Với Nghề Nuôi Tằm Xưa - Báo Thái Bình điện Tử - .vn

Cuối vụ đông, vạt mùi ngồng đã rạc mấy lần hoa còn lại sau chiều 30 tết bên mảnh ruộng phần trăm được tiếp tục chăm bón để làm giống cho vụ sau; rau màu sau tết còn sót lại được thu hoạch nốt, dọn ruộng cho một vụ xuân mới bắt đầu. Thửa ruộng cấy lúa được vào nước đổ ải ngập băng, thau chua, rửa mặn chuẩn bị cấy lúa cho một vụ đông xuân. Cánh đồng dâu sau làng có diện tích vài chục héc-ta, trải dài gần 2km được cuốc đất xung quanh gốc, bón phân chuồng, phân lân, thúc đẩy quá trình đâm chồi của cây dâu và trồng xen canh cây lạc, cây đỗ. Nghề “ăn cơm đứng”

Quả đúng là thế. Đã chăn nuôi thì nuôi con gì cũng có cái khó, cái khổ, phải thấm đẫm mồ hôi công sức, thức khuya dậy sớm, thấp thỏm và sự trả giá để đúc kết bài học kinh nghiệm. Nghề nuôi tằm cũng vậy, năm 2005 trở về trước, con tằm được gắn liền và thân thuộc với người dân trong làng, hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Sau khoán 10 cơ cấu lại ruộng đất, mỗi hộ gia đình được HTX phân cho 8 thước dâu/hộ, nhà nào đông nhân khẩu thì được phân nhiều hơn. Cây dâu được trồng thành luống, khoảng cách giữa các cây chừng 50cm. Khi tiết trời chuyển heo may, cành dâu cằn lại, lá nhỏ dần; đó cũng là lúc báo hiệu vụ cuối của người trồng dâu nuôi tằm. Như những cây khác, cuối vụ người trồng dâu đi phát cành dâu, cây nào cao, cây nào cỗi thì được chặt đốn, hạ thấp xuống.

Mùa xuân đến là lúc cây cối đâm chồi, nẩy lộc, như được tiếp thêm sinh khí của đất trời, những chồi dâu non hôm nào đã tạo nên cánh đồng dâu xanh rì, lá dâu non được tích tụ bởi ánh nắng, sương ban mai dần trở nên xanh cứng và bắt đầu ra quả, khi quả dâu chín có màu tím lịm ăn rất ngọt là loại quả hấp dẫn đối với lũ trẻ bọn tôi ngày đó. Tan cuộc nô đùa ở sân kho của xóm, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau đi ăn quả dâu chín, ăn xong miệng đứa nào đứa đó đen sì, vì sợ bị bố mẹ phát hiện nên ăn xong đứa nào cũng cho một nắm cát vào áo dúm lại rồi lau miệng cho sạch trước khi về nhà.

Đó cũng là lúc lứa tằm xuân bắt đầu và được người nuôi kỳ vọng nhất. Nghề trồng dâu nuôi tằm được ví như nuôi con mọn. Bởi lẽ, con tằm là loại vật nuôi rất khó tính sống trong môi trường trong lành, nguồn thức ăn của chúng là lá dâu, đòi hỏi dâu phải sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu.

Nói về con tằm, có nhiều người cùng lứa tuổi chúng tôi ở quê không biết con tằm có hình hài như thế nào? Con tằm có hình dạng giống con sâu, là loại côn trùng có vòng đời trải qua bốn giai đoạn: trứng, tằm, nhộng và ngài.Quá trình phát triển của con tằm được trải qua các giai đoạn khác nhau như: Tằm vừa mới nở ra gọi là “ngủ giấc 1, giấc 2, giấc 3 sau đó chuyển sang ăn rỗi, rồi 1 chiều, 2 chiều, 3 chiều… cho đến 7 chiều thì tằm chín”, đây là cách tính tuổi của người dân làng tôi.

