Di Sản Nông Nghiệp Với Các Giá Trị Phổ Quát Của Hệ Thống Thủy Lợi ...
Có thể bạn quan tâm
Nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam từ bao đời nay luôn coi thủy lợi là biện pháp kỹ thuật hàng đầu trong những biện pháp nền tảng của canh tác: “Nước – Phân – Cần – Giống”. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, hệ thống đê điều và thủy lợi nước ta được người dân chung sức đồng lòng, bền bỉ xây dựng và cuộc đấu tranh với thiên tai, chống hạn hán, lũ lụt đã trở thành truyền thống anh dũng, kiên cường của dân tộc. Hệ thống thủy lợi đập Đồng Cam tại tỉnh Phú Yên là một trong ba công trình đại thủy nông ở Miền trung, không chỉ có giá trị lớn về kinh tế mà còn có giá trị thẩm mĩ và kỹ thuật rất cao, được xây dựng với công sức của hàng vạn người dân. Hệ thống đập thủy lợi Đồng Cam có ý nghĩa tạo dựng vùng định cư nông nghiệp và nông thôn của Phú Yên, phản ánh đầy đủ các giá trị truyền thống văn hóa lúa nước và nông nghiệp lâu đời ở Việt Nam. Các giá trị phổ quát của hệ thống Đập và kênh mương tưới tiêu Đồng Cam cần được đánh giá đầy đủ, để phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với các mô hình định cư nông thôn lưu vực sông Ba. Đây là tiền đề định hướng phát triển kinh tế du lịch và phát triển quy hoạch chung TP Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên.
Đập Đồng Cam – Công trình thủy lợi tiêu biểu Trước khi có đập Đồng Cam, cánh đồng Tuy Hòa chỉ sản xuất được một vụ lúa, hoàn toàn trông chờ vào nước trời. Mùa khô, cả cánh đồng rộng lớn biến thành vùng đất khô cằn, việc dẫn nước tưới tiêu cho đồng lúa Tuy Hòa bấy giờ là một vấn đề vô cùng quan trọng. Từ năm 1889, người Pháp đã nghiên cứu để xây dựng công trình thủy lợi dẫn nước tưới và họ đặc biệt chú ý giải pháp đưa nước sông Ba tưới cho đồng bằng Tuy Hòa bằng hệ thống tự chảy theo phương pháp “dẫn thủy nhập điền” cổ truyền của người Chăm, trong đó có các kênh dẫn nước được xây dựng dưới vương triều Ayaru. Năm 1904, các kỹ sư người Pháp mới chính thức bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế hệ thống thủy nông Đồng Cam dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Desbos, người được tôn vinh là bậc thầy đã khai sinh các công trình thủy lợi ở Đông Dương. Kỹ sư Fayard trực tiếp thiết lập đồ án nhưng do khó khăn kinh phí nên chưa thể triển khai. Đến năm 1920, kỹ sư Nordey tiếp tục hoàn thiện đồ án dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Lefèvre và đồ án được duyệt ngày 30/11/1923. Công trình khởi công xây dựng năm 1924, hoàn thành đập chính năm 1930 và đến năm 1932 toàn bộ hệ thống thủy nông mới được hoàn thành. Ngay sau khi công trình đưa vào sử dụng, cánh đồng Tuy Hòa đã sản xuất ổn định 2 vụ/năm, nhanh chóng trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung. Tiếp đó là vùng nguyên liệu mía được hình thành, thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy đường Đồng Bò, cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng nhất tại địa bàn Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám.
Đập Đồng Cam trên sông Ba ở Phú Yên là công trình thủy lợi tiêu biểu do người Pháp khảo sát, thiết kế và xây dựng, là kiệt tác về xây dựng trong thế kỷ 20. Đập được xây dựng vững chắc trên nền đá granit, toàn bộ thân đập dài 688m nối liền với núi Trù Cát ở bờ bắc với núi Qui Hậu ở bờ nam. Đập có chiều cao 22.4m so với mặt nước biển, con số này đã được tính toán kỹ càng để tận dụng tối đa nước từ Sông Ba đổ về: 14 cửa lấy nước và 2 cửa xả sạn cát được bố trí ở 2 đầu đập, cùng với đó là hệ thống van điều khiển được thiết kế dễ dàng và linh hoạt. Ngoài đập Đồng Cam là hệ thống hai kênh dẫn nước là kênh chính Bắc và chính Nam với hơn 2500 hạng mục lớn nhỏ, cung cấp nước tưới tiêu cho cả vùng lúa Tuy Hòa rộng 220 km2 với 19.000 héc-ta ruộng lúa (hữu ngạn 11.000ha, tả ngạn 8.000ha). Đã có hơn 2 triệu m3 đất, 360.000m3 đá đã được đào, phá; hơn 20.000 khối bê tông và 20.000 khối đá hộc đã được thi công; hàng trăm khối gỗ và hàng trăm tấn sắt thép đã được vận chuyển đến thi công công trình. Đập Đồng Cam tiêu tốn 2,1 triệu đồng Đông Dương bấy giờ, tương đương 262.000 tấn lúa.
