Đồng Chí Phạm Hùng - Người đứng đầu Chính Phủ Trong Năm đầu ...

Ảnh tư liệu

Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, tháng 6 năm 1987, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong 9 tháng ở cương vị người đứng đầu Chính phủ khi công cuộc đổi mới vừa bắt đầu sau Đại hội VI của Đảng, khó khăn trăm bề về kinh tế - xã hội, công việc đối nội, đối ngoại bề bộn, ngổn ngang, đồng chí Phạm Hùng mang hết tâm sức vào việc điều hành hoạt động của Chính phủ, các Bộ và chính quyền các cấp, cùng Bộ Chính trị và Chính phủ chỉ đạo những công việc hết sức khó khăn để duy trì sản xuất và đời sống nhân dân. 

Nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Phạm Hùng bắt tay ngay vào việc giải quyết các vấn đề nóng hổi về kinh tế, đặc biệt là ba vấn đề: chống lạm phát, phân phối lưu thông hàng hoá và cải tiến quản lý xí nghiệp, chuyển các xí nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Hầu như ở cuộc họp nào của Hội đồng Bộ trưởng, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí cũng nói rất mạnh về các vấn đề này, gắn với nhấn mạnh tinh thần đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới cách làm việc theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. 

Trước tình hình kinh tế khủng hoảng trầm trọng, giá cả tăng lên từng ngày, lòng dân bất an, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ lúc bấy giờ là chặn đứng lạm phát, tìm kiếm nguyên liệu, vật liệu, năng lượng để duy trì sản xuất công nghiệp, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân thành thị và công nhân, viên chức. Gần một nửa thành viên Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trực tiếp đi xuống cơ sở giúp các ngành và địa phương chỉ đạo sản xuất lương thực, vận chuyển lúa gạo từ miền Nam ra miền Bắc, tổ chức phân phối, cung cấp lương thực và hàng tiêu dùng cho nhân dân, cán bộ. Vừa lo lương thực chống lạm phát, bảo đảm cuộc sống của dân, vừa đưa tư tưởng và chủ trương đổi mới của Đại hội VI của Đảng vào cuộc sống để tạo ra chuyển biến mới cho đất nước. 

Đồng chí Phạm Hùng khi đó tuổi đã khá cao nhưng vẫn làm việc hết sức quyết liệt. Phong cách làm việc của đồng chí rất sát sao, chặt chẽ, nghiêm khắc, đã nói là làm, đã quyết định làm việc gì thì đôn đốc, kiểm tra liên tục cho đến xong mới thôi. Với các đồng chí trong Thường vụ Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, ngoài các cuộc họp chung,  đồng chí thường hội ý riêng với từng người để bàn sâu từng việc cụ thể. Khi có việc cần trao đổi, đồng chí gọi điện thoại bàn bạc, chỉ đạo trực tiếp chứ không chỉ thông qua đồng chí thư ký để chuyển lời. Phong cách chỉ đạo cụ thể, sát sao của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thành viên Chính phủ và cán bộ, nhân viên trong các cơ quan của Chính phủ, tạo ra không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

Trong những tháng cuối năm 1987 và đầu năm 1988, đồng chí Nguyễn Khánh với vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng, tuần nào cũng hai, ba lần đến nhà số 72 phố Phan Đình Phùng, Hà Nội làm việc với Chủ tịch Phạm Hùng vào các buổi tối vì làm trong giờ ở cơ quan Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng không thể giải quyết hết việc, cùng đồng chí Phạm Hùng làm việc với cán bộ các Bộ, ngành để giải quyết những vấn đề cụ thể không thể bàn chi tiết trong cuộc họp. Sức làm việc cua đồng chí Phạm Hùng thật đáng khâm phục, luôn sôi nổi, hỏi sâu bàn kỹ, không bao giờ chấp nhận cách nói nửa vời, nước đôi. Kết thúc mỗi buổi họp, đồng chí kết luận rành mạch, giao việc cụ thể, định rõ ngày giờ phải làm xong từng việc đã giao. Một số đồng chí lãnh đạo nhắc đồng chí giữ gìn sức khỏe, không nên làm việc căng quá nhưng người đứng đầu Chính phủ nói: "Làm căng như vậy mà còn chưa xong. Trong tình hình này mà làm việc theo giờ giấc chính quy thì không thể là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng". Đúng là với những việc cụ thể, lúc bình thường thì các Bộ, ngành có thể giải quyết nhưng trong tình trạng khủng hoảng - có thể nói là rối ren – bắt buộc phải có ý kiến quyết định của người đứng đầu Chính phủ.

