Lê Quốc Hán & Với Mẹ Thiên Nhiên - Văn Học Sài Gòn

VHSG- Tục ngữ người Việt có những câu thiệt hay, thiệt thấm thía: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”; “Ăn sạch lộc rừng, rưng rưng nước mắt”… Bao lâu rồi sao vẫn không cảnh tỉnh nổi con người?

Nhà thơ Lê Quốc Hán

Khoét rỗng ruột gan trời đất cả

Phá tan phên dậu hạ di rồi

(Nguyễn Khuyến)

Mẹ Thiên Nhiên có từ thời Sáng thế, khi Đấng Siêu Nhiên tạo ra muôn vật, con người. Mẹ cho ta khí trời trong trẻo để thở, nguồn nước tưởng như vô cùng vô tận ngọt ngào từ sông suối đổ về để uống, những mảnh đất mỡ màu nuôi dưỡng cây cối cung cấp cho chúng ta lương thực, hoa trái ngọt ngào. Nhưng cũng như những gì do Đấng Siêu Nhiên tạo dựng, trữ lượng và sức lực của Mẹ Thiên Nhiên có hạn, đâu phải vô thủy vô chung. Thế mà con cái Mẹ, đầu têu là loài người, đã bóc lột, khai thác Mẹ không thương xót. Tệ hại hơn, còn phá hoại, tàn sát Mẹ đến tận cùng.

Không chỉ từ khi chủ nghĩa phong kiến manh nha, ngay khi chủ nghĩa chiếm hữu nô lệ ra đời, con người đã đốt rừng phá núi khai thác trầm hương, gỗ quý. Rồi khi các lâu đài thi nhau mọc lên, việc khai thác đá quý, đãi vàng… cung phụng cho bọn vua chúa quý tộc không ngừng làm thân thể Mẹ rớm máu. Gần ba ngàn năm trước, Lão Tử cảnh báo rằng nếu con người mải mê rút ruột Mẹ Thiên Nhiên, tất đến ngày mái nhà chung trái đất sập xuống, và loài người tất yếu bị diệt vong. Ông khuyên loài người phải sống hài hòa với Mẹ Thiên Nhiên, luôn chăm sóc giữ gìn Mẹ, mới mong tránh được thảm họa diệt vọng. Thế mà loài người cứng đầu không nghe, cho rằng học thuyết Lão Trang yếm thế, hủ lậu, tiêu cực. Than ôi! Sử ký của Tư Mã Thiên chép cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Khổng Tử với Lão Tử. Nghe tiếng Lão Tử, Khổng Tử xin đến nghe giảng về Lễ & Đạo ba ngày không hiểu, trở về than với học trò: Con chim, ta biết nó bay; con cá, ta biết nó lội; con thú, ta biết nó chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt; đối với loài bay ta có thể dùng tên để bắn. Đến như loài rồng cưỡi mây cưỡi gió lên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng. Thông minh, uyên bác được thờ là bậc thánh hiền, là Tổ sư – Thầy của muôn đời như Khổng Tử chưa hiểu được cái lẽ sâu xa về Lễ & Đạo của Lão tử, huống hồ người trần mắt thịt như chúng ta! Tại sao? Bởi dù cao xa đến mấy, học thuyết Nho giáo do Khổng Tử đề xướng vẫn chủ trương nhập thế, đề cao cái lợi làm đầu vậy!

Bước sang thời Tư bản, sự tàn phá Mẹ Thiên Nhiên càng khủng khiếp. Một chủ nghĩa đề cao đồng tiền, nhăm nhăm cho rằng khi lãi một trăm lần nếu bị treo cổ lên cũng làm, thiếu thủ đoạn gì không rút ruột Mẹ Thiên Nhiên. Ngoài những thủ đoạn cũ của bọn quan lại phong kiến, dựa vào cái gọi là công nghiệp hóa rồi điện khí hóa, chúng đào hầm xây mỏ khai thác than đá, làm cho ruột trái đất ngày càng rỗng ruột. Chúng khai thác dầu mỏ ra tận thềm lục địa, ra tận đáy đại dương, hỏi Mẹ Thiên Nhiên sao chịu nổi. Động đất, núi lửa phun trào, sóng thần dâng cao, hỏi vì đâu. Rồi các nhà máy mọc lên như nấm, phá thủng tầng ôzôn, nhiệt độ trái đất mỗi năm tăng vài độ, hỏi Mẹ Thiên Nhiên sao chịu nổi. Bão lụt tàn phá, nước lũ dâng cao, ấy là điều tất yếu Mẹ Thiên Nhiên phải gánh chịu… Và rồi đến ngày đến lượt con người phải trả giá!