Thời gian để nuôi một lứa tằm từ 22 - 25 ngày, nhà nào có nhiều dâu thì nuôi 1 vòng trứng hoặc 1,5 vòng trứng; nuôi ít 1/2 vòng trứng; con tằm lúc mới nở có kích thước nhỏ li ti, khi cho tằm ăn người nuôi phải thái dâu thành sợi thật nhỏ, giai đoạn tằm còn nhỏ được nuôi trong cái mẹt, đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận và dành nhiều thời gian cho tằm ăn 6 - 7 bữa/ngày, kể cả ban đêm cũng phải thức dậy để cho ăn rồi thay phân cho chúng 1 hoặc 2 lượt/ngày. Khi tằm chuyển sang giai đoạn ăn “rỗi” là lúc tằm bắt đầu ăn khỏe, ăn nhiều và ăn nhanh; vậy nên người xưa có câu thành ngữ “ăn như tằm ăn rỗi”, lúc này người nuôi bắt đầu chuyển sang cái nia cái nong để nuôi và đòi hỏi người nuôi phải chuẩn bị sẵn một lượng lớn lá dâu trong nhà. Dâu khi hái về phải được hong khô trước khi cho ăn. Cứ nuôi như thế cho đến 6, 7 chiều thì tằm chín.

Khi con tằm chuyển sang màu vàng, trong suốt hơn đó là lúc con tằm đã chín. Người nuôi nhặt riêng những con tằm đã chín, đưa lên “đác” để cho tằm làm tổ, lúc này tằm bắt đầu nhả tơ. Để sợi tơ được dẻo, óng ả, người nuôi phải đốt củi, đốt than sưởi ấm khi tằm làm tổ. Sau 2 - 3 ngày nhả tơ đem lại thành quả cho người nuôi tằm bằng những nong kén vàng ruộm. Kén có 2 loại, kén vàng và kén trắng; đó là do giống con tằm tạo nên.

Niềm vui trên khuôn mặt rạng ngời của người nuôi khi những nong kén của mình đem lại hiệu quả và có giá trị kinh tế. Nhưng không phải niềm vui đó lúc nào cũng đến với người nuôi tằm, bởi không phải lứa tằm nào cứ nuôi là được, có những lứa phải bỏ đi một phần hai, phần ba, có lứa mất trắng, bởi do lá dâu bị nhiễm thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường, thời tiết nóng, ẩm. Nên người dân làng tôi thường ví von “nuôi lợn có năm nuôi tằm có lứa”.

Ở cái thời hoàng kim của nghề ươm tơ, phụ huynh của đám bạn học cùng cấp 2 với tôi ở thôn Hồng Phong, xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy gần như nhà đứa nào cũng làm nghề ươm tơ; có đến 1/2 số hộ trong thôn làm nghề ươm, cạnh nhà tôi thì có nhà bác Điệp, chú Hải cũng làm nghề ươm tơ.

Tôi có hỏi về cánh đồng dâu sau làng được trồng từ khi nào? Thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Nguyên nhân của việc cánh đồng dâu bị chặt đi là do những lứa tằm thường xuyên bị hỏng, phải bỏ đi vì nhiễm thuốc trừ sâu, sự khắc nghiệt của thời tiết.

Gần 20 năm rồi nghề trồng dâu nuôi tằm không còn thân thuộc với người dân làng tôi, cánh đồng dâu dần bị chặt đi nhường chỗ cho cánh đồng màu. Và như một quy luật sinh tồn của tự nhiên, không có gì là mãi với thời gian, nhưng có phần tàn nhẫn không hề nhỏ đối với cánh đồng dâu, với thân phận con tằm.

Để rồi người làng tôi một thời là chủ của những luống dâu, nong tằm phải nhói lòng, khắc khoải với nghề mà mình đã từng gắn bó.

TẠ HỮU THUẬT(Hà Nội)

Từ khóa » Cái Nong Nuôi Tằm