NHẤT PHÁ SƠN LÂM, NHÌ ĐÂM HÀ BÁ Nghĩa Là Gì
“NHẤT PHÁ SƠN LÂM, NHÌ ĐÂM HÀ BÁ” là sao?
Độc giả Lê Quang Thành (Kỳ Anh-Hà Tĩnh) hỏi: “Đầu năm 2015, nhân vụ chặt phá cây xanh Hà Nội và lấp sông Đồng Nai, Nhà văn Nguyễn Quang Lập chia sẻ trên trang cá nhân của ông như sau: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là tục ngữ cảnh báo hai tội ác hàng đầu phá hoại môi trường, nhất định sẽ nhận lấy những quả báo nặng nề. Tưởng rằng ai cũng hiểu rõ mười mươi câu tục ngữ đó, không ngờ trang “Bách khoa tri thức Việt Nam” giải thích câu tục ngữ đó như thế này: “Phá sơn lâm: Nghề khai thác rừng; Đâm hà bá: Nghề đánh bắt thủy sản. ‘Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá’: Khai thác rừng và đánh bắt thủy sản là hai nghề vất vả, cực nhọc”. Quá ngao ngán. Hèn gì thiên hạ tha hồ phá rừng lấp sông”. Xin cho biết, hai cách hiểu này, cách nào là đúng?”
Chúng tôi tra tìm trong 10 cuốn từ điển thường dùng, duy nhất có “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương thu thập câu “Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá” và hướng dẫn xem dị bản “Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”. Rất tiếc, (không rõ do sai sót ở khâu nào) mục này không có lời giải thích như chỉ dẫn của soạn giả. Tuy nhiên, ở mục “Nhứt phát sơn lâm; nhì đâm há bá“, Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương giải thích như sau: “(Đáng nể) bậc nhất là những kẻ dám khai phá núi non (để biến thành đồng ruộng); kế đến là những kẻ dám đâm chết hà bá (để biến hồ ao/sông suối thành nơi nuôi trồng/đánh bắt tôm cá giúp mọi người). Hay dùng để chỉ rõ tầm hệ trọng của công việc khai phá núi non cũng như sông suối, ao hồ”.
Tìm kiếm trên mạng, thấy vấn đề không đơn giản, bởi cách giải thích, cách dùng câu tục ngữ rất khác nhau:
1.Bài “Nhất phá sơn lâm” của Minh Thạnh (phattuvietnam.net): “Phá sơn lâm” là sát sinh gián tiếp, là sát sinh hàng loạt, sát sinh ở quy mô lớn. Vì vậy, ông bà chúng ta xếp thứ nhất là phải. “Đâm hà bá”, tức đánh bắt cá, nhưng còn sông, còn biển thì cá tôm còn có thể sinh sôi được, chứ “phá sơn lâm” thì là vừa giết hại gián tiếp, vừa làm cho sinh vật tuyệt chủng, triệt phá luôn cả đường hồi sinh. Điều đó tất nhiên cũng là lý do để xếp “phá sơn lâm” ở vị trí thứ nhất (…) Người viết băn khoăn, việc dùng đồ gỗ có là “phá sơn lâm” không, có là sát sinh gián tiếp không?”.
2.Báo “Lao Động” (26/3/2013), bài “Đời người…đâm hà bá” viết: “…gia đình ông Trần Văn Mi (…) ba đời gắn liền với nghề “đâm hà bá”. Đời thợ lặn mấy ai giàu có (“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”), cái nghiệp thì phải theo, đời cha rồi đời con cũng bám lấy cái nghiệp bạc bẽo này…”; Bài “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” (vho.com.vn) viết: “Theo Hai Sài Gòn thì “Nhất phá sơn lâm, Nhì đâm hà bá”. Thật vậy! “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt“, đời sơn tràng quanh năm đối đầu với thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên. Với thợ lặn, thì mấy ai thấu hiểu sự cơ cực, ngày lại ngày phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh. Ngày xưa “phá sơn lâm, đâm hà bá” chỉ là nghề hạ bạc”.
3.Trang cadao.me: “Phá sơn lâm” là phá rừng, đốn củi, khai hoang. “Đâm Hà Bá” là làm nghề chài lưới ở sông, biển. Đây được coi là hai nghề xúc phạm đến thần núi và thần nước: nhất là làm nghề rừng, hai là làm nghề sông biển, quan niệm này cho rằng vì lẽ đó, phá sơn lâm và đâm hà bá là hai nghề không giàu được”.