Trạm thủy nông
Đập Đồng Cam được xây dựng trong một thời gian kỷ lục 10, sử dụng hơn 5,35 triệu lượt công lao động (mỗi ngày trung bình có 1.500 lao công, cao điểm lên đến 5.000 người), với lượng đất đá đào đắp và bê tông xây dựng lên hàng chục triệu mét khối để đưa nước từ hạ lưu sông Ba vào tưới cho cánh đồng Tuy Hoà, biến từ chỗ khô hạn thành cánh đồng trù phú bậc nhất duyên hải miền Trung. Một ký giả thời đó viết: “Việc xây dựng con đê này rất khó, vì nơi này sơn lam, chướng khí. Các viên kỹ sư, giám thị người Pháp và những người thầu khoán cùng công nhân An Nam đều phải sinh hoạt một cách hết sức nguy hiểm. Người nào, người nấy đều lo sợ ma thiêng nước độc…”. Môi trường làm việc vô cùng khắc nghiệt: Rừng thiêng nước độc, sốt rét, tai nạn trong quá trình nổ mìn, phá đá… đã xảy ra. Hệ thống đập Đồng Cam được xây dựng với nhiều gian khổ, và cả xương máu của 52 người dân Phú Yên. Triều đình nhà Nguyễn đã cho lập miếu và hàng năm vào mùng 8 Tết Nguyên Đán có lễ hội nhằm tri ân những người đã xây dựng nên đập, thu hút rất đông người dân tham gia. Tháng 1/1933 vua Bảo Đại về tại đập Đồng Cam để khánh thành, chứng tỏ đây công trình quan trọng không chỉ của riêng tỉnh Phú Yên, mà còn có quy mô lớn và nổi tiếng trên cả nước thời bấy giờ.
Công trình đập được nghiên cứu lựa chọn một cách cẩn thận để đảm bảo có được nền móng vững chắc, vừa đảm bảo lượng nước tưới tiêu cho vùng đồng bằng Phú Yên. Việc xác định vị trí xây dựng, thiết kế, tính toán chuẩn xác từng hạng mục, sức bền bỉ vượt thời gian của những công trình này, đặc biệt là quá trình thi công chủ yếu bằng sức người là điều khiến thế hệ hôm nay vô cùng ngưỡng mộ và trân trọng. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ ngày 7/9/1932, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier nói: “Chúng ta tiếp tục với một kỹ thuật khoa học, chủ trương cũ của người Chăm, những người nông dân tuyệt vời với kỹ năng và bằng nhiều cách mà chúng ta hết sức thán phục đã biết dẫn nước và chinh phục nước”.
Đập Đồng Cam không chỉ là những công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật, mà nó còn có giá trị thẩm mỹ, có ý nghĩa về mặt kinh tế, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ với kiến trúc độc đáo. Đập Đồng Cam có đầy đủ các giá trị phổ quát của di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của bao lớp tiền nhân trên mảnh đất miền Trung, đó là:
- Giá trị lịch sử;
- Giá trị khoa học, kỹ thuật xây dựng;
- Giá trị văn hóa, xã hội, giáo dục;
- Giá trị kiến trúc, cảnh quan;
- Giá trị sử dụng và phát huy;
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu (GIAHS) được định nghĩa năm 2002 là “Hệ thống sử dụng đất và cảnh quan nổi bật ở đó giàu có về đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu, được phát triển từ sự cùng thích nghi của một cộng đồng người dân với môi trường thông qua việc đáp ứng những nhu cầu cần thiết và những khát vọng phát triển bền vững của cộng đồng đó”. Với phạm trù và khái niệm mở rộng về di sản của UNESCO, “Hệ thống đập và kênh mương tưới tiêu Đồng Cam” với các giá trị văn hóa phổ quát gồm văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tự nhiên hoàn toàn phù hợp để được nghiên cứu, tôn vinh là di sản văn. Xác định đặc điểm và các giá trị văn hóa phổ quát không chỉ đập Đồng Cam mà là toàn bộ hệ thống đập và kênh mương tưới tiêu, từ đó đề ra các định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với các mô hình định cư nông thôn lưu vực sông Ba.
