Đời Là Cái Gì? :: Suy Ngẫm & Tự Vấn

Tôi thường có cái tính ngồi lê la ở các quán nước hay mon men các vũ trường nên hay nghe thấy các bạn trẻ nói câu cửa miệng: “Đời là cái đinh gì?”. Suy ngẫm mãi, tưởng như tìm được cái định nghĩa rất dân dã, mang tính triết lý bình dân về cuộc đời.

Té ra hiểu cuộc sống và sống cho ra sống mà theo định nghĩa của một hàn lâm viện sĩ tức là sống cho có hiệu quả, quả là khó. Thật ra từ cổ chí kim, chẳng hạn như đạo Phật đã quan niệm ĐỜI LÀ BỂ KHỔ rồi, nhưng đến nay theo như tôi được biết thì hình như chưa có một định nghĩa khoa học thế nào là cuộc đời.

Ta hãy xem các Bộ Bách khoa toàn thư như Oxford hay Liên Xô (cũ) cũng thấy chưa có định nghĩa này, tuy có dẫn giải thế nào là sự sống, thế nào là đời sống…

CUỘC ĐỜI LÀ GÌ? Mỗi người cũng nên biết tuy ai ai đều đang sống, nhưng chưa chắc ai nấy suy ngẫm về nó. Tôi không phải là triết gia mà chỉ dám tự nhận là người làm tâm lý mà thôi nên không có thẩm quyền định nghĩa cuộc đời. Tôi chỉ tâm sự với các bạn đôi điều về cuộc đời và thử mô hình hóa một số cách ứng xử thông thường trong cuộc sống hàng ngày. Có những chân lý phải chiêm nghiệm, từng trải và đến tuổi nhất định mới hiểu ra. Tôi năm nay, nếu ở thôn đã được xếp vào hàng lão, lên lão rồi, thấy yêu và quý, và thích lớp trẻ nên mạh dạn viết ra những cuốn sách với chủ đề như: Văn minh lịch sự tế nhị - Tuổi trẻ và tình yêu – Những bí ẩn trong tâm lý con người…

Sở dĩ cuộc đời khó định nghĩa vì nó đầy bí ẩn, không quy hoạch, kế hoạch hóa được. Nó vô cùng hấp dẫn bởi vì nó khó dự báo và đầy bất ngờ và nghịch lý nhưng nó vẫn có những quy luật riêng của nó. Cuộc đời của mỗi người lại càng thế.Cuốn sách nhỏ nằm trong dự định dài hơi của tác giả là viết: Đắc nhân tâm mới – kinh học tinh hoa bổ sung và làm phong phú cuốn sách bán chạy nhất thế giới, quen thuộc với các bạn là “Đắc nhân tâm và cổ học tinh hoa”.

Tên sách cũng có thể gọi là Tâm lý học đời thường hay triết lý đời thường nhưng tôi quyết định chọn một cái tên dễ hiểu hơn là Nghệ thuật ứng xử đời thường (100 tình huống), nay là Tâm lý học giải trí, lý thú.

Có lý tưởng sống, có quan niệm sống, nhưng cũng có nghệ thuật sống. Tôi tin là như vậy. Tôi chọn đời thường của mọi người là đề tài bình luận trong sách này mà tạm gác sang một bên cái mảng khác không bình thường.

Bạn đọc sẽ tìm thấy chúng trong cuốn sách này với vài điều bổ ích là tôi thấy mãn nguyện lắm rồi.

Cuộc đời là gì?

Tâm lý học cũng như nghệ thuật đem lại cho con người loại tri thức mà không một khoa học nào có thể đem lại được. Đây không chỉ là sự thụ cảm tính thực tế mà còn là tri thức cuộc đời, sự thâm nhập vào những điều bí ẩn của tồn tại con người. Chẳng có gì cần thiết cho con người hơn là tri thức về cuộc đời nhưng đồng thời cũng chẳng có khái niệm nào mơ hồ hơn khái niệm “đời người”. Bản chất phức tạp và mâu thuẫn của cuộc sống con người là một cái gì rất khó đưa vào khuôn khổ những khái niệm logic trừu tượng. Những ngành khác nhau của khoa học nghiên cứu những quy luật và những phương diện khác nhau của cuộc sống, nhưng biết những quy luật của cuộc sống chưa có nghĩa là thể nghiệm những bí ẩn của cuộc sống con người. Nghệ thuật giúp cho con người hiểu và thể nghiệm những bí ẩn này. Nghệ thuật đạt tới điều này bằng cách trình bày những nghệ thuật cụ thể.

