Công Thức Poisson – Công Thức Tổng Poisson | Giải Tích

Như đã làm quen trong môn Phương trình đạo hàm riêng, ta đã biết công thức Poisson cho hàm điều hòa u (hàm thỏa mãn phương trình Laplace u_{xx}+u_{yy}=0) trong:

+ miền hình tròn đơn vị D=\{(r, \varphi)|\; 0\le r<1, 0\le\varphi<2\pi\}

u(r, \varphi)=\dfrac{1}{2\pi}\int\limits_0^{2\pi}P_r(\varphi-\theta)u(1, \theta)d\theta,

trong đó P_r(\varphi)=\dfrac{1-r^2}{1-2r\cos\varphi+r^2},

+ nửa mặt phẳng trên \mathbb R^2_+=\{(x, y)|\; y>0\}

u(x, y)=\int\limits_{-\infty}^{+\infty} \mathcal P_y(x-t)u(t, 0)dt,

trong đó \mathcal P_y(t)=\dfrac{1}{\pi}\dfrac{y}{y^2+t^2}.

Nhìn qua có vẻ như chúng chưa liên hệ gì với nhau? Tuy nhiên dưới con mắt ánh xạ bảo giác trong hàm phức, hai công thức trên chẳng qua là một, sai khác một ánh xạ bảo giác.

(Các bạn có thể tham khảo

https://bomongiaitich.wordpress.com/2009/04/13/bai-toan-bien-dirichlet-tren-n%e1%bb%ada-d%e1%ba%a3i-vo-h%e1%ba%a1n/)

Ta cũng có thể nhìn nhận vấn đề theo cách khác như dưới đây tôi sẽ trình bày.

+ Qua phép nghịch đảo qua đường tròn đơn vị r\to 1/r, công thức Poisson cho hàm điều hòa ngoài hình tròn đơn vị \{(r, \varphi)|\; r>1, 0\le\varphi<2\pi\}

u(r, \varphi)=\dfrac{1}{2\pi}\int\limits_0^{2\pi}Q_r(\varphi-\theta)u(1, \theta)d\theta

với Q_r(\varphi)=\dfrac{r^2-1}{1-2r\cos\varphi+r^2}.

Nhìn lại miền ngoài hình tròn đơn vị một chút ta thấy nó chính là việc cuộn tròn nửa mặt phẳng trên! Một cách toán học, việc xét hàm trên miền ngoài hình tròn đơn vị chẳng qua là việc khảo sát các hàm tuần hoàn chu kỳ 2\pi trên nửa mặt phẳng. Một mắt xích quan trọng!

Đi vào cụ thể, công thức Poisson cho miền ngoài hình tròn hoàn toàn dẫn được từ công thức Poisson cho nửa mặt phẳng trên như sau.

Hàm điều hòa u:\mathbb R^2_+\to\mathbb R bây giờ được xét là hàm tuần hoàn chu kỳ 2\pi theo biến x.

Ta viết lại công thức Poisson

u(x, y)=\int\limits_{-\infty}^\infty \mathcal P_y(x-t)u(t, 0)dt=\sum\limits_{k=-\infty}^\infty \int\limits_{k2\pi}^{(k+1)2\pi}\mathcal P_y(x-t)u(t, 0)dt.

Do u(x, y) tuần hoàn chu kỳ 2\pi theo biến x nên

\int\limits_{k2\pi}^{(k+1)2\pi}\mathcal P_y(x-t)u(t, 0)dt=\int\limits_{0}^{2\pi}\mathcal P_y(x+k2\pi-t)u(t, 0)dt.

Ta cần tính chuỗi

\sum\limits_{k=-\infty}^\infty \mathcal P_y(x+k2\pi)=\dfrac{1}{\pi}\sum\limits_{k=-\infty}^\infty \dfrac{y}{y^2+(x+k2\pi)^2}.

Lúc này công thức tổng Poisson được sử dụng.

Công thức tổng Poisson được phát biểu như sau.

Cho f:\mathbb R\to\mathbb C đủ tốt (chẳng hạn khả vi vô hạn và tất cả các đạo hàm tiến về 0 nhanh hơn bất kỳ đa thức nào khi |x| tiến ra +\infty).

Khi đó

\sum\limits_{k=-\infty}^\infty f(x+2k \pi)=(2\pi)^{-1/2}\sum\limits_{k=-\infty}^\infty e^{ikx}Ff(k)

trong đó Ff(k)=(2\pi)^{-1/2}\int\limits_{\mathbb R}e^{-ikx}f(x)dx.

(Các bạn có thể tham khảo bài

http://datuan5pdes.wordpress.com/2007/10/30/cong-th%e1%bb%a9c-poisson/?preview=true&preview_id=54&preview_nonce=0dbed6b675

hay

http://en.wikipedia.org/wiki/Poisson_summation_formula)

Sử dụng hàm f(x)=\mathcal P_y(x)=\dfrac{1}{\pi}\dfrac{y}{y^2+x^2} với lưu ý biến đổi Fourier của hàm này

Ff(\xi)=(2\pi)^{-1/2}e^{-y|\xi|} ta có

\sum\limits_{k=-\infty}^\infty \mathcal P_y(x+k2\pi)=\dfrac{1}{2\pi}\sum\limits_{k=-\infty}^\infty e^{ik x}e^{-|k|y}.

