Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm ( Trải Nghiệm ấu Thơ ) Phần 1
Có thể bạn quan tâm
Trong quá trình tìm hiểu về nghề trồng dâu nuôi tằm. Tôi có tìm đọc được một bài hồi ký của một người thầy giáo ở Nam Định. Người thầy giáo đã kể lại ký ức về những năm tháng trẻ thơ của thầy, khi cùng mẹ đi sơ tán trong thời gian giặc Mỹ đánh bom chống phá miền Bắc. Một trong những nơi thầy đi sơ tán có vùng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Hà Nam. Chính vùng quê này đã để lại cho thầy những hồi ức vô cùng sâu sắc và đẹp đẽ. Bài hồi ký không những chia sẻ kỷ niệm của thầy mà còn cung cấp cho chúng ta những kiến thức về trồng dâu nuôi tằm vô cùng bổ ích. Tôi xin được trích lại bài hồi ký của thầy, để chúng ta cùng đọc và chia sẻ:
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của không lực Hoa kỳ, gia đình tôi cứ lưu lạc khắp nơi trong cái tỉnh Hà Nam bé nhỏ. Bố tôi làm việc một nơi. Tôi đi theo mẹ. Còn mẹ làm nhân viên của một trường đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp ngành Bưu điện. Anh tôi đi bộ đội, chị tôi đi trọ học cấp III xa nhà. Gia đình tôi thế là chia thành 4 nơi.
Hồi đó, tôi còn bé lắm. Mới học tiểu học thôi. Được đi nhiều nơi tôi thích lắm. Thời ấy như thế gọi là “đi sơ tán”. Chúng tôi được gọi là gia đình sơ tán. Còn bọn trẻ con ở các vùng chúng tôi đến, đều gọi chúng tôi là bọn sơ tán. Câu cửa miệng thôi, trẻ con mà. Cứ có hội đánh khăng, hoặc vài viên bi là thành bạn bè với nhau ngay. Tôi đã có rất nhiều bè bạn. Tôi cũng khám phá được nhiều điều mà các con tôi bây giờ sống ở nơi thị thành, suốt ngày với học và học, chúng chẳng có dịp để biết .
Có một dạo, gia đình tôi ở nhờ một gia đình có nghề nuôi tằm. Bác chủ nhà chừng 45 tuổi, quý tôi lắm, coi như con đẻ của bác vậy. Tôi cứ luôn quấn quýt lấy bác ấy, có khi ngủ với bác chứ không ngủ với mẹ. Những lúc mẹ đi làm về muộn, tôi ăn cơm với bác, rồi lon ton chân đất chạy theo bác gái ra ruộng dâu xem bác hái lá dâu. “Làm ruộng ăn cơm nằm – Nuôi tằm ăn cơm đứng” đó là câu tục ngữ của ông bà ta xưa. Cho đến khi tôi được sống ở vùng trồng dâu nuôi tằm, tôi mới thực sự hiểu được câu đó.
Tằm (hay Tầm) là con sâu nhỏ, dài chừng 7 – 8 phân. Hiền lành, lặng lẽ. Khi trưởng thành đến độ nhất định, Tằm bắt đầu nghĩ đến hậu sự của mình. Nó xây một cái tổ, gọi là Kén tằm, bằng chất dịch (chủ yếu là protein) tiết ra từ trong cơ thể của nó. Những cái kén tằm này, người ta lấy để rút ra sợi tơ tằm. Rồi dệt áo lụa cho các cô các chị, áo bào cho nhà vua, và các quan lại, làm chỉ thêu… .
Quy trình nuôi tằm đòi hỏi nhiều công sức của người nông dân. Những con ngài (con bướm) đẻ ra trứng Tằm vào một cái mẹt có trải giấy bản sạch. Người ta lấy bẹ chuối, hoặc mo cau uốn cong thành vòng tròn chừng bằng cái đĩa bé trong mẹt, cho 1-2 con ngài đẻ trong phạm vi đó thôi. Và vì thế, bác chủ nhà còn bán cả trứng tằm nữa. Những cái trứng tằm mầu trắng hồng hồng, bé bằng đầu tăm thôi được hàng trăm con Ngài đẻ bám chặt vào giấy.
