Độc đáo Văn Hóa Chăm Pa - Truyền Hình Quốc Hội

Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Pa tại Đà Nẵng…còn gọi là Cổ Viện Chàm. Hầu hết những hiện vật trong nền điêu khắc Chăm từ Quảng Trị tới Ninh Thuận, Bình Thuận đều có mặt tại đây. Nét độc đáo trong điêu khắc của người Chăm Pa ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ. Nét độc đáo ở đây là họ điêu khắc trên đá sa thạch, chủ yếu là những vị thần của họ. Có tận mắt chiêm ngưỡng khoảng 2000 hiện vật ở đây chúng ta mới hình dung được sự kỳ công cũng như nét tinh xảo của nghệ thuật điêu khắc Chăm xưa. Từ Đài thờ Trà Kiệu (thế kỷ VII - VIII), tượng vũ nữ Apsara, phù điêu Vishu, Phù điêu Sarasvati, Tượng Skanda…

Cùng với điêu khắc, kiến trúc cũng là mảng văn hóa được phát triển mạnh của dân tộc Chăm. Qua hàng ngàn năm, các ngôi tháp ở Khu đền tháp Mỹ Sơn vẫn đứng đó với một vẻ đẹp độc đáo, ghi lại dấu ấn một thời của vương quốc Chămpa hùng mạnh mặc cho thời gian vùi lấp. Đến thời điểm hiện tại, những đền tháp Chăm vẫn là một ẩn số và chưa có lời giải thích về sự cấu thành kiến trúc cũng như sự kết dính bền bỉ từ những viên gạch Chăm trước sự phân hủy của khí hậu và thời gian. Được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, song những công trình kiến trúc của người Chăm cho thấy giá trị của nó không chỉ nằm ở giá trị hiện thực, mà hơn hết là cả một câu chuyện có giá trị tinh thần về tín ngưỡng, về niềm tin và cả thông điệp sinh tồn của con người. Sự thừa nhận này của Unesco một lần nữa khẳng định sự độc đáo và riêng biệt của tháp Chăm so với hầu hết các tháp chùa của các dân tộc anh em đang sinh sống và định cư tại Việt Nam.

Ông VÕ VĂN HÒE - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “Độc đáo ở đây người Quảng gọi đó là gạch Chăm, khi tạo nên những hình khối thì họ dùng gạch xếp vào nhau bằng một loại chất dính. Hiện giờ những nhà nghiên cứu đã vào cuộc tuy nhiên vẫn không thể tìm ra chất kết dính đặt giữa 2 viên gạch này là gì. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm cổ xưa đã dùng rất nhiều những loại lá trên rừng tạo ra chất kết dính này. Thoạt nhìn ta thấy 2 viên gạch nằm rất sát nhau”.

Kiến trúc Chăm có từ thế kỷ thứ I sau công nguyên, là sự phát triển nghệ thuật sớm nhất ở Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng tư tưởng đạo giáo Ấn Độ. Tại khu vực thung lũng Mỹ Sơn hiện nay còn hơn 50 ngôi tháp lớn nhỏ khác nhau. Các Tháp đều hướng về phía Đông là hướng của các vị thần, là hướng của sự sinh sôi, tuy nhiên vẫn có một số tháp hướng về phía Tây thể hiện quan niệm của các vị vua Chăm pa muốn tìm hiểu về thế giới bên kia, thế giới không nhận biết được.