Đó là thời điểm cực kỳ khó khăn và nhạy cảm. Có những vấn đề phải mất ba buổi tối liền Chủ tịch Phạm Hùng cùng các đồng chí ở Bộ Nội thương và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước bàn một việc cụ thể để ra quy định những mặt hàng nào về lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phải được Nhà nước định giá và kiểm soát, những mặt hàng nào thì được mua bán tự do trên thị trường. Đây là một trong những biện pháp quá độ để từng bước chuyển từ phương thức Nhà nước trực tiếp quản lý  và phân phối theo kế hoạch hầu hết hàng thiết yếu sang cơ chế thị trường tự do lưu thông hàng hoá.

Những tháng cuối năm 1987, trong các cuộc họp Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng bàn về giá - lương - tiền, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thường nhắc lại nhiều lần: nếu các cơ quan quản lý nhà nước còn nhận thức theo kiểu cũ, còn giữ cách điều hành như cũ, không kiên quyết đổi mới cách làm việc, đổi mới cách chỉ đạo thì không thể thoát khỏi tình hình căng thẳng, rối loạn về giá - lương - tiền. Phải thay đổi cơ bản cách nghĩ, cách làm, chứ không chỉ sửa đổi chút hoặc chỉ cải tiến phần nào. Phải siết chặt kỷ luật của Đảng, kỷ cương của Nhà nước trong việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị về phân phối lưu thông, kiểm tra kiểm soát gắt gao việc thi hành của các ngành, các địa phương và phải tìm ra những hình thức mới, chủ trương mới, biện pháp mới để giải quyết các vấn đề kinh tế, tài chính. Cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Chính phủ, đồng chí đề xuất các chủ trương: cho xuất khẩu lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long để có ngoại tệ mua gạo, lúa mì cung ứng cho miền Bắc, cắt giảm  những công trình xây dựng cơ bản xét thấy không có hiệu quả hoặc chưa thật cần thiết, kiên quyết hoãn xây dựng những công trình có thể hoãn được; điều chỉnh việc sử dụng số tiền viện trợ còn lại tập trung cho sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Về quản lý, chỉ đạo các xí nghiệp quốc doanh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng nhấn mạnh tình trạng kém hiệu quả của hệ thống kinh tế quốc doanh kéo dài trong nhiều năm, gây ra những hậu quả rất nặng nề khiến cho nền kinh tế trở nên kiệt quệ, không còn sức chống chịu. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc đầu tháng 12-1987 bàn tổ chức thực hiện quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về chính sách kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh, đồng chí Phạm Hùng đã đưa ra bản phân tích: lấy số thu được từ nguồn lãi của khu vực kinh tế quốc doanh đưa vào ngân sách năm 1987 trừ đi ba khoản: (1) số tiền khấu hao tài sản cố định không thu được do xí nghiệp trích khấu hao quá thấp; (2) số tiền Nhà nước bù cho các xí nghiệp quốc doanh do Nhà nước bán vật tư, năng lượng cho các xí nghiệp với giá thấp hơn giá nhập khẩu; (3) số tiền nhà nước bù lỗ cho các cơ sở sản xuất và đơn vị xuất khẩu thì kết quả thực tế thu được là một số âm. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kết luận rằng: sở dĩ có tình trạng ấy là do ta duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, do lối làm kinh tế trái với quy luật kinh tế. Từ đó, khẳng định rằng một trong những yếu tố quyết định nhất để thực hiện có kết quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1988 là chuyển cho được nền kinh tế, trước hết là các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, sang quỹ đạo hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Chuyển như vậy cũng có nghĩa là Nhà nước giao quyền rộng rãi cho các xí nghiệp, đồng thời đòi hỏi các xí nghiệp quốc doanh phải làm ăn có hiệu quả. Ngay lúc đó, đồng chí Phạm Hùng đã nhấn mạnh rằng: các cơ quan quản lý nhà nước, từ các cơ quan tổng hợp đến các bộ, ngành quản lý phải thay đổi phương thức làm việc, phải làm đúng chức năng quản lý nhà nước, không can thiệp trực tiếp vào quá trình quản lý tác nghiệp của các xí nghiệp.

Những quan niệm, tư tưởng chỉ đạo như trên từ các kỳ Đại hội Đảng VII, VIII, IX và qua sự chỉ đạo của Chính phủ trong hơn 35 năm đổi mới cho đến nay đã trở thành những quan niệm phổ biến, những điều quá rõ ràng, nhưng trong năm đầu của công cuộc đổi mới thì không phải là điều dễ để thuyết phục mọi người. Công sức, tâm huyết của Chủ tịch Hội đồ Bộ trưởng Phạm Hùng trong việc chỉ đạo đổi mới chính sách kinh tế và quản lý kinh tế, đổi mới hoạt động của khu vực kinh tế quốc doanh khi toàn bộ nền kinh tế còn chìm ngập trong khủng hoảng, trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, đã tác động rất nhiều đến sự đổi mới tư duy, đổi mới thể chế kinh tế, đổi mới sự lãnh đạo và quản lý của Đảng và Nhà nước. 

