Tưởng Nhớ Tổng Ðốc Hoàng Diệu Qua Thơ Văn - Advite

TƯỞNG NHỚ TỔNG ÐỐC HOÀNG DIỆU QUA THƠ VĂN

Hoàng Vũ

Lời tác giả: Hàng năm vào ngày 25 tháng 4, con cháu họ Hoàng khắp nơi tề tựu tại nhà thờ và lăng mộ của Hoàng Tuớng Côngtại làng Xuân Ðài, quận Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam để làm đám giổ Ngài.Nhà thờ và lăng mộ của Ngài được trùng tu lại rất khang trang và khánh thành vào năm 1992, với kinh phí khoảng $20000 US, do sự đóng góp cuả chính quyền tỉnh Quảng Nam và con cháu họ Hoàng trong nước và khắp nơi trên thế giới. Sau nhiều trận bảo lụt nhà thờ bị hư hại nhiều, nên lại được trùng tu vào năm 1998. Nhân ngày 25 tháng 4 năm 2003, kỷ niệm năm thứ 121 ngày Ông Cố tôi, Binh Bộ Thương Thư Hà Ninh Tổng Ðốc Hoàng Diệu tuẩn tiết tại thành Hà Nội (1882 – 2003), tôi sưu tầm một số thơ do Ngài viết,, hiện nay thất lạc chỉ còn một it bài thôi . Ngoài ra tôi cũng xin trích một số thơ văn do các bạn đồng liêu của Ngài, các kẻ hậu bối, cũng như con cháu Ngài đã viêt về Ngài. Từ xưa đến nay đã có nhiều tác giả viết về tiểu sử của Ngài, nên trong bài nầy tôi chỉ đề cập đến những bài thơ do Ngài viết, và những bài thơ viết về Ngài mà thôi.

THƠ VĂN DO NGÀI VIẾT:

  • Bài thơ “GIÁNG BÚT” do Ngài viết khi Ngài làm Án Sát ở tỉnh Bắc Giang:

Hởi khách anh hùng cõi nước Nam

Trong vòng danh lợi ấy ai khôn?

Tấc gan tiết nghiã non Nùng vững

Một dạ trung trinh nước Nhị tuôn

Một khắc chia vành duyên trắng hẩm

Trăm năm càng tỏ chút vàng son

Màu hoa giữ lại xuân thành khách

Ngọc diệp kim chi chớ để mòn.

  • Bài thơ “QÚA GIANG TỨC CẢNH” do Ngài viết sau khi nhậm chức Thượng Thư Bộ Binh kiêm Hà Ninh Tổng Ðốc, trong khi đi thị sát địa hình địa thế ngoại ô thành Hà Nội.

Quá bước tìm phương bỗng tới đây

Khen cho con tạo khéo trưng bày

Sông e biển cạn bù thêm nước

Núi sợ trời nghiêng đở lấy mây

Rạc rạc sóng cồn che mặt nước

Ào aò gió thổi cuốn rừng cây

Nửa về nửa ở lòng đâu nở

Ngán nỗi trời chiều bóng xế tây!

  • Bài “NGŨ HÀNH SƠN KÝ”, ngyên tác bằng chử Hán, viết năm 1877 khi ngài viếng thăm Ngũ Hành Sơn:

“Dư thường quái Lê Thánh Tôn tuần hành sơ chí giai hữu đề vịnh, hành Quảng Nam phàm tam kiến nhu Ngủ Hành khuyết yên. Ý ngủ bách niên tiền do tại hải trung, khả vọng nhi bất khả đối tòng niệm sa bồi, thủy hửu dân cư, nhi thử sơn xuất hiện.

Minh Mạng niên giám giá hành Ngũ Hành Sơn, thiết vong giang vọng hải nhị đài. Thượng Hửu Huyền Không, Lăng Hư, Linh Nham, Vân Thông, Tàng Chân ngủ động, khắc tự thạch giang. Hạ hữu Vân Nguyệt, Thiên Long Nhị Cốc, chúc hành lý hứa biệt khai nhất động, thâm nhập âm khí loát cốt, tùng lai vi hửu tích kỳ đế giá. Cái động phúc thiên địa chi kỳ, tất đãi thánh nhân chi hậu kỳ yên?”