Mỗi tác phẩm chân chính của nghệ thuật đưa được con người tới gần sự nhận thức những bí ẩn của cuộc sống là vì trong sự phản ánh những yếu tố chung của một lĩnh vực nào đó. Trong những tác phẩm nghệ thuật, chúng ta vừa tiếp xúc với những hiện tượng, vừa tiếp xúc với sự đánh giá của tác giả. Sự phản ánh ở cả hai mặt như vậy cho phép ta đi sâu vào bản chất các hiện tượng và hiểu được giá trị của chúng.

Thế đời là gì???

Một đời người, “cái bình thường” chiếm đến hai phần ba hoặc ba phần tư, nên “không bình thường” mới là hiếm, là quý. Nó có khả năng gieo mầm vào tương lai bởi vì sự sống trong nó luôn luôn rất mãnh liệt, rất triệt để. Sự kết bạn giữa năm chúng tôi vô tình mà giống như những thành phần trong sự vận động của một xã hội. Tôi xin thú nhận tôi là mặt tiêu cực của sự vận động ấy, vì tôi rất thích cái bình thường, cái quen thuộc, tuổi càng lớn càng e sợ cái không bình thường, cái phiêu lưu.

Còn bốn người kia luôn được sống trong những tình huống bất thường vì họ thuộc hạng người thích sống thật mãnh liệt, thật triệt để. Một ông già đã hơn 60 tuổi, bỗng dưng bỏ vợ con ở lại thành phố, nhảy về đất cũ, tình nguyện làm thợ nạo mủ, thợ ươm cây cho vườn cao su quốc doanh. Mà đâu đã được trọng dụng ngay. Ông còn bị ngờ vực, bắt bẻ chán, tuy nhiên ông vẫn cặm cụi làm, chỉ vì ông nghĩ rằng một thân cây cối, trước khi chết, hẳn không vắt được những giọt mủ cuối cùng thì chết không thỏa.

Lại như chị Ba Thi. Một nửa đời người sống trong những tình huống bất thường, bây giờ đã có một vị trí trong xã hội, đã có uy tín ở phía sau, có thể sống mãn nguyện trong cái bình thường mà không sợ một ai chê trách. Nhưng hãy xem những hoạt động của chị. Vẫn tiếp tục dấn thân vào những thử thách mới, tạo ra những tình huống chẳng bình thường một chút nào. Mà có thể thất bại chứ, có thể mất mát uy tín đã có chứ. Một người đàn bà đến là gan góc và dũng cảm.

Lại thêm ông linh mục Vĩnh nữa. Theo tôi biết, với học vấn của ông, với đức hạnh của ông, lại thêm tính tình rất dễ mến, ông rất xứng đáng được thụ phong giám mục. Một giám mục còn trẻ lại yêu nước, lại tiến bộ, được cả hai bên chiều chuộng thì còn mong ước gì hơn. Nhưng ông cũng thuộc loại người không bình thường, dám sống cho một niềm tin đến triệt để, đến khó chịu, đến làm phiền lòng không ít người. Có thể ông thua chứ, thất bại hoàn toàn chứ, có khi còn bị đuổi ra khỏi hội Thánh cũng nên.

Còn anh Quán, bạn cũ của tôi, nhân vật yêu dấu của tôi, hình như sau nhiều chục năm sống trong một hoàn cảnh không bình thường, chắc hẳn bây giờ anh đã được sống như ý muốn, lặng lẽ, thanh thản. Việc nước một phần, việc nhà một phần, có quyền ốm đau một chút, mệt mỏi một chút, dịu dàng như thế, êm đềm như thế. Nhầm to rồi các bạn ơi! Tôi cũng đã nhầm mất một ít năm vì anh vẫn tiếp tục sống trong nguy hiểm hơn cả, trước hết vì vị trí đôi bên cũng hoán đổi. Anh đã bước ra ngoài ánh sáng, còn kẻ thù lại lẩn vào bóng tối. Mà anh thì còn biết nhiều chuyện quá, đầu óc còn sáng suốt quá, cặp mắt còn tinh tường quá, rồi sẽ có lúc chúng phải lấy mạng đổi mạng với con người cho đến hôm nay vẫn còn là “nguy hiểm”, là “ác thần”, chuyên triệt phá những mưu đồ vừa mới nhen nhóm. Anh có cái bề ngoài đến là dễ đánh lừa. Nghề của anh mà lại mệt mỏi, lừ đừ, đi lại lừng khừng, nói năng nhỏ nhẹ? Nhưng trêu anh một chút coi. Lập tức “cái vỏ” ông già sắp nghỉ hưu biến mất. Người chiến sĩ, một đời người trực tiếp đối mặt với kẻ thù, hiện ra ngay. Vẫn là một nhân vật hết sức lợi hại, vẫn tiếp tục lao về phía trước. Nếu như không cảnh giác, có thể một lúc nào đó, sẽ có đứa bắn lén một viên đạn vào lưng anh.Quán đã có lần nói với tôi: “Chắc là tôi sẽ chết như thế, tôi tự nguyện chọn một cái chết như thế, “số trời” đã định mình phải chết như thế. Mình đã chọn nó từ ngày đầu rồi, từ ba mươi năm về trước. Chiến sĩ tình báo đâu có thể chết già trên giường bệnh giữa bầu đàn thê tử!”.