Ông VÕ VĂN HÒE - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “Căn bản họ xây là để thờ những vị thần của họ. Ví dụ trong này có thần Shiva, thần Trimurti… các vị thần đó là chủ thể của những khu đền tháp này. Trong này chúng ta gặp một số hình tượng Linga (tức yếu tố phồn thực của người Chăm) được thờ trong những tháp nhỏ hơn. Cho nên thung lũng Mỹ Sơn này, chủ yếu người Chăm làm ra để thờ các vị thần của họ”.Ngày 25/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định công nhận 23 bảo vật quốc gia, trong đó Quảng Nam có 1 hiện vật được công nhận là Đài thờ Mỹ Sơn A10 (niên đại thế kỷ IX - X), hiện lưu giữ tại đền A10 Khu đền tháp Mỹ Sơn, Duy Xuyên. Đây là một đài thờ vuông được ghép từ 17 khối sa thạch. Trên đài thờ là bộ Linga và Yoni liền khối. Đây là mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử xây dựng và nghệ thuật điêu khắc của khu đền tháp Mỹ Sơn.

Ông NGUYỄN THANH HỒNG - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam: “Qua nghiên cứu, đánh giá, khảo sát giá trị thì đây là Đài thờ là biểu tượng, là hình khối Linga và Yoni dính liền, là hình khối lớn nhất từ trước đến nay. Hiện nay tỉnh và huyện Duy Xuyên tập trung bảo vệ để phát huy giá trị của Đài thờ”.

Một trong những thành tố đặc trưng mà bao thế hệ người Chăm vẫn gìn giữ chính là âm nhạc truyền thống, thứ âm nhạc được cất lên mỗi mùa Lễ hội Katê, trong những giờ làm gồm, dệt vải, trên chiếc võng ru nôi …Người Chăm sử dụng nhiều loại nhạc cụ, với ba nhóm chính là bộ gõ, bộ hơi và bộ dây, phổ biến nhất là trống Gineng, trống Paranưng và kèn Saranai. m nhạc truyền thống của người Chăm vẫn còn được bảo tồn trải qua hàng trăm năm dâu bể, vẫn giữ được những giai điệu huyền bí, đẹp tuyệt diệu dưới những bóng tháp ngà. m nhạc của người Chăm đa dạng, phong phú, tự cổ chí kim luôn phản ánh cuộc sống và thế giới quan của họ, dù có đôi chút khác với những gì mà người Việt suy nghĩ, nhưng đều là những sự khác biệt đáng nâng niu và trân trọng, tạo nên sự tổng hòa văn hóa của một quốc gia đa sắc tộc.

Ông VÕ VĂN HÒE - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “Nó có nhiều cái độc đáo, ví dụ như cái kèn Saranai vậy, khi người ta tấu lên người ta để nguyên cái kèn dài như vậy, khi người ta thổi gần hết bài hoặc tới lúc chuyển giai điệu, chuyển cái khúc thức cho phù hợp với bối cảnh thì người ta rút đoạn đầu ra, người ta chỉ dùng khúc ngắn người ta thổi tiếng cao vút lên. Cái thứ 2 là cái trông Paranưng. Cái trống có hình tròn, trên trống có những chi tiết như tia nắng mặt trời, đó thể hiện sự giao hòa giữa trời và đất, người ta vỗ vào mặt trống, tạo nên sự giao hòa âm nhạc người Chăm mà không giống với bất cứ loại nhạc cụ nào hết”.

Cùng song hành với âm nhạc là những điệu múa. Nếu như điêu khắc và kiến trúc tạo nên sự tinh xảo và huyền bí của những giá trị vật thể của người Chăm thì âm nhạc và những điệu múa hòa quyện vào nhau tạo thành tâm hồn của người Chăm. Thông qua âm nhạc và những điệu múa, một lần nữa chúng ta có quyền khẳng định về sự đa dạng về văn hóa của dân tộc Chăm.Người con gái Chăm trong trang phục váy áo truyền thống cùng những chiếc khan đầy màu sắc và duyên dáng thể hiện sự khéo léo và đầy uyển chuyển.