Ngài Tằm cũng có hai loại: Ngài đực và Ngài cái. Con Ngài đực bé hơn, nhưng cánh dài hơn một chút. Cần 1 con ngài đực cho 10 – 15 con ngài cái. Chúng giao hoan với nhau trong sự bảo trợ của người nuôi tằm. Sau đám cưới là ngài cái đẻ ngay. Cái Kén tằm của con Ngài đực cũng khác, chỉ có những người chăn Tằm có kinh nghiệm mới nhận ra. Nó hơi thon hơn nhỏ hơn một chút. Bác chủ nhà của tôi rất giỏi môn này, bác còn bán tằm giống cho nhiều người nữa trong xã.
Sau khi được đẻ ra,chừng 24 tiếng, có khi hơn. Tùy theo thời tiết, những cái trứng tằm cứ đổi màu thẫm dần sang mầu xanh xám. Rồi từ trong trứng một con sâu bé nhỏ, trên thân có nhiều lông tơ chui ra khỏi vỏ. Thoạt tiên còn ngỡ ngàng mất một lúc, sau đó những con tằm con ấy bắt đầu bò đi tìm thức ăn.Từ nay đến hết tuần, người ta gọi chúng là tằm một tuổi. Thức ăn cho Tằm là lá dâu. Dâu cho tằm một tuổi phải chọn là lá dâu bánh tẻ (không già, không non). Người ta phải thái nhỏ lá dâu như sợi thuốc lào, rắc nhẹ nhàng lên trên nong tằm, để cho các chú tằm còn bé xíu như đầu tăm không bị lá dâu đè chết.
Một nong Tằm, là năm nong kén
Một nong Kén là chín nén tơ,
Thương em chín đợi mười chờ...
Sau mỗi một tuần, chính xác hơn khoảng 4-5 ngày, Tằm lại lột xác một lần. Lúc ấy, gọi là tằm ngủ, giống như chúng ta khi ngủ, trông chúng như chết vậy.
Mẹ tôi kể chuyện, nhà mình đã có lần nuôi thử, lúc tằm lên tuổi, trông tưởng chúng chết bèn đem đổ hết đi ra bờ dậu. Bẵng quên đi vài tháng, nhìn ra bờ rào vàng tươi những kén tằm là kén tằm. Nhưng con tằm ấy nằm bất động vài giờ, rồi từ trong cái xác cũ chui ra một con tằm mới, nhợt nhạt, yếu mềm, mệt mỏi. Như thế là tằm thêm được một tuổi. Nhưng sau đó nó ăn khỏe lắm. Rải lá dâu vào, nó ăn hùng hổ, trước khi lột xác cũng thế, người ta từng bảo ăn như tằm ăn rỗi là thế. Sau mỗi tuổi của Tằm, người ta lại thái lá Dâu lớn hơn một chút.
Tằm có một kẻ thù truyền kiếp là Nhặng. Nhặng xanh, ruồi trâu, vv và bè lũ cùng loài với chúng. Bây giờ khoa học gọi là kẻ thù thiên địch. Con Nhặng ấy rất thích đẻ trứng vào trong cơ thể của con Tằm, nhất là lúc tằm vừa mới lột xác xong. Ấu trùng Nhặng lớn dần trong con tằm, nó ăn cái phủ tạng của tằm. Nhưng không làm cho con tằm chết ngay, xui cho con tằm nào bị đến hai con ấu trùng nhặng trong cơ thể, chúng sẽ chết rất sớm.
Đến cuối đời tằm ấu trùng nhặng trở thành một con dòi ăn hết con tằm rồi chui ra ngoài làm kén trước ở một đâu đó cạnh nong tằm. Sau khi chuyển hóa thành một con nhộng, nó lột xác thành một con nhặng rồi bay đi. Còn thường thì ấu trùng nhặng ngủ yên trong cơ thể con tằm, cho đến khi tằm trở thành nhộng. Nó mới chén hết con nhộng rồi đục kén tằm chui ra. Cho nên khi ta ăn phải con nhộng bị bệnh sẽ thấy có ấu trùng nhặng mầu xanh như màu con rầy, nhỏ bằng nửa hạt gạo rắn câng bên trong.
