Đăk Nông: Trồng Dâu Nuôi Tằm - Nghề Cũ Cách Làm Mới

 

Anh Chuyên cho biết, khi mới tới Đăk Gằn, với số vốn ít ỏi, gia đình anh mua được 3 ha đất trắng. Thời gian đầu, anh đầu tư trồng 2 ha cà phê, nhưng anh không lường trước được là đất đai ở đây không phù hợp với cây cà phê. Mặc dù anh đã bỏ rất nhiều công chăm sóc và đầu tư nhiều tiền mua phân bón, nhưng vườn cà phê của gia đình anh vẫn kém phát triển, năng suất chỉ đạt 2,5 tấn/ha; trong khi đó chi phí đầu tư ngày càng nhiều do các loại vật tư nông nghiệp ngày càng tăng. Đang băn khoăn vì chưa tìm ra hướng đi mới cho gia đình, thì trong một lần đi thăm người bạn tại Lâm đồng anh đã được giới thiệu về mô hình trồng dâu nuôi tằm. Thấy rõ hiệu quả của mô hình này, sau khi về nhà anh quyết định trồng 0,6 ha dâu trên diện tích đất sình lầy đang bỏ hoang của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Phương vợ anh Chuyên đàn cắt dâu cho tằm ăn

Đầu năm 2012, gia đình anh bắt đầu nuôi tằm. Lần đó, anh sang tận Đạ Tẻ - Lâm Đồng để học hỏi và mua 2 hộp trứng tằm về nuôi. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật, nên tằm con nuôi bị bệnh và chết nhiều. Sau vài lứa nuôi không hiệu quả anh đã rút ra kinh nghiệm là đa số tằm chỉ bị chết khi mới nở đến 2 tuần tuổi, nếu qua 2 tuần tằm sẽ lớn nhanh và không bị chết nữa.

 

Với thất bại đó không làm anh nản chí, anh đã tìm hiểu và được biết tại xã Đar Sal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có trại giống bán giống tằm 2 tuần tuổi. Như trút được gánh nặng, anh khăn gói đến tận nơi để tìm hiểu và mua thử 1,5 hộp giống về nuôi. Quả đúng như anh dự đoán, tằm lớn rất nhanh, sau 2 tuần nuôi đã cho thu kén. Điểm đặc biệt trong mô hình này là anh không áp dụng cách nuôi tằm truyền thống mà anh nuôi theo cánh cải tiến, nuôi dưới nền nhà. Tằm giống sau khi mang về 4 ngày đầu nuôi tằm con trên nong và 10 ngày sau nuôi tằm dưới nền nhà. Hàng ngày, anh cắt cành dâu đậy lên trên, tằm sẽ tự bò lên ăn lá dâu, trung bình mỗi ngày cho ăn 4 lần, trừ những ngày tằm ăn rỗi (thời kỳ tằm gần chín - cuối giai đoạn sâu tằm chuẩn bị nhả tơ làm kén để chuyển sang giai đoạn nhộng) thì phải cho ăn nhiều hơn.

 

Theo anh Chuyên, áp dụng theo phương pháp nuôi này, tằm ít bị bệnh, lớn nhanh, giảm công chăm sóc, đồng thời rút ngắn thời gian nuôi nên thu hồi vốn nhanh. Sau khi nhặt kén, việc dọn vệ sinh cũng dễ dàng hơn, phân tằm có thể bón cho cà phê rất tốt.

 

Theo anh Chuyên, sau khi nhặt kén, phân tằm có thể bón cho cà phê rất tốt.

 

Anh Chuyên cho biết, muốn nuôi tằm thì phải trồng dâu trước khi nuôi 6 tháng, phải chọn giống dâu cao sản (giống tam bội) để nhanh được thu hoạch và năng suất cao. Trồng dâu nuôi tằm, vốn đầu tư ít và có thể tận dụng được công lao động. Với 40m2 nhà nuôi tằm và 0,6ha dâu, mỗi tháng gia đình anh có thể nuôi 2 lứa tằm, mỗi ngày anh chỉ mất khoảng 1 tiếng để cắt dâu cho tằm ăn, thời gian còn lại vẫn có thể làm rẫy bình thường.

