Đằng Vương Cát: Vương Bột (649-675) Và Thi Ca Các Sứ Thần Lê ...

dang-vuong-cac-1.jpg

TS Phạm Trọng Chánh

                Đằng Vương Các do con trai Đường Cao Tổ Lý Uyên, là hoàng tử Lý Nguyên Anh, em ruột Lý Thế Dân tức Đường Thái Tôn dựng nên năm Vĩnh Huy thứ 3 thời Sơ Đường (652) khi ông làm Thứ Sử Tô Châu, nay thuộc Nam Xương, tỉnh Giang Tây. Cùng với Nhạc Dương Lâu nhìn ra Hồ Động Đình, Hoàng Hạc Lâu nhìn ra bến Hán Dương, sông  Trường Giang và Bồng Lai Các ở Sơn Đông, được xem là Tứ đại danh lâu Trung Quốc. Năm 652 Hoàng tử  Lý Nguyên Anh sai đô đốc Hồng Châu xây dựng khu lầu các này làm chổ ở. Do Lý Nguyên Anh được phong tước Đằng Vương nên lầu này có tên là Đằng Vương Các. 20 năm sau khi xây dựng, Lý Nguyên Anh đã mất,  Đô Đốc Diêm Bá Dư  trấn nhậm Hồng Châu trùng tu, mở cuộc thi thơ   nhân tài bốn phương và khoản đãi tân khách. Chủ ý ông là muốn khoe tài con rễ là Ngô Tử Chương. Bất ngờ Vương Bột, lúc đó 18, 19 tuổi, trên đường đi thăm cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Hoan Châu, Giao Chỉ (nay là Nghệ An) hay tin cho thuyển rẻ vào sông Chương Giang. Đáng lẽ đi mất 2 ngày, nhưng nhờ gió Trùng Cửu  (mùng 9 tháng 9) con thuyền đi nhanh chỉ một đêm là đến  đến Mã Đương, trong  bữa tiệc do Diêm Bá Dư khoản đãi, Vương Bột viết bài Đằng Vương Các đoạt giải quán quân : hai câu thơ tuyệt tác : Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc. (Ráng chiều cò lẽ đồng bay. Nước thu nối với trời xanh một màu), được truyền tụng hơn ngàn năm qua. Bài Đằng Vương Các của Vương Bột  được xem là một trong những bài thơ văn  hay nhất  trong thi ca Trung Quốc, gắn liền với di tích lịch sử này, một điển tích  thường nhắc đến trong văn chương Trung Quốc, Việt Nam.. Tô Đông Pha có câu thơ : Thời lai phong tống Đằng Vương các.  Gặp thời gió tới Đằng Vương Các Nguyễn Du trong Kiều có câu : Duyên Đằng thuận nẽo gió đưa, Cùng chàng kết tóc xe tơ một ngày. . Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký bài thơ viết cho Mai Sơn Phủ cũng nhắc đến : Nào đâu gác Đằng Vương.

                Đằng Vương Các trải qua 28 lần trùng tu qua các triều đại, lần cuối cùng  năm 1876 niên hiệu Đồng Trị nhà Thanh. Năm 1926-1929 bị phá hủy trong cuộc chiến tranh Trung Nhật. Năm 1989 được xây dựng lại theo kiến trúc thời nhà Tống cao 57,5 m với 5 tầng, 9 lớp mái, kiểu minh tam ám thất (3 sáng, 7 tối), mỗi tầng đều có hành lang thưởng ngoạn phong cảnh sông Cám Giang, bắc nam có Áp Giang đình và Áp Thúy đình. Tổng diện tích xây dựng là 13 000 m2  trên khuôn viên 47 000m2. Tầng 1 : cao 12m, lối vào có hai câu thơ Vương Bột do Mao Trạch Đông viết, đại sảnh phía Tây có mô hình Đằng Vương Các bằng đồng. Tầng 2 : có bích họa Nhân kiệt đồ, Giang Tây lịch đại danh đồ, 80 danh nhân đất Giang Tây như Đào Uyên Minh, Từ Như Tử, Tằng Củng, Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Thang Hiển Tổ.. Bích họa cao 2,55m dài 43,9m. Tầng 3 : bích họa Lâm Xuyên Mộng 4 vở kịch của Thanh Hiển Tổ : Mẫu đơn đình, Tư Thoa ký, Nam Kha Mộng, Hàm Đan ký. Tầng 4 : bích họa địa linh đồ. Tầng 5 : nơi thưởng thức ca múa, có 25 nhạc cụ nước Sở được phục chế.