Vì thế nhà nào nuôi Tằm đều phải kín cửa. không có kẽ hở để Nhặng chui vào. Cửa ra vào thì phải có mành che. Nhặng làm giảm đáng kể sản lượng kén tằm sau này. Không làm chết tằm ngay, thì nó cũng làm cho con tằm yếu ớt, làm được cái kén bé xíu, mỏng dính. Người nuôi tằm khi vào kén phải biết nhặt những con tằm bệnh này ra khỏi nong tằm. Họ cho sang một nong riêng. Kén của chúng dùng để lấy tơ phẩm chất thấp.
Con tằm trong sự nâng niu của người nuôi cứ thế lớn dần. Trông nong tằm đang ăn, thích lắm. Cái đầu chúng cứ đưa lên đưa xuống dọc theo mép lá dâu, gọt dần, gọt dần phiến lá cho đến hết. Sau khi chúng ăn, chỉ còn lại trơ những gân lá quá to. Lúc tằm đói là phải cho chúng ăn ngay. Tằm ăn liên tục trong ngày đến năm bảy cữ. Chúng ăn cả ban đêm nữa. Cho nên cứ luôn phải hái dâu, hoặc đi mua lá dâu, về làm sạch sẽ, khô ráo thái lá rồi mới cho Tằm ăn.
Người nuôi Tằm bận lắm, cho nên cả lúc ăn cơm cũng có thể vừa ăn, vừa trông cho tằm ăn. Có một dạo, các bạn trẻ nuôi gà ảo bận thế nào, thì nuôi tằm thật cũng bận như thế. Trong một gian nhà, người ta đóng một cái giá (gọi là cũi) có thể để 4-5 nong tằm thành nhiều tầng. Nong cuối hứng phân tằm. Cái con tằm sống, ăn, thải ra phân cũng trong cái nong ấy. Nên trong buồng tằm nhiệt độ có khi cao hơn một vài độ so với chỗ khác.
Cho chúng ăn, xong rồi lại phải dọn phân cho sạch. Giữ cho nong tằm sạch để tằm không bị bệnh nấm. Vì thế mà lá dâu cho Tằm ăn cũng phải thật sạch sẽ. Thủa ấy chưa có điện, cái buồng tằm kín mít, nóng lắm, tối lờ mờ nữa, trông sờ sợ, như từ trong góc nhà có con ngáo ộp bất thần nhô ra, nên hồi đó tôi chẳng thích lũ tằm tẹo nào.
Khi Tằm đủ năm tuổi (khoảng 23 đến 27 ngày) thì Tằm chín. Con tằm lúc đó có màu sáng dần. Kích thước đạt tối đa dài chừng ngón tay út nhưng đường kính thân còn nhỏ hơn chiếc bút chì một chút. Từ chỗ da tằm sáng lên, rồi ngả mầu vàng , rồi thành mầu vàng hơi đỏ. Bấy giờ, trong cơ thể nó chứa đầy một chất dịch trong, màu vàng sáng nhầy nhấy và cực dính, chủ yếu là protein. Khi gặp không khí và khô đi nó chính là tơ của con Tằm. Con Tằm nhả tơ qua miệng. Nó phun một dòng chất dịch đủ nhỏ để khi qua miệng nó. Chất dịch ra ngoài là được một sợi tơ mảnh. Người ta tính chiều dài của sợi tơ của con Tằm kéo được dài đến hơn 1 km.
Khi ấy, bác chủ mới dỡ những chiếc né xếp gọn dưới bếp ra. Né là thứ dụng cụ người ta chuẩn bị để cho các chú Tằm làm kén. Để làm né, cần có một cây tre bánh tẻ đường kính chừng 4 – 5 cm (có loại tre này). Người ta uốn cong cây tre này thành một cái cổng vòm. Hai đầu có một cái chốt ngang giống chữ D. Trong lòng chữ D in ấy, người ta đan chéo mắt cáo thành các lổ nhỏ ( giống hình thức đan ghế mây ấy), các lỗ này có đường kính chừng 5 – 6cm. Các nan để đan cũng bằng tre ngâm. Những chiếc né này dùng được nhiều lần.