Dịch nghiã:BÀI KÝ NGŨ HÀNH SƠN

Ta thường thấy làm lạ rằng vua Lê Thánh Tôn đi tuần đến đâu đều có đề thơ ngâm vịnh, song Ngài viếng Quảng Nam ba lần mà không thấy nói đến Ngủ Hành Sơn. Có lẽ trước đây năm trăm năm núi ấy còn ngoài bể, thấy đó mà không tới được, dần dần cát bồi, có người đến ở mà núi đó mới hiện ra.

Khi vua Minh Mạng ngự giá đến đây ban cho tên là Ngủ Hành Sơn, đặt hai đài Vọng Giang và Vọng Hải. Trên có năm động: Huyền Không, Lăng Hư, Linh Nham, Vân Thông và Tàng Chân, khắc chữ trên bia đá. Dưới có hai hàng: Vân Nguyệt và Thiên Long, thắp đuốc đi bộ một dặm lại mở ra một động nữa, khi đi vào trong khí lạnh buốt xương, từ trước đến nay chưa ai đến tận cùng. Phải chăng chốn động phước thiên kỳ vỹ còn chờ thánh nhân chăng?

2.THƠ VĂN VIẾT VỀ NGÀI:

  • Bài “ÐIẾU HOÀNG TƯỚNG CÔNG” của Tổng Ðốc Nam Ðịnh Võ trọng Bình, nguyên tác bằng chữ Hán viết năm 1882, bản dịch của Nguyển Quốc Ðịnh:

Lòng trung vằng vặt giữa trời xanh

Cuộc thế xuôi nên một sáng đành

Khí tỏa non Nùng cao chót vót

Hồn chầu bệ ngọc sáng long lanh

Súng Tây bác chẳng hề nao núng

Tàu Pháp tôi nào chịu mỏng manh

Không sống cùng thù tôi bác nguyện

Ðược thua há bận chí hùng anh!

  • Bài “ÐIẾU CỤ HOÀNG DIỆU” của Phó Bảng Nguyễn trọng Tỉnh:

Một tay cầm bút lại cầm binh

Muôn dặm giang sơn chỉ một mình

Phò chúa chuá lo, lo trước chúa

Giữ thành thành mất, mất theo thành

Suối vàng chắc hẳn mài gươm bạc

Máu đỏ âu đành chép sử xanh

Di biểu hảy còn nêu chánh khí

Nghìn năm ghi nhớ bậc hùng anh.

  • Trích bài “ÐIẾU TANG ÔNG HOÀNG DIỆU” của các ông Phan đình Phùng, Trần đình Túc, Nguyễn hữu Ðộ, Hoàng hữu Thường và Võ Nhự:

Trượng phu hưá thân vì nước,

chỉ hết mình nơi việc đáng làm.

Chí sĩ quyết liệt thành nhân,

há lại sát thân mà tiếc!

Thấy nguy liều mệnh,

thế mới là đáng gọi can trường.

Coi chết như về,

thật rõ rệt trần gian hãn hữu.

  • Bài “KÍNH NIỆM CỤ HOÀNG TƯỚNG CÔNG” của bác sỉ kiêm thi sỉ Thái Can:

Thiết thạch can trường nhất tử trung

Giang sơn hòa lệ khấp anh hùng

Phong vân biến sắc bi hào kiệt

Thaỏ mộc hàm sầu biệt tướng công

Nhất phiến đang tâm chiêu nhật nguyệt

Sổ hàng di biểu liễu tang bồng

Hoành Sơn Trà Lĩnh bi trường tại

Thanh sử tiền đề vọng cổ phong.

  • Bài: “HÀ THÀNH CHÍNH KHÍ CA” của Nguyễn văn Giai (Ba Giai)

Một cơn gió thảm mưa sầu

Nấu nung gan sắc giãi dầu lòng son

Chữ trung đã rắp vuông tròn

Quyết đem gởi cái tàn hồn gốc cây

Trời cao bể rộng đất dầy

Núi Nùng sông Nhị chốn nầy làm ghi

Thương ôi! Trong buổi lưu ly

Tấc riêng ai cũng thương vì người trung

Rủ nhau tiền góp của chung

Ðưa người ra táng ở thung học đường

Thiết tha nhẽ ngẩn ngơ nhường

Tả tơi thành quách tồi tàn vật nhân

Ngán thay cho cái phong trần

Ngán thay cho kẻ trung thần lắm thay!

***

Vì ai nên nỗi nước nầy

Ðể người danh tiết biết ngày nào quên

Dãi Nhị Hà cõi giang biên

Trăm năm tiếng tốt để nghìn người coi

Họ Hoàng Tổng Ðốc là ai?

