Ông đồ “bạo Gan” Sửa Truyện Kiều | Văn Hóa Xã Hội
Có thể bạn quan tâm
Cái việc làm tưởng như ngông cuồng ấy làm xôn xao giới học giả, báo chí. Nhưng rồi, Hội thảo quốc tế về chữ Nôm vừa qua đã “nóng” lên với một bản tham luận về “sửa Kiều”, người đọc dẫn ra 21 trường hợp ở bản Kiều chữ Quốc ngữ của Đào Duy Anh là sai. Ông đã đưa ra bản Kiều mà ông cho là chính xác nhất với nguyên tác. Đó là ông Nguyễn Khắc Bảo, một nhà nho và một lương y ở thành phố Bắc Ninh.
Ông Bảo đang giới thiệu một bản Kiều cổ |
Ông Nguyễn Khắc Bảo xuất thân trong một gia đình làm nghề thuốc Đông y, thuộc làng Chọi, xứ Kinh Bắc, bên dòng sông nhỏ Ngũ Huyện