Đốn Ngộ Là Gì? Bản Chất Của Hiện Tượng đốn Ngộ

1,2K

Đốn ngộ – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

Mục lục ẩn 1. Đốn ngộ là gì? 2. Những trường hợp đốn ngộ 3. Bản chất của hiện tượng đốn ngộ

1.  Đốn ngộ là gì?

Đốn ngộ là hiện tượng bất ngờ tâm thay đổi từ trạng thái mê tối sang trạng thái sáng suốt và vắng lặng. Sự kiện đó xảy ra cực kỳ bất ngờ và nhanh chóng, chỉ một khoảnh khắc là hành giả biến thành con người mới. Rất nhiều giai thoại của Thiền tông Trung hoa và Việt Nam kể về các trường hợp đốn ngộ như thế, tô điểm cho Thiền một phong cách mạnh mẽ, lạ lùng và không kém phần lãng mạn.

Thật ra vào thời đức Phật tại thế, rất nhiều trường hợp nghe Phật thuyết pháp và bất ngờ đạt ngộ. Tuy nhiên, nhờ có Phật nên ta biết là những vị đó chứng được quả vị nào, mức thiền nào. Sau này, vào giai đoạn Thiền tông Trung hoa hưng thịnh, ta chỉ ghi nhận là những thiền sư có hiện tượng đốn ngộ, nhưng không thể biết đích xác là mức độ nào, quả vị nào.

Trong tiến trình tu tập căn bản, Phật diễn tả Bốn mức thiền một cách chuẩn xác và dần dần (tiệm), ngược với hiện tượng đốn ngộ đầy bất ngờ. Đêm Phật Thành đạo dưới cội cây Bồ đề cũng được diễn tả tuần tự thứ lớp từ Sơ thiền đến Tứ thiền, rồi qua Tam minh. Nhưng đã có rất nhiều sự tường thuật về sự chứng ngộ của các vị Thánh đệ tử là đốn ngộ, hay đốn chứng ngay trong thời đức Phật.

2.  Những trường hợp đốn ngộ

Trường hợp nghe giáo lý rồi ngộ đạo, xảy ra rất nhiều ở thời đức Phật, và một số thiền sư danh tiếng như:

Huệ Năng nghe kinh Kim Cang đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm liền ngộ đạo. Lần thứ hai nghe Ngũ tổ Hoằng Nhẫn lập lại kinh Kim Cang đến câu đó cũng ngộ thêm sâu hơn.

Lương Giới Động Sơn nghe Đàm Thạnh Vân Nham dẫn kinh Di đà câu :Nước chim cây rừng đều niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng liền đại ngộ.

Vô Ngôn Thông nghe Hoài Hải Bá trượng trả lời đạo lý cho người khác bằng câu Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu liền đại ngộ.

Thái Hư đại sư đọc kinh Bát Nhã, liền rỗng suốt khai ngộ.

Thông Thiền nghe một lời của Thường Chiếu (Việt Nam), Phật pháp bất khả liễu tri, thử vô tri pháp, Chư Phật như thị, tu nhất thiết pháp nhi vô sở đắc liền khai ngộ.

… Đó là những đạo lý được trình bày rõ ràng không úp mở hiểm hóc, và người nghe vừa hiểu vừa biến chuyển cả tâm thức luôn.

Trường hợp ngồi thiền rồi xuất hiện bước tiến nhảy vọt. Có nhiều vị rơi trong trường hợp này và ta không nghe sử sách kể lại vì có vẻ không khác lạ hấp dẫn. Có vị đang ngồi thiền chợt la lên thích thú, sau đó khi được hỏi liền đáp một cách rành mạch. (Chúng ta cẩn thận, đừng bắt chước đang ngồi thiền mà la).

Có vị Tăng khai ngộ khi ngồi thiền, khi bị sư phụ hỏi sở ngộ liền đáp: Ni cô vốn là người nữ. Sư phụ chấp nhận.