Anh hùng khẳng khái vốn người cõi Nam

Ngồi thành Hà Nội mấy năm

Một phương cõi Bắc ngưả trông thế nào.

  • Bài Xướng: “GƯƠM CHÍNH KHÍcủa nhà thơ Xuân Ðài Hoàng Hưng, cháu nội của Hoàng Tướng Công. Bài nầy do thân phụ tôi viết nhân ngày khánh thành nhà thờ của Ngài tại làng Xuân Ðài vào ngày 25 tháng 4 năm 1992. Bài thơ nầy được nhiều thi hữu nồng nhiệt đáp ứng và họa lại. Xin ghi lại đây bài xướng và một số bài họa tiêu biểu mà thôi.

Gươm lệnh vua trao trấn cõi ngoài

Tình nhà nợ nước triũ hai vai

Trượng phu hưá quốc thân nào tiếc

Chí sĩ lưu phương sử chẳng phai

Lưỡng độ gươm thiên ngời chính khí

Thiên thu di biểu rạng anh tài

Nhiễu điều một dải đền ơn nước

Ðâu thẹn tiền nhân chốn vũ đài.

  • Bài họa: “GƯƠM CHÍNH KHÍ” của Hoàng Dũng, chắt nội của Hoàng Tướng Công:

Gươm báu vua ban trấn giặc ngoài

Hiếu trung hai chữ trĩu bờ vai

Hy sinh tựu nghĩa bia ghi tạc

Tuẩn quốc thành nhân sử chẳng phai

Di biểu đôi dòng ngời tiết tháo

Non Nùng lưỡng độ rạng anh tài

Kiến nguy thọ mạng đền ơn nước

Oanh liệt vang danh cõi vũ đài.

  • Bài họa: “GƯƠM CHÍNH KHÍ” của Hoàng Vũ, chắt nội của Hoàng Tướng Công:

Giặc Pháp mưu toan ở cõi ngoài

Ngăn loài Bạch Qủi nặng đôi vai

Tứ bề thọ địch (1) tâm không chuyển

Bốn phiá công thành dạ chẳng phai

Hùng Lĩnh còn thương người nghĩa khí

Nhị Hà mãi tiếc đấng anh tài

Ngàn năm tiết tháo lưu kim cổ

Tổ Quốc vinh danh tạc tượng đài. (2)

(1)Vừa bị quân Pháp bao vây tứ phiá, lại bi nội phản. Ðiển hình là Án Sát Tôn Thất Bá được Ngài cử ra ngoài thành xem xét nội tình, đã cam tâm đầu hàng kẻ địch, lại còn cho giặc biết cách bố trí phòng thủ của quân ta để giặc dễ bề tấn công.

(2)Thành phố Hà Nôi với sự đóng góp tài chánh của con cháu họ Hoàng đang xúc tiến đúc một tượng đồng của Ngài, không biết đã hoàn thành chưa.

  • Bài họa:” GƯƠM CHÍNH KHÍ” của nhà thơ Hải Cát:

Tổ quốc lâm nguy giặc lấn ngoài

Làm trai trung hiếu nặng thềm vai

Giang sơn một cõi gan không núng

Khanh tướng đôi bề dạ chẳng phai

Cứu nước gươm thiên xoay trục đất

Quên mình chính khí rạng hiền tài

Tấm gương đại nghĩa ngời thanh sử

Dũng tiết nghìn thu dấu tượng đài

  • Bài họa:” GƯƠM CHÍNH KHÍ” của nhà thơ Nguyễn Khuê

Như ngọn thần phong cuốn buị ngoài

Trùng trùng sóng hận quyết chen vai

Cưả ô mấy lớp gươm mài bén

Cổ giặc bao hàng gió cuộn phai

Ngời khí ung dung mà tựu nghiã

Rạng gươm khẳng khái để so tài

Dấu xưa còn đó xanh giòng sử

Dải lụa sông Thao ngõ trấn đài.

  • Bài họa: “GƯƠM CHÍNH KHÍ” của nhà thơ Trần ngọc Liễn:

Vâng lệnh ra đi nhậm xứ ngoài

Lo toan nhiệm vụ chất đôi vai

Tình nhà gác lại thân nào quản

Nợ nước báo đền dạ chẳng phai

Ðất Bắc nêu cao người nghĩa khí

Trời Nam tỏ mặt bậc anh tài

Mất thành tuẫn quốc không hàng giặc

Sử sách lưu danh, lập tượng đài.

Canada, đầu xuân 2003

Từ khóa » Cậu Cháu Hoàng Diệu