Đề Thi Thử THPT Quốc Gia 2021 Môn Văn Số 12 (có đáp án)

Tham khảo ngay đề thi THPT quốc gia năm học 2020 - 2021 môn Văn đề số 12 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2021 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 12

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích:

“Lòng nhân ái không phải tự sinh ra con người đã có. Lòng nhân ái là một trong những phẩm chất hàng đầu, là văn hóa của mỗi một con người. Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”… Và lòng nhân ái của các em Trường Quốc tế Global đã được hình thành như thế,[…].

Lòng nhân ái là một phần quan trọng trong mục tiêu giáo dục toàn diện của trường GIS và thực tế, lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người. Các hoạt động từ thiện đã và đang diễn ra tại Trường Quốc tế Global đã góp phần giúp các em học sinh xây dựng tính cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với mọi người và giúp người khi khó khăn hoạn nạn, phát triển toàn diện tri thức và đạo đức để trở thành những công dân ưu tú, có ích cho xã hội, gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam.”

(Trích Dạy trẻ lòng nhân ái ở trường quốc tế Global – theo Dân trí - ngày 14/ 2/ 2015). 

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2 (0,5 điểm): Theo tác giả bài viết, “Lòng nhân ái có được” là do những yếu tố nào?

Câu 3 (0,75 điểm): Tại sao tác giả bài viết cho rằng “lòng nhân ái rất cần trong đời sống”?

Câu 4 (1,25 điểm): Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Câu 1 (2,0 điểm): Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về giá trị của lòng nhân ái đối với con người.

Câu 2 (5,0 điểm):

Đọc tác phẩm văn học, ta luôn bắt gặp những khoảnh khắc vô tận ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh.

Đó là khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Đó là khoảnh khắc Tràng tặc lưỡi “Chậc, kệ!” đưa thị về nhà để tìm hạnh phúc (Vợ nhặt - Kim Lân)

Hãy trình bày những cảm nhận của anh/chị về hai “khoảnh khắc vô tận” trên.

-HẾT-

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 12

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận/ phương thức biểu đạt nghị luận.

Câu 2. Theo tác giả của bài viết, “Lòng nhân ái có được là do sự góp công của mỗi gia đình và nhà trường tạo lập cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm rèn luyện, học tập, sẻ chia, “đau với nỗi đau của người khác”…”

Câu 3. “Lòng nhân ái rất cần trong đời sống” vì “đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người.” Lưu ý: Học sinh có những kiến giải khác mà hợp lí và phù hợp với nội dung, tư tưởng của đoạn trích thì vẫn cho điểm.

Câu 4.Thông điệp: Hãy đùm bọc, sẻ chia, cảm thông trước những khó khăn của con người trong cuộc sống,… Lưu ý: Học sinh có thể trình bày những thông điệp khác nhưng phải hợp lí thì vẫn cho điểm.

II. LÀM VĂN 

Câu 1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về giá trị của lòng nhân ái đối với con người.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

- Viết thành đoạn văn (khoảng 200 chữ).

- Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (nghị luận về lòng nhân ái):

Giá trị của lòng nhân ái đối với con người.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ giá trị của lòng nhân ái đối với con người.

Có thể theo định hướng sau:

* Giải thích : Lòng nhân ái là gì?

Lòng nhân ái là tình yêu thương giữa con người với con người.

* Tại sao con người cần phải có lòng nhân ái:

- Lòng nhân ái là cách con người trao cho nhau tình thương mà không cần sự đền đáp, trả ơn từ người mình đã giúp đỡ.

- Lòng nhân ái rất cần trong đời sống, đó là nét văn hóa, là cốt cách của mỗi một con người.

– Biểu hiện:

+ Quan tâm đến những người xung quanh.

+ Chia sẻ, cảm thông với những nỗi đau của người khác.

+ Lòng nhân ái của con người trong thời chiến, thời bình (dẫn chứng).

* Bàn luận mở rộng để rút ra bài học cho bản thân:

– Phê phán những kẻ chỉ biết có mình, ích kỉ, vì lợi ích của bản thân, không quan tâm đến người khác.