(Xem trong bài

http://datuan5pdes.wordpress.com/2008/11/25/cong-th%e1%bb%a9c-t%e1%bb%95ng-poisson-d%e1%bb%8bnh-ly-mittag-leffler/)

Đến đây ta được công thức Poisson cho hàm điều hòa tuần hoàn trên đường thẳng. Công thức này quen thuộc trong việc giải bài toán biên trong nửa dải, chẳng hạn

u_{xx}+u_{yy}, 0<x<\pi, y>0,

u(0, y)=u(\pi, y)=0, y>0,

u(x, 0)=f(x).

Khi đó ta thác triển các hàm u(x, y), f(x) thành các hàm lẻ, tuần hoàn chu kỳ 2\pi ta được

u(x, y)=\dfrac{1}{2\pi}\sum\limits_{k=-\infty}^\infty c_ke^{-|k|y}e^{ikx}

với c_k=\int\limits_0^{2\pi} f(x)e^{-ikx}dx.

Để chuyển sang công thức Poisson cho miền ngoài hình tròn, cần lưu ý khi chuyển sang hệ tọa độ cực phương trình Laplace chuyển thành

\dfrac{1}{r}\dfrac{\partial}{\partial r}\Big(r\dfrac{\partial v}{\partial r}\Big)+\dfrac{1}{r^2}\dfrac{\partial^2 v}{\partial \varphi^2}=0

khác so với phương trình Laplace trong nửa dải

u_{xx}+u_{yy}=0.

Tuy nhiên nếu lại đổi biến x=\varphi, y=\log r thì phương trình ngoài hình tròn trùng với phương trình trong nửa dải.

Khi đó, với r=e^y, x=\varphi ta thu được công thức Poisson ngoài hình tròn và công thức

u(r, \varphi)=\sum\limits_{k=-\infty}^\infty c_k r^{-|k|}e^{ik\varphi}

với c_k=\dfrac{1}{2\pi}\int\limits_0^{2\pi}u(1, \varphi)e^{ik\varphi}d\varphi.

Với phương trình truyền nhiệt ta cũng gặp sự kiện thú vị tương tự.

Từ công thức Poisson cho phương trình truyền nhiệt u_t=a^2u_{xx} trên toàn đường thằng

u(x, t)=\int\limits_{-\infty}^\infty \mathcal H_t(x-y)u(y, 0)dy

với \mathcal H_t(y)=\dfrac{1}{\sqrt{4a^2\pi t}}e^{-\frac{y^2}{4a^2t}}

ta có thể dẫn đến công thức Poisson cho phương trình truyền nhiệt trên đường tròn, hay dễ hình dung là phương trình truyền nhiệt đối với hàm tuần hoàn chu kỳ 2\pi. Ta cũng có thể đề cập đến phương trình truyền nhiệt đối với hàm tuần hoàn chu kỳ 2L, L>0, tổng quát như dưới đây.

Do hàm u(x, t) tuần hoàn chu kỳ 2L theo x nên ta viết lại công thức Poisson

u(x, t)=\int\limits_{-\infty}^\infty \mathcal H_t(x-y)u(y, 0)dy=\sum\limits_{k=-\infty}^\infty \int\limits_{k2L}^{(k+1)2L} \mathcal H_t(x-y)u(y, 0)dy

=\int\limits_{0}^{2L} (\sum\limits_{k=-\infty}^\infty\mathcal H_t(x+k2L-y))u(y, 0)dy.

Dùng công thức tổng Poisson

\sum\limits_{k=-\infty}^\infty f(x+2k L)=\dfrac{(2\pi)^{1/2}}{2L}\sum\limits_{k=-\infty}^\infty e^{\frac{ik\pi x}{L}}Ff(\frac{k\pi}{L})

cho hàm f(y)=\mathcal H_t(y) với chú ý biển đổi Fourier

Ff(\xi)=\dfrac{1}{\sqrt{2\pi}}e^{-a^2\xi^2 t}

ta được

H_t(x)=\sum\limits_{k=-\infty}^\infty\mathcal H_t(x+k2L)=\dfrac{1}{2L}\sum\limits_{k=-\infty}^\infty e^{\frac{ik\pi x}{L}}e^{-(\frac{ak\pi}{L})^2 t}.

Công thức Poisson cho phương trình truyền nhiệt trong trường hợp tuần hoàn

u(x, t)=\int\limits_{0}^{2L}H_t(x-y)u(y, 0)dy

=\sum\limits_{k=-\infty}^\infty c_ke^{\frac{ik\pi x}{L}}e^{-(\frac{ak\pi}{L})^2t}

với c_k=\dfrac{1}{2L}\int\limits_0^{2L} e^{-\frac{ik\pi y}{L}}u(y, 0)dy.

Công thức Poisson cho trường hợp tuần hoàn là quen thuộc trong việc giải bài toán biên hỗn hợp cho phương trình truyền nhiệt, chẳng hạn

u_t=a^2u_{xx}, 0<x<L, t>0,

u(0, t)=0, u(L, t)=0, t>0,

u(x, 0)=f(x).

Ta thác triển u(x, t), f(x) thành hàm lẻ, tuần hoàn chu kỳ 2L trên toàn trục số.

Khi đó công thức nghiệm

u(x, t)=\sum\limits_{k=1}^\infty b_k\sin(\frac{k\pi x}{L})e^{-(\frac{ak\pi}{L})^2t}

với b_k=\dfrac{2}{L}\int\limits_0^L f(x)\sin(\frac{k\pi x}{L})dx.

Cách tiếp cận trình bày trên dựa trong cuốn “Fourier Analysis: An introduction” của E. M. Stein – R. Shakarchi.

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Công Thức Poisson