Da Trắng Vỗ Bì Bạch
Có thể bạn quan tâm
Da trắng vỗ bì bạch
Nguyên Nguyên
Trong những chuyện đời xưa thuộc giới làng Nho có một giai thoại khá sôi động, gay cấn, và cũng đầy đủ các yếu tố để vượt cả không gian lẫn thời gian. Đó là câu chuyện mang tính hư cấu chung quanh câu đối:
Da trắng vỗ bì bạch
tục truyền do nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thách thức Trạng Quỳnh. Câu chuyện xảy ra như sau.
Trạng Quỳnh một hôm bắt gặp nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đang tắm, vừa tắm vừa ngâm thơ ca hát. Trạng ta hình như mê mệt nữ sĩ đã lâu nên lên tiếng xin tắm chung, hay ít nhất cũng xin nữ sĩ cho chiêm ngưỡng thân hình kiều diễm để có hứng nay mai lên đường đi sứ sang Tàu. Nữ sĩ không chút gì hờn giận lại đọc lên câu đối: Da trắng vỗ bì bạch ngụ ý bảo ông Trạng Quỳnh nếu đối được câu đối kể trên, nàng sẽ hết sức chiều theo ý của Trạng.
Câu đối này thật hay, xem dễ nhưng thật ra rất khó, bởi nó vừa tả ‘trạng thái’ đang tắm của nữ sĩ , vừa đối chữ nôm DA TRẮNG với chữ Nho BÌ BẠCH, liên kết với nhau bằng động từ Vỗ. Bì nghĩa là da (như bì cuốn, bánh tầm bì), Bạch tức trắng (như bạch diện thư sinh, Bạch Mi đạo nhân). Bì-bạch gọi chung nhau lại biến thành một phó từ hỗ trợ cho động từ vỗ. Vỗ vào da trắng lúc đang tắm gây ra tiếng kêu bì-bạch. Câu đối đó chỉ có 5 từ thôi nhưng rất súc tích và không kém khêu gợi. Khung cảnh và tình huống sexy chung quanh câu chuyện này cũng rất ý nhị, dễ thương và dư sức vượt không gian và thời gian. Nó có thể xảy ra vào bất cứ thời đại nào hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới với chi tiết thay đổi chút ít. Thí dụ, thay vì tắm dội gáo như ngày xưa, bây giờ tắm vòi sen shower, tắm bồn nước spa, tắm hơi sauna, v.v. Thay vì một ông Trạng với nữ sĩ, ta có một chuyên viên điện toán với một nữ chiêu đãi viên hàng không, hoặc một ông chồng thợ nề với một bà vợ chuyên bán cơm tấm sườn bì chả, một ông bác sĩ thẩm mỹ với một người mẫu, v.v.
Lối đối đáp biền ngẫu này thật ra rất thịnh hành trong tiếng Việt, thịnh hành hơn cả tiếng Tàu. Bởi ở chỗ tiếng Hán hoặc chữ Nho trong dạng đơn thuần chỉ có một ngôn ngữ mà thôi. Trong khi đó tiếng Việt được lợi thế ở chỗ chứa chấp cả tiếng Nôm lẫn tiếng Hán. Hầu hết những từ ngữ tiếng Nôm đều có tương đương tiếng Hán, và đa số dân chúng dù chỉ có học chữ nghĩa đôi chút đều có thể nhận diện ra. Thí dụ, da tiếng Hán là bì, trắng là bạch, già tức lão, cứng tức cương, v.v. Thêm thí dụ khác, thư sinh= đệ tử= học trò, phi cơ trực thăng= máy bay lên thẳng, dương thế= cõi đời, lão ông= ông già, kỵ sĩ= người cỡi ngựa, hẹn ngày tái ngộ= hẹn gặp lại, bánh da lợn, bì cuốn, v.v.. Thành ra ngoài mặt mang tiếng chỉ một ngôn ngữ Việt - nhưng thật ra người ta có đến hai thứ ngữ ngôn, tiếng Hán và tiếng Nôm pha trộn lẫn nhau. Nếu dùng tiếng Việt theo thể chế song hành - kẹp Nôm với Hán – người ta có thể phát sinh ra hàng trăm hàng ngàn câu đối khác nhau.