Thời đức Phật, vô số vị Alahán chứng đạo khi ngồi thiền, và chứng rất tột.

Trường hợp nghe một câu nói úp mở, bí hiểm, khác thường rồi ngộ đạo. Trong sử Thiền tông thì những giai thoại này là hấp dẫn và lý thú hơn cả vì có vẻ lãng mạn và bí hiểm gợi tò mò. Thiền giả hiểu được đạo lý gì đó và biến chuyển tâm thức luôn.

Khi Bàng Long Uẩn hỏi đại ý Phật Pháp, Mã tổ đáp: Đợi khi nào trong một ngụm, ông uống sạch nước Tây giang, ta sẽ trả lời cho ông, Bàng liền đại ngộ.

Tăng hỏi đại ý Phật Pháp, Triệu Châu đáp: Cây bách ở trước sân. Tăng Hổ nghi hỏi lại. Triệu Châu cũng xác định cây bách ở trước sân. Tăng liền ngộ đạo.

Huệ Cầu hỏi Huyền Sa Thế nào là mặt trăng thứ nhất, Huyền Sa đáp: Dùng mặt trăng của ngươi làm gì! Lập tức khai ngộ.

Tông Huệ đến tham vấn Văn Yển Vân Môn. Vân Môn hỏi về thân thế hoàn cảnh. Tông Huệ thật thà trả lời. Vân Môn nói Tha cho ba gậy. Hôm sau Tông Huệ đến hỏi bị lỗi gì mà Vân Môn suýt đánh ba gậy. Vân Môn đáp: Cái túi cơm, Giang tây Hồ Nam liền thế ấy. Tông Huệ đại ngộ.

Thiện Chiêu Phần Dương hỏi Tỉnh Niệm Thủ Sơn: Bá trượng cuốn chiếu là ý nghĩa gì? Thủ Sơn đáp: Áo rồng vừa phất toàn thể hiện. Hỏi: Ý thầy thì thế nào? Đáp: Chỗ tượng vương đi bặt dấu chồn. Thiện Dương liền đại ngộ.

Tăng cầu xin Tùng Thẩm Triệu châu chỉ dạy. Triệu châu hỏi Ăn cháo xong chưa? Tăng đáp ăn xong rồi. Triệu Châu bảo: Vậy thì rửa bát đi. Ngay đó Tăng ngộ đạo.

Trường hợp đốn ngộ do một cử chỉ lạ lùng khó hiểu, hoặc do sự kiện vô tình. Chính những trường hợp đốn ngộ này mới làm cho Thiền tông có phong cách quái lạ làm ngạc nhiên nhiều người. Thật ra thời đức Phật cũng rất nhiều trường hợp chứng đạo như thế, như một tỳ kheo nhìn những giọt nước rơi từ bàn chân xuống dòng, liền chứng đạo. Hoặc ngài Culla Panthaka nhìn chiếc khăn dơ mà nhập định rồi chứng đạo luôn.

Khi Thúy Lạo hỏi về đại ý Phật Pháp, Mã tổ giả vờ kêu lại nói cho rõ, rồi đạp Thúy Lạo một đạp té ngửa khiến cho Thúy Lạo ngộ đạo.

Trí Nhàn Hương Nghiêm cuốc đất viên sỏi bay trúng cây tre kêu vang liền ngộ đạo.

Hoài Hải Bá trượng theo hầu Mã tổ, nhân có bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi đàn vịt bay đi đâu, Hải đáp bay qua mất, Tổ nắm mũi Hải kéo mạnh một cái khiến cho Hải đau quá la lên. Tổ nói: Vậy mà nói bay qua mất. Hoài Hải liền ngộ đạo.

Thiện Hội Giáp Sơn đến tham vấn Đức Thành Hoa đình thuyền tử, ở trên thuyền. Sau vài lời hỏi đáp, Đức Thành buộc Thiện Hội nói nhanh chỗ hiểu của mình. Thiện Hội vừa mở miệng liền bị đánh té xuống nước. Leo lên thuyền trở lại, Hội lại bị thúc hối phải nói, vừa mở miệng lại bị đánh tiếp. Lần này Thiện Hội đại ngộ, gật đầu ba cái.