Bên cạnh việc quyết liệt trong chỉ đạo, đồng chí Phạm Hùng rất coi trọng việc cải tiến, đổi mới hoạt động quản lý của Chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Cuối năm 1987, khi kiểm điểm sự chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nhận định rằng: Hội đồng Bộ trưởng tuy có nhiều cố gắng và có những tiến bộ nhất định nhưng làm việc rất vất vả mà hiệu quả vẫn thấp, là vì cơ chế quản lý chung thì đang trong quá trình đổi mới, cơ chế quản lý cũ có quá nhiều điều bất hợp lý và lạc hậu lại chưa được xóa bỏ, cơ chế mới còn đang hình thành, bản thân Hội đồng Bộ trưởng chưa thực sự đổi mới về chức năng, tổ chức bộ máy, phong cách, lề lối làm việc. Đồng chí Chủ tịch yêu cầu phải đổi mới bản thân Hội đồng Bộ trưởng bằng ba biện pháp:

  • Hội đồng Bộ trưởng làm đúng chức năng quản lý nhà nước, bỏ lối bao biện làm thay những việc thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương và việc thuộc phạm vi điều hành tác nghiệp của các tổ chức sản xuất kinh doanh;
  • Bản thân các thành viên Hội đồng Bộ trưởng phải nghiên cứu lý luận, nghiên cứu đường lối, chính sách, trực tiếp chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, xây dựng cho mình tư duy mới, năng lực mới, nâng cao trình độ cụ thể hóa và thể chế hóa các chủ trương của Đảng;
  • Phân công hợp lý, quy định trách nhiệm rõ ràng để việc nào cũng có người phụ trách, tránh chồng chéo trong công tác. Mỗi thành viên trong Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và từng Bộ trưởng phải nắm vững sự thống nhất lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng, đồng thời bảo đảm quyền chủ động và hiệu lực chỉ đạo của mình.

Đồng thời, đồng chí Phạm Hùng nhấn mạnh phải ngay lập tức củng cố bộ máy giúp việc Hội đồng Bộ trưởng là Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là  Văn phòng Chính phủ), thu hút những cán bộ giỏi, có lý luận và có kinh nghiệm thực tiễn, đổi mới hệ thống thông tin phục vụ lãnh đạo. 

Có thể nói, những điều Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng chỉ đạo từ cuối năm 1987 về đổi mới hoạt động của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp đến nay vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được thực hiện trong quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Đã hơn 35 năm nhưng các quan niệm, ý tưởng, chủ trương của đồng chí về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước vẫn sát hợp với những việc mà đất nước ta đang thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc cải cách hiện nay. 

Đồng chí Phạm Hùng – người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạocó uy tín lớn. Đúng với cái tên Bảy Hùng, Bảy Cường, đồng chí kiên cường trong cách mạng giải phóng, chỉ đạo chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc, kiên cường trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong công cuộc đổi mới. Trong các cuộc họp, đồng chí thường xuyên nhắc lại lời những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin: tính cách mạng của Đảng thể hiện cuộc đấu tranh không điều hòa với trật tự cũ đang kìm hãm sự phát triển. Đó là cuộc đấu tranh nhằm chiến thắng mọi kẻ thù giai cấp, gạt bỏ mọi trở ngại, mọi cái lạc hậu, lỗi thời, bảo đảm sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đến thắng lợi cuối cùng. Cách mạng không chỉ đối lập với phản cách mạng, chủ nghĩa cải lương, cơ hội, xét lại mà còn đối lập với chủ nghĩa không tưởng, tính bảo thủ trì trệ, tính dao động và đầu óc cách mạng cực đoan tiểu tư sản. 

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đã đóng góp công sức với Đảng trong việc hình thành đường lối đổi mới, trực tiếp chỉ đạo những nhiệm vụ quan trọng và cực kỳ khó khăn để thực hiện công cuộc đổi mới, biến tư tưởng đổi mới của Đảng thành hành động thực tế của toàn dân, toàn Đảng. Bản thân đồng chí là tấm gương điển hình tự đổi mới trong tư duy và hành động. Ý thức trách nhiệm rất cao, đầu óc thực tế, thái độ thẳng thắn, dứt khoát và sự tự đổi mới của đồng chí thể hiện tính cách mạng và sức sáng tạo của Đảng. 

Cẩm Tú (tổng hợp)

Từ khóa » Bù Lỗ Cho Xí Nghiệp Quốc Doanh