Dưới Trăng Quyên đã Gọi … Tòa Thiên Nhiên - Huỳnh Ngọc Chiến
Có thể bạn quan tâm
Dưới trăng quyên đã gọi hè Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông Buồng the phải buổi thong dong Thang lan, rủ bức trướng hồng, tẩm hoa Rõ màu trong ngọc trắng ngà Rành rành sẵn đúc một Tòa Thiên Nhiên!
Chắc chắn không có ai từng đọc Kiều lại không biết đến các câu thơ trên. “Tòa Thiên Nhiên” có lẽ là cụm từ gây ấn tượng nhất trong truyện Kiều, và là cụm từ bị lạm dụng rất nhiều bởi các hậu duệ đời sau, nhất là trong thời gian gần đây, khi báo chí luôn làm ầm ĩ câu chuyện những người mẫu đem “tòa thiên nhiên” ra phơi bày cho công chúng để “tự tiếp thị” mình trên mạng InterNet. “Tòa Thiên Nhiên” đã bị dụng ngữ thường nhật của con người kéo trôi qua nhiều “cuộc bể dâu” đến nỗi ngày nay chẳng còn ai thấy ra ý nghĩa ban sơ của nó nữa. Trong các cuốn chú giải truyện Kiều, cụm từ này không hiểu sao thường bị phớt lờ, hoặc được hiểu theo nghĩa mặc nhiên : Kiều đang tắm truồng!
Dường như vẫn chưa có nhà chú giải nào thử chịu khó tìm hiểu ngữ nguyên. Chỉ có học giả Trần Trọng Kim dẫn chứng câu “Chú tựu thiên nhiên nhất dạng cốt tướng” trong Ngọc Trai tập và chú giải “nghĩa là lúc Kiều bỏ xiêm áo ra xem hình dáng rất đẹp”. Thật ra, câu đó chỉ có nghĩa là “đem vẻ tự nhiên hun đúc vào phong cốt tướng mạo”. Câu đó chưa nói được gì nhiều về “Tòa Thiên Nhiên”, và chưa thể là nguồn để phát sinh ra câu thơ kỳ ảo của Nguyễn Du.
Chính khi tìm lại ngữ nguyên, ta mới cảm thấy thêm kinh hoàng trước thiên tài của Liệp Hộ và buộc lòng phải đọc lại truyện Kiều dưới một làn ánh sáng khác. Và làn ánh sáng khác đó, chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong những bài viết của Bùi Giáng về Kiều hoặc qua những tác phẩm của Heidegger bàn về thơ Hoelderlin được Bùi Giáng dịch giải bằng ngôn ngữ du hý thần thông.
Một điều ai cũng phải công nhận, ấy là sau đọc những gì Bùi Giáng viết về Kiều thì chúng ta không còn dám đọc Nguyễn Du nữa, chứ đừng nói đến chuyện luận bình, đánh giá hoặc phân tích, bắt bẻ từng chữ từng câu theo kiểu các học giả gàn! Bởi lẽ lúc đó ta hiểu rằng đằng sau mỗi câu mỗi chữ trong truyện Kiều còn lù lù thị hiện một Ẩn Ngữ Khổng Lồ. Nhưng cái Ẩn Ngữ Khổng Lồ đó vẫn vĩnh viễn ẩn khuất trước ngòi bút của mọi nhà chú giải phê bình nào chưa từng thực sự lịch tận “một cuộc biển dâu” trong “cõi người ta”. Dưới ngòi bút của các học giả phê bình, “cuộc biển dâu” thăm thẳm làm tê buốt tâm can của những ai một lần nhìn thấy chỉ còn là “cuộc biển dâu” diễn ra trong ly cà fê hoặc tách trà và khói thuốc! Đó là những nhà nghiên cứu mà Bùi Giáng đã nhận xét rất chí lý : “rất quảng bác trong cái kiến thức nhưng lại rất thô thiển trong cái suy tư”. (M.Heidegger & Tư Tưởng hiện đại).
“Tòa Thiên Nhiên” xuất phát từ từ thiên thể 天体 của tiếng Hán. Thiên thể có hai nghĩa :
1.tinh tú trên thiên cầu.
2.thân thể trời sinh tự nhiên; thân thể trần truồng.