Bá Trượng bảo Linh Hựu Quy Sơn vạch tìm lửa trong lò. Linh Hựu vạch tìm không thấy. Bá Trượng bước lại vạch tro tìm thấy chút lửa đưa lên hỏi: Ngươi bảo không, vậy cái này là gì? Linh Hựu liền phát ngộ, lễ tạ.

Huệ Lăng Trường Khánh theo Nghĩa Tồn Tuyết Phong suốt 20 năm mà không có kết quả. Một hôm Huệ Lăng vô tình cuốn rèm lên chợt đại ngộ.

Văn Yển đến tham vấn Trần tôn túc, bị đóng cửa không cho vào. Ngày thứ ba Yển xô cửa chen vào, bị Tôn túc nắm áo kêu nói, Yển suy nghĩ chưa nói được liền bị Tôn túc vừa xô ra vừa chê Đời Tần dùi xoay lăn, rồi đóng cửa kẹt gãy nát bàn chân. Cái đau thấu xương đó khiến Văn Yển ngộ nhập (sau này khai tổ tông Vân Môn rất nổi tiếng).

3.  Bản chất của hiện tượng đốn ngộ

Đốn ngộ là sự biến chuyển bất ngờ, nhanh như chớp, khiến tâm thức thay đổi từ loạn động thành yên tĩnh, từ mê tối thành sáng suốt. Trong khoảnh khắc bất ngờ đó, hành giả thấy giống như xưa nay tâm mình bị cột trói, bị che đậy, bỗng nhiên được tháo gỡ, xiềng xích mây đen tan vỡ, thế là tâm trở nên rỗng hoát, thênh thang, tự tại, và đặc biệt là rất sáng suốt lanh lợi.

Trước khi ngộ, tâm vẫn còn nhỏ hẹp, sau sát na đốn ngộ, tâm trở nên khoáng đạt không có biên giới.

Trước khi ngộ, tâm vẫn còn ngăn ngại mờ tối; sau sát na đốn ngộ, tâm trở nên sáng suốt, hiểu ra mọi điều.Trước khi ngộ, tâm có thể bị thất niệm; sau sát na đốn ngộ, tâm thường ở trong chánh niệm không xao lãng.

Thật ra sự đốn ngộ không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là kết quả của cả một quá trình tích lũy công đức và công phu nhiều năm tháng, nhiều đời kiếp. Hầu hết những người có xuất hiện hiện tượng đốn ngộ đều đã có sự tập trung cao độ, khắc khoải tha thiết khác thường, và phải có công đức gì đó rất xứng đáng. Sự tập trung càng cao thì sức ngộ càng lớn; sự thiết tha càng nhiều thì sức ngộ càng sáng; công đức càng dày thì sức ngộ càng sâu.

Bản chất của sự đốn ngộ là sự nhảy vọt về mức Thiền (theo thang Tứ thiền) hay nhảy vọt quả Thánh (theo thang Tứ thánh quả) là tùy duyên của mỗi người. Nếu sau khi đốn ngộ, người này phát triển đạo đức rất tốt thì hiện tượng đốn ngộ là chứng được một quả thánh nào đó; nếu sau khi đốn ngộ, người này chỉ được sự lanh lợi và thiền định sâu hơn thì hiện tượng đốn ngộ đó chỉ là tăng trưởng thiền định chứ không phải quả thánh.

Thật sự đã có rất nhiều trường hợp sau đốn ngộ, đạo đức hành giả không tăng trưởng mà còn trái lại là kiêu mạn và kỳ cục hơn, khiến mọi người hoài nghi xa lánh hơn.