Ông VÕ VĂN HÒE - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “Đầu tiên, các phụ nữ họ đội cái hũ ở trên đầu là điệu múa lấy nước về dâng cúng, người Chăm gọi đó là điệu múa mang tính chất tôn giáo. Lấy nước về dâng cúng cho thần. Y phục những người phụ nữ đó họ mặc rất kín đáo. Ngoài ra còn một điệu múa, độc đáo hơn tất cả, đó là điệu Apsara, điệu múa đó mô phỏng điệu múa của nữ thần Siva. Và đó được coi là điệu múa hay nhất, độc đáo nhất của người Chăm”.

Điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, điệu múa là yếu tố quan trọng tạo nên một bức tranh văn hóa của người Chăm. Nhưng nó không thể hoàn hảo nếu không có mảnh ghép cuối, đó là trang phục. Không đa sắc màu như đồng bào tại vùng cao Tây Bắc, trang phục dân tộc Chăm có chất liệu và lối tạo dáng và trang trí riêng. Với phụ nữ Chăm, áo dài truyền thống là trang phục thiêng liêng và quý giá nhất, chỉ được mặc vào những lễ hội lớn hay lễ cưới.

Ông VÕ VĂN HÒE - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: “Trên một không gian tấm vải thổ cẩm như thế thì người Chăm có thể đưa hình ảnh của điệu múa Apsara lên, về kết cấu một cái áo thì họ trùm từ cổ xuống tới chân luôn, không xẻ 2 bên, và cái cổ của người ta không phải cổ trái tim như mình, mà cổ áo của họ giống là trầu của mình đấy là cái đặc trưng của họ. Màu chủ đạo của họ chỉ có mấy màu là màu vàng (cho giới tu sỹ), màu trắng, màu xanh lơ, đó là những sự đặc trưng của văn hóa trang phục người Chăm”

Mặc dù văn hóa Chăm được cộng đồng dân tộc Chăm sinh sống ở nhiều tỉnh thành bảo tồn và gìn giữ, song cũng không tránh khỏi những đổi thay, thậm chí có những thứ đứng trước nguy cơ mai một. Trong đó, các nhà nghiên cứu chỉ ra nhiều di sản văn hóa Chăm đến nay vẫn không thể phục dựng được; hệ thống di tích Chăm xuống cấp; nhiều giá trị văn hóa, nhất là các áng văn chương, truyện cổ, kinh, nhất là hàng chục nghìn trang thư tịch cổ... có nguy cơ bị thất truyền. Trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và đồng bào Chăm nói riêng có nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức.

Ông NGUYỄN THANH HỒNG - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam: “Năm 2021 đã tập trung đánh giá những kết quả thực hiện quy hoạch bảo tồn theo quyết định của Thủ tướng. Hiện nay đang tập trung xây dựng đề án mới trong việc bảo tồn khu đền tháp. Quảng Nam đã tập trung bằng nhiều nguồn Trung ương, tỉnh, xã hội hóa, hợp tác các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, tập trung trùng tu tôn tạo. Phát huy tốt, chống xuống cấp”.

Trong tâm khảm người Việt, nền văn minh Chăm Pa vừa gần mà cũng thật xa. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Chăm độc đáo, là vô cùng cần thiết. Theo dòng chảy của thời gian, thế giới càng ngày càng tiến dần đến những nền văn hóa mới, những giá trị nghệ thuật cổ xưa đang lùi dần vào dĩ vãng, ẩn giấu trong những chứng tích lịch sử. Song cũng chính thời gian lại soi sáng những trang sử quá khứ mà nghệ thuật Chăm còn in đậm trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trên văn bia, trên điêu khắc và kiến trúc. Sau nhiều thế kỉ, lịch sử có lúc thăng, lúc trầm, có những sự giao hòa và cũng có những bi thương, lịch sử đã được sang trang và chìm vào quá khứ. Người Việt và người Chăm vẫn nắm chặt tay nhau trên mảnh đất hình chữ S, tim hòa nhịp đập, máu cùng quyện chảy để nhìn về tương lai.

Từ khóa » Chăm Pa Tiếng Anh Là Gì