Dạ Là Gì Từ Hán Việt - LuTrader

Năng lượng Mới số 362

Học giả An Chi: Ông bạn của bạn đã nói sai. An Chi thì không có tài “hô biến” còn hai tiếng “lòng dạ” thì tự nó vốn dĩ đã thuộc …  gốc Hán tự bao giờ. Vâng, gốc Hán rất cổ, cực kỳ cổ xưa.

“Lòng” là một điệp thức hậu kỳ của “tlàõ” (quy theo lối viết bây giờ là “tlaòng”), vẫn còn thông dụng vào giữa thế kỷ XVII, như đã được ghi nhận trong Dictionarium annamiticum, lusitanum et latinum (Từ điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes (Roma, 1651):

“Tlàõ tlứng: clara de ovo: albumen ovi”.

Cả lời dịch tiếng Bồ (clara de ovo) lẫn tiếng La (albumen ovi) đều có nghĩa là “lòng (tròng) trắng trứng”. Cứ như trên thì hiển nhiên “tlàõ” (tlaòng) là tiền thân của “lòng” (khi từ này đã mất đi âm đầu tiên (T) của tổ hợp phụ âm đầu T-L). Chẳng những thế, nó còn là tiền thân của cả “tròng”, nếu ta biết thêm rằng T-L [tl] cũng là tiền thân của phụ âm quặt đầu lưỡi TR [ʈ] hiện nay, như vẫn còn có thể thấy ở hàng loạt trường hợp trong từ điển của A. de Rhodes: tlai → trai,  tlán → trán,  tlần → trần,  tlòn → tròn,  tlộm → trộm,  tlưa → trưa,  tluồng → truồng v.v... Cứ như trên thì ta có:

–      tlàõ (tlaòng) → lòng và

–      tlàõ (tlaòng) → tròng, do đó

–      lòng ↔ tròng.

Nhưng giữa hai từ vẫn có một sự phân công ngữ nghĩa chứ “lòng” và “tròng” không thể thay thế cho nhau “mọi lúc mọi nơi”. Hiện nay, trong khi miền Nam nói “tròng trắng”, “tròng đỏ” (của trứng) thì miền Bắc nói “lòng trắng”, “lòng đỏ”. Nhưng đối với tâm điểm của cái bia (dùng để tập bắn) thì cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều nói “tròng bia”. Rồi đối với ruột của động vật thì cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều nói “lòng”; do đó mà ở trong Nam thì “lòng đỏ” là đồ lòng của lợn có màu sẫm (tim, gan, bầu dục) còn “lòng trắng” là những phần lòng có màu nhạt (phèo, ruột già, dạ dày). Từ điển của A. de Rhodes còn ghi nhận cho ta một danh ngữ độc đáo là “làõ tláng cau” (lòng trắng cau) để chỉ ruột cau, hạt cau. Vậy nói chung, ở đây ta có một sự phát triển từ nghĩa gốc là “ruột” (của động vật) đến “phần bên trong có hình tròn hoặc hình cầu, đặc hoặc rỗng của một vật”.

Những căn cứ trên đây về ngữ âm và ngữ nghĩa cho phép ta kết luận rằng “tròng” và “lòng” là những từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [腸] mà âm Hán Việt hiện đại là “trường”, có nghĩa là “ruột”. “Trường” có một biến thể ngữ âm là “tràng”. Về mối quan hệ giữa hai vần ANG ↔ ƯƠNG thì chúng tôi đã nói đến trên Năng lượng Mới số 360 (19-9-2014) khi bàn về tên của một đơn vị đo khối lượng là “lượng/lạng”. Trở xuống, xin dùng “trường” là hình vị thông dụng hơn để biện luận.

“Trường” [腸] là một chữ thuộc vận bộ “dương” [陽], một bộ mà có những chữ lại đọc theo vần ONG như:

- hai chữ “phòng” [房] và [防], lẽ ra phải đọc thành “phường”;

- hai chữ “phỏng” [倣] và [訪], lẽ ra phải đọc thành “phưởng”;

- chữ “phóng” [放] lẽ ra phải đọc thành “phướng”;

- hai chữ “vong” [亡] và [忘] lẽ ra phải đọc thành “vương”;

- hai chữ “vọng” [妄] và [望], lẽ ra phải đọc thành “vượng”.

