân tộc còn lại đều được xếp vào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên hiện nay số dân của một số dân tộc ngày càng tăng lên như Tày, Thái, Mường….đồng thời địa bàn sinh sống đã tản ra, trình độ văn hóa, kinh tế phát triển mạnh.

Do đặc điểm của cộng đồng dân tộc thiểu số mà trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm chú trọng đến việc phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục tại địa bàn các khu vực có dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần tạo lập sự bình đẳng, phát triển đồng đều trên cả nước.

Theo định nghĩa tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc thì “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy, thế nào là dân tộc thiểu số và dân tộc đa số, như chúng ta đã biết “Dân tộc đa số” là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước, theo điều tra dân số quốc gia, đó là dân tộc Kinh với 85,7% dân số cả nước. Các dân tộc khác đều là dân tộc thiểu số.

Trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc, cụm từ “Dân tộc thiểu số” được thống nhất sử dụng trong hệ thống các văn bản pháp qui, các văn bản hành chính và không sử dụng khái niệm dân tộc bản địa. Tuy nhiên tại một số diễn đàn, hội thảo quốc tế, các báo cáo của các tổ chức phi chính phủ… còn có sự nhầm lẫn khái niệm “người bản địa” và “người dân tộc thiểu số”.

Trong bối cảnh các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng các kẽ hở của pháp luật, của văn bản hành chính để lợi dụng tuyên truyền, kích động một số dân tộc thiểu số với lập luận về các điều khoản được ghi trong tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa (như quyền sở hữu về đất đai, tài nguyên, quyền tự trị, tự quyết về chính trị, văn hóa…) để phá hoại chính sách đại đoàn kết, gây bất ổn về chính trị và an ninh quốc phòng.

Thực hiện đúng công tác dân tộc theo các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp qui của Nhà nước, các cơ quan chính quyền các cấp không được sử dụng cụm từ “dân tộc bản địa” để chỉ các dân tộc trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các hành vi cố tình vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật.

Khái niệm dân tộc được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau, trước khi nghiên cứu về dân tộc, ta nghiên cứu về tộc người. Tộc người (ethnic, ethnie) theo định nghĩa cộng đồng tộc người để chỉ một tập đoàn người, xuất hiện trong lịch sử phát triển tự nhiên và xã hội, có chung ngôn ngữ (tiếng nói), lịch sử nguồn gốc, đời sống văn hoá và ý thức tự giác dân tộc (cùng tự nhận mình là dân tộc). Hình thức và trình độ phát triển của tộc người phụ thuộc vào các thể chế xã hội tương ứng với phương thức sản xuất.

Dân tộc (nation) là hình thái phát triển cao nhất của tộc người, xuất hiện trong tư bản chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội (hình thái của tộc người trong xã hội nguyên thuỷ là bộ lạc, trong xã hội phong kiến là bộ tộc). Dân tộc đặc trưng bởi tính cộng đồng bền vững và chặt chẽ và phát triển hơn trên các lĩnh vực kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, các đặc điểm về văn hoá, ý thức tự giác tộc người.

Theo nghĩa quốc gia – dân tộc, dân tộc là cộng đồng chính trị – xã hội, được hình thành do sự tập hợp của nhiều tộc người có trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau cùng chung sống trên một lãnh thổ nhất định và được quản lý thống nhất bởi nhà nước. Kết cấu của cộng đồng quốc gia dân tộc rất đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, hoàn cảnh kinh tế, văn hoá, xã hội của từng nước. Một quốc gia dân tộc có tộc người đa số và tộc người thiểu số. Có tộc người đạt đến trình độ dân tộc và có tộc người chỉ ở trình độ bộ tộc.

Với cơ cấu tộc người như vậy, quan hệ giữa các tộc người rất đa dạng, phức tạp, Nhà nước cần ban hành chính sách dân tộc để duy trì sự ổn định, phát triển của các tộc người, sự ổn định và phát triển của đất nước. Những cũng có trường hợp quốc gia chỉ gồm một tộc người như Triều Tiên.

