Ý Nghĩa Biểu Tượng Trên Vòm Cuốn Của Kiến Trúc đền Tháp Champa
Có thể bạn quan tâm
Văn minh Champa từng là một trong những nền văn minh phát triển rực rỡ bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng, giao thoa của hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ, Đại Việt vào văn hóa Champa từ sau thế kỷ thứ 11, mà điểm chung rõ nhất, ảnh hưởng sâu đậm nhất là – Văn hóa Phật giáo đang ở giai đoạn cực thịnh, kết hợp với văn hóa bản địa – đã tạo nên một diện mạo văn hóa Champa đặc sắc, sáng tạo và đầy sức sống [1]. Trong nền văn hóa đó, các biểu tượng nghệ thuật trang trí kiến trúc Champa là thành tố quan trọng, thể hiện sức sống mạnh mẽ, sức sáng tạo vượt bậc, góp phần tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của văn hóa Champa.
Trong các thành phần trang trí kiến trúc, kiến trúc đền tháp và đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc trên vòm cuốn đã thể hiện sự kết hợp đa dạng của các biểu tượng văn hóa. Chúng ta có thể hiểu vòm cuốn là một loại vòm cửa hình vòng cung được sử dụng ở cửa chính, các cửa giả, chân cột vách, nền móng hay trên các tầng của mái tháp tạo thành kiểu trang trí cho công trình kiến trúc đền tháp Champa. Ngoài chức năng thẩm mỹ, vòm cuốn trong kiến trúc đền tháp cổ Champa tùy theo từng dạng thức, mô típ trang trí đều có ngôn ngữ riêng, phản ánh quá trình nhận thức và cảm thụ thẩm mỹ của nghệ thuật điêu khắc Chăm nói riêng và văn hóa Champa nói chung; đồng thời còn chuyển tải nhân sinh quan, thế giới quan và có ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc bằng các biểu tượng văn hóa tôn giáo đối với dân tộc.
Điêu khắc kiến trúc vòm cuốn với các biểu tượng thể hiện thế giới quan của người Chăm về vũ trụ. Về tổng thể, các nghệ nhân Chăm xưa, thông qua điêu khắc, đã thể hiện nhận thức của họ về sự hài hòa cân đối và cái đẹp hoàn mỹ bằng các hình tam giác cân, hình nón, hình ngọn núi (Hình 1, 2) và sử dụng con số 3 thần bí với vô vàn ý nghĩa đặc biệt tượng trưng cho thần linh như Tam vị nhất thể trong Hindu giáo (Brahma – Vishnu – Siva), Thiên Chúa ba ngôi trong Kitô giáo (Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần), Tam Bảo trong Phật giáo (Phật – Pháp – Tăng) hay gắn với 3 giai đoạn trong cuộc sống (Sinh – Lão – Tử), cũng như, tượng trưng cho ba cõi (Thiên – Địa – Nhân). Bên cạnh đó, thế giới quan của người Chăm xưa về vũ trụ còn thể hiện qua các hình thức mái vòm, hang là hiện thân của quả trứng, có ý nghĩa tượng trưng che chở cho cội nguồn vạn vật mà “hình ảnh của vũ trụ với nền hang là Đất, vòm hang là Trời” [2]; hay biểu tượng về cội nguồn, sự phục sinh của con người bằng các hình dáng điêu khắc có ý nghĩa nguyên mẫu của dạ con – lòng mẹ – người đàn bà đã thể hiện khát vọng về sức sống mãnh liệt, sự sinh sôi nảy nở, sự bền chặt của văn hóa dân tộc Chăm.
Nếu đi vào chi tiết, người nghệ nhân Chăm khai thác các biểu tượng phổ biến và phong phú nhất của văn hóa loài người cụ thể như hình cây, có ý nghĩa là trung gian nối giữa trời và đất, là biểu tượng của “cây Đời/cây Vũ trụ/cây Trí tuệ phổ biến ở mọi nền văn hóa” [2], biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở, sức sống tràn trề, gây ấn tượng về sự phồn thực mãnh liệt (Hình 3,4,5 – mà Phong cách Đồng Dương là một điển hình), hay hình chiếc lá là biểu tượng cho hạnh phúc và sự phồn vinh, lá bồ đề còn biểu tượng cho Đức Phật Thích Ca. Vì vậy, với các điêu khắc tổng thể và chi tiết trên Vòm cuốn Champa, các nghiên cứu cho thấy thế giới quan của người Chăm xưa về Vũ trụ là sự dung nạp hài hòa các giá trị văn hóa, tôn giáo khác nhằm truyền đạt nhận thức về vũ trụ, giải thích và hiểu về cội nguồn của dân tộc, kế thừa và phát huy tối đa cái hay, cái đẹp nhưng vẫn giữ gìn bản sắc của mình.