Câu đối Da trắng vỗ bì bạch là một câu đối điển hình nhất, lợi dụng tính cách song hành của tiếng Việt - bao gồm các từ ngữ tương đương giữa hai thứ Nôm và Hán. Da trắng như nhìn qua gương thấy mình chính là bì bạch. Da trắng chỉ là phiên dịch tiếng Nôm của Bạch Bì dùng thoát một chút thành ra bì bạch.
Cũng ở chỗ câu đối được thịnh hành trong dân gian từ ngàn xưa nên người Việt rất quen việc đối đáp chơi chữ. Họ ‘lậm’ việc đối đáp đến nỗi nhiều khi gặp một câu tiếng Anh, tức thuộc một ngoại ngữ, có tính cách chơi chữ một chút, họ vẫn có thể sáng tác thêm câu đối mà chính người dùng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ vẫn không có, hoặc chưa hề nghĩ tới. Thí dụ, câu phổ thông lập đi lập lại một thứ âm:
She sells sea shells at the sea shore: Cô ấy bán vỏ sò ở bờ biển - (Xin để ý âm she sells)
Người Việt, đặc biệt hình như chỉ có người Việt, có thể tạo ra vô số các câu đối dùng tiếng Anh nhờ ở thói quen đối đáp chơi chữ. Xin đơn cử hai thí dụ đối đáp câu nói trên:
We see VC in the village.
(Để ý âm We see gần như giống VC – ViXi, tức Viet Cộng – Chúng tôi thấy VC trong làng)
Hoặc:
He put his boot in the car booth.
(Âm He put giống như his boot - ông ta đã để giày bốt của ông ta vào thùng sau xe)
Trở lại chuyện ông Tiến Sĩ Quỳnh. Tục truyền ông Trạng nhà ta trước câu đối thách thức đầy tính sexy của Đoàn nữ sĩ đã lúng túng không ít để rồi ông đành tạm ngâm ngay một câu đáp, chứ lâu quá không khéo bà Đoàn tắm xong thì hết chuyện. Trạng đáp:
Trời xanh màu thiên thanh
Những việc gì xảy ra sau đó không ai có thể biết được. Nữ sĩ họ Đoàn có thực chiều theo ý muốn của Trạng hay không, sau câu đáp có vẻ rất đúng ‘tông’ của ông Quỳnh, việc đó không hề thấy ghi lại trong văn học. Trời tiếng Hán gọi Thiên, xanh tiếng Hán là thanh. Trời xanh màu thiên thanh, nghe ra khá thơ mộng và đối đáp có vẻ chỉnh.
Trong các sách vở về văn chương hoặc giai thoại làng Nho, người ta thường thấy chỉ có một câu đáp ‘Trời xanh màu thiên thanh’ dành cho câu đối ‘Da trắng vỗ bì bạch’. Giai thoại Đoàn Thị Điểm với Trạng Quỳnh có vẻ kết thúc lửng lơ ở chỗ đó. Không ai để ý khám phá gì thêm. Và cũng không ai muốn tò mò tìm xem có thể có những câu đáp đối khác nữa hay không. Có lẽ chỉ có hai câu đó thôi trong vòng vài trăm năm qua.
Thế nhưng, gần đây trong một nhóm bạn liên lạc nhau bằng email (i-meo, điện thư) qua mạng internet chợt xuất hiện thêm hai, ba câu nữa:
Rừng sâu mưa lâm thâm
Biển Tây có hải âu
Lên núi gặp Thượng Sơn
Từ Hán Việt chỉ Rừng là lâm, sâu là thâm. Lâm thâm hợp lại tạo nên một phó từ mô tả thêm trạng thái của trận mưa. Mưa thế nào, mưa lâm thâm. Rất gần với ‘Trời xanh màu thiên thanh’. Biển Tây viết theo tiếng Hán là Hải Âu cũng dùng để chỉ chim hải âu. ‘Lên núi’ theo chữ Nho: thượng sơn, cũng có thể tên một người, Lê Hoàng Thượng Sơn.