                Vương Bột tức Vương Tử An, gốc gác tỉnh Thái Nguyên TQ, sau định cư ở  Long Môn (Sơn Tây TQ) cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Châu Hoan. Giao Chỉ. Lên sáu tuổi đã nổi tiếng thơ văn, thuộc làu kinh sử. 14 tuổi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách triều đình, được lãnh chúa đất Bái rước về làm thầy giảng sách. Xuất chính làm quan võ nhỏ và có lần bị vua ruồng bỏ biếm ra Nam Trung đất Thục làm chỉ huy lính đồn trú.

                Năm 672, Vương Bột 26 tuổi sang Giao Châu thăm cha, bị đắm thuyền chết đuối. Tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Trước năm 1972 còn đền thờ Vương Bột. Hiện nay còn tấm bia ghi lại lần trùng tu cuối cùng năm 1854. Năm 1958 trong chiến dịch « phá đình chùa lấy gạch ngói xây trường học », cán bộ địa phương đã phá đền hạ, lấy gạch ngói làm vật liệu. Cuối năm 1972 bom đạn B52 đã xóa sạch đền, dân Nghi Lộc đã cứu được hai pho tượng, tương truyền đó là tượng Vương Bột và cha Vương Phúc Cơ. Theo  ông Thái Doãn Hiểu. Vương Bột  (Site Văn Hóa Nghệ An) thuyền Vương Bột bị đắm tại cửa Hội Thống, xác Vương Bột theo dòng thủy triều trôi đến bờ sông Đồng Long (tên cũ sông Lam) thuộc xã Nghi  Xuân, Nghi Lộc, được người cha vớt lên chôn cất tại nơi này, sau Vương Phúc Cơ cũng buồn và mất, do có nhiều công trạng được nhân dân kính mến, ông được lập đền thờ cùng con nơi này.            

                Trước tác Vương Bột : Vương Tử An tập gồm bộ sách 16 quyển gồm  : Hán Thư Chỉ Hà, Chu Dịch Phát Huy, Thử Luận Ngữ, Chu Trung Toản Tự, Thiên Tuế Lịch. Viết từ tài liệu biên tập sưu tập văn sử triết của ông nội ông là Vương Thông và thơ văn của ông, nổi bật nhất là thơ.

               ***               

Tác phẩm tuyệt tác của Vương Bột, được nhắc nhở ngàn năm vẫn là Đằng Vương Các tự

ĐẮNG VƯƠNG CÁC TỰ

Nam Xương quận cũ, phủ mới Hồng Đô.

Sau chia Dực, Chẩn, đất nối Hành Lư.

Ngã ba sông, đai Ngũ Hồ, chế Man Kinh, tiếp Âu Việt.

Vật báu trời cho, ánh rồng chiếu tận sao Ngưu, Đẩu.

Người tài, đất thiêng, nhà cao Từ Trĩ, giường treo Trần Phồn.

Hùng Châu sương giăng, anh tuấn sao lạc.

Đài hào gối giao miền Di, Hạ; Khách chủ đẹp đẽ xứ Đông Nam.

Đô đốc Diêm Công danh tiếng, cảm kích đến xa xăm.

Thái thú văn võ (song toàn) mô phạm châu mới, dừng chân chốn này.