Khái niệm dân tộc cần được hiểu theo hai khía cạnh, một là cộng đồng người và hai rộng hơn là để chỉ dân cư của một quốc gia. Hai khái niệm này có liên quan mật thiết đến nhau. Trong khái niệm “người dân tộc thiểu số”, “dân tộc” dùng để chỉ một cộng đồng người trong tổng số dân cư của quốc gia, “thiểu số” dùng để chỉ số rất ít, chiếm số lượng không đáng kể trong tổng số chung. Như vậy, “dân tộc thiểu số” được hiểu là trên một quốc gia bao gồm nhiều dân tộc khác nhau thì “dân tộc thiểu số” có số dân cư chiếm số lượng nhỏ hoặc rất nhỏ so với tổng số người dân cả nước hoặc so với một hoặc nhiều các dân tộc chiếm số lượng lớn của đất nước. Ngoài ra, một số khái niệm “người bản địa” cũng được sử dụng để chỉ “người dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, nhà nước Việt Nam không đồng nhất khái niệm người dân tộc thiểu số với người bản địa. Thay vào đó, thuật ngữ “dân tộc thiểu số” để chỉ chung cho những người không thuộc dân tộc Kinh. Dân tộc Việt Nam bao gồm 54 dân tộc (cộng đồng tộc người) trong đó, số dân cư của dân tộc Kinh chiếm hơn 80% tổng số dân cư và số dân cư của 53 dân tộc còn lại chiếm chưa tới 20% tổng số dân cư cả nước.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã đưa ra khái niệm “Dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc thì “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; “Dân tộc đa số là dân tộc có số dân chiếm trên 50% tổng dân số của cả nước theo điều tra dân số quốc gia. Như vậy, theo pháp luật Việt Nam, một dân tộc được coi là dân tộc thiểu số khi số dân của dân tộc đó nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng số dân của cả nước (tính theo kết quả điều tra dân số quốc gia). Và người dân tộc thiểu số được hiểu là người dân của các dân tộc có số dân nhỏ hoặc bằng 50% tổng số dân của cả nước. Tại nước ta hiện nay, “Dân tộc đa số” đó là dân tộc Kinh với 85,7% dân số cả nước còn lại các dân tộc khác đều là dân tộc thiểu số.

Dân tộc thiểu số trong tiếng anh là Ethnic minority

2. Các đặc trưng của dân tộc thiểu số:

– Địa bàn sinh sống

Đồng bào các DTTS thường tập trung vào các vùng núi và vùng sâu vùng xa, tuy nhiên họ cũng phân bố rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam do chiến tranh và nhập cư. Các DTTS sinh sống ở khu vực thành thị thường sung túc hơn các DTTS sống ở khu vực nông thôn. Nhiều làng, xã có tới 3-4 DTTS khác nhau cùng sinh sống. Vị trí địa lý đóng một vai trò quan trọng trong các tập tục văn hóa của các DTTS, song cũng đồng thời tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công như y tế và giáo dục.

Khả năng tiếp cận cơ sở vật chất cơ bản tại những địa bàn người DTTS sinh sống chủ yếu vẫn còn hạn chế. 72% DTTS không có nhà vệ sinh đạt chuẩn, và hơn ¼ số hộ DTTS không được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh.Tỉ lệ hộ có điện sinh hoạt tương đối cao ở Việt Nam, tuy nhiên phần lớn các hộ sinh sống tại khu vực nông thôn và vùng núi chưa được sử dụng điện lưới, gây nên tình trạng mất cân đối trong đời sống đồng bào DTTS.