Vậy, nên hiểu cách nào cho đúng? Theo chúng tôi, câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” chỉ hành động phá hoại môi trường (đúng như ý kiến của ông Nguyễn Quang Lập), chứ không nói về hai nghề khai thác rừng và đánh bắt cá. Vấn đề phải phân tích, chứng minh được điều đó:
-Thứ nhất: Xét từ Việt gốc Hán “phá” có hai nghĩa liên quan:
- Bổ ra, bửa ra, chẻ ra, rẽ ra… (như “phá trúc”-破竹-chẻ tre; phá lãng-破浪-rẽ sóng). “Khai sơn phá thạch”-開山破石, ý chỉ công việc xẻ núi, mở đường đặt nền móng cho sự nghiệp ban đầu đầy gian nan, thử thách. Ở đây “phá” (xẻ ra) đối với “khai” (mở ra), trong kết cấu tiểu đối đều được hiểu theo nghĩa tích cực. Không nên hiểu “phá” trong “phá sơn lâm” theo nghĩa này (tức công việc “vất vả cực nhọc” của nghề khai thác rừng).
- 2. “Phá”là cố tình gây hại, làm cho hư hỏng (như phá hoại 破壞). Trong “Nhất phá sơn lâm…” thì “phá” (huỷ hoại) đăng đối với “đâm” (làm tổn thương, gây nên cái chết cho đối tượng nào đó) đều được hiểu theo nghĩa tiêu cực, phù hợp với câu tục ngữ đang xét.
-Thứ hai: “Đốn củi, khai hoang”, hay “chài lưới ở sông biển”, “đánh bắt cá” không thể hiểu thành tội “phá”, “đâm”. Vì khai thác rừng để lấy gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống; đánh bắt cá làm thực phẩm cho con người là những việc làm hoàn toàn bình thường, đã diễn ra hàng ngàn năm.
Khai thác ở mức hợp lý, bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ, hợp với quy luật của tạo hoá, thì rừng và nguồn lợi thuỷ sản vẫn tái sinh, tái tạo. Chính vì không hiểu đúng nghĩa của “phá sơn lâm” nên tác giả Minh Thạnh đã phải “băn khoăn, việc dùng đồ gỗ có là “phá sơn lâm” không, có là sát sinh gián tiếp không?”.
“Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, tuy không giải nghĩa hoàn chỉnh câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”, nhưng mục “phá sơn lâm” giảng nghĩa: “Như: Phá rừng-Nhứt phá sơn-lâm, nhì đâm Hà-bá”. Mục “phá rừng”, từ điển này giải thích: “Đốn hoặc đốt hết cây trong rừng: Phá rừng làm rẫy”. Lưu ý, “đốn hết” ở đây chính là sự tàn phá, khai thác theo kiểu huỷ diệt, khiến rừng không còn khả năng tái sinh, khác hẳn khái niệm khai thác (thu hoạch) bền vững.
Đây là “phá sơn lâm”, chứ không thể gọi là “khai thác rừng” Ảnh: ST |
-Thứ ba: Các nhà khoa học cho rằng, ở đâu có nước, ở đấy có sự sống. “Hà Bá” là vị thần miền sông nước (hiểu rộng là môi trường nước nói chung, bao gồm cả sông hồ, biển cả). “Hà Bá” là cách nói tượng trưng của dân gian, chỉ nguồn nước, môi trường sống của chính con người.
Xưa kia, có những kẻ bí mật đánh độc thượng nguồn sông suối, môi trường ao hồ nhằm tiêu diệt đối phương, hoặc phá hoại về kinh tế. Một khi nguồn nước đã bị nhiễm độc, thì toàn bộ hệ sinh vật, muôn loài thuỷ tộc trong đó sẽ cùng chung số phận, nghĩa là gây nên cái chết hàng loạt. Huỷ hoại môi trường sông nước-“Vương quốc” của Hà Bá-chẳng khác nào “đâm”, giết “Ngài” và hết thảy “con dân” của Ngài chốn thuỷ cung. Bởi vậy, dân gian coi việc huỷ hoại nguồn nước, vùi lấp sông suối là tội nặng, việc làm thất đức, không tránh khỏi bị quả báo (ví như chết đuối, đắm đò…).
-Thứ tư: Sở dĩ xếp tội “phá sơn lâm” vào hạng “nhất”, vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn quan trọng như lá phổi xanh của trái đất, điều hoà khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; “sơn lâm” (hiểu rộng ra là muôn loài cỏ cây trên mặt đất) tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. Phá rừng không chỉ phá hoại môi trường sống của muôn loài muông thú, mà còn làm cạn kiệt nguồn nước vào mùa khô; lũ lụt cuốn trôi nhà cửa vào mùa mưa, đất đá bị xói mòn, vùi lấp sông suối, con người phải hứng chịu hậu quả khôn lường (Dân gian còn có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, cũng là lời cảnh báo hậu quả mà con người phải gánh chịu khi tàn phá rừng). Các nhà dân tộc học cho rằng, nhiều khu rừng thiêng, rừng ma mà hầu như bản làng nào cũng có, chính là một cách tạo ra sự bất khả xâm phạm đối với những cánh rừng mang yếu tố phòng hộ, bảo vệ môi trường của người xưa. Như vậy, “phá sơn lâm” là hành động gián tiếp “đâm Hà Bá”, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước, dân gian xếp tội này đứng đầu là hợp lý.