Tôi thu nhặt đoạn này của anh Nguyễn Khải trong “Thời gian của người”, một cuốn tiểu thuyết tâm lý nhất trong số những cuốn sách anh đã viết ra từ trước tới nay, không chỉ vì tôi đọc sách của anh. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra. Cách đây hai mươi năm, có người bảo tôi, mỗi nước có khoảng một hai nhà tình báo chiến lược cỡ quốc gia, quốc tế mà họ đều hiểu nhau và biết mặt nhau cả. Hiếm là vì vậy. Nếu sinh ra, người ta chưa phải là chiến sĩ – như Ximônốp đặt tên cho một tiểu thuyết của mình – thì tôi tin chắc rằng trong hàng triệu người may ra mới có một nhà tình báo “bẩm sinh”, mà hạnh phúc nhất của anh ta là được tự thực hiện – một khái niệm mới, tuy Mác đã nói từ lâu, nhưng bây giờ các nhà tâm lý học mới hiểu hết giá trị của nó. Con người nhiều khi tìm tòi vòng vèo mãi mới tìm thấy chính mình, trở về với mìnhvà chính mình, như theo vòng xoáy trôn ốc.

Đoạn trên minh họa rất sáng tỏ mà bóng bẩy, văn hoa của một khái niệm cực kỳ quan trọng là: “nhu cầu về ý nghĩa của cuộc sống”. Đã bao nhiêu thế kỷ, các triết gia tốn bao nhiêu mực để viết bao thảo luận về Cuộc sống để làm gì? Tônxtôi vĩ đại trả lời thẳng thừng: “Con người chỉ cần ba tấc đất đủ để cho cái của một mình mà thôi!”

Con người thực ra cần rất nhiều và cần rất ít. Trong chương “Sự quy hoạch cuộc đời của một người kỳ quặc”, Granin nói rằng giáo sư Liubixép chỉ cần có hai thứ: Sự yên tĩnh và chỗ để sách! Sao mà ít vậy, sao mà quá nhiều vậy? Ít ra đóng hay mua mấy cái giá sách bằng sắt hoặc bằng tre, gỗ chả tốn kém gì. Nhưng sự yên tĩnh nhiều khi rất khó, bởi vì ngày nay trong cái thế giới ồn ào, sôi động này, mỗi tiếng động đều vượt ngưỡng cho phép với con số đêxiben đo áp suất của tiếng động bằng sự rì rào của cỏ cây. Những cũng chưa phải hẳn vậy, vì sự yên tĩnh của tâm hồn là vô cùng cần thiết và phải trả giá rất cao. Phải tránh mọi huyền hoặc, ảo ảnh mê lộ, tránh giàu sang phú quý, danh vọng, đối địch, ghen ghét, tị nạnh, tránh tự dằn vặt, cọ xát, đấu đá, tránh sự ồn ào của tên tuổi. Để theo đuổi sự nghiệp cho đến cùng, mặc dù biết bao người như Linbixép chết mà vẫn chưa hoàn thành ý định, ước mơ, nhưng vẫn toại nguyện. Toại nguyện, mãn nguyện từng giờ và suốt đời như một quá trình không bao giờ chấm dứt, cho đến hơi thở cuối cùng. Hạnh phúc bao giờ cũng ở phía trước. Quá trình chiếm lĩnh đối tượng (lý tưởng, sự nghiệp, tiền của, nhà cửa, danh vọng, đàn bà, vị trí, cái ghế/ chỗ ngồi trên chiếc chiếu làng) mới mang lại khoái cảm cho con người chứ không chỉ đối tượng được chiếm lĩnh. Có thể xem đó là một định luật tâm lý mà tôi cho rằng vẫn bí ẩn, ít nhất là đối với tôi. Và cứ thế chiếm lĩnh đến khi buông tay thở hắt ra mới chấm dứt.

Từ khóa » Sự đời Là Gì