Nhân duyên đốn ngộ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Giọt nước đó là sự kích thích tâm thức của thiền giả đang trong trạng thái sẵn sàng. Giọt nước cuối cùng đó có khi là một đạo lý được giải thích rõ ràng (trường hợp đầu tiên). Giọt nước cuối cùng đó có khi là một đạo lý được trình bày úp mở nhưng thiền giả lĩnh hội được và khai ngộ luôn. Nhưng có khi giọt nước cuối cùng đó chỉ đơn giản là một sự kích thích giác quan tai mắt cũng khiến bừng ngộ.

Các thiền sư hay đưa tay hay đưa vật gì đó lên để kích thích nhãn căn. Có nhiều thiền sư ngộ đạo nhờ một tiếng động bất chợt. Ví dụ thiền sư Tề Liên nghe tiếng bảng buổi sáng liền khai ngộ. Có khi một cái đánh kích thích xúc giác cũng làm bừng ngộ. Sự kích thích giác quan như thế không có đạo lý gì bí mật, chỉ là khi nhân duyên công đức đầy đủ thì sự kích thích đơn giản của tiếng động cũng làm tâm khai mở.

Hiện tượng đốn ngộ xuất hiện khi người tu đã đủ công đức. Hầu hết công đức này phải được tích lũy nhiều đời nhiều kiếp chứ không phải chỉ một vài năm. Khi Phật Pháp trải qua một giai đoạn vài trăm năm tu hành nghiêm chỉnh thì sau đó ta sẽ có được hàng loạt các vị thiền giả đốn ngộ. Nếu sự tu hành bắt đầu lệch hướng thì ta lại thấy trong Phật Pháp vắng bóng những trường hợp đốn ngộ như thế. Ta phải nhìn thấy hiện tượng đốn ngộ có nguồn gốc từ xa như thế thì mới hiểu Phật Pháp chính xác kẻo không chỉ mơ mộng chờ gặp hên để đốn ngộ là sai lầm.

Đốn ngộ cũng có sâu cạn khác nhau. Không phải tất cả trường hợp đốn ngộ đều là đạt được mức độ giống nhau. Có nhiều vị đốn ngộ siêu phàm như Lâm Tế, Động Sơn, Vân Môn.

Nhưng cũng có nhiều vị đốn ngộ rồi phải tu hành tiếp vài mươi năm mới vượt bậc. Nhiều vị phải mất 40 năm để được cho là thật sự an ổn triệt ngộ.

Vào thời đức Phật, nhiều vị tỳ kheo sau khi đốn ngộ, được Phật hướng dẫn tiếp tục để chứng được Alahán đầy đủ Tam minh Lục thông. Sau này, nhất là vào giai đoạn Thiền tông Trung hoa thịnh hành, tuy ta thấy nhiều vị siêu phàm phi thường nhưng vẫn chưa thấy vị nào tuyên bố đầy đủ Tam minh Lục thông như Alahán thời đức Phật.

Điều lạ lùng là có những vị ban đầu có hiện tượng đốn ngộ nhưng về sau lại cư xử tầm thường, như trường hợp của Bình thị giả ở Thái dương sơn (trong Thiền Lâm bảo huấn). Rất nhiều người có hiện tượng đốn ngộ rồi lại tệ hơn khi chưa ngộ mà không được ghi trong sử sách. Hiện nay cũng không thiếu những trường hợp đốn ngộ nhưng chưa gây được ấn tượng như người xưa, và cũng không hiếm những người ngộ sơ sơ rồi hư hỏng về sau.

Tiệm tu như là một sự bổ sung đối với một thực tế là sau khi đốn ngộ, hành giả vẫn chưa thể tự tại với sinh tử, hoặc chưa có đức hạnh hoàn chỉnh, hoặc định lực chưa sâu. Vì thế, sau khi xuất hiện hiện tượng đốn ngộ, hành giả phải nhờ vào sức tỉnh giác mới vừa có được để không bị xao lãng mà tiếp tục an trú tâm vững chắc, tiến dần vào các mức thiền sâu hơn.