Như vậy, “phá sơn lâm, đâm hà bá” ở đây theo chúng tôi phải hiểu là hành động khai thác mang tính huỷ diệt, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài vạn vật. Đây chính là nhận thức rất đúng của nhân dân về bảo vệ môi trường. Vụ việc biển miền Trung bị nhiễm độc làm cá tôm chết hàng loạt có thể xem là tội “đâm Hà Bá”-một trong hai trọng tội mà dân gian đã cảnh báo và lên án.(*)
-Thứ năm: Xưa kia, 4 nghề Ngư-Tiều-Canh-Mục-漁樵耕牧 (đánh cá; đốn củi; làm ruộng; chăn gia súc) được ca ngợi như những công việc có thú vui riêng. Vậy, nếu hiểu “đâm Hà Bá” là nghề “chài lưới ở sông biển”, “đánh bắt cá” nói chung sẽ khó thuyết phục. Trường hợp cho rằng “đâm Hà Bá” là “nghề thợ lặn”, “phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh”, thì phải xếp thứ tự ngược lại mới đúng: “Nhất đâm Hà Bá, nhì phá sơn lâm”. Vì sao? Vì con người sinh ra vốn không phải để bơi lặn, mưu sinh dưới đáy nước như tôm cá. Bởi vậy, nghề thợ lặn nếu gặp nạn, chẳng những mất mạng mà còn mất cả xác. Mà xưa kia “Trôi sông, đắm đò” nói lên nỗi bất hạnh, hay bị quả báo đáng sợ bậc nhất. Tục ngữ Hán cũng có một số câu nói lên mối nguy hiểm của sông nước, nên tránh như: Hữu lộ mạc đăng chu-有路莫登舟-“Có đường chớ lên thuyền“. [Nghĩa là: nếu có hai sự lựa chọn thì nên đi đường bộ cho an toàn, chứ không nên đi thuyền]; “Phụ tử bất đồng chu-父子不同舟-Cha con không đi chung một thuyền–Đi chung thuyền rủi ro cao, nếu gặp nạn thì cha con chết cả, không có người nối dõi”. Chỉ đi thuyền bè còn như vậy, huống gì trầm mình xuống đáy nước, lặn ngụp mà mưu sinh? Vậy, cớ gì xếp “đâm Hà Bá” (hiểu theo nghĩa nghề thợ lặn, bắt cá tôm dưới đáy sông) xuống vị trí thứ hai, sau “phá sơn lâm”?
Hoàng Tuấn Công/5/2016
……. (*)-Thành ngữ “Việc thổ mộc” chỉ hai loại công việc vất vả: cưa, xẻ gỗ và đào đất đá nói chung. Có lẽ từ thực tế này, người ta đã liên tưởng đến câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” để rồi gán cho tục ngữ này thêm một nghĩa mới. Sự đa nghĩa, (kể cả nghĩa dùng sai, lâu ngày thành quen) là điều thường thấy của thành ngữ, tục ngữ. Tiếc rằng “Bách khoa tri thức” và “Từ điển tục ngữ Việt“, chỉ giảng một nghĩa duy nhất được hiểu theo cách dùng sai của một số người, trong khi nghĩa gốc của tục ngữ lại không được nhắc đến.
Từ khóa » đâm Hà Bá Phá Sơn Lâm
-
“Nhất Phá Sơn Lâm, Nhì đâm Hà Bá” Là Sao? - Báo Người Lao động
-
“NHỨT PHÁ SƠN LÂM, NHÌ ĐÂM HÀ BÁ” | Nguyễn Minh Đào
-
Tục Ngữ: Nhất Phá Sơn Lâm, Nhì đâm Hà Bá - Ca Dao Mẹ
-
"Nhất Phá Sơn Lâm" | Phật Giáo Việt Nam
-
"Phá Sơn Lâm"- Lời Nguyền Của Rừng Xanh đã Thành Sự Thật
-
Đời Người... đâm Hà Bá! - Báo Lao động
-
Nhất Phá Sơn Lâm- Nhì Đâm Hà Bá - YouTube
-
Lê Quốc Hán & Với Mẹ Thiên Nhiên - Văn Học Sài Gòn
-
NHỨT PHÁ SƠN LÂM ,NHÌ ĐÂM HÀ BÁ
-
Nguồn Sáng Page - "Nhất Phá Sơn Lâm - Nhì đâm Hà Bá"! Mong Mọi ...
-
Nguồn Sáng Page - "Nhất Phá Sơn Lâm - Nhì đâm Hà Bá"! Mong ...
-
Đại Nạn Phá Sơn Lâm, đâm Hà Bá - Tiền Phong
-
Nhứt Phá Sơn Lâm, Nhì đâm Hà Bá – Võ Phước Hiếu | Thân Tri