– Bài học nhận thức và hành động: Mỗi người phải rèn luyện cho mình đức tính tốt đó là: tinh thần yêu thương, san sẻ cho nhau trong cuộc sống; tự bản thân phải sống tốt và ngày càng hoàn thiện mình hơn.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo những ý chính sau:

I. Đặt vấn đề

- Giới thiệu về "khoảnh khắc vô tận" trong văn thơ.

- Giới thiệu hai khoảnh khắc vô tận được nói đến trong đề bài: Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống và Tràng tặc lưỡi đưa thị về nhà để tìm hạnh phúc.

II. Giải quyết vấn đề

1. Giải thích

- Khoảnh khắc: khoảng thời gian hết sức ngắn.

- Khoảnh khắc vô tận: khoảng thời gian ngắn nhưng để lại nhiều suy nghĩ về con người và cuộc sống. Đặc trưng của văn học là cô đọng, hàm súc, đa nghĩa, mỗi chi tiết nghệ thuật có nhiều tầng bậc ý nghĩa. Tác giả lựa chọn miêu tả những khoảnh khắc ấn tượng khiến người đọc suy ngẫm để rút ra bài học về tư tưởng, lẽ sống...

2. Giới thiệu khái quát về hai tác giả, tác phẩm

- Tô Hoài là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. “Vợ chồng A Phủ” trích trong tập “Truyện Tây Bắc”, là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông được viết sau chuyến đi thực tế Tây Bắc năm 1952. Tác phẩm là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu để bọn thực dân, chúa đất áp bức đày đọa trong tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do.

- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. “Vợ nhặt” là một sáng tác tiêu biểu của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Tác phẩm không chỉ miêu tả tình cảnh thế thảm của người nông dân trong nạn đói 1945 mà còn thể hiện bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ.

3. Cảm nhận về hai “khoảnh khắc vô tận”

a. Khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ

- Nguyên cớ:

+ Mị là một cô gái xinh đẹp, có tài thổi sáo. Vì món nợ truyền kiếp của gia đình, Mị trở thành con dâu gạt nợ của nhà thống lí Pá Tra.

+ Cuộc sống nô lệ tại nhà thống lí đã biến Mị từ cô gái tự do, đầy sức sống trở thành người tê liệt về tinh thần, mất hết ý thức sống...

+ Sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong Mị để rồi bùng cháy vào đêm tình mùa xuân và đặc biệt là vào đêm mùa đông khi Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ.

- Diễn biến cụ thể:

+ Khi chứng kiến cảnh A Phủ bị trói, ban đầu Mị thản nhiên, vô cảm. Nhưng lúc Mị nhìn thấy dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại của A Phủ thì Mị đã bừng tỉnh, Mị bồi hồi nhớ lại quá khứ: “Đêm năm trước, Mị cũng phải trói đứng thế kia”. Mị động lòng thương: “chỉ đêm mai là người kia chết”.

+ Tình thương người đồng cảnh ngộ và ý thức về tội ác của cha con thống lí Pá Tra đã đẩy Mị đến một hành động táo bạo: cắt dây mây cởi trói cứu A Phủ.

+ Khát vọng sống mãnh liệt khiến Mị chạy theo A Phủ bởi cô hiểu rằng “Ở đây thì chết mất”. Cả hai trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa tạo lập cuộc sống mới.

=> Hành động của Mị mang tính bộc phát, bất ngờ diễn ra trong một khoảnh khắc ngắn ngủi do sự thúc bách của tình thế. Nhưng đó cũng là hệ quả tất yếu mang tính lôgic của một ý niệm thân phận thức tỉnh, một tâm hồn cằn cỗi đã hồi sinh. Với nghị lực phi thường, lòng ham sống mãnh liệt, Mị đã vùng lên tự giải thoát cho mình khỏi uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa đương thời đè nặng tâm hồn bao thế hệ người dân Tây Bắc.

b. Khoảnh khắc Tràng tặc lưỡi “Chậc, kệ !” khi đưa thị về nhà để tìm hạnh phúc

- Nguyên cớ và diễn biến cụ thể:

+ Nhân vật Tràng là một người lao động nghèo, dân xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê với cuộc sống bấp bênh giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tuy sống trong cảnh ngộ đói rách nhưng Tràng là người cởi mở, bao dung, nhân hậu. Trong một lần đẩy xe bò thóc lên dốc tỉnh, Tràng hò một câu cho đỡ mệt thì một người đàn bà đã chạy ra đẩy xe cho Tràng.

