Dừa Sáp Khác Với Dừa Thường ở Chỗ Nào? - Tạp Chí Kinh Tế Sài Gòn

Dừa sáp khác với dừa thường ở chỗ nào?

Tạ Minh Tuấn, Vinafruit

Cây dừa sáp - Ảnh: TMT

(TBKTSG Online) – “Tôi là một Việt kiều về quê, đi du lịch thăm chùa chiền ở Trà Vinh, nghe nói dừa sáp ăn ngon nên cũng mua một ly dừa sáp ven đường ăn thử, thấy ngọt, béo, bùi nhưng giá một ly tới gần 20.000 đồng. Tôi liền mua một trái mang về Sài Gòn làm quà, giá tới 160.000 đồng mỗi trái. Tôi không hiểu tại sao dừa sáp lại đắt giá tới như vậy, có phải do giá trị dinh dưỡng của đặc sản này hay do nó quá quý hiếm, ai biết giải thích giúp?”. Bạn Sáu Minh đã hỏi trong mục Bạn đọc hỏi – Bạn đọc trả lời của TBKTSG Online.

Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của ông Tạ Minh Tuấn, chuyên viên Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này.

Theo cảm quan về hình thái (rễ, thân, lá, quày, dạng trái và tình trạng vỏ trái) dừa sáp giống như dừa bình thường. Căn cứ hình dạng, màu sắc trái tại Trà Vinh hiện có năm giống dừa sáp: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng. Thực tế các cây dừa sáp có dạng trái, màu sắc khác nhau cũng cho cơm dừa dầy, mỏng khác nhau. Nếu không là gia chủ, khó phân biệt cây dừa nào là dừa sáp, cây dừa nào là dừa thường.

Dừa sáp khác các giống dừa cao ở chỗ mỗi buồng thường có 2-3 trái (20-25%) đặc ruột. Bình thường, khi dừa non, cơm mềm dẻo, nước ngọt, khi già thì cơm cứng, nước lạt có ga. Đối với dừa sáp, nếu thu hoạch dừa để uống nước thì mọi trái dừa đều có “cơm, nước” như dừa bình thường; khi qua giai đoạn dừa uống nước, cùi dừa sáp tiếp tục phát triển dày lên gần đầy khoang trống của gáo, cơm dừa dạng xốp và không cứng như cơm dừa thường.

Phần thể tích nhỏ còn lại trong tâm trái dừa sáp chứa một chất lỏng sền sệt, trộn cơm dừa sáp vào nước dừa, khuấy lên sẽ cho ly sinh tố dừa có sự khác biệt, ngon tự nhiên.

Về phương pháp nhân giống, đối với các giống dừa thường chỉ cần chọn cây mẹ khỏe mạnh, trái sai, chất lượng cơm (dừa khô), nước (dừa non) vừa ý, chờ trái già (khô) thu hái trái để giống.

Đối với dừa sáp, chỉ những trái không có sáp mới có khả năng tạo phôi, tạo mộng, mầm, tạo ra cây dừa sáp giống; những trái có sáp không thể để giống. Do thụ phấn chéo, thế hệ cây con khó xác định về tính trạng và chất lượng trái. Việc nhân giống dừa sáp bằng phương pháp cấy mô sẽ cho thế hệ dừa sáp đồng nhất tính trạng và chất lượng đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh và Trung tâm dừa Đồng Gò (Viện nghiên cứu cây có dầu) thực hiện và sẽ đáp ứng nhu cầu trồng dừa sáp.

Dừa sáp khác dừa thường về giá. Từ mức giá ngang dừa thường, mấy năm qua giá dừa sáp bỗng tăng cao do sản lượng cung cấp thấp. Trà Vinh, tỉnh duy nhất trồng dừa sáp chỉ có thể cung cấp 10 ngàn trái/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách mua dùng thử.

Giá dừa sáp cao là dấu hiệu đáng mừng cho nhà vườn nhưng sẽ chỉ là tạm thời do không phải là mặt hàng thiết yếu. Hiện nay diện tích dừa sáp 2-3 năm tuổi đã tăng cao hai ba lần. Cùng với tốc độ tăng diện tích, tăng sản lượng, giá dừa sáp có thể hạ xuống rất nhanh trong vài ba năm tới.

Từ khóa » Cách Nhận Biết Trái Dừa Sáp