Cường Hào Ác Bá | Ca Dao Tục Ngữ Phú Yên

NỘI DUNG CÁC TRUYỆN TIẾU LÂM (Tục) ĐÃ SƯU TẦM TRONG QUYỂN NÀY :

Là những truyện cười xưa nhưng rất gần gũi với ngày nay : Chủ đề thù ghét tham nhũng. Trước hết, tham nhũng xảy ra ở những hạng CÓ CHỨC CÓ QUYỀN, thứ đến, hạng tuy không có chức có quyền nhưng khéo nịnh bợ… Những thứ SÂU DÂN MỌT NƯỚC đó luôn luôn hễ có HƠI ĐỒNG là mưu toan bẻ cong pháp luật, bóp méo đạo đức theo ý của chúng để dễ bề hưởng lợi, còn mặc ai bị xử oan chẳng cần biết. Vì vậy có câu tục ngữ : “NÉN BẠC ĐÂM TOẠC TỜ GIẤY”

Ngày nay, dưới chế độ ta,  những người đứng đầu trong các cấp hành chính xã, huyện tỉnh… chỉ có thể hòa giải chứ không có quyền xử án. Nhưng trước cách mạng tháng 8, trong chế độ thực dân phong kiến từ tri phủ, tri huyện xuống đến chánh phó tổng, lý trưởng… có toàn quyền trong địa hạt : vừa quản lý hành chính vừa kiêm cả xứ án. Có những vụ án chúng không có quyền xét xử nhưng chúng cũng bày ra xét xỬ để dễ bề đục khoét dân, mà chúng cho là DÂN NGU KHU ĐEN. Dân thời đó thường sống trong ngu muội vì chính sách ngu dân) có bao giờ biết đến pháp luật là gì ? Bởi vậy dân ta thường nói : QUAN THẤY KIỆN (mừng) NHƯ KIẾN THẤY MỠ.

Đặc biệt, trong một số truyện tiếu lâm ở Phú Yên Người ta thường nói đến ông quan nhiều hơn. Hầu hết là quan xử kiện được ghi thành BIA MIỆNG. Theo chúng tôi, ở địa phương này là ĐẤT MỚI, chưa phải là nơi nghìn năm văn hiến như ở ngoài Bắc hoặc Huế, cho nên ít có người Phú Yên nào ra làm quan. Mà những quan ở đây hầu hết là người xứ khác được Nam Triều điều về tỉnh này để CAI TRỊ dân. Mà như dân thường nói : Họ KHÁC MÁU NÊN TANH LÒNG, hễ được về trấn nhậm nơi tỉnh, phủ huyện nào có vẻ béo bở thì đa số những QUAN ấy nghĩ trước tiên là tìm cách ĐỤC KHOÉT dân để mau chóng làm giàu. Nay mai lỡ bị điều đi nơi khác đỡ phải hối tiếc. Chính vì vậy mà dân đụng phải hạng quan tham lam dơ bẩn đó, và đã nảy ra những truyện tiếu lâm để chửi quan. Cho quan phải ăn thứ này thứ nọ…

Từ nay về sau, lớp con cháu chúng ta sẽ không còn biết đến lớp QUAN LẠI xưa kia đã đi vào quá khứ. Nhưng vẫn còn đó những truyện tiếu lâm. Chúng nghe có thể hình dung phần nào thứ QUAN  LẠI cũ ấy nó xấu xa đến mức độ nào : Tuy QUAN CAI TRỊ mất, nhưng vẫn còn danh từ QUAN LIÊU, THAM NHŨNG vốn là đồng loại của chúng. Chúng ta ngày nay vẫn còn phải ra sức tận diệt…

Trong mảng truyện tiếu lâm về việc ăn hối lộ rồi tìm các mảnh khoé để xử án cho xuôi, hòng nuốt cho trôi những thứ CỦA ĐÚT ấy, ta thấy tức cười cho “TÀI NGHỆ” của các quan “PHỤ MẪU DÂN” như mấy truyện : MÉO TRÒN VUÔNG, DA GÂN XƯƠNG, CHÚC TẾT, BÚP LÕ, đến cả những truyện ĐỀN RÂU, CHÊ XÔI ĐÒI ĂN THỊT.

Đặc biệt, hai truyện MÉO TRÒN VUÔNG, DA GÂN XƯƠNG quan Phụ Mẫu ở huyện đường đã nghĩ ra cách lý giải xử huề để nuốt trôi đồ hối lộ của cả ba đương sự nguyên cáo lẫn bị cáo. Cách lý giải để cả ba cùng có lý. Câu kết luận của Quan là một điều hết sức bất ngờ để gây cười cho ta.

Khi nghe quan phán xử : “L. đi thì méo, L. đ. thì tròn, L. ngồi đòn thì vuông…” chắc ai đó khó tính thức mấy cũng phải phì cười.

C òn nữa, những truyện BÚP, LÕ, quan há chẳng thấy tên sở khanh lường gạt gái lành kia là có tội hay sao ? Nhưng vì quá hám của đút nên quan đồng loã bày mòi cho kẻ gian chạy tội. Nhưng cuối cùng tên xấu xa vẫn bộc lộ bản chất DÂM DỤC của nó, nên nó thua trí đàn bà, hiện rõ nguyên hình tên xảo trá, bị thua kiện trước công đường. Tuy đã cho quan ăn rồi mà hắn còn tiếc rẻ. Người kể đã cho hắn nói : một câu có nhiều nghĩa làm cay đắng quan, như : “NẾU C. CON NÓ BÚP THÌ QUAN ĂN HẾT ĐÃ ĐÀNH. ĐẰNG NÀY NÓ LỠ LÕ RA THÌ QUAN ĂN MỘT NỬA, CHO CON LẠI MỘT NỬA” (vừa hàm ý hoàn lại cho nó một nữa tiền hối lộ, cũng vừa có nghĩa là quan hãy ăn một nửa con C. của nó).