Điêu khắc kiến trúc vòm cuốn với các biểu tượng thể hiện khát vọng về sự lưu truyền tôn thống, sự trường sinh của dân tộc. Trên tổng thể điêu khắc của vòm cuốn kiến trúc, nếu như đỉnh tam giác hướng lên trên là tượng trưng cho lửa và sinh thực khí nam, thì ngược lại, khi đỉnh nhọn hướng xuống dưới là tượng trưng cho nước và sinh thực khí nữ; cũng như khi “hai hình tam giác nếu đặt cạnh nhau là biểu thị của Siva và Srakti, Linga và Yoni, lửa và nước …” [3] điều này thể hiện người Chăm xưa đặc biệt quan tâm và đề cao ý nghĩa của các biểu tượng sinh thực khí và việc “lưu truyền tôn thống”. Đồng thời, hình tượng “người Mẹ”, cũng được người Chăm xưa quan niệm là khởi nguyên, là biểu trưng cho sự phồn thực, trường sinh, có ý nghĩa như hình ảnh của vũ trụ thu nhỏ, là một vật cứu nạn, là ngôi nhà đầu tiên chở che và tái tạo loài người bằng các hình tượng điêu khắc quả bầu – bí [4] ở vòm cuốn ở Mỹ Sơn.
Điêu khắc kiến trúc vòm cuốn với các biểu tượng thể hiện sự giác ngộ của người Chăm với sự thuần khiết, thánh thiện. Trong điêu khắc Chăm, một mô típ biểu tượng cho sự hủy diệt và sáng tạo, là biểu trưng của sự chuyển hóa, sự tái sinh đó là hình ngọn lửa. Người Chăm xưa sử dụng hình tượng ngọn lửa còn có ý nghĩa biểu trưng cho thần thánh, sự giác ngộ, thức tỉnh của con người trong đời sống xã hội. Hay mô típ dạng lá (Hình 6,7,8), trải qua nhiều giai đoạn, mô típ hình lá có những thay đổi từ dạng xoắn xít, sum xuê (Phong cách Đồng Dương) chuyển thành dạng khỏe khoắn, dày đặc (Phong cách Mỹ Sơn) [5] và được lược giản thành hình chiếc lá hay ngọn lửa có rãnh sâu; mô típ dạng mũi giáo biểu tượng cho dương vật, lửa hoặc mặt trời… được áp dụng trong phong cách Bình Định và phong cách “muộn” [6] gây ấn tượng bởi sự đồ sộ, hoành tráng (Hình 9,10,11); mô típ dạng hoa sen được người Chăm xem như là một loài hoa linh thiêng của thiên nhiên và thần linh xuất hiện nhiều ở phần đáy của các vòm cuốn nhỏ hay ở đài thờ và mi cửa… các mô típ này mang lại nhiều ý nghĩa biểu tượng cho sự thanh cao, trong sạch, tinh khiết, trí tuệ siêu việt, sự sinh sôi, sự sống vĩnh hằng và tái sinh. Với những ý nghĩa điêu khắc đó, người Chăm xưa luôn mong muốn một xã hội hướng đến sự giác ngộ, thức tỉnh của con người bằng các hình tượng thể hiện sự mạnh mẽ nhưng trong sạch, tinh khiết cho sự sáng tạo, sức sống vĩnh hằng.
Điêu khắc kiến trúc vòm cuốn với các biểu tượng thể hiện triết lý sống, nhân sinh quan về trách nhiệm của từng cá thể trong cộng đồng dân tộc Chăm. Các vòm cuốn Champa còn được trang trí hình các con vật như: Thủy quái Makara, nguyên thủy là từ một con cá sấu Ấn Độ. “Makara là nguồn gốc của sự sống lẫn cái chết” [7], nó có thể mang nguồn sống đến cho người tốt nhưng lại mang cái chết cho kẻ xấu; hay thần Kala, vị thần thời gian trong Ấn Độ giáo – đồng nghĩa với thần chết; rắn thần Naga là con vật có mặt người thân rắn có đầy quyền năng của cõi âm (Patala) với ý nghĩa ngăn ngừa sự xâm nhập của các thế lực xấu, ác vào đền tháp; rắn thần Shesha là vua của tất cả loài rắn, kể cả Naga, được coi là Ananta, “cõi vô tận”, biểu tượng cho sự bất diệt. Các biểu tượng linh vật Makara, Naga (Hình 12, 13, 14) và Kala thường được kết hợp nhau trong nghệ thuật trang trí điêu khắc Champa với dạng mô típ thường thấy trên vòm cuốn của đền tháp được người Chăm xưa thể hiện triết lý sống và nhân sinh quan về cái thiện và cái ác luôn tồn tại trong đời sống xã hội và hẳn nhiên phải có các “thần linh” trừng phạt, tiêu diệt cái xấu, bảo vệ cái tốt và hướng đến chân thiện mỹ trong đời sống xã hội.