Thế rồi trong nhóm i-meo (email) có người đề nghị trò chơi chữ, thử tìm thêm vài câu đối cho Da trắng vỗ bì bạch. Với mục đích giản đơn, trước là chơi chữ cho vui, sau là về thăm viếng kho tàng văn chương đối đáp bình dân của tiếng Việt, hoặc bổ xung vào ước mơ được hội ngộ với tiền nhân - dù ở trong một thế giới ảo của mạng internet. Sau đó, trên mạng email liên tiếp trong vòng một tuần hầu như ngày nào cũng có ít lắm thêm một hai câu đối đáp mới. Thí dụ:
* Bắp vàng đợi Ngô Huỳnh (TT)
Gợi nên ý ai đó đã luộc hoặc nướng xong vài trái bắp vàng để dành chờ ông Ngô Huỳnh (bắp= ngô / vàng= huỳnh). Thật thiết thực và lắng đọng. Hoặc:
* Mực đen dính Mặc Huyền
(Mực theo tiếng Hán là Mặc / Đen gọi theo chữ Nho là Huyền / Mặc Huyền là tên người)
* Gấu vàng hụt Hoàng Hùng
(Gấu chữ Nho là Hùng / Vàng tức Hoàng)
Việc truy tìm giải đáp cho câu đối Da trắng vỗ bì bạch tự nhiên trở thành một trò chơi chữ vui vui trên mạng, được nhiều người tham gia. Càng tham gia người ta càng thấy nó không khó như rất nhiều người đã hằng tưởng. Bởi tiếng Hán Việt thật ra đã quá quen thuộc với người Việt, và những người tham gia trò chơi đó khám phá thêm rằng ai cũng có thể thành một nhà Nho ‘con cóc’ hết mà không cần phải theo học Hán Văn ở cấp đại học. Nếu dùng tên người vào câu đáp, việc đối đáp chơi chữ sẽ dễ dàng thêm ra. Như hai thí dụ dùng tên người, ông Sơn và ông Huỳnh kể trên.
Tuy nhiên nếu quan sát kỹ câu đối của bà Đoàn đưa ra, người ta có thể sẽ rất thất vọng - và cũng có thể tiếc nuối cho Trạng Quỳnh là đằng khác, nếu chính Trạng đã đáp: Trời xanh màu thiên thanh. Bởi câu đối đơn giản của bà Đoàn thật ra hàm chứa một số yếu tố cơ bản và đòi hỏi thiết yếu như sau.
Thứ nhất, nó phải mang màu sắc, Da Trắng, Da phải có màu, màu trắng. Thành ra các câu như: ‘Rừng sâu mưa lâm thâm; Biển Tây có hải âu; Lên núi gặp Thượng Sơn’, v.v. bắt buộc phải bị loại ra ngoài vòng chiến. Ta chỉ còn lại ‘Bắp vàng đợi Ngô Huỳnh’; ‘Mực đen dính Mặc Huyền’, và ‘Gấu vàng hụt Hoàng Hùng’, hoặc hơi lỏng lẻo một chút: ‘Lụa đỏ phủ Hồng Nhung’, là những câu đáp dùng đến màu sắc - như Da trắng vỗ bì bạch.
Thứ hai, bên chữ nôm như DA TRẮNG phải được nối kết với bên chữ Hán BÌ BẠCH bằng một động từ ‘chỉ động tác’ Vỗ. Đây có lẽ là yếu tố đã khiến Trạng lúng túng không ít bởi MàU thiên thanh hoàn toàn không phải một thứ động từ chỉ động tác. Cùng lắm ‘màu’ chỉ có thể viết tắt cho ‘có màu’ hay ‘là màu’. Một thứ động từ TO BE ở tiếng Anh dùng để chỉ sắc thái: Trời xanh có màu thiên thanh. Đoàn Nữ sĩ rất dễ dàng từ chối ước muốn nghịch ngợm, mang đầy tính cách lều… chổng của Trạng, mà không sợ . . . mất lòng! Những câu đáp tân thời theo dạng internet: Bắp vàng / Mực đen / Gấu vàng / Lụa đỏ / vẫn còn có chỗ đứng ở vòng thứ hai này, bởi cả bốn câu đáp đều xử dụng động từ để liên kết phần Nôm với phần Hán.
