Đại Nạn Phá Sơn Lâm, đâm Hà Bá - Tiền Phong

Đại nạn phá sơn lâm, đâm Hà Bá ảnh 1
Cây rừng bán bên quốc lộ 1A tại xã Vĩnh Tân

Trước kia, những người làm nghề chém tre, hạ gỗ, đốn củi hầm than, săn bắn thú… được xếp chung vào loại phá sơn lâm. Mấy năm gần đây, nhiều người có nhu cầu chơi cây rừng, trồng cổ thụ trong sân vườn, đội quân phá sơn lâm kết nạp thêm thành viên mới: Người đào gốc cây rừng, bứng cây cổ thụ.

Theo báo cáo của xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) giáp ranh với Cà Ná (xã Phước Diêm, Ninh Phước, Ninh Thuận), vào cuối tháng 1/2005 toàn xã có 11 trại buôn bán cây rừng trái phép.

Những trại mua bán cây rừng ở đây dựng sơ sài sát bên đường rất thuận tiện cho việc vận chuyển. Chủ trại T. cam đoan: “Mua số lượng bao nhiêu cũng có. Đặt hàng gấp quá thì giá cao hơn chút đỉnh, cây không được ưng ý lắm”.

Anh T. thành thật cho biết các loại cây rừng có hình thế đẹp chỉ còn trên núi cao vì đội quân săn lùng cây rừng đã giẫm nát từng hốc đá, khe suối trong vùng rừng giáp ranh Ninh Thuận – Bình Thuận từ nhiều năm qua.

Sau nhiều đợt truy quét của kiểm lâm, các chủ trại ở vùng giáp ranh 2 tỉnh đối phó bằng cách “xuất, nhập” hàng hóa: Các loại cây ở vùng núi Bình Thuận như bằng lăng, bành ngạch, thiên tuế, mai vàng… chuyển bán ở Ninh Thuận; cây sơn liễu, si, đa… chuyển bán bên địa phận Bình Thuận để biện bạch là mua ở địa phương khác chứ không tổ chức khai thác.

Có trại còn cho cây vào chậu để “cãi” là chơi chứ không mua bán. Đặc biệt, về phía địa phận Ninh Thuận, hai bên đường nhiều hộ trồng gốc cổ thụ như cây bồ đề, cây đa, cây lộc vừng; có cây bồ đề cao 5 – 7 m, đường kính gốc phải hai người ôm.

Những gốc cổ thụ này có giá vài triệu đồng, phải dùng xe cẩu mới vận chuyển được. Có thời kỳ, người ta còn dùng cả tàu đánh cá để chở cây cổ thụ khai thác trên Cù lao Cau cách bờ biển Cà Ná vài hải lý về trồng trước sân nhà.

Và đâm Hà Bá

Đại nạn phá sơn lâm, đâm Hà Bá ảnh 2
San hô vừa bứng lên phơi bên bờ biển Bình Thuận

Cụm từ “đâm Hà Bá” để chỉ người sống bằng nghề khai thác hải sản. Gần đây đội quân đâm Hà Bá còn kết nạp thêm những người lặn bứng san hô sống, đục lấy đá rạn san hô và bắt cá cảnh biển.

Từ bờ biển Vĩnh Tân, Cà Ná nhìn ra thấy rõ Cù lao Cau thuộc địa phận huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có tính đa dạng sinh học cao, nhiều nguồn lợi gồm rạn san hô và thảm cỏ biển, quần xã san hô, các rạn san hô, quần xã rong và cỏ biển, nhiều loại động vật đáy và rùa biển.

Ở vùng biển giáp ranh này có một số người từ nơi khác đến cư trú, làm nghề lặn bứng san hô sống, phơi ngay bên bờ biển cho… khô ráo rồi bày bán bên đường.

Anh H. ở thị xã Phan Rang đến Vĩnh Tân cùng một vợ và 3 con từ nhiều năm nay, sống nghề chạy xe ôm và lặn bứng san hô bằng thuyền thúng, cho biết : “Tôi chỉ lấy chút đỉnh bán lẻ cho khách du lịch, thỉnh thoảng có người đặt hàng mới lấy số lượng lớn. Ở vùng này chỉ có anh N. là trùm, bất cứ lấy cái gì dưới biển lên ảnh đều mua tất. Anh N. có nhiều khách hàng lắm, ảnh thường thuê nhiều người lặn lấy san hô sống, bắt cá cảnh”.

Trong một góc nhà của H. tôi thấy một đống san hô được đậy bằng chiếc chiếu rách. Anh cho biết, số hàng này đã được một người ở TPHCM đặt.

Một căn nhà bên đường QL1A thuộc địa phận Bình Thuận, chủ nhà cho dựng sừng sững tấm bảng “Tại đây / Chuyên mua bán / Cá cảnh biển / Và ghi rõ 2 số điện thoại di động”. Trao đổi với Bí thư xã Vĩnh Tân, anh Khiêu Sinh tâm sự: “Từ năm 2004 tình hình khai thác san hô xung quanh Cù lao Cau rộ lên”.

Mới đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến 2 hồ san hô sống của một người phụ nữ từng mua bán san hô trưng bày ở nhà mình, thật tình mà nói là san hô ở Thủy cung Đầm Sen (TPHCM) kém xa về chủng loại, màu sắc…

Loại đá khai thác từ rạn san hô Cù lao Cau được nhiều nhà sản xuất hàng non bộ ở Phan Thiết, TPHCM, Lâm Đồng…đặt mua với khối lượng lớn, giá khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Một số chủ hàng bày bán công khai, một số “trùm” sau khi ăn giá sẽ thuê người khai thác vào lúc triều cạn ở vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân.

Theo bản tổng kết đề tài “Xây dựng cơ sở bảo tồn sinh vật biển ở vùng biển Cù lao Cau 1996 - 1998” thì vùng biển này có 134 loài thuộc 48 giống san hô cứng, 28 loài san hô mềm, 2 loài san hô sừng và 2 loài Thủy tức san hô… chiếm tới trên 70% tổng số san hô tạo rạn của cả Việt Nam.

Về cá rạn san hô được xác định có 211 loài thuộc 87 giống và 35 họ, thành phần giống – loài thấp hơn vùng biển Nha Trang nhưng cao hơn so với Cù lao Chàm, Côn Đảo, An Thới. Cả các loài vi tảo, động vật đáy thân mềm, rùa biển đều đa dạng…

Nhưng đó là số liệu khảo sát của 10 năm trước, với đà khai thác bừa bãi thiếu sự ngăn chặn kịp thời như hiện nay, chưa ai biết những con số này sẽ như thế nào.

Phương Thảo

Từ khóa » đâm Hà Bá Phá Sơn Lâm