 

 

Từ khi bắt tay vào trồng dâu nuôi tằm, kinh tế của gia đình anh Chuyên từng bước ổn định và vững vàng, chi tiêu sinh hoạt hằng ngày chủ yếu từ việc bán kén. Theo tính toán của anh, 1 tháng anh nuôi 2 lứa tằm (1,5 hộp/lứa), mỗi lứa cho thu hoạch 75kg kén, vậy 2 lứa thu được 150kg kén. Với giá bán trên thị trường là 120.000 đồng/kg thì anh thu được 18 triệu đồng/tháng, trừ chi phí 3,450 triệu đồng/tháng, anh thu lời 14,550 triệu đồng/tháng. Như vậy mỗi năm chỉ cần nuôi 11 tháng (đã trừ thời gian vệ sinh nhà nuôi sau mỗi lứa), anh có thể thu về số lãi 160,050 triệu đồng/năm.

  Anh Chuyên chia sẻ kinh nghiệm: “Khi nuôi tằm, để tằm sinh trưởng khỏe, không bị bệnh thì nguyên tắc quan trọng nhất là phải chú ý đến chất lượng lá dâu. Tằm rất mẫn cảm với lá không hợp vệ sinh, khi hái lá vào mùa mưa phải để lá sạch trước khi cho tằm ăn và cần quan tâm đến việc vệ sinh chồng trại sạch sẽ. Con giống là yếu tố quyết định đến sản lượng và chất lượng tơ tằm. Trong các chu kỳ phát triển của tằm thì lúc tằm ăn rỗi là vất vả nhất, tằm ăn lá dâu nhiều hơn, mỗi ngày cho tằm ăn từ 5 - 7 lần nên đòi hỏi người nuôi phải chăm sóc kỹ để đảm bảo chất lượng kén. Trong thời gian tằm ăn rỗi, tuyệt đối không để các chất độc hại xâm phạm vào, chỉ cần có mùi thuốc trừ sâu, hay mùi dầu gió cũng làm tằm bị dị ứng mà chết”.

Ngoài ra, với diện tích 2 ha cà phê sản lượng đạt 5 tấn, với giá bán tại thời điểm là 45.000 đồng/kg, anh thu được 225 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, gia đình anh còn lãi 150 triệu đồng/năm. Như vậy hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm cao gần gấp 3 lần trồng cà phê nếu tính trên cùng đơn vị diện tích.

Có thể nói, nghề trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các ngành nghề nông nghiệp khác. Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn so với trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, lúa, đậu, trong khi đó chi phí sản xuất cho nghề này lại thấp, vốn đầu tư không cao. Hơn nữa, cây dâu dễ trồng - sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất, kể cả đất bạc màu, chỉ sau 4 - 6 tháng trồng dâu có thể thu hoạch lá và một lần trồng có thể thu hoạch 15-20 năm. Thêm vào đó, tằm dễ nuôi, tuy lợi nhuận thu trên 1 lần không cao nhưng tạo ra nguồn thu thường xuyên trong năm; rủi ro từ nuôi tằm rất thấp, nếu nuôi có thất bại thì chỉ mất ít tiền giống và công chăm sóc.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Chuyên thực sự rất hiệu quả, là mô hình điểm để mọi người có thể tham quan và học hỏi làm theo. Với cách nuôi mới này, bất cứ người nông dân nào cũng có thể làm được, đặc biệt là chị em phụ nữ có thể tận dụng thời gian nông nhàn. Ngoài sản xuất giỏi, anh Chuyên còn là đảm nhiệm Trưởng ban mặt trận thôn, anh rất nhiệt tình trong công việc, luôn giúp đỡ và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong thôn.

► Bà con nông dân có nhu cầu tham quan học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm hoặc mua giống tằm xin liên hệ anh Vũ Tự Chuyên, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, số điện thoại: 01642309413.

 

 

Hoàng Thị Thanh Huyền - Trung tâm KNKN Đăk Nông

 

Từ khóa » Cái Nong Nuôi Tằm