Mười tuần nhàn hạ, bạn tốt như mây.

Ngàn dậm đón chào, bạn hiền đầy chỗ.

Giao bay phượng múa, Mạnh Học sĩ tổ văn chương.

Chớp sáng, sương trong,  Vương tướng quân cai quản võ công.

Cha tôi quan tể (Hoan Châu), tôi đi thăm miền danh tiếng đó.

Trai trẻ này biết đâu, hân hạnh gặp tiệc.

Đương trời tháng chín, gặp buổi mùa thu.

Nước cạn đầm trong, khói đọng chiều tím.

Trông ngựa xe đường cái, phóng mắt hỏi cảnh đồi cao.

Đến miền Trường Châu của đế tử, tìm quán cũ người tiên.

Núi cao xanh biếc, nhô khỏi khói mây.

Bóng gác  màu son, dưới không sát đất.

Bến hạc, bãi cát quanh co  bát ngát bãi cồn,

Điện quế, cung lạ bày hình thể núi non.

Mở rộng cửa son, cúi xem cột chạm.

Đồng núi trông bao la, sông đầm nhìn kinh hãi.

Cửa ngõ giăng đất, nhà chuông đỉnh vạc bày.

Thuyền chật bến sông, cột vẽ chim sẽ, rồng vàng.

Cầu vòng tan mưa tạnh, rực sáng thấu đường mây.

Rán chiều cò lẽ cùng bay, sông thu nối với trời xanh một màu.

Tiếng ca thuyền chài, âm vang bến bờ Bành Lễ.

Nhạn kêu giá rét, tiếng vang tận bến Hành Dương.

Khúc ngâm xa sảng khoái, hứng thú phơi phới nhanh.

Tiếng vui gió mát dậy, tiếng ca lắng chìm, còn lưu mây trắng.

Tre lục vườn kỳ, khí lan chém rượu Bành Trạch.

Sắc đỏ sông Nghiệp, ánh soi ngọn bút Lâm Xuyên.

Sẵn bốn điều hay, đủ hai bậc tốt.

Ngắm trông khắp trời, vui chơi hết ngày nhàn rỗi.

Trời đất cao xa, vũ trụ vô cùng.

Hứng hết, buồn về hiểu đầy vơi có số.

Trông Trường An dưới trời, ngóng Ngô Hội trong mây.

Thế tận đất cùng biển Nam sâu thẳm, cột trời cao ngất sao Bắc xa xôi.

Quan san khó vượt nào ai xót thương người lạc lối.

Bèo nước gặp nhau, hết thảy đều khách tha phương.

Tưởng nhớ đến chốn cửa vua không trông thấy được.

Phụng chiếu nơi tuyên thất, chẳng biết năm nào.

Than ôi !

Thời vận chẳng bình thường, đường đời nhiều ngang trái.

Phùng Đường thành già cả, Lý Quảng khó được phong hầu.

Giả Nghị bị khuất nơi Trường Sa, chẳng phải không vua hiền thánh.

Lương Hồng phải ẩn náo miền Hải Khúc, đâu có thiếu thời quang minh.

Chú thích

Nam Xương: tên cũ quân nơi lập Đằng Vương Các.

Hồng Đô: tên phủ mới.

Dực Chẩn: Vùng sao Dực, sao Chẩn, theo địa lý xưa ứng với miền Nam Trung Quốc.

Hành Lư: vùng đất tiếp giáp Hồng Đô. 

Ngũ Hồ: Động Đình Hồ và 4 hồ lân cận.

Man Kinh: các dân tộc miền Nam Trung Quốc.

Âu Việt: vùng Bắc Việt Nam ngày nay.

Từ Trĩ: người học trò giỏi ở Hồng Châu, bạn thân Trần Phồn, khi nào có Từ Trĩ đến thăm, Trần Phồn mới hạ giường chõng xuống, khi bạn về thì treo lên không tiếp ai.