Lấy né ra, làm sạch sẽ những thứ dễ làm bẩn kén tằm như bồ hóng, bui bẩn. Rồi đến công đoạn mà lúc đó tôi rất thích được làm: lấy một nắm rơm chừng 8-9 nhánh rơm dùng cái nắm tay be bé của mình, bẻ gập nắm rơm qua rồi nhồi qua một cái lỗ mắt cáo trên né, còn người lớn thì dùng một chiếc chày hành (chày nhỏ để giã hành trong bếp) để nhồi. Hồi đó tôi làm khéo lắm, được khen suốt, cho nên khoái cho đến tận bây giờ. Phải làm sao cho các nắm rơm ấy đều nhau, nhồi sang cùng một bên cũng với độ sâu đều nhau.
Giờ là lúc các con Tằm thoát khỏi cảnh cấm cung bấy lâu. Tôi và chị con dâu bác chủ nhặt những con Tằm chín vàng đặt nhẹ nhàng vào các ổ rơm nho nhỏ ở các mắt cáo ấy. Các chiếc né được dựng nghiêng 75 độ thành hàng, phơi ngoài sân. Bây giờ, bọn nhặng không làm gì được tằm nữa rồi. Nếu trứng nhặng có đẻ vào trong mình con tằm lúc này cũng sẽ chết. Lũ nhặng biết chắc thế. Các con tằm được bình yên, tắm nắng gió và làm kén. Nếu không có nắng, người ta phải để thoáng gió, có khi phải hun hơi nóng. Vì như đã nói, những sợi tơ Tằm nhả ra cần khô nhanh, thì kén mới đẹp, mới cứng cáp.
Đầu tiên, con tằm định vị vài đường tơ vào mấy sợi rơm xung quanh. Sau đó, nó như một vũ công múa cột, uốn mình nhả tơ xung quanh tự làm một căn phòng nhốt mình lại. Lúc đầu, tơ còn mỏng, có thể quan sát được vũ điệu của tằm. Sau đó không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng con tằm vẫn cứ nhả tơ cho đến hết tơ trong bụng nó thì thôi. Trônng chiếc kén vàng tươi trong nắng thật thích. Tằm lao động làm kén mất chừng một buổi sáng, có khi hơn ấy, tôi không dám chắc.
Con Tằm dài đến 6- 7 cm nhả hết tơ tự nhốt mình trong một chiếc kén chỉ dài chừng 4 -5 cm đường kính1,5 – 2cm. Như trên đã nói sợi tơ tằm dài đến 1 km, một vòng theo cái kén gần bằng 2cm x pi, tức là 6cm chiều dài. Vậy số vòng quay đầu của một con tằm là bao nhiêu nhỉ? Khoảng 20 vạn vòng như thế. Liệu có vũ công người nào thực hiện được hay không? Cho nên sau đó, Tằm mệt lắm, thiếp đi. Sau chừng một tuần, cái vỏ dúm dó của Tằm bị đẩy vào một góc cái kén thành một viên nhỏ, đen đen. Còn Tằm bây giờ đã hóa thành con nhộng.
Nhộng tằm là thức ăn rất bổ dưỡng. Nhưng những người đang đau mắt, hoặc viêm họng nặng, viêm thận mãn chớ có xơi vào nhé. Vì nó kích thích sinh ra giả mạc. Các cụ gọi là kéo màng trong mắt, trong họng. Con Tằm chín đem rang vàng, tán bột cũng là một vị thuốc bổ thận âm rất tốt. Cũng có thể ngâm với mật ong hoặc rượu để uống. Tằm chín không biết làm ăn thì dai quách, vì trong mình nó là tơ mà.