+ Lần thứ hai gặp lại, Tràng không nhận ra thị vì trông thị đói rách và xơ xác quá. Tràng sẵn lòng mời thị bốn bát bánh đúc. Tràng đùa: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, thị về thật. Ban đầu, Tràng thấy “chợn”. Nhưng khát vọng hạnh phúc đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Tràng quyết định: "Chậc! Kệ”, liều lĩnh đưa người đàn bà xa lạ về nhà.

=> Hành động của Tràng tưởng chừng giản đơn, liều lĩnh trong giây phút bồng bột, thiếu suy nghĩ nhưng nó lại chất chứa tình yêu thương giữa những con người khốn khổ. Sợi dây nối kết Tràng và thị là sự cảm thông của những người cùng cảnh ngộ. Đó là biểu hiện của lòng nhân hậu vị tha cùng niềm khát khao cháy bỏng hạnh phúc gia đình.

Cuộc sống của Tràng đã thay đổi từ quyết định giản đơn đó. Gương mặt anh lấp lánh niềm vui. Sáng hôm sau Tràng thấy mình “êm ái, lửng lơ” trong hạnh phúc. Anh thấy mình nên người. Anh thấy yêu thương gắn bó với gia đình hơn. Tràng đã nghĩ tới sự thay đổi trong tương lai với biết bao niềm tin và hi vọng.

c. So sánh sự tương đồng và khác biệt giữa hai khoảnh khắc

* Tương đồng: Cả hai hành động đều diễn ra trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, táo bạo, bất ngờ, mang tính bộc phát nhưng tạo ra bước ngoặt lớn cho cuộc đời nhân vật. Đó là điểm nút quan trọng trong tình huống truyện, quyết định sự phát triển của cốt truyện, khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc và mới mẻ của tác phẩm cũng như tài năng nghệ thuật của tác giả. Qua đó gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa tới người đọc.

* Khác biệt: Mỗi khoảnh khắc mang dấu ấn sáng tạo riêng của tác giả.

- Về nội dung:

+ Tô Hoài tập trung khắc họa số phận đau khổ của người phụ nữ Tây Bắc dưới ách áp bức bóc lột của thực dân chúa đất đồng thời ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong họ.

+ Kim Lân phản ánh chân thực tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói năm 1945 và ngợi ca niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm tin bất diệt vào sự sống, tình yêu thương đùm bọc giữa những người lao động nghèo khổ bên bờ vực cái chết.

- Về nghệ thuật:

+ Vợ chồng A Phủ: Nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, miêu tả tâm lí tinh tế, cách trần thuật uyển chuyển linh hoạt, cách kể chuyện dẫn dắt khéo léo, ngôn ngữ sinh động, chọn lọc.

+ Vợ nhặt: Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, lối dựng truyện tự nhiên đơn giản nhưng chặt chẽ, giọng văn mộc mạc giản dị, tính cách nhân vật sắc nét sinh động.

* Lí giải sự khác biệt:

- Bản chất nghệ thuật là sự sáng tạo, “Mỗi tác phẩm văn học phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (nhà văn Lê-ô-nit Lê-ônôp); do nét riêng của hoàn cảnh sáng tác, sự khác nhau trong phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả.

III. Kết thúc vấn đề

Những khoảnh khắc vô tận chính là những chi tiết nghệ thuật đắt giá góp phần làm nên tác phẩm lớn. Đó là sự kết tinh biết bao tâm huyết, tài năng của người cầm bút.

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Nguồn: THPT NGÔ GIA TỰ - ĐẮK LẮK

-/-

Kết thúc đề thi thử THPT quốc gia môn Văn 2021 số 12 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Từ khóa » Bồi đắp Lòng Nhân ái