Bao lâu nay, chúng ta chỉ luôn hiểu thiên thể theo nghĩa đầu tiên bởi nó quá phổ dụng, và hầu như chẳng có ai quan tâm đến nghĩa thứ hai. Cuốn “Tân biên cổ kim Hán ngữ đại từ điển” giảng nghĩa thứ hai là “lõa thể”. Từ điển Hán Anh Welin dịch nghĩa thứ nhất là “celestial body” vànghĩa thứ hai là “nude body”. Cùng là “thể”, là “body” cả nhưng một cái dùng để chỉ tinh tú vận hành trong vũ trụ, một cái dùng để chỉ tấm thân thể không một lớp xiêm y. Đem cả cõi thiên nhiên tinh tú sánh với thân thể trần truồng của một kỹ nữ lầu xanh, ngôn ngữ truyện Kiều bỗng nhiên như dời bình diện và một luồng chấn động bất khả tư nghì nào bỗng lan truyền suốt những câu thơ lục bát kỳ ảo kia, đồng thời làm rạn nứt những câu thơ “tả cảnh”?
Chúng ta thử chậm rãi đọc lại những lời Heidegger nói về Phusis (Thiên Nhiên) trong tác phẩm Lễ Hội Tháng Ba (NXB Một Hôm Sa Mạc, Sài Gòn,1972) qua bản dịch giải vô tiền khoáng hậu của Bùi Giáng, thì họa chăng chúng ta chúng ta có thể tạm nghe ra phần nào ngôn ngữ truyện Kiều, dù Bùi Giáng đã nhắn nhủ “Nhưng mà Ngôn Ngữ thượng thừa tịch hạp huyền ảo thiên biến vạn hóa của Nguyễn Du, không thể nào lôi xốc bừa bãi ra đây luận bàn cho bốn bề tèm nhem ra bốn bên diêm dúa“ (sđd, t.258). Vì ngôn ngữ truyện Kiều là ngôn ngữ thượng thừa huyền ảo và quá thiên biến vạn hóa, nên người đọc cũng cần phải “nghe ra” theo nhiều thể cách. Một trong những thể cách “nghe” đó từ Lễ Hội Tháng Ba được người viết dùng để khởi đầu cho bài này.
Sự sáng tạo của Nguyễn Du nằm ở chữ “tòa”. Chính chữ “tòa” mà nhà thơ Tản Đà phê bình là gượng ép thì ngay chỗ đó mới bừng cháy lên ngọn lửa tân thanh tái tạo. Tòa nhà, tòa sen, tòa thánh, tòa Thiên Nhiên! Chữ “tòa” sừng sững giữa câu thơ làm chấn động toàn bộ Đại Khối Thiên Nhiên và nâng câu thơ lên ngang tầm thiên thể. Đó là chỗ nhà thơ Bùi Giáng cho rằng phải đọc truyện Kiều cho đến khi “… chỉ còn thấy nguyên một vùng Thiên Nhiên Thành Tượng man mắc khắp mọi nơi, hiện diện thảy thảy, đổ ra làm phong cảnh phiêu bồng, trút vào làm cảnh phong du hý, tỏa ra bốn phía làm Tam Muội Thượng Thừa thì lúc bấy giờ bất thình lình thấy ra cõi miền riêng biệt thù thắng …” (sđd, t.221)
Trước khi anh chàng mê gái Thúc Sinh đem cả khối Đường thi ra để phụng bồi cho tòa thiên thể đó :
Sinh càng tỏ nết, càng khen
Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường
thì cụ Nguyễn Du đã âm thầm bố trí một cuộc “anh hoa phát tiết” của Thiên Nhiên Phơi Mở giữa cảnh hè lồng lộng nguy nga :
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tưởng lửa lựu lậ lòe đâm bông.
Trăng kia lựu nọ, quyên hót đêm hè, tất cả linh hồn vân thạch đều như bừng tỉnh dậy để cùng khối Đường thi hòa điệu với tòa thiên thể của một kỹ nữ giang hồ! Ông Heidegger bảo :
“Nàng Thiên Nhiên (Thiên Nhiên Nương Tử) giáo dục nuôi nấng giáo dục bọn Thy Sỹ … (sđd, t.174)
và :
“Nàng Thiên Nhiên giáo dục theo thể lệ : huyền-diệu-tuyệt-vời-khắp-nơi-hiện-diện” (sđd, t.175).
Thử đối chiếu câu nói của ông Heidegger với các câu thơ trên, có phải các bạn bỗng nhận một mối tương quan hàm ẩn, đồng thời hiểu thêm ra một điều rằng : từ xưa nay, trừ hoặc tâm hồn tài hoa đồng điệu như Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Bùi Giáng, Trần Trọng Kim …, thì những lời bình luận, giải thích, bình giảng về Kiều của các học giả bao thế hệ chỉ là những hình ma bóng quế, đi vất vưởng lớt phớt ngoài rìa của ngôn ngữ truyện Kiều? Trong khi đó? Tại trung tâm ngôn ngữ của lục bát truyện Kiều vẫn còn trì ngự một Vùng Vô Ngôn Thăm Thẳm của Thi Ngôn. Dụng tâm của Tố Như dường như không được các học giả đời sau chia sẻ, dù Mộng Liên đường chủ nhân đã một lần nhắc nhở : “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy?” (bản dịch Trần Trọng Kim).