Thay lời kết
Như vậy, hình tượng vòm cuốn trang trí trên đền tháp Champa là sản phẩm của người Chăm trên cơ sở tiếp thu những hình tượng của các nền văn hóa khác mà đặc biệt là của văn hóa Ấn Độ. Mặc dù những mô tip, biểu tượng có quy mô không lớn nhưng đó là linh hồn, nét riêng và sự đặc sắc của văn hóa Champa nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Nhờ các nghệ nhân điêu khắc xưa, tâm thức ấy được chuyển tải thông qua hình dáng tổng thể vòm cuốn phù hợp với đền tháp kiến trúc; là sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật điêu khắc trang trí với nghệ thuật kiến trúc bằng các họa tiết trang trí của vòm cuốn. Có thể nhận định rằng: Nghệ thuật điêu khắc vòm cuốn của kiến trúc Champa đã tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các quốc gia khác trên thế giới để làm giàu các giá trị văn hóa nội tại, thể hiện sự chủ động trong việc xây dựng đặc trưng riêng của văn hóa Việt Nam, khẳng định sự độc lập, tự chủ về văn hóa và chủ quyền lãnh thổ.
Di sản của văn hóa Champa là vô cùng giá trị, mỗi công trình kiến trúc, điêu khắc Champa, ngoài chức năng thẩm mỹ công trình còn thể hiện sinh động ước vọng về cuộc sống tốt đẹp, hướng thiện, góp phần quan trọng làm nên sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những thành tố văn hóa ấy là vô cùng cần thiết, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc Champa vào trang trí mỹ thuật, kiến trúc đương đại sẽ là hành động tôn vinh, góp phần bảo tồn và phát huy di sản quý báu, làm nên một Việt Nam hội nhập, phồn vinh và đậm đà bản sắc dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
1. Trương Văn Món (2012) Tiếp cận một số vấn đề văn hóa Champa, NXB Tri thức, Hà Nội 2. Tạ Đức – Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á (1999), Nguồn gốc và sự phát triển của Kiến trúc – biểu tượng và ngôn ngữ Đông sơn, Hội Dân tộc học Việt Nam – Cty Thiết bị in Bộ Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 3. Lý Linh Hoàng (1998), “Về biểu tượng chiếc lá nhĩ trong kiến trúc và điêu khắc Chàm”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (7), tr. 49. 4. Henri Parmentier (1909), Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ (Bản dịch và đánh máy của Viện Bảo tàng Mỹ thuật năm 1975, từ cuốn Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l’Annam, Paris – Ernest Leroux). 5. Ngô Văn Doanh (2011), Thánh địa Mỹ Sơn, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh. 6. Philippe Stern (1942), L’Art du Champa (Ancien Annam) et son e’volution, Toulouse les frères Doula doure Manres imprimeurs, 39 Rue Saint-Suipice, Paris. 7. Huỳnh Thị Được (2006), Điêu khắc Chăm và thần thoại Ấn độ, NXB Đà Nẵng, TP. Đà Nẵng.
ThS.HS Trần Văn Tâm – TS.KTS Phan Bảo An Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5 – 2017)
Từ khóa » Chăm Pa Tiếng Anh Là Gì
-
Glosbe - Chăm Pa In English - Vietnamese-English Dictionary
-
Champa In Vietnamese - Glosbe Dictionary
-
Champa - Wikipedia
-
NGƯỜI CHĂMPA - Translation In English
-
CHĂMPA In English Translation - Tr-ex
-
Tháp Chàm Tiếng Anh Là Gì? Từ Vựng Tiếng Anh Về Di Tích Lịch Sử, Văn ...
-
Dohamide, Giấc Mơ Chàm Và Bangsa Champa - VOA Tiếng Việt
-
Giếng Cổ Champa Cù Lao Chàm
-
[PDF] VăN KHẮC CHăMPA TẠI BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHăM ĐÀ NẴNG
-
Độc đáo Văn Hóa Chăm Pa - Truyền Hình Quốc Hội
-
Nghệ Thuật Chăm-pa: Nghiên Cứu Kiến Trúc Và điêu Khắc đền - Tháp
-
Tháp Chàm Tiếng Anh Là Gì? - Sức Khỏe Làm đẹp
-
Từ điển Tiếng Việt "chăm Pa" - Là Gì? - Vtudien
-
Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng - Kinh Nghiệm Khám Phá Từ A-Z