Những Bức điện Mật Từ Tổng Hành Dinh - VnExpress
Có thể bạn quan tâm
Thời cơ
Tháng 4/1973, Tổ trung tâm nghiên cứu xây dựng kế hoạch giải phóng miền Nam được thành lập tại Bộ Tổng tham mưu gồm bốn người do Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Mỗi tuần Tổ có hai ngày họp mặt tại phòng làm việc của tướng Lê Trọng Tấn trong thành cổ Hà Nội.
Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được xây dựng từ đó và trải qua 8 lần sửa chữa. "Khi họp Tổ, Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn thường phát biểu trước gợi ý cho các thành viên đóng góp ý kiến, nhất là những vấn đề đánh giá đối phương, phương pháp tác chiến được điều chỉnh theo thực tiễn chiến trường", đại tá Nguyễn Giang Hà (Bùi Liên), nguyên cán bộ Cục tác chiến nhớ lại.
Khi tình hình chiến trường miền Nam sôi động, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chủ trì các cuộc họp tổ.
Sáng 13/3/1975, cuộc giao ban tổ đang diễn ra thì Cục Quân báo thông tin về, đối phương có thể bỏ Pleiku - Kon Tum để giữ đồng bằng ven biển miền Trung. Một bức điện khẩn lập tức được gửi cho tướng Văn Tiến Dũng đang ở Tây Nguyên: "1. Chiến dịch đang phát triển thuận lợi, Nam Bộ bắt đầu phối hợp tốt. 2. Đánh bại sư đoàn 23 tình hình sẽ phát triển hơn nữa, nhanh chóng bao vây sinh lực định trong vùng, nên tính tới khả năng chúng buộc phải rút lui chiến lược, bao vây Pleiku ngay, triệt tiếp tế... chuẩn bị tốt cả hai tình huống".
Ngày 18/3/1975, phát hiện đối phương điều Sư đoàn dù ở Đà Nẵng rút về Sài Gòn thay thế bằng Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến và có dấu hiệu bỏ sông Thạch Hãn đến Bắc Huế, Cục Tác chiến nhận định đối phương "bắt đầu co cụm lớn trên toàn miền Nam, là bước suy sụp mới".
Mật điện được gửi đến B4 (chiến trường Bình Trị Thiên - Huế) và B5 (Mặt trận giới tuyến 17 và tỉnh Quảng Trị): "Cần táo bạo, khẩn trương, không cho địch rút an toàn hoặc bỏ vùng Bắc Huế co cụm về Đà Nẵng...". Đến sáng 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên giành thắng lợi.
Tháng Tư thần tốc: Một ngày bằng 20 năm
Trong bức điện số 596 lúc 14h ngày 1/4/1975 gửi các ông Bảy Cường (Phạm Hùng), Tuấn (Văn Tiến Dũng), Sáu (Lê Đức Thọ), Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ một ngày bằng 20 năm", do vậy, phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công, kết thúc thắng lợi chiến tranh trong thời gian ngắn nhất bằng hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
Ngày 7/4/1975, từ Tổng hành dinh, mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng" của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được gửi đến cán bộ chiến sĩ toàn chiến trường. Nhiều đơn vị ở miền Bắc đã gấp rút hành quân vào miền Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Tổ thường trực giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo tác chiến, nghiên cứu cách đánh do Phó tổng tham mưu Nguyễn Cao Khanh phụ trách. Mỗi ngày giao ban, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp nghe Tổ thường trực báo cáo, đề xuất ý kiến và kết luận từng vấn đề.
Ngày 16/4/1975, Tổ thường trực hoàn thiện phương án tác chiến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhất trí về cơ bản và chỉ thị: tình hình phát triển rất nhanh, các tình huống có thể thay đổi, phải dự kiến hết được đột biến khi thời cơ lớn xuất hiện. Phải nhanh chóng bao vây, chia cắt, tập trung lực lượng thật mạnh để đánh đòn quyết định, tiêu diệt các sư đoàn đối phương ở vòng ngoài, không cho co cụm vào Sài Gòn, đồng thời tổ chức những binh đoàn mạnh, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong nội đô.
Hôm sau, Cục Tác chiến giúp Tổ thường trực chỉnh sửa lần cuối kế hoạch giải phóng Sài Gòn trình lên Quân uỷ Trung ương và Bộ Chính trị. Lúc này Bộ Chính trị chỉ định các ông Văn Tiến Dũng là Tư lệnh chiến dịch, Phạm Hùng làm Chính ủy, các phó Tư lệnh gồm Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện, Phó chính ủy là Lê Quang Hoà, Tham mưu trưởng là Lê Ngọc Hiền.
