Độc đáo Gỏi Sầu đâu - Tin Tức Miền Tây

Theo các cao niên, không ai biết nguồn gốc cây sầu đâu và món gỏi sầu đâu có từ đâu và bao giờ. Cây sầu đâu mọc tự nhiên hoặc được trồng khắp các tỉnh ĐBSCL nhưng nhiều nhất là ở An Giang, Kiên Giang. Cây sầu đâu không kén đất, lớn nhanh, có thể đạt chiều cao từ 15-19m, nhánh cây tỏa rộng, có tán rậm, được trồng ở quanh nhà để che bóng mát.

Cây sầu đâu còn là vị thuốc trong đông y thường được dùng chữa sốt, cảm, chống viêm, chữa những bệnh về da, nhức mỏi... Hàng năm, khoảng tháng 11 đến tháng 3 (âm lịch), cây sầu đâu đến mùa thay lá, ra bông. Lá cây sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, bông màu trắng, ít đắng, có hương thơm. Do vậy, lá và bông sầu đâu thường được làm rau ăn sống hoặc trộn gỏi ăn kèm cá kho, thịt kho, mắm chưng trong bữa cơm hàng ngày. Hiện nay, sầu đâu là món ngon không thể thiếu trong thực đơn của các gia đình, quán ăn, nhà hàng từ nông thôn đến thành thị. Do vậy, người dân trồng sầu đâu không đợi đến mùa thay lá, trổ bông mà thường xuyên tỉa bỏ cành, lá già, sau đó tưới nước, bón phân kích thích sầu đâu đâm chồi, ra lá non quanh năm để phát triển kinh tế gia đình.

Đọt sầu đâu

Nhắc đến cây sầu đâu không thể không nhắc đến món gỏi sầu đâu độc đáo, lạ miệng. Bà Lê Thị Kim Cúc (ngụ tại TX. Tân Châu) cho biết, muốn làm gỏi sầu đâu không khó vì nguyên liệu chính là bông và lá sầu đâu rất dễ tìm. Do lá sầu đâu có vị đắng đặc trưng nên còn tùy vào sở thích, khẩu vị của người ăn mà chế biến. Đối với người mới lần đầu ăn sầu đâu hoặc không thích ăn đắng, phải chọn lá non và bông sầu đâu là thích hợp nhất. Còn nếu dùng lá hơi già thì sau khi rửa sạch, cho lá vào nồi chần qua nước sôi để giảm vị đắng, cho ít muối vào để giữ màu xanh của lá. Ngược lại, những người ăn được sầu đâu lại thích vị đắng tự nhiên thì không cần sơ chế thêm, chỉ rửa sạch để ráo nước là có thể trộn gỏi.

Theo bà Cúc, ngoài lá và bông sầu đâu, còn có các nguyên liệu khác kèm theo, như: một số loại khô cá, thịt luộc, cá nướng, dưa leo, cà chua, xoài sống… để làm món gỏi thêm ngon và phong phú sắc, hương, vị theo ý thích mỗi người. Có người chỉ trộn gỏi sầu đâu với khô cá lóc, khô cá sặc bổi… nướng xé nhỏ. Có nơi tỉ mỉ, công phu hơn như các nhà hàng thì cho thêm thịt ba rọi luộc chín xắt mỏng, tôm luộc hoặc nướng lột vỏ, bỏ đầu. Khô cá sặc bổi nướng xé nhỏ. Dưa leo, cà chua xắt mỏng, xoài sống bằm sợi. Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị xong, trộn tất cả lại với nhau. Cuối cùng là cho thịt cá lóc nướng trui đã rỉa bỏ xương lên mặt dĩa gỏi. “Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước cốt me chín thêm chút đường, nước mắm nhỉ, ớt xắt. Nếu dùng chanh hay giấm, gỏi sầu đâu sẽ không còn ngon nữa. Dù trộn thêm nguyên liệu gì thì gỏi sầu đâu vẫn phải đảm bảo đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng mới được gọi là ngon” - bà Cúc chia sẻ.

Gỏi sầu đâu khô cá lóc

Gắp một miếng gỏi sầu đâu chấm với nước mắm me đậm đặc, bỏ vào miệng nhai chầm chậm người ăn sẽ cảm nhận vị đắng của sầu đâu hòa cùng vị béo của thịt ba rọi, ngọt thơm của thịt tôm và cá lóc nướng, vị mặn cá khô, vị chua của xoài và nước cốt me, giòn mát của dưa leo, cay cay của ớt. Tất cả hương vị như cùng bùng nổ, lan tỏa trong miệng. Điểm đặc biệt của món gỏi sầu đâu là không chỉ cảm nhận vị đắng lúc mới thưởng thức mà sau đó sẽ có hậu ngọt thanh đọng lại trong miệng, khiến người ăn không thể nào quên.

“Đây là lần thứ 3 em thưởng thức món gỏi sầu đâu ở An Giang. Em rất thích vị đắng nhưng có hậu ngọt của sầu đâu, không có món gỏi nào độc đáo như vậy. Những lần về An Giang em đều rủ bạn bè ăn món gỏi này”- em Nguyễn Thị Trúc Đào (ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

TRỌNG TÍN

Từ khóa » Hình ảnh Gỏi Lá Sầu đâu