Diêm Công: Diêm Bá Dư đô đốc Hồng Châu.

Mạnh Học sĩ: Mạnh Kha, Mạnh Tử.

 Bành Trạch:  nhà thơ Đào Tiềm tức Đào Uyên Minh, tri huyện Bành Trạch.

Lâm Xuyên tức Lâm Hòa Tịnh, Lâm Bô ẩn sĩ đời Tống thơ hay chữ tốt vẽ khéo, tự nói: Lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con (mai thê, hạc tử) chứ không màng công danh phú quý.

Trường An: Tây An,  Kinh đô  nhà Tần, Hán, Đường.. Trung Quốc ngày xưa.

Phùng Đường: đời Hán làm quan tới già đời mà chỉ giữ một chức. Quan dở cả đời không được lên chức.

Lý Quảng: đang làm quan từ chức, lên non săn cọp làm kế sinh nhai.

Giả Nghị: học giả có tiếng đời Hán, sau bị gièm pha, bị truất ra làm Trường Sa vương.

Lương Hồng: làm quan đời Võ Đế nhà Ngụy, bị nịnh thần sàm tấu vua đuổi ra Bắc Hải.

                        Đằng Vương Các được các sứ thần Việt Nam ngâm vịnh khi đi sứ: như Lê Cảnh Tuân, Nguyễn Tông Khuê, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn..

                        Lê Cảnh Tuân ( ? -1416) tên chữ là Tử Mưu, hiệu là Tử Trai, người Mộ Trạch, huyện Đường An. Đỗ Thái Học Sinh vào năm Canh Thìn (1400) triều nhà Hồ,  Khi nhà Minh xâm chiếm nước ta ông viết bức Vạn Ngôn thư, ông bị bắt đưa về Yên Kinh , giam trong ngục Kim Lăng và chết trong ngục năm năm sau đó. Ông có 12 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục. trong đó có bài : Quá Nam Xương phủ  Đằng Vương Các Cố chỉ. Qua nền cũ Đằng Vương các ở phủ Nam Xương. Ông đến Đằng Vương Các thời nhà Minh lúc đó chỉ còn nền. Lâu đài cũ không còn nữa, chưa được xây dựng lại. Giang sơn thế này dã từng một phen mở mặt. Nay nếp kiến trúc cũ đã xiêu đổ không thể vin lại được nữa. « Mưa cuốn rèm châu » nay đà cuốn sạch.  « Mây bay cột vẽ » giờ lại bay về. Gò đổi hang thay trên bãi cát lạnh. Xưa qua nay lại trong ánh chiều buông. Cảnh phồn hoa ngày ấy nay ở đâu ? Chỉ còn trơ lại Nam Phố đối diện với Tây Sơn.

QUA NỀN CŨ ĐẰNG VƯƠNG CÁC Ở PHỦ NAM XƯƠNG

Một phen mở mặt với giang sơn,

Lầu cũ đỗ xiêu đã chẳng còn.

«  Mưa cuốn rèm châu » nay cuốn sạch.

« Mây bay cột vẽ » lại còn trơn.

Gò thay hang đổi  bãi cồn lạnh,

Xưa lại nay qua chiều nắng buông.

Cái cảnh phồn hoa đâu đó nhỉ ?

Còn trơ Nam Phố đối Tây Sơn.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

QUÁ NAM XƯƠNG PHỦ ĐẰNG VƯƠNG CÁC CỐ CHỈ

Giang sơn như thử nhất khai nhan,

Dư cấu khuynh y bất khả phan.

Vũ quyển châu liêm không quyển khứ,

Vân phi họa đống tự phi hoàn.

Lãng thiên cốc biến hàn sa thượng.

Cổ vãn kim lai lạc chiếu gian.

Dương nhật phồn hoa hà xứ tại ?

Y nhiên Nam Phố đối Tây San.

