Dự Lễ Hội Dòng Tộc Sinh Ra Tổng đốc Hoàng Diệu - VietNamNet

Ở nông thôn Việt Nam, câu chuyện lễ hội dòng tộc luôn là một nét văn hoá truyền thống. Ở phần 2 của phóng sự ảnh "24 giờ trên quê hương Tổng đốc Hoàng Diệu", Tuanvietnam xin giới thiệu một lễ hội của chính dòng tộc đã sinh ra người anh hùng Hoàng Diệu.

Ở nông thôn Việt Nam, câu chuyện lễ hội dòng tộc luôn là một nét văn hoá truyền thống. Có thể từng người, ở từng lĩnh vực công tác khác nhau, có những cách nhìn khác nhau về tập tục này.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, đối với nội bộ một dòng tộc, những sự kiện này là một cơ hội để những người con đã rời quê hương đi lập nghiệp ở các vùng khác nhau trên đất nước, thậm chí ra cả nước ngoài, có thể gặp lại nhau, nhận họ nhận hàng, và ôn lại truyền thống của dòng họ, từ đó mà giáo dục những thế hệ kế tiếp.

Ở phần 2 của phóng sự ảnh "24 giờ trên quê hương Tổng đốc Hoàng Diệu", Tuanvietnam xin giới thiệu một lễ hội của chính dòng tộc đã sinh ra người anh hùng Hoàng Diệu, tổ chức tại xã Điện Quang, địa phương có tới 97 dòng tộc.

Một điều thú vị khác của dòng tộc Huỳnh (Hoàng) này là họ có mối quan hệ thông gia với những dòng tộc nổi tiếng khác như tộc Phan, tộc Phạm Phú, tộc Lê Đình, hay tộc Bùi của cố thi sĩ Bùi Giáng.

Đại hội Tộc Hoàng (Huỳnh) bắt đầu bằng cuộc hành hương của hai nhóm tộc Hoàng từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tới khu mộ của dòng tộc tại Nghĩa Trang Bạc Hà, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam...Photo: Hoàng Dũng

Thắp hương tại mộ Đức Thuỷ tổ tộc Huỳnh (Hoàng) Xuân Đài - Huỳnh Đại Lang Phủ Quân (1572-1679) vốn quê ở Làng Huệ Trù, huyện Minh Chánh, Phủ Nam Sách, Hải Dương, gốc gác họ Mạc (hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi). Cũng theo gia phả tộc Hoàng, sau khi nhà Mạc bị lật đổ, Đức Thuỷ Tổ đã chạy vào Xuân Đài và cải họ thành họ Huỳnh - Huỳnh Văn Phổ. Photo: Hoàng Dũng

Các con cháu nội ngoại của tộc Hoàng (Huỳnh) ghi danh nhận thẻ ghi tên, chi và đời, cho họ hàng dễ xưng hô, và đóng góp để bù đắp chi phí tổ chức đại hội.

Chủ tịch HĐQT Công ty Rượu Hà Nội Hoàng Nguyện (đứng ở bìa phải) "tài trợ" mấy thùng rượu Vodka Hà Nội - "của nhà nấu được".

Paul Phạm Phú, hậu duệ của Quan Đại thần Phạm Phú Thứ, hiện là kỹ sư điện tử của Công ty Powervamp tại Anh Quốc, cùng bạn gái Estella, sinh viên trường ngoại ngữ ở Paris (tiếng Anh và Tây Ban Nha) lần đầu tiên dự một sự kiện dòng tộc kiểu này tại Việt Nam. Bà nội của người thanh niên sinh ra ra và lớn lên tại Pháp này vốn là con gái họ Hoàng làm dâu bên họ Phạm Phú. Paul cho biết anh cảm thấy thích thú với kiểu giáo dục về truyền thống dòng tộc như thế này, và qua sự kiện này anh cũng biết thêm được một số điều bổ ích về những nét văn hoá quê hương.

Nhận họ nhận hàng, và phân ngôi thứ. Bà Hoàng Thị Thanh (người chỉ tay), con gái cố GS Hoàng Phê, giới thiệu với mấy người bà con ở nước ngoài về rằng ông Chủ tịch Công ty Rượu Hà Nội chính là con trai của cố Hoạ sĩ Hoàng Kiệt.

Nhạc công "nhị điện" đang so dây chuẩn bị cho lễ tế trong nhà thờ tộc Hoàng (Huỳnh).

Nhân vật chính được chọn trong lễ tế lần này là Hoàng Minh Đông (đang quỳ) - con trai của cố GS Hoàng Quý.

Mấy cô cháu bên ngoại ngồi bên ngoài tranh thủ "tám", nhưng sợ các cụ mắng nên lấy áo trùm kín đầu.

Một vị tiên chỉ trong tộc đang đọc bài văn tế.

Phóng viên Xuân Thi (SGTT), người đồng hành với tác giả trong chuyến đi này, tranh thủ học hỏi kỹ thuật chụp "phóng sự ảnh" qua bộ ảnh về đại hội lần thứ nhất.

Sau lễ tế trong nhà thờ tộc, mọi người trở lại khu đất bên cạnh, nơi dự định sẽ dùng để xây dựng đền thờ riêng cho cụ Hoàng Diệu, để ăn cỗ.

Trong ảnh là phút "xả súp páp" của ông Hoàng Gia Phúc (bìa trái), thành viên chủ chốt của ban tổ chức, sau một ngày đêm vất vả.

Nhận họ hàng và phân ngôi thứ trong cuộc nhậu. Chỉ vì trí nhớ không rõ ràng của một ông chú, khi bảo "ông nội thằng ni là anh ông nội mi", rồi lại cải chính thêm 2 lần nữa, mà hai "ông cháu" phải "đi" hết 3 chai vodka Hà Nội nhỏ. Photo: Xuân Thi

Tan lễ hội, ông Hoàng Gia Việt tranh thủ sang nhà ông Giao Hữu Thiệt, người cùng lứa với cố GS Hoàng Chúng tại Trường Tiểu học Bảo An và sau này trở thành giáo viên ở ngôi trường này, để nghe kể chuyện những người chú của ông, như ông Đốc Dư (Huỳnh Dư) và người em trai Hoàng Phê về Điện Quang phát động phong trào truyền bá quốc ngữ như thế nào; hay Hoạ sĩ Hoàng Kiệt về mở lớp vẽ và triển lãm tranh cho trẻ con ở Điện Quang ra sao...

Trong khi đó nhóm hỗn hợp từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tranh thủ ra thắp hương tại mộ cụ Hoàng Diệu, nằm ngoài cánh đồng thôn Xuân Đài.

Trong ảnh là cô cháu nội của GS Hoàng Tuỵ đọc tấm bia ghi công đức của cụ Hoàng Diệu.

Photo: Hoàng Dũng

Cựu Chủ tịch Chơi cho tác giả biết sắp tới con đường cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất sẽ chạy ngang qua đây, và mộ cụ Hoàng Diệu sẽ "ra mặt đường" - một "good news"!

Còn "bad news", theo ông Chơi, là chính quyền xã rất lo lắng về phươg án bảo vệ khu mộ của cụ Hoàng Diệu vào mùa lụt. Bởi ngay khi chưa có đường cao tốc, khu mộ cao hẳn so với phần còn lại của cánh đồng vẫn bị ngập (dấu vết của phù sa vẫn còn trên nền bê tông).

Huỳnh Phan

Xem bài khác trên Tuần Việt Nam

Từ khóa » Cậu Cháu Hoàng Diệu