***

Nhớ ngày còn nhỏ, Kỳ Anh quê tôi được mệnh danh “chảo lửa túi mưa”, năm nào cũng bị bão lụt, nhưng có đâu tàn khốc như bây giờ! Ngay cả khi ra Thành Vinh học và công tác, cũng từng chứng kiến nhiều cơn bão đổ bộ vào, trong đó có cơn bão số 12 năm 1989 được mệnh danh “cơn bão thế kỷ”, các cây cổ thụ hai bên đường bị quật đổ, các ngôi nhà cấp bốn bị nhấn chìm trong biển nước, có mấy ai chết đâu. Thế mà năm nay (2020), cơn bão số Tám đổ bộ vào Thừa Thiên Huế và Quảng Bình đã cướp đi 134 sinh mạng. Riêng ở Công trình Thủy điện Rào Trăng 3, chỉ trong một đêm cướp đi 22 sinh mạng của công nhân và 13 chiến sỹ trong đoàn cứu hộ, trong đó có một sỹ quan cấp tướng. Thật khủng khiếp. Lũ lụt kéo dài, đe dọa mạng sống của dân thường từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Không cầm lòng được, tôi đã nấc lên: Mẹ Thiên Nhiên ơi hãy tạm dừng/ tha cho tội lớn phá rừng đốn cây/ Mưa từ nguyên thủy đến đây/ sao nay núi lở vùi thây bao người?/ Ngàn xưa Mẹ đã dạy rồi/ tham sân si sẽ cướp đời chúng sinh/ Cúi đầu lạy Mẹ hiển linh/ khiến cho mưa lũ nằm im ít ngày// Chúng con xin hứa từ rày/ không còn phá nát cỏ cây núi ngàn.

Cơn bão số Tám vừa dứt, cơn bão số Chín kéo đến với một sức mạnh khủng khiếp hơn. Tâm bão từ Đà Nẵng đến Phú Yên, cấp gió lên đến cấp 12 – 13, gió giật cấp 15. Hai thuyền đánh cá với 26 ngư dân của Bình Định bị mất tích trên biển, một thuyền đánh cá khác bị mắc kẹt, phải sau một ngày mới liên lạc được. Tối 28/10/2020, xảy ra một vụ lở núi kinh hoàng ở tỉnh Quảng Nam vùi lấp 53 người ở hai xã Trà Leng và xã Trà Vân, trong đó có 8 người chết, 12 người bị mất tích và 33 người được cứu sống nhưng bị thương nặng. Sau đó còn thêm 3 người ở xã Phước Sơn bị chết và 13 bị vùi lấp đang được tìm kiếm. Bão gây ra lụt lớn cả một vùng từ nam Nghệ An đến Bình Thuận, một số tỉnh ở Tây Nguyên như Công Tum cũng bị ảnh hưởng mạnh. Bão đã cuốn trôi hàng nghìn ngôi nhà, hơn nửa triệu người phải sơ tán đến vùng an toàn mới thoát chết… Theo sự thống kê sơ bộ, chỉ trong tháng Mười năm 2020, bão lũ miền Trung đã làm 153 người chết, 222 người bị mất tích, phá nát hơn 111 nghìn ngôi nhà và làm thiệt hại ước tính 2,7 nghìn tỷ đồng. Đúng là những con số biết nói. Tôi rùng mình nhớ đến bài thơ Tháng mười mình làm đầu thế kỷ này: Tháng mười dai dẳng/ lá bớt xanh và hoa bớt thắm/ trong nước lũ máu người đục trắng// Tháng mười dai dẳng/ mưa rơi buồn/ lời ca lạc giọng/ những câu thơ sinh hạ chẳng linh hồn// Tháng mười dai dẳng/ lá rụng đỏ tóc lũ trò bé bỏng/ ngác ngơ nhìn ráng đỏ quệt chân mây/ mong bão tan thắp lại niềm hy vọng// Tháng mười thừa đúng một ngày… Một sự linh báo chăng?

Thế rồi Đài khí tượng báo cơn bão số Mười đang rập rình ngoài biển Đông…

Tục ngữ người Việt có những câu thiệt hay, thiệt thấm thía: “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”; “Ăn sạch lộc rừng, rưng rưng nước mắt”… Bao lâu rồi sao vẫn không cảnh tỉnh nổi con người?

LÊ QUỐC HÁN

Xem thêm:
  • Mùa thu thăm nhà thơ Giang Nam
  • Truyện ngắn của Chekhov: Danh dự
  • Bí ẩn khác người của nhà văn “Bắt trẻ đồng xanh” JD. Salinger
  • Lắng nghe giữa mơ hồ – Trần Quỳnh Nga
  • Thơ 1-2-3 Nguyễn Quỳnh Anh: Ông Thiện ông Ác lặng lẽ trước chúng sinh

Từ khóa » đâm Hà Bá Phá Sơn Lâm