Vai trò của hệ thống thủy nông Đồng Cam có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thúc đẩy phát triển dịch vụ, các làng nông thôn truyền thống, gắn với phát triển du lịch văn hóa, mở ra cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch di sản văn hóa trải nghiệm trong hành trình di sản Phú Yên gồm:
- Du lịch biển và danh thắng;
- Du lịch di sản văn hóa nông nghiệp Đồng Cam;
- Du lịch nghỉ dưỡng cao nguyên Vân Hòa.
Nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa đập Đồng Cam liên quan đến nhiều lĩnh vực và chuyên ngành: Xã hội học, di sản văn hóa, kiến trúc, quy hoạch, xây dựng, thủy lợi, cầu đường. Công việc này có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn phù hợp với định hướng phát triển bền vững nông nghiệp, cũng như chủ trương xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Một số công việc cần thực hiện:
- Xác định đặc điểm và các giá trị văn hóa phổ quát của hệ thống đập – kênh tưới tiêu Đồng Cam, các làng truyền thống khu vực đồng bằng Sông Ba.
- Tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và Quốc tế về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nông nghiệp – thủy lợi, nông nghiệp và nông thôn
- Xây dựng hệ thống tiêu chí trên cơ sở các giá trị văn hóa phổ quát của UNESCO, định hướng và nguyên tắc bảo tồn di sản văn hóa nông nghiệp Đồng Cam.
- Quy hoạch di sản các làng nông thôn truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch, du lịch văn hóa cộng đồng và du lịch sinh thái bền vững tại tỉnh Phú Yên
Di sản văn hóa nông nghiệp, thủy nông đập và hệ thống kênh tưới tiêu Đồng Cam nổi bật không chỉ ở Miền Trung mà còn tiêu biểu và đại diện cho Việt Nam về văn minh lúa nước – “dẫn thủy nhập điền”. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đồng Cam phù hợp chiến lược toàn cầu về an ninh nguồn nước và phát triển bền vững, phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề để định hướng phát triển kinh tế du lịch và định hướng phát triển quy hoạch chung thành phố Tuy Hòa kết nối với huyện Phú Hòa, Tây Hòa và tỉnh Phú Yên.
Lời kết
Hệ thống thủy nông Đồng Cam là một công trình thủy nông kỳ vĩ, trải qua những thăng trầm của lịch sử để lại những dấu ấn đặc biệt về kinh tế, chính trị, cảnh quan, văn hóa của tỉnh Phú Yên. Trong tâm thức của người dân Phú Yên công trình thủy nông Đồng Cam được ví như mạch sống quê hương, đưa phù sa và dòng nước nguồn sông Ba nuôi dưỡng đồng bằng hai bờ Sông Ba. Hệ thống thủy nông Đồng Cam không chỉ là một công trình thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, là một di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của mảnh đất và con người Phú Yên. Đồng Cam sẽ là điểm đến du lịch khám phá, trải nghiệm lý tưởng, nếu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, tôn tạo, khai thác hiệu quả, thì đây sẽ là những địa chỉ du lịch về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, kiến trúc độc đáo của Phú Yên; là cơ hội và tiềm năng phát triển đô thị bên bờ sông Ba.
PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Trung (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2022)
Tài liệu tham khảo 1. Sơ thảo lịch sử Thủy lợi Việt Nam 2. Hệ thống thủy nông Tuy Hòa 3. Báo cáo của Sở nông nghiệp Phú Yên 4. Báo cáo của Ban quản lý đập Đồng Cam
Từ khóa » Hệ Thống Thủy Lợi Nghĩa Là Gì
-
Thủy Lợi – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hệ Thống Thủy Lợi Là Gì - 123doc
-
Hiện Trạng Hệ Thống Thủy Lợi Của Việt Nam
-
Khái Niệm Về Công Trình Thủy Lợi - XÂY DỰNG
-
[PDF] Theo Cách Hiểu Truyền Thống Thì “Thủy Lợi Là Các Hoạt động Nhằm ...
-
Thủy Lợi Là Gì? Hoạt động Thủy Lợi Phải Tuân Theo Những Nguyên Tắc ...
-
Phân Vùng Tiêu
-
LUẬT THỦY LỢI
-
Tập Trung đầu Tư Công Trình Thủy Lợi đầu Mối
-
Xây Dựng Hệ Thống Thủy Lợi Nhỏ, Thủy Lợi Nội đồng Nhằm Bảo đảm ...
-
【Đất Thủy Lợi DLT Là Gì】Những Lưu ý Khi Sử Dụng đất Thủy Lợi DTL
-
"Thuỷ Lợi" Trong Tiếng Anh Là Gì: Định Nghĩa, Ví Dụ Anh Việt
-
Công Trình Thủy Lợi Bao Gồm Những Công Trình Nào?
-
Va Trò Của Ngành Thủy Lợi đối Với Sự Phát Triển Kinh Tế ở Nước Ta