Chừng 10 -15 – 20 ngày tùy theo thời tiết. Con nhộng bên trong lột xác lần cuối thành con Ngài (Bướm Tằm). Nước bọt của nó có một thứ men hòa tan được protein, làm mủn cả kén tằm. Nó dùng răng cắn thủng kén chui ra ngoài tìm bạn đời. Sau khi đẻ cả Ngài đực và Ngài cái đều chết hết. Thế là kết thúc vòng đời của con tằm. Trứng – Sâu Tằm( 5 lần lột xác) – Nhộng Tằm – Ngài ( Bướm) Tằm. Để đạt được công quả là chiếc kén tằm xinh xinh này Tằm ta đã qua 5 lần lột xác, 3 lần thay hình đổi dạng thành 4 hình thái đã nêu. Cũng gian truân và diệu kỳ đấy chứ.
Cho nên, trừ những kén giống( để lấy Ngài tằm đẻ trứng) chỗ còn lại, kén được đem đi ươm tơ. Từ thời cổ đại, con người đã biết dùng nước nóng khoảng 70- 80 độ để phá sự dính kết giữa các vòng của sợi tơ tằm. Bên trên nồi nước nóng, đặt một cái guồng sợi. Người ta bỏ một vốc kén vào trong nồi nước ấy một lúc.
Dùng chiếc đũa khoắng nhẹ trong nồi, vớt ngay được mấy sợi tơ thế là cuộn ngay vào guồng, cứ làm như thế cho đến hết các cái kén, chỉ còn con nhộng thì thôi. Cũng có khi tơ sát, có một lớp tơ mỏng dính bao lấy con nhộng, thì cũng thôi không lấy tơ nữa. Tùy theo loại tơ lấy đầu, lấy giữa, hay lấy sát con Nhộng mà người ta phân thành tơ nõn, tơ nái, tơ đũi, hay tơ gốc.
Bọn trẻ con chúng tôi thích nhất là xin được một cuộn tơ gốc sần sùi rắn chắc, và rất bền để làm dây thả diều, hoặc làm dây câu thì thật tuyệt. Những sợi dây câu làm từ tơ Tằm tươi, thả xuống nước, bọn cá kéo đến nhiều lắm nhé, có lẽ có mùi của con nhộng tằm , thức khoái khẩu của cá là sâu mà. Đi thả diều xong, lại ghé vào chỗ các mẹ, các cô, các chị ươm tơ để nhón nhộng Tằm ăn. Lúc ấy ăn con nhộng sao mà nó ngọt, nó bùi thế không biết. Lũ trẻ ào vào, các bà chỉ mắng yêu cho có lệ, cứ để cho ăn chán rồi mới đuổi. Lại ào đi ra đường thả diều, chăn trâu….
Hết phần 1.
Xem phần 2 tại đây. Xem các thông tin mới nhất về khăn choàng cổ lụa tơ tằm tại đây.
Từ khóa » Cái Nong Nuôi Tằm
-
Nuôi Tằm Không Nong - Trung Tâm Khuyến Nông
-
Kỹ Thuật Nuôi Tằm | Kinh Nghiệm Làm ăn
-
Độc đáo Nuôi Tằm Trên Sàn Sắt, Bắt Kén Trên Né Gỗ | VTC16 - YouTube
-
Tam Nông Thời Hội Nhập: Sự Hồi Sinh Của Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm
-
Trồng Dâu Nuôi Tằm Mở Ra Hướng đi Mới Cho Nông Dân Xã Bảo Nhai
-
Với Nghề Nuôi Tằm Xưa - Báo Thái Bình điện Tử - .vn
-
Cải Thiện Thu Nhập Từ Nghề Nuôi Tằm
-
Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm ở Đắk Nông đang Có Xu Hướng Phát Triển
-
Nuôi Tằm Trên Nền Xi Măng: Mô Hình Mới, Hiệu Quả Cao
-
Cải Thiện Thu Nhập Nhờ Trồng Dâu Nuôi Tằm
-
Đăk Nông: Trồng Dâu Nuôi Tằm - Nghề Cũ Cách Làm Mới
-
Mô Hình Trồng Dâu Nuôi Tằm Tại HTX Nông Nghiệp Và Dịch Vụ Tiến ...
-
Chỉ Nuôi Tằm, ăn No Lại Nằm, Nhả Tơ Làm Kén, Một ông Nông Dân Lâm ...