Thứ ba, ‘cụm từ’ bì bạch thật ra là một phó từ - tức trạng từ (adverb) theo lối gọi ngày trước. Nó hỗ trợ cho động từ VỖ. Nhìn kỹ nó mô tả một trạng thái quá độ của động tác vỗ. Vỗ trong khi tắm, hoặc vỗ vào chỗ nào đó trên thân thể đến nỗi có tiếng kêu bì bạch. Đến đây ta đành phải chấp nhận không những ông Trạng thiệt với ‘Trời xanh màu thiên thanh’, mà còn những cô cậu Trạng con cóc tân thời với những ‘Bắp vàng / Mực đen / Gấu vàng / Lụa đỏ’, đều phải chào thua, cuốn gói leo lên xe, gài vào số . . . de, đi đâu cho khuất mắt.
Với phân tích đó những người chơi chữ i-meo tự nhiên cảm thấy có cái gì đó lấn cấn trong giai thoại này. Họ thấy cụt hứng. Không phải vì giai thoại có vẻ thiếu thốn một kết cục có hậu, nhưng vì luân lí Khổng Mạnh đã tạo nên một bức thành kiên cố - không cho phép câu đối Da Trắng đó được phát triển đến nơi đến chốn trong suốt mấy trăm năm qua.
Không bỏ cuộc, một ông bạn ở tận Paris (Tùng Linh) gởi i-meo cho biết hôm qua đi metro ngồi gần một thiếu nữ, cảm thấy:
Tóc đen xông phát hắc
Tóc chữ nho là Phát, đen là hắc.
Một ông bạn khác trong nhóm chơi i-meo tự nhiên nhảy ra tự xưng mình là Trạng Chõng - bởi ông ta cũng học đến tiến sĩ, cũng Trạng như ai, dù không phải Trạng về Nho học về văn chương. Nhưng cũng đã tốn công nhiều năm trong việc sách đèn, lều chõng. Trạng chõng nói có thể ông hiện là một kiếp đầu thai nào đó của một người em dốt nát, cùng cha khác mẹ với ông Trạng Quỳnh, hay một kiếp khác của người nữ hầu dịch cho bà Đoàn. Trạng tân thời viện dẫn lí do rằng ông thường nằm mơ thấy người em của ông Quỳnh và con Sen hầu tắm Đoàn nữ sĩ, đều có khuôn mặt giống y hệt như ông, Cả hai đều có mặt ở hiện trường trong buổi đối đáp giữa Trạng và nữ sĩ họ Đoàn. Theo trạng tân thời, buổi hôm ấy bầu trời màu xanh, lơ lửng với những áng mây trắng dài. Chính Anh Quỳnh của ông ta ngày ấy đã đưa ra một câu đáp tuyệt chiêu khiến bà Đoàn cũng phải chịu thua. Tuy nhiên trạng chổng không nhớ được rõ, câu đáp đó được tung ra vào lúc nào, bởi giấc mơ về một tiền kiếp đó lúc nào cũng hơi bị lẫn lộn với những ước mơ thiết thực của đời sống hiện tại.
Câu đáp đích thực của Trạng Quỳnh là:
Bẩy Xanh kêu thất thanh.
Hoặc:
Bẩy xanh la thất thanh.
Bẩy tức thứ bẩy, Trạng Quỳnh có thể là người con thứ 7 trong nhà. Bẩy là Thất trong chữ Nho. Xanh có thể là tên gọi thân mật của Trạng ở trong làng lúc còn niên thiếu, cũng mang nghĩa màu xanh. Tức Thanh theo tiếng Hán Việt. Bẩy Xanh viết theo chữ Nho là Thất thanh, đồng thời cũng một phó từ hỗ trợ cho động từ kêu hoặc la. Nếu viết xanh không có chữ hoa cho x-anh, như trong câu sau, Bẩy xanh la thất thanh, câu sẽ mang hàm ý anh 7 bị xanh mặt rồi hoảng hốt la thất thanh.
Câu đáp này có vẻ chỉnh nhất và có vẻ ‘trạng Quỳnh’ nhất bởi không những nó thích hợp với những đòi hỏi căn bản của chơi chữ mà lại còn thích hợp với hoàn cảnh, với . . . sự cố của những gì xảy ra ngày ấy. Có lẽ một tiền kiếp của ông trạng chổng mới đích thực là tác giả của Trời xanh màu thiên thanh.