Chính chữ “trường” [腸] là ruột này cũng đã có một điệp thức đọc theo vần ONG thành “tròng”, là từ mà ta đã thấy ở trên. Do đã bị tách khỏi cái chữ gốc là [腸] (“trường/tràng”) từ quá lâu  nên từ “tròng” đã mặc nhiên bị xem là “thuần Việt” một cách vô tư, thoải mái trong khi “phòng” [房] của “phòng ăn”. “phòng ngủ”, “phòng” [防] của “phòng bệnh”, “phòng cháy”, “phóng” [放] của “phóng lao”, “phóng tên lửa”, v.v…, vẫn được xem là Hán Việt - ít nhất cũng là về phía nhiều nhà chuyên môn - mặc dù cả hai bên đều thuộc vần ONG. Nếu không tiến hành những thao tác từ nguyên học thích hợp và cần thiết như trên thì nhiều từ Việt gốc Hán - mà “tròng” là một thí dụ tiêu biểu - sẽ bị mất gia phả. Trong “Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt” (NXB Giáo dục, 1995), Nguyễn Tài Cẩn đã nhận xét tại mục A của chương 6 như sau:

“Nhưng đi vào thật chi tiết thì thấy rằng, vì một lẽ này hay lẽ khác, có vài từ gốc Hán cũng phát với tổ hợp phụ âm (consonant cluster - AC), ví dụ blang sách, tlàng hăọc ( = trang sách, trường học)” (Sđd, tr.104-5).

Nguyễn Tài Cẩn chỉ hạn chế sự nhận xét của mình trong phạm vi quyển từ điển của A. de Rhodes nên mới khẳng định “có vài từ gốc Hán cũng phát với tổ hợp phụ âm” chứ thật ra thì đó là một hệ thống cổ mà chính ông cũng đã nhận xét thoáng qua khi nói về hai trường hợp “blang” và “tlàng”. Ông viết:

“Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng đây là những cách đọc không bắt nguồn từ giai đoạn cuối Đưởng, mà bắt nguồn từ những tổ hợp có -r- (tức R sau một phụ âm và trước một nguyên âm - AC)  của tiếng Hán thượng cổ. Chúng là những cách đọc Cổ Hán Việt tồn tại song song bên cạnh TR (tức [ʈ] – AC) Hán Việt” (Sđd, chú (1), tr.105).

“Những cách đọc Cổ Hán Việt tồn tại song song bên cạnh TR Hán Việt” mà Nguyễn Tài Cẩn nói đến trên đây thì A. de Rhodes cũng đã nêu lên thành hệ thống trong quyển từ điển của mình khi ông viết tại mục “Tla”:

“(…) Có người nói: tra, tức là đổi l thành r và cũng thông thường như vậy trong các tiếng kế tiếp sau”.

Trong lời dẫn trên, A. de Rhodes không hạn định cụ thể số lượng “các tiếng kế tiếp sau” nhưng quyển từ điển của ông  có đến 101 mục từ như thế, từ “Tlà” cho đến “Tlũ, tlẻ tlũ”. Trong 101 mục này, ta còn có thể nhặt ra thêm những trường hợp Cổ Hán Việt sau đây:

- “Tlần: không che đậy phần thân thể phía trên, dầu có che đậy phần giữa thân thể và phần dưới”. Đây chính là tiền thân của “trần”, mà chữ Hán là [陳], nghĩa là “phô ra, bày ra”.

- “Tlàng, bề tlàng: bề dài”. Đây chẳng qua là tiền thân của “trường”, mà chữ Hán là [長], có nghĩa là … dài.

Nếu kể cả hiện tượng biến đổi thanh điệu và/hoặc nguyên âm, ta còn có:

- “Tlàng, tlễ tlàng: chậm trễ” và “Tlễ nãi: biếng nhác”. “Tlễ” chẳng qua là tiền thân của “trệ” [滯] trong “đình trệ”.

- “Tlaõ: trong, bên trong. Trũ. Cùng một nghĩa”. “Tlaõ” chẳng qua là tiền thân của “trũ” (= trung), mà chữ Hán là [中], nghĩa là “trong, giữa”.

- “Tlút linh hồn ra: linh hồn ra khỏi xác, chết”. “Tlút” chẳng qua là tiền thân cùa “trút” (cỏ cây trút lá; trút hơi thở cuối cùng, v.v...) ; cả hai đều là tiền thân của “truất”, mà chữ Hán là [黜], nghĩa là “bỏ đi”.