Tuy còn thiếu thốn về điều kiện giáo dục so với đồng bào Kinh, các DTTS đều có đại diện với vai trò cán bộ và công chức trong các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp tỉnh và thành phố. Tuy nhiên, trình độ văn hóa, đặc biệt là tỷ lệ biết chữ có khác biệt lớn giữa các nhóm DTTS. Tỷ lệ trung bình cho 53 DTTS là 79,8%, tuy nhiên con số này biến thiên từ mức thấp nhất là 34,6% với dân tộc La Hủ, tới cao nhất là các dân tộc Thổ, Mường, Tày và Sán Dìu đạt 95%. Tỷ lệ người lao động là DTTS đã qua đào tạo bằng 1/3 của cả nước.

Một trong những rào cản của giáo dục ở vùng cao chính là khoảng cách địa lý. Nhiều học sinh người DTTS phải đi một quãng đường xa để tới trường phổ thông, thường rơi vào khoảng từ 9 km thậm chí lên tới 70 km, Thêm vào đó, người được đi học chủ yếu vẫn là nam giới, do tư tưởng lỗi thời “trọng nam khinh nữ”  vẫn còn tồn tại ở đồng bào DTTS.

– Văn hóa, sinh kế, đất đai

Tuy các DTTS có sự khác biệt với nhau về phong tục tập quán, rừng vẫn đóng vai trò quan trọng với phần lớn các DTTS. Người Mông, Thái, Dao đỏ, Vân Kiều, Ja Rai, Ê Đê, và Ba Na sinh sống trên nhiều tỉnh thành trên cả nước vẫn nương tựa vào rừng cộng đồng. Họ có những khu rừng thiêng phục vụ mục đích về tâm linh tín ngưỡng cũng như người Kinh có đền thờ và nhà thờ dòng họ. Luật tục cũng quy định những khu rừng đầu nguồn, rừng nguồn nước nơi người dân thờ Thần Nước. Ngoài ra còn có các khu rừng khai thác sản phẩm chung của cả làng bản, ví dụ như dược liệu, củi, và vật liệu để làm đồ thủ công. Hình thức quản lý rừng truyền thống theo cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong phong tục tập quán cũng như sinh kế của các DTTS tại Việt Nam. Dưới đây là phim tài liệu về Người H’Mông và lễ cúng các vị thần rừng tại Xã Sín Chéng, Huyện Simacai, Tỉnh Lào Cai do Trung tâm Tư vấn Quản lý Bền vững Tài nguyên và Phát triển Văn hóa Cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) biên tập.

Ngoài sản xuất lâm nghiệp, sản xuất nông nghiệp là sinh kế với nhiều DTTS. Cả hai hình thức canh tác lâm nghiệp và nông nghiệp đều cần có đất. Tuy nhiên các DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn về quyền đất đai để duy trì hoạt động sản xuất và sinh hoạt văn hóa. Trong nỗ lực bảo vệ sinh kế và khuyến khích bảo vệ môi trường, một số cộng đồng đã được chính phủ giao đất để họ tiếp tục quản lý rừng truyền thống theo cộng đồng. Tuy nhiên việc làm này chưa được phổ biến rộng rãi. Năm 2015, chỉ có 26% tổng diện tích đất rừng được giao cho các hộ, và chỉ có 2% được giao cho cộng đồng quản lý. Thêm vào đó, mặc dù Luật Đất đai thừa nhận quyền sở hữu đất đai theo luật tục, đất đai phần lớn vẫn thuộc sự quản lý của Chính phủ, và Luật Dân sự không thừa nhận cộng đồng như một pháp nhân.

Người dân tộc thiểu số tại Việt Nam là một bộ phận của cả dân tộc Việt Nam và có những đặc điểm như sau:

Một là, dân cư của các dân tộc thiểu số chiếm số lượng nhỏ trong tổng số dân cư cả nước. Tổng số dân của các các dân tộc thiểu số Việt Nam chỉ chiếm vài % tổng số dân cư cả nước. Tại Việt Nam, tổng số đồng bào của 53 dân tộc thiểu số (trừ dân tộc kinh) chỉ chiếm khoảng 15% tổng dân số cả nước. Trong số các dân tộc thiểu số, dân tộc chiếm số lượng nhiều nhất là dân tộc Tày, dân tộc Thái, dân tộc Mường (chiếm chưa đến 2% tổng số dân cả nước).