Nhận định về thể điệu Heidegger diễn giải Phusis trong thơ Holderlin, Bùi Giáng viết :
“Tiếng Phusis … được Heidegger giảng đi giảng lại rất nhiều phen. Điều kỳ lạ nhất, ấy là : mỗi phen mấy tiếng cơ bản đó của Tư Tưởng Uyên Nguyên Hy Lạp được Heidegger nắm lấy giảng giải trở lại thì mỗi phen ngôn ngữ Uyên Nguyên Đông Phương cũng đồng thời hiện ra trở lại … một cách huyền bí và thăm thẳm nhất trong Cuốn Truyện của Nguyễn Du” (sđd, t.210)
Chúng ta thử đọc Heidegger :
“Nàng Thiên Nhiên thật là quyền uy bởi vì nàng tuyệt vời thần tiên diễm lệ. Thế thì ắt hẳn Nàng giống một vị Thần, một Thần Nữ, một Tiên Nương?”(sđd, t.180). Thử thay “Nàng Thiên Nhiên” bằng “Nàng Kiều” hoặc thay “Thần Nữ, Tiên Nương” bằng “Tòa Thiên Nhỉên” thì có phải chăng chúng ta thấy bừng lên một luồng ánh sáng giao thoa?
“Phusis là cái tồn lập Tự-Thân-Quy-Hồi-Tự-Thể và gọi tên cái Tự Thân Biểu Thị Hiện Thân của cái hiện thị đình lưu ở trong lịch trình thị hiện như là Hiển Lộ Mở Phơi”… “Phusis là cuộc khởi lập khai hoa của cái Lãng Minh Thanh Mỵ Minh Quang Xán Lạn” (sđd, t.180).
Chẳng phải những lời đó gợi lên những đồng vọng mênh mông từ truyện Kiều? Cụ Nguyễn Du không diễn giải nhiều, mà chỉ kín đáo để cho :
Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tưởng lửa lựu lậ lòe đâm bông.
Cái cảnh “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” chính là “cuộc khởi lập khai hoa của cái Lãng Minh Thanh Mỵ Minh Quang Xán Lạn”. Và “Dày dày sẵn đúc một tòa Thiên nhiên” chẳng phải là “cái tồn lập Tự-Thân-Quy-Hồi-Tự-Thể và gọi tên cái Tự Thân Biểu Thị Hiện Thân của cái hiện thị đình lưu ở trong lịch trình thị hiện như là Hiển Lộ Mở Phơi”?
Nhân một chữ “Tòa Thiên Nhiên” mà người viết đã phải đem một vài câu thơ Kiều “lôi xốc bừa bãi ra đây luận bàn cho bốn bề tèm nhem ra bốn bên diêm dúa”, nhưng hy vọng rằng bài viết ít nhiều cũng đã hé lộ được một chút gì vẫn còn ẩn khuất trong trong phần Vô Ngôn Thăm Thẳm của ngôn ngữ Tố Như.
Từ khóa » Câu Thơ Rõ Ràng Trong Ngọc Trắng Ngà
-
Mãi Một Tuyệt Tác...Kiều - Tiền Phong
-
Rõ Ràng Trong Ngọc, Trắng Ngà Dày Dày... - Phật Ngọc Từ Tâm
-
Bức Tranh Khỏa Thân Trong Truyện Kiều - ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG
-
Sex Trong Truyện Kiều - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Rõ Ràng Trong Ngọc Trắng Ngà - Trang Tin Sức Khỏe, đời Sống Trẻ
-
Ông đồ “bạo Gan” Sửa Truyện Kiều | Văn Hóa Xã Hội
-
Tìm Bài Thơ "ro Rang Trong Ngoc Trang Nga" (kiếm được 2 Bài)
-
Rõ Ràng Trong Ngọc Trắng Ngà/Ein Frauenleib Wie Jade…
-
Một Tòa Thiên Nhiên - Xem Nôm Thúy Kiều
-
Kiều Tắm - Trang Tin Tức - Trần Nhương
-
Từ Điển - Từ Trong Ngọc Trắng Ngà Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Tính Dục Trong Truyện Kiều — VIETNAM GLOBAL NETWORK
-
Năm Mươi Câu Kiều Hay Nhất - Báo Đại Biểu Nhân Dân