Những cứ liệu trên đây cho phép ta có thể hoàn toàn yên tâm khẳng định rằng, “lòng” là một từ Việt gốc Hán. Còn “dạ” thì sao? Thì cũng là một từ Việt gốc Hán cực kỳ cổ xưa, là biến thể thanh điệu của chữ “dã” [也], từ lâu đã được mượn âm (giả tá) để đặt ở cuối câu hoặc ngữ đoạn, mà ta thường dịch là “vậy”. Nghĩa thứ 4 của chữ này trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) là “nữ tính sinh thực khí”, tức là “cơ quan sinh dục của phụ nữ”. Trong kim văn (chữ trên đồ đồng) thì chữ “dã” thường tượng hình bụng dưới và âm hộ của phụ nữ. Mà về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa thì từ “dã” của Tàu sang “dạ” của Việt chỉ có… một bước. Dĩ nhiên là ta không nên câu nệ mà nói rằng thế thì “dạ” không thuộc về đàn ông. Chuyện chữ nghĩa đâu có đơn giản và thẳng tuột như thế!

A.C

Bụng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𩪌] mà âm Hán Việt là phụng vì thiết âm của nó là “phòng dụng thiết” [房用切], như đã cho trong Tập vận. Nhưng âm xưa (Cổ Hán Việt) của chữ phòng [房] là buồng nên theo đó âm xưa của [𩪌] lại là bụng vì “b[uồng]+[d]ụng = bụng. Hiện tượng “B xưa hơn PH” đã được Vương Lực chính thức chứng minh từ năm 1948 tại thiên Hán Việt ngữ nghiên cứu (in trong Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.209 - 406). Còn nghĩa nữa của [𩪌] là “ngực” (hung dã [匈也]), như Ngọc thiên đã giảng (dẫn theo Hán ngữ đại tự điển). Ngực liền với bụng nên việc chuyển nghĩa từ “ngực” sang “bụng” không phải là chuyện tối kiêng kỵ.

Làm thì có liên quan về nguồn gốc với chữ lãm [攬], mà nghĩa gốc quen thuộc là “cầm, nắm”. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã ghi cho nó 7 cái nghĩa cụ thể nhưng riêng Văn Tân thì lại còn đối dịch nó là “làm” trong Từ điển Trung Việt (NXB Sự thật, 1956).

Dĩ nhiên Văn Tân có cái lý của ông vì cái nghĩa “làm” của lãm [攬] nằm ngay trong ngữ vị từ lãm công [攬工], thường được giảng là “tố trường công” [做長工], nghĩa là “làm thuê dài hạn”. Nếu có người bẻ rằng lãm công [攬工] chỉ thuộc về phương ngữ chứ không phải là một đơn vị từ vựng chung thì ta lại còn có một ngữ vị từ “chung” là lãm hoạt [攬活], có nghĩa là “làm công việc nặng nhọc (để mưu sinh)”. Đằng nào thì cái nghĩa “làm” cũng đã nằm trong hệ nghĩa của từ lãm [攬]. Nói tóm lại thì làm là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [攬], có âm Hán Việt là lãm, mà “làm” là cái nghĩa nằm trong một góc khuất.

Dạ bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ dã [也], hiện nay chỉ dùng theo lối giả tá như là một hư từ nhưng cái nghĩa cực kỳ cổ xưa của nó lại là “bộ phận sinh dục của đàn bà”, như Hứa Thận đã giảng trong Thuyết văn giải tự: “Nữ âm dã. Tượng hình” [女陰也。象形] Đi vào tiếng Việt, dạ có nghĩa rộng như có thể thấy trong dạ con, bụng dạ, lòng dạ...

Chịu bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [遂], mà âm Hán Việt hiện hành là toại, có nghĩa là “hài lòng, thỏa mãn; thuận theo”. Nhưng âm gốc của [遂] lại là tụy, vì đây là một chữ thuộc vận mục chí [至]. Thiết âm của nó trong Quảng vận là “từ túy thiết” [徐醉切]. T[ừ]+[t]úy = tụy (sở dĩ tụy thuộc dấu nặng vì chữ từ thuộc dấu huyền). Tương quan T « CH giữa tụy và chịu còn có thể thấy qua: - tạc [笮], dây xoắn bằng lạt tre « chạc trong thừng chạc; - tán [饡], cho canh vào cơm « chan trong chan canh; - tiệm [漸] trong tiệm tiến « chậm trong chậm trễ; - tiên [煎], đun cho cạn « chiên trong chiên xào; - tiết [紲], buộc bằng dây « chít trong chít khăn; - tiệt[截], cắt đứt « chịt (làm cho tắc lại);... Về quan hệ I/Y « IU, ta có: - bỉ [鄙] trong khinh bỉ « bỉu trong dè bỉu;

- bị [被], mắc, dính « bịu trong bận bịu; - quỵ [跪], còn có âm khụy, quỳ gối « khuỵu trong khuỵu chân; - trì [持], cầm, giữ « trìu trong trìu mến; - trụy [墜], rơi xuống, sa xuống « trĩu trong nặng trĩu...

Tin liên quan

Từ khóa » Dạ Là Gì Hán Việt