Thủy Lợi Là Gì? Hoạt động Thủy Lợi Phải Tuân Theo Những Nguyên Tắc ...

Tôi muốn hiểu rõ cụm từ thủy lợi có nghĩa là gì? Đối với hoạt động thủy lợi có cần tuân theo nguyên tắc nào không? Đặc biệt đối với hoạt động thủy lợi này nhà nước có chính sách gì? Mong anh/chị giải đáp thắc mắc. Xin cảm ơn. Mục lục bài viết Nội dung chính
  • Thủy lợi là gì?
  • Hoạt động thủy lợi phải tuân theo những nguyên tắc nào?
  • Quy định tiết kiệm nước trong hoạt động thủy lợi
  • Nhà nước có những chính sách gì trong hoạt động thủy lợi?

Thủy lợi là gì?

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Thủy lợi 2017 định nghĩa thủy lợi như sau:

"1. Thủy lợi là tổng hợp các giải pháp nhằm tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu và thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối; kết hợp cấp, tiêu, thoát nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác; góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước."

Hoạt động thủy lợi phải tuân theo những nguyên tắc nào?

Căn cứ Điều 3 Luật Thủy lợi 2017 quy định nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi như sau:

- Phù hợp với nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thống nhất theo lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi, kết hợp theo đơn vị hành chính, phục vụ đa mục tiêu.

- Bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

- Chủ động tạo nguồn nước, tích trữ, điều hòa, chuyển, phân phối, cấp, tưới, tiêu, thoát nước giữa các mùa và vùng; bảo đảm yêu cầu sản xuất, sinh hoạt theo hệ thống công trình thủy lợi, lưu vực sông, vùng và toàn quốc.

- Sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm số lượng, chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

- Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; huy động sự tham gia của toàn dân trong hoạt động thủy lợi.

- Tổ chức, cá nhân được sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và phải trả tiền theo quy định của pháp luật; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản trước những tác động bất lợi trong quá trình xây dựng và khai thác công trình thủy lợi.

Như vậy, trong hoạt động thủy lợi phải tuân theo 6 nguyên tắc chính này.

Nguyên tắc trong hoạt động thủy lợi

Quy định tiết kiệm nước trong hoạt động thủy lợi

Tại Điều 5 Luật Thủy lợi 2017 quy định tiết kiệm nước trong hoạt động thủy lợi như sau:

- Việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong hoạt động thủy lợi phải tuân theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các quy định sau đây:

+ Trong lập quy hoạch thủy lợi và đầu tư xây dựng công trình thủy lợi phải đề xuất, lựa chọn giải pháp nguồn sinh thủy, tạo nguồn nước, chống thất thoát nước, sử dụng nước tại chỗ, tái sử dụng nước, kết nối hệ thống thủy lợi liên vùng; (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018

+ Trong quản lý, khai thác phải kiểm kê nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện điều hòa, phân phối, sử dụng nước hợp lý, chống thất thoát nước;

+ Việc tổ chức sản xuất của các ngành kinh tế sử dụng nước, bố trí cơ cấu mùa, vụ, cây trồng, vật nuôi phải phù hợp với điều kiện nguồn nước và có phương án sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

+ Sử dụng nước tưới cho cây trồng phải tiết kiệm, hiệu quả và khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến.

- Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích.

Nhà nước có những chính sách gì trong hoạt động thủy lợi?

Theo Điều 4 Luật Thủy lợi 2017 quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy lợi như sau:

- Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.

- Ưu đãi thuế đối với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thuế.

- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hệ thống tưới, tiêu tiên tiến và hiện đại; hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng.

- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi.

- Hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi phù hợp với từng lĩnh vực, nhóm đối tượng sử dụng.

- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trong trường hợp phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người trực tiếp hoặc tham gia hoạt động thủy lợi; khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ trong hoạt động thủy lợi.

Như vậy, tùy vào hoạt động thủy lơi khác nhau, nhà nước sẽ có những hổ trợ hoặc ưu tiên khác nhau với từng hoạt động.

Từ khóa » Hệ Thống Thủy Lợi Nghĩa Là Gì