Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Và Bức điện Lịch Sử "Thần Tốc, Thần Tốc ...

1. Cách đây 41 năm, lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lịch sử dân tộc đã in một mốc son chói lọi khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại thắng Mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vẻ vang của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là chiến công vô cùng to lớn của đồng bào cả nước, của bao anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong thắng lợi ấy, không thể không nhắc đến sự lãnh đạo và điều hành trực tiếp của Bộ thống soái tối cao: Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Trong những ngày tháng lịch sử đó, Bộ thống soái tối cao đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường. Một trong những mệnh lệnh đó do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7-4-1975. Bức điện với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” được coi là “kim chỉ nam” để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Trước âm mưu và hành động công khai, trắng trợn phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ - ngụy, Đảng ta đã phân tích tình hình một cách khách quan, khoa học để xác định đúng đắn phương hướng đi lên của cách mạng miền Nam. Bước vào mùa khô 1974 - 1975, Đảng ta đã nhạy bén phát hiện nhân tố mới xuất hiện trên chiến trường, khẳng định thời cơ chiến lược đã chín muồi nên kịp thời hạ quyết tâm chiến lược chính xác và táo bạo đẩy nhanh tới cao trào tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam.

Mùa Xuân năm 1975, đặc biệt sau đòn sấm sét bất ngờ Buôn Ma Thuột dẫn đến cả Tây Nguyên thất thủ, tiếp đến toàn bộ lực lượng Quân khu 1 và một phần Quân khu 2 của địch ở đồng bằng Trung bộ từ Huế đến Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết tan rã và đổ vỡ, Đảng ta liên tiếp bổ sung những chỉ đạo chiến lược với quyết tâm giành thắng lợi lớn nhất trong thời gian nhanh nhất. Lúc này thời gian là lực lượng, là sức mạnh vô cùng quý giá. Như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này, bài toán thời gian không dừng lại ở đáp số tính bằng tháng mà phải tính bằng ngày!”(1).

Trong khi địch còn đang choáng váng vì mất Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, nếu chúng ta không thần tốc và táo bạo chớp thời cơ mà để địch có thời gian củng cố tinh thần và lực lượng thì chắc chắn chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và xương máu mới giải phóng được miền Nam. Trong thế chiến lược chung phát triển ngày càng thuận lợi, cục diện cuộc chiến đang chuyển nhanh như “sấm vang, chớp giật”, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị đã họp và quyết định tận dụng thời cơ, đẩy nhanh tốc độ cuộc chiến, nhằm giải phóng toàn bộ miền Nam trước thời hạn dự định với “1 ngày bằng 20 năm”. Sáng 31-3, Bộ Chính trị họp mở rộng. Đây là cuộc họp lịch sử bàn về đòn chiến lược cuối cùng của cuộc tổng tấn công và nổi dậy. Trong cuộc họp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp “đề nghị khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây chiến lược ở phía Đông và phía Tây Sài Gòn - Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Đánh một trận là thắng. Phương châm là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”(2).

Từ cuộc họp ngày 31-3, với quyết tâm của Bộ Chính trị thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, số phận của chế độ Sài Gòn đã được định đoạt!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Ngay sau Hội nghị Bộ Chính trị, tôi suy nghĩ nhiều về trận chiến đấu sẽ diễn ra trên chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định. Sau khi nghiên cứu, trao đổi với Tổng Tham mưu phó Cao Văn Khánh và Cục trưởng tác chiến Lê Hữu Đức, ngày 1-4, tôi gọi điện vào B2: Đúng như Bộ Chính trị nhận định, chiến tranh cách mạng ở miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt. Hiện nay ta đã có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều. Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, tranh thủ vào trung tuần tháng 4 thì bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Sài Gòn. Làm được như vậy thì thuận lợi nhất, bảo đảm thắng lợi giòn giã nhất. Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh vào Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng ta cần chuẩn bị 1 – 2 tháng. Vì vậy bất ngờ hiện nay chủ yếu là khâu thời gian. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động…”(3).

Trong cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rõ hơn: “Cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4-4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đang hành quân: Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng… Ngày 7-4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

3. Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy. Tất cả đều thấm nhuần: lúc này, lỡ thời cơ là có tội. Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến; tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mệnh lệnh ấy thực sự là nguồn động lực tăng thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, chỉ có tiến công và xốc tới của quân và dân ta trong thời điểm lịch sử 40 năm trước. Mệnh lệnh ấy đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân động viên và tổ chức sức mạnh của cả nước trong cuộc đọ sức cuối cùng hướng vào mục đích giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Trong bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 14-9-2010, Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã có những lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7-4-1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ... Quyết chiến và toàn thắng…”. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Khi đó, Trung tướng Phạm Hồng Cư là phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải do tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Tức khắc mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền đến khắp các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải. Thấm nhuần mệnh lệnh của Đại tướng, cả cánh quân hồ hởi lên đường như được chắp cánh bay về Nam, bảo đảm tốc độ nhanh nhất.

Còn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh thì nhớ lại, trong giờ phút mà khí thế chiến thắng của quân ta đang lên như nước vỡ bờ thì ông nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Cùng với việc quân ta tiêu diệt nhanh các cứ điểm vững chắc bảo vệ vòng ngoài của địch tạo thuận lợi cho các mũi tấn công thọc sâu vào nội đô Sài Gòn đánh chiếm những mục tiêu quan trọng một cách nhanh, gọn, mệnh lệnh này đã tiếp thêm sức mạnh khiến toàn bộ anh em chiến sĩ tham gia chiến dịch thêm quyết tâm chiến đấu để sớm giải phóng miền Nam(4).

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể, vào năm 1975, khi ông đang trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì nhận được bức điện của Đại tướng qua đài 15W: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, ông và các chiến sĩ khi đó như được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến. Lúc đó là vào mùa khô hanh, thời tiết vô cùng khó chịu nhưng khí thế của người lính vẫn hừng hực cùng đoàn quân trùng trùng điệp điệp xông ra mặt trận(5).

Với mệnh lệnh lịch sử, trong đêm 7-4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9-4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc; địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn. Ngày 14-4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang đến ngày 16 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19-4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô.

Cũng trong ngày 14-4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngày 22-4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng”. Và Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước ngày 30-4-1975.

5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cùng với cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, quân ta đánh chiếm, giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Quân và dân các tỉnh miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long tiến công, nổi dậy diệt và làm tan rã Quân đoàn 4 ngụy, giải phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày 1-5, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Tường, Sa Đéc, Côn Đảo. Đến ngày 1-5-1975, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng.

4. 41 năm đã trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Ý nghĩa và những bài học lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó mệnh lệnh lịch sử “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rất sâu sắc và cũng rất tự hào quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong cuộc chiến tranh giải phóng. Quyết tâm ấy đã được thể hiện trên khắp các chiến trường, huy động sức mạnh quân sự tối đa với sự chỉ huy tài ba, thao lược quả cảm của những tướng lĩnh nắm vững khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, dạn dày kinh nghiệm chiến trường, cùng toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn gian khổ dũng cảm chiến đấu hy sinh để giành thắng lợi. Từ ý nghĩa đó, càng thấy rõ: Những mệnh lệnh nâng sức mạnh của cả dân tộc như thế sẽ tạo những bước ngoặt cơ bản để giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay!

------------------------------------

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, 2005, tr. 937.

(2) Sđd, tr. 938.

(3) Sđd, tr. 940.

(4) Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam, Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 27-4-2010.

(5) Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Đại tướng biết trước mình sống 103 tuổi?, Báo Dân trí, ngày 8-10-2013.

Từ khóa » Bức điện Mật 7/4/1975