 Cái chết của Tiến sĩ Lê Cảnh Tuân trong ngục Kim Lăng nhắc nhở chúng ta : Hai mươi năm đô hộ nhà Minh, văn hóa 400 năm thời đại Lý Trần bị xóa sạch, hầu hết các công trình xây dựng như An Nam từ đại khí đều bị phá hủy,  tất cả sách vở đều bị thu về Kim Lăng (Nam Kinh). Hàng trăm ngàn thợ giỏi, bị bắt đi xây dựng kinh đô Bắc Kinh. Công trình do kiến trúc sư Nguyễn An điều khiển. Máu xương  người Việt Nam trong hai mươi năm đô hộ nhà Minh. Người tài như Tuệ Tĩnh thiền sư thầy thuốc giỏi, Hồ Nguyễn Trừng chế súng thần công.. đều bị bắt về phương Bắc.  Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo “Chẻ trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác “ còn nhắc nhở người Việt Nam đời đời.       

Nguyễn Tông Khuê (1693-1767), người xã Phúc Khuê, huyện Ngự Thiên tỉnh Thái Bình. Đỗ Hội Nguyên Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721). Phó sứ năm 1742, Chánh sứ năm 1747, thầy dạy Lê Quý Đôn. Trong Sứ Trình Tân Truyện 670 câu lục bát có xen thơ Đường luật. Đoạn về Đằng Vương Các ông viết:

                Thú vui bấy rặng Mã Đương,                                                  câu         359

                Bóng Đào Bành Trạch mơ màng dậu đông.

                Một phen nổi trận trường phong,

                Đưa đích Vương Bột tới trong Gác Đằng,

                Tiên nương có đấy cùng chăng,

                Giữa dòng một đỉnh cao rằng Tiểu Câu.

                Xiếc bao phong cảnh Giang Châu,

                Vương Duy có bút vẽ đồ song thai.

 Từ Mã Đương nơi Đào Tiềm tri huyện Bành Trạch trồng cúc dậu đông, thuyền Vương Bột nhờ một trận gió lớn đưa nhanh tới Đằng Vương Các kịp dự Hội Thơ. Trên sông Trường Giang có một đảo nổi lên ngọn núi gọi là Tiểu Câu, hay Tiểu Cô, thờ các tiên cô. Giang Châu có nhiều phong cảnh đẹp nhà thơ Vương Duy thời Đường thường vẽ tranh “thi trung hữu họa “ và đề thơ trong tranh.

                Phan Huy Ích làm Chánh Sứ sang nhà Thanh năm 1790, triều Tây Sơn ghé thăm gác Đằng Vương có đề thơ bài dẫn viết :

Gác Đằng Vương ở ngoại thành Giang Tây, bài tự của Tử An (Vương Bột) khắc trên vách phấn. Trong thành có cái đầm sâu nước lạnh, phong cảnh hoa lệ, có tên là Nam Châu hoa đảo (đảo hoa Nam Châu). Các dinh thự quan tỉnh và nha môn phủ huyện, phố phường đều vây quanh bốn mặt đầm. Từ dưới gác ngang sông đến bờ phía đông là con đường chính.

Bài thơ Phan Huy Ích viết:  Mái hiên chót vót nhìn xuống dòng nước xanh, Bài tự rực rỡ như ánh sao Đẩu. Núi sông thu vào bút thần đồng. Xưa nay còn truyền lầu Đế tử (con vua) Thuyền xe muôn dậm xuyên qua bãi rau liễu. Cây, khói bốn mùa chứa đọng ở bãi hoa. Thuyền sứ chẳng nhờ sự thuận tiện của luồng gió nam. Ngẫu nhiên tiếp cuộc chơi của kẻ rung nhạc loan mang bội ngọc.

ĐỀ GÁC ĐẰNG VƯƠNG

Chót vót hiên cao ngắm nước xanh,

Bài văn sao Đẩu sáng long lanh.