Lại nữa, trong truyện CHÚC TẾT, nhà quan khi thụ lý vụ kiện há chẳng biết bên nguyên đúng, bên bị sai hay sao? Nhưng vì tham món tiền hối lộ hậu hĩnh của thằng rể con nhà giàu cho nên quan đã chế biến những câu chúc tụng cha mẹ SỐNG LÂU NHƯ HẢI NHƯ HỒ, NHƯ TÒNG NHƯ BÁ đều không ra gì hết, chẳng bằng cái đầu C. lỏ của thằng láo xược. Thằng láo xược lại được vô tội. Câu kết của quan không ai có thể nhịn cười trước cái lối luận lý  LÔ GÍCH CÙN : “C. lỏ đâm xỏ đâm xiêng, mấy mươi đời nối dõi tổ tiên cũng nhờ cái đầu C. lõ …”

Trong truyện CHÊ XÔI, ĐÒI ĂN THỊT lại ngụ rất nhiều ý nghĩa : Từ chuyện hai mụ đàn bà thủ dâm đến chuyện lão phù thuỷ ham ăn, cắn nuốt nhầm luôn cái dơ dáy nhất. Rồi người kể chuyện mượn mồm mụ đàn bà dốt nát ấy để chửi vô cùng cay độc những hạng sâu dân mọt nước chuyên môn đục khoét, hút máu mủ lương dân. Mụ nói : người ta đã cho ĂN XÔI, mà còn chê, cứ đòi ĂN THỊT. Xôi của mụ ta đã bẩn, mà thịt đó lại còn bẩn thỉu hơn gấp bội. Cho thấy bọn ăn hối lộ không còn biết dơ dáy là gì. Chúng là hạng hèn mạt, đã há mồm ra ăn hối lộ còn đời đớp thứ ngon của lạ, khiến cho người nạp hối lộ cũng phẫn nộ. Theo người dân ở quê, phải TIẾU LÂM đến mức độ đó mới ĐÃ NGỨA, chứ nói bóng gió, cạnh khoé khơi khơi chẳng NGỨA NGẨM gì với cái bọn tham nhũng CHAI LỲ mặt dày đít khỉ kia. Cái bóng đen của nó vẫn còn lởn vởn ở công đường, ở sau luỹ tre làng, cả ngày xưa còn dây dớt cho đến tận ngày nay. Chính quyền ta đang ra sức bài trừ mà vẫn chưa dứt.

Trong truyện GỬI NGỰA, người dân đã mượn lời của lão thày bói mù để chửi khéo quan một cách rất cay độc. Đem hàm râu quanh mồm quan để so sánh với cái RÂU MỌC NGƯỢC của mụ đàn bà lưu manh. Lão nói : “NGANG HAY NGƯỢC GÌ CŨNG LÀ RÂU TRÊN MỒM QUAN CẢ !”

Truyện CÁI LÔNG : Một lão quan huyện có thói quen lạ kỳ trong việc xỉa răng sau khi nhậu nhẹt. Lại sai thằng lính ngớ ngẩn đi lấy. Nó lỡ làm mất phải đánh tráo bằng cái khác. Quan đã nổi giận PHÁN ra một câu vô cùng tục tĩu làm ai nấy cũng phải bật cười.

Truyện này gây cười không kém chi truyện Tiếu Lâm. ÔNG KHÔNG MỒM đã xuất bản : Họ chửi những người hễ mở mồm ra là nói tục. Mỗi truyện một ý nghĩa, nhưng đã đem lại cái cười sảng khoái cho người lao động.

———–oOo————–

Những truyện kể trên đến nay vẫn còn truyền miệng đó đây trong dân chúng. Mặc dù chưa có sách vở nào ghi chép. Tìm đọc trong văn khố thư viện cũng không thấy. Thế mà nó vẫn có sức sống riêng của nó. Ta tránh né không muốn nhắc đến, nó cũng chẳng mất. Chính nhân dân là tập thể tác giả của kho tàng văn học trào phúng dân gian, trong đó có kho tàng truyện Tiếu Lâm tục.

Đằng sau những tiếng cười thoải mái đầy hóm hỉnh kia còn ngụ ý một tinh thần phê phán rất mạnh. Chính tiếng cười ấy đã để lại trong tâm trí người ta những ấn tượng khó phai mờ về những tấn trò đời hay, dở. Từ cái cười sinh lý sẽ trở thành cái cười tâm lý, có mục đích nhất định, có ý nghĩa xã hội.

Trước bao nhiêu tri thức uyên bác của các vị giáo sư, tiến sĩ… chúng tôi không dám mạo muội MÚA RÌU QUA MẮT THỢ. Nhân dịp sưu tầm được một số truyện Tiếu Lâm ở địa phương, chúng tôi ghi lại, có gọt dũa bỏ bớt những danh từ hoặc chi tiết quá tục (mặc dù đó cũng là yếu tố gây cười đắc lực).

Kèm theo những truyện sưu tầm, chúng tôi cũng xin góp nhặt đôi lời thô thiển, có điều gì không phải mong độc giả lượng thứ.

NGÔ SAO KIM

(Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam)

Từ khóa » Cường Hào ác Bá Là Gì