Để kết thúc ta có thể cố gắng tìm hiểu những gì thật sự đã xảy ra vào ngày ấy. Nghĩ cho cùng câu chuyện hãy còn nằm trong vòng bí ẩn, bởi giấc mơ của trạng chổng chỉ là một giấc mơ nửa vời. Đến chỗ gay cấn nhất ông ta lại tỉnh giấc chiêm bao. Tuy nhiên ta vẫn có thể suy đoán được đến chừng 70% của câu chuyện - nhờ ở phó từ thất thanh đưa ra để đối với phó từ bì bạch của bà Đoàn. Trong tiếng Việt, thông thường ‘la thất thanh’ liên hệ đến một trạng thái kinh sợ, hãi hùng. Nó ít khi được dùng để mô tả một tiếng la to vì sảng khoái, thích thú, vì trầm trồ, vì thán phục hay ngạc nhiên. Nó lại càng không thể dùng để mô tả một thứ tiếng kêu khi người ta sửng sốt trong lúc chiêm ngưỡng một cái gì.
Như vậy ta có thể đưa ra 2 giả thiết để giai thoại có được một kết cục tốt đẹp, một happy ending:
Giả thiết thứ nhất, nếu Trạng Quỳnh dùng câu đáp thứ 1 với Xanh viết X theo chữ Hoa Bẩy Xanh kêu thất thanh có lẽ trạng muốn thách đố bà Đoàn ngụ ý rằng thân hình của nàng cũng không có gì đẹp, không có gì cân đối, hấp dẫn. Hoặc Trạng biết dư thói quen của nữ sĩ khi tắm vẫn mặc nguyên quần áo! Do đó dù nữ sĩ có cho phép ông Bẩy Xanh dòm trong lúc tắm, ông cũng sẽ kêu thất thanh vì quá sức thất vọng. Tức câu đáp này được thốt lên lúc bà Đoàn chưa chịu thua.
Giả thiết thứ hai, nếu trạng dùng câu đáp thứ hai, với xanh không viết hoa Bẩy xanh la thất thanh, trạng 7 Quỳnh có thể bị xanh mặt muốn xỉu và la thất thanh. Câu đáp này đã được thốt ra sau khi cửa phòng tắm bị mở toang ra. Tại sao vậy? Tại vì khi cửa phòng tắm được mở toang ra, Trạng mới thấy người đứng tắm không phải là Đoàn nữ sĩ mà thật ra là chú Tư có hơi lại cái và ưa giả giọng phụ nữ – nhất là giọng nói của bà Đoàn Thị Điểm. Chú Tư mấy năm qua lên kinh đô được xung vào hàng hoạn quan, mấy tuần nay được triều đình cho phép về làng thăm em.
Nguyên Nguyên
Từ khóa » Giai Thoại Trạng Quỳnh Và đoàn Thị điểm
-
ĐOÀN THỊ ĐIỂM VÀ TRẠNG QUỲNH – ĐỐI ĐÁP - Trải Nghiệm Sống
-
Đối Đáp Với Đoàn Thị Điểm | Truyện Trạng Quỳnh
-
Tài ứng đối Của Đoàn Thị Điểm Và Trạng Quỳnh - Truyện Cổ Tích
-
Tài ứng đối Của Đoàn Thị Điểm Và Trạng Quỳnh - Báo Tuổi Trẻ
-
Nữ Sĩ Họ Đoàn Và Những Giai Thoại để đời - Tạp Chí Quê Hương
-
ĐOÀN THỊ ĐIỂM Và GIAI THOẠI | Hoamunich
-
Tài ứng đối Của Đoàn Thị Điểm Và Trạng Quỳnh - Truyện Cổ Tích
-
Nữ Sĩ ĐOÀN THỊ ĐIỂM | Gánh Cả Gia Đình, Tiên Tri Trước Cái Chết
-
Giai Thoại Về Câu đối “Da Trắng Vỗ Bì Bạch” | Thảo Luận 247
-
Đoàn Thị Điểm Trạng Quỳnh / Những Câu đối đáp Hóc Búa. - YouTube
-
. Nguyễn Ngọc Chính's: Chuyện Tình Trạng Quỳnh - Đoàn Thị Điểm
-
Đoàn Thị Điểm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Về Tài Câu đối Của Đoàn Thị Điểm - Tạp Chí Đáng Nhớ