Hai là, địa bàn sinh sống của đồng bào của các dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung vào các vùng núi và vùng sâu vùng xa [16, tr.19] và phần lớn sống ở khu vực nông thôn. Vì vị trí địa lý sinh sống của họ nhiều cách trở nên khả năng tiếp xúc với cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế còn gặp nhiều hạn chế. Điều này gây ảnh hưởng tới đời sống kinh tế – xã hội của bà con vùng dân tộc thiểu số cũng như trình độ dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân. Vì vậy, việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của người dân tộc thiểu số, góp phần lớn để bảo vệ quyền, lợi ích của họ.

Ba là, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nền văn hoá đậm đà bản sắc, mang đậm những nét độc đáo góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hoá Việt Nam. Mỗi dân tộc lại có những nét văn hoá đặc trưng chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống thể hiện qua các phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống, lễ nghi, trang phục và các nghề truyền thống. Chẳng hạn dân tộc Thái, Mường có lễ hội hoa ban, hội tung còn, đẩy gậy, cầu mùa, xên mường, xên bản, gắn với mùa vụ trong năm và các làn điệu hát dân ca, như: giao duyên, đang, xường … Đồng bào dân tộc Mông có lễ hội mùa xuân, với nhiều trò chơi dân gian là ném pao, tu lu, đặc biệt là điệu múa khèn truyền thống. Dân tộc Dao có lễ cấp sắc, kết duyên, chúc phúc, … Ngoài ra, các dân tộc còn có tiếng nói, chữ viết riêng. Những nét đẹp truyền thống đó luôn được Nhà nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy các truyền thống văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc.

3. Những dân tộc thiểu số tiêu biểu tại Việt Nam:

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam, với  78,32 triệu người. 53 dân tộc thiểu số (DTTS) còn lại chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước.

Mặc dù Việt Nam ủng hộ Tuyên bố về quyền của người bản địa (UNDRIP), Chính phủ không đồng nhất khái niệm người dân tộc thiểu số với người bản địa. Thay vào đó, Chính phủ dùng thuật ngữ “dân tộc thiểu số” để chỉ chung cho những người không thuộc dân tộc Kinh, thể hiện chủ trương “thống nhất trong đa dạng” của Chính phủ.

Giữa các DTTS cũng có rất nhiều khác biệt. Trong số đó, người Hoa (dân tộc Hán) có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng với văn hóa Việt Nam, và họ cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, người Hoa thường không được ghi nhận là một “dân tộc thiểu số” ở Việt Nam. Các dân tộc khác, ví dụ như dân tộc H’Mông và dân tộc Nùng chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và duy trì đời sống văn hóa gắn liền với những khu rừng. Các DTTS cũng được phân chia theo hệ ngôn ngữ. Ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam được chia làm 8 nhóm: Việt – Mường, Tày – Thái, Môn – Khmer, Mông – Dao, Ka đai, Nam đào, Hán và Tạng. 96% các dân tộc thiểu số nói tiếng mẹ đẻ của họ.

Hiện nay, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách phát triển, ưu đãi mà các dân tộc đang ngày càng có đời sống tốt hơn. Địa bàn cư trú của các dân tộc đã có sự xen kẽ với nhau chính vì vậy mà đã tạo ra sự giao thoa của các nền văn hóa. So với việc phát triển kinh kế riêng biệt thì hiện nay các dân tộc đã mở rộng phạm vi, tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế của cả nước.

Từ khóa » đất Nước Việt Nam Có Bao Nhiêu Dân Tộc Thiểu Số