Núi sông thu lại thần đồng bút,

Kim cổ truyền đây đế tử cung.

Muôn dậm dậm thuyền xa qua bến liễu,

Bốn mùa cây, khói bãi hoa quanh.

Há nhờ cơn gió xuôi thuyền sứ,

Tiếp nối cuộc chơi xưa ngọc chuông.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐỀ ĐẰNG VƯƠNG CÁC

Nguy nghiệp tằng thiềm hám bích lưu,

Tự văn thôi sản đẩu quang phù.

Giang sơn tận thuộc thần đồng bút,

Kim cổ do truyền đế tử lâu.

Vạn lý chu xa xuyên liễu phố,

Tứ thời yên thụ trữ hoa châu.

Tinh sà bất giả huân phong tiện,

Ngẫu tục minh loan bội ngọc du.

                Đoàn Nguyễn Tuấn, đi cùng phái đoàn Phan Huy Ích cũng có đề thơ Đằng Vương Các nhưng tiếc rằng bài thơ không được chọn dịch trong Hải ông thi tập nxb KHXH Hà nội 1982. Ông còn có bài thơ Mã Đường Dạ Bạc. Đêm đậu thuyền ở bến Mã Đường  bến của Đằng Vương Các. Nay huyện Như Cao tỉnh Giang Tô. Bóng chiều đã ngã vào làn sóng lạnh. Trăm thuyền khua kẻng, trời đã tối rồi. Đường đi dịch ba lần ầm ỉ bên tai. Sách Hậu Hán Thư: “Đời nhà Chu, Việt Thường nam Giao Chỉ qua ba lần phiên dịch đến cống chim bạch trĩ ”, thời nhà Thanh sứ đoàn phải dịch từ tiếng Việt ra tiếng Quảng Đông, hay tiếng Quan Thoại, Bắc Kinh rồi dịch ra tiếng Mãn Châu, do đó các sứ thần thường dùng bút đàm để trao đổi, nói chuyện. Quan chức hai triều nhà Thanh, và  Việt lẫn lộn với nhau. Tiếng pháo vang chân đồn phía núi vọng lại. Đường xưa Trung Quốc cứ 4, 5 dậm có đặt một sở gọi là đường hoặc tấn, tập, ta gọi là đồn, có một số binh lính trấn giữ để xét hỏi kẻ gian phi và truyền đệ công văn. Khi có sứ bộ đi qua thì đốt pháo đón tiếp và hộ tống qua đó. Đuốc sáng rực bến sông, các hạt móc đều khô. Ngoãnh nhìn mây trắng, quê nhà đã xa xăm. Một tấm lòng quê khó mà nguôi được.

ĐÊM ĐẬU THUYỀN Ở BẾN MÃ ĐƯỜNG

Sóng lạnh bên sông ngã bóng chiều,

Trăm thuyền về tối kẻng khua kêu.

Bên tai vang vọng ba lần dịch,

Lẫn lộn trước mắt quan lưỡng triều.

Tiếng pháo chân đồn vang núi vọng,

Đuốc hoa đầu bến hạt sương tiêu.

Ngoãnh nhìn mây trắng nhà xa thẳm,

Một tấm lòng quê, nhớ bấy nhiêu.

Nhất Uyên dịch thơ

MÃ ĐƯỜNG DẠ BẠC

Tà huân đà ảnh nhập ba hàn,

Bách đĩnh minh kim, dạ khí lan.

Nhĩ bạn phân hiêu tam dịch lộ,

Nhãn tiền thác tạp nhị triều quan.

Pháo oanh đường cước sơn thanh đáp,

Liệu xí tân đầu lộ điểm can.

Hồi thủ bạch vân gia tiệm viễn,

Hương tâm nhất phiến dự bài nan.

Paris  6- 3-2016

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Thời Lai Phong Tống đằng Vương Các