Chiều 21/4/1975, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Một ngày sau, Bộ Chính trị hội ý và khẳng định thời cơ chính trị, quân sự để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Kế hoạch tác chiến Sài Gòn - Gia Định được Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua, phê duyệt tại chỗ.
"Năm ngày sau, ta bắt đầu tấn công mở màn, riêng hướng Đông và Đông nam được nổ súng tiến công trước một ngày (25/4) theo đề nghị của Phó tư lệnh Lê Trọng Tấn. Cục Tác chiến đã cử một số cán bộ đi cùng Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân Lê Văn Tri bay vào Đà Nẵng, rồi đến sân bay Thành Sơn để chỉ huy biên đội không quân, dùng máy bay Mỹ mà quân giải phóng lấy được để ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất", thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Tác chiến, kể.
17h ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích vào trung tâm Sài Gòn bắt đầu. Ngày 27/4, Bộ Tổng tham mưu truyền đạt mệnh lệnh của Tổng tư lệnh: "Bộ đội không quân cần khắc phục mọi khó khăn để kịp thời tham gia các chiến dịch, không được chậm sau ngày 28/4".
Phi đội Quyết Thắng gồm 5 máy bay A37 do phi công Nguyễn Văn Lực chỉ huy, phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường cất cánh từ sân bay Thành Sơn, ném bom làm tê liệt hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất. Mỹ buộc phải tổ chức chiến dịch di tản liều mạng bằng máy bay trực thăng tại toà Đại sứ Mỹ.
Sáng 29/4, tại Tổng hành dinh, các cán bộ của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đứng xung quanh tấm bản đồ lớn Sài Gòn - Gia Định được trải rộng trên bàn, theo dõi báo cáo của Bộ Tổng tham mưu. Các mũi tên đỏ thể hiện các hướng tiến công được tô đậm hơn, mỗi lúc lại kéo dài thêm vào hướng nội đô Sài Gòn. Những nét gạch chéo mục tiêu đã chiếm được lần lượt được đánh dấu. Từng phút, từng phút đều có tin mới báo về.
"Mỗi tin tức là một sự kiện, tình huống cần được xử trí kịp thời, mọi người làm việc quên ăn, quên ngủ. Dù ở cách Sài Gòn gần 2.000 km nhưng ai cũng cảm thấy mình như đang ngoài mặt trận", đại tá Dương Văn Thuỵ, Phó trưởng ban Tổng kết lịch sử của Bộ Tổng tham mưu, nói.
Sáng 30/4/1975, cán bộ Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đến Tổng hành dinh sớm hơn thường lệ. 11h30, Cục phó Cơ yếu Nguyễn Duy Phê vào phòng họp báo cáo: lúc 10h45 xe tăng 843 do trung uý Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng chỉ huy và xe tăng 390 (lữ đoàn 203) dẫn đầu lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh độc lập.
11h30, quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập.
Hoàng Thuỳ
- Những căn hầm bí mật dưới Hoàng thành Thăng Long
Từ khóa » Bức điện Mật 7/4/1975
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Và Bức điện Lịch Sử "Thần Tốc, Thần Tốc ...
-
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Và Bức điện Lịch Sử “Thần Tốc ... - PLO
-
"Bức điện Của Đại Tướng Thể Hiện Tầm Nhìn Của Một Thiên Tài Quân Sự"
-
Người Truyền Bức “Điện Mật” Của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
-
Mệnh Lệnh Lịch Sử Cho Ngày Toàn Thắng - Báo Thanh Tra
-
Thần Tốc, Thần Tốc Hơn Nữa… - Quân Khu 2
-
Bản In
-
Bức điện Lịch Sử “Thần Tốc, Thần Tốc Hơn Nữa, Táo Bạo, Táo Bạo Hơn ...
-
"Thần Tốc, Thần Tốc Hơn Nữa..." - Mật Lệnh Của Nghệ Thuật Chớp Thời Cơ
-
Triển Lãm Trực Tuyến “Đại Tướng Võ Nguyên Giáp
-
Mệnh Lệnh Lịch Sử - Báo Tuyên Quang
-
Người Cựu Binh Và Những Ký ức Không Thể Nào Quên
-
Ký ức Về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Báo Quảng Bình điện Tử