Tuy nhiên, sau khi đốn ngộ, nhiều vị rơi vào phương pháp chiêm ngưỡng trạng thái tâm rỗng rang sáng tỏ để tận hưởng mà không biết diệt trừ các vọng tưởng sâu kín đang tiếp tục chi phối ở đằng sau. Chính vì chiêm ngưỡng tận hưởng trạng thái tâm rỗng rang đó mà hành giả hết phước dần dần, sau này có thể bị thoái thất trầm trọng.

Nếu được minh sư chỉ dạy, hành giả sau đốn ngộ sẽ tiếp tục nhiếp tâm trong hơi thở để tiến sâu vào định chứ không chiêm ngưỡng và tự mãn nơi trạng thái của tâm.

Thời đức Phật việc tiệm tu được xem là căn bản vững chắc, giống như thầy giáo bắt học sinh phải tự làm các phép tính cộng trừ nhân chia một cách thủ công để nắm vững cách làm toán từ gốc. Sang thời Thiền tông, việc đốn ngộ được xem là cánh cửa ban đầu cho việc tu hành về sau, giống như bây giờ học sinh chỉ bấm calculator để tìm kết quả, tuy nhanh nhưng không có kiến thức nền tảng. Các thiền sinh hăm hở đi tham vấn để hy vọng gặp một vị thiền sư khai ngộ tức thì, sau đó có tu cũng dễ hơn.

Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Tính ra cũng chỉ những vị nào có căn cơ từ kiếp trước, những vị nào thiết tha khổ sở ngày đi tham học, đêm lặng lẽ ngồi thiền mới có thể được thiền sư điểm hóa thành công. Biết bao nhiêu vị tới lui tham vấn, cả ngàn cả vạn, nhưng số được đốn ngộ cũng không nhiều.

Chúng ta cũng ví dụ như trái trên cây có thể rơi rụng vì quá chín, có thể vì gió thổi, có thể vì người hái. Hiện tượng đốn ngộ cũng có thể do sức định quá thuần, có thể do một kích động ngẫu nhiên, có thể do thầy khai ngộ.

Nhưng dù sao đi nữa, ta phải có công trồng cây, chăm bón, bắt sâu, làm cỏ dại, tỉa cành hư, tưới nước, thăm chừng, cho đến một ngày kia cây mới ra hoa đơm quả. Cũng vậy, dù sao ta cũng phải gây tạo công đức từ nhiều kiếp, tôn kính Phật đà, làm lợi ích chúng sinh, giữ gìn giới hạnh, vun bồi đạo đức, tinh tấn ngồi thiền, cho đến một ngày kia định tuệ mới đơm hoa kết quả.

Quá trình trồng cây đạo đức không chỉ trong một kiếp này, mà phải là rất nhiều rất nhiều kiếp. Nếu ta may mắn đã gieo duyên lành từ quá khứ xa thì kiếp này dễ có nhiều tiến bộ; nếu chưa thì ta phải cố gắng rất nhiều mà kết quả cũng chưa là bao. Vì vậy, nếu thấy việc tu hành ít tiến bộ, ta phải hiểu là do công đức chưa nhiều, và phải dặn lòng càng quyết tâm nhiều hơn nữa.

Còn nếu ai vì thấy việc tu chưa tiến bộ mà chán nản thì trăm kiếp ngàn đời sau cứ làm kẻ hèn kém tầm thường.

Điều ta cần chú ý nữa là dù cho có đốn ngộ, có khi chỉ là một mức ngộ thấp thấp chưa đủ cho ta thành tựu đạo đức vững chắc hoặc một định lực thâm sâu. Vì thế, sự khiêm hạ vẫn luôn luôn là quý giá.

Câu hỏi: Thế nào là một người quyết tâm tu tập thiền định?

5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Thiền là gì?
  2. Chánh niệm là gì? Giá trị của Chánh Niệm
  3. Năm Triền Cái là gì?
  4. Khí Công Tâm Pháp: Nguyên lý & Dụng công
Thích Chân Quang - Giáo trình Thiền học

Từ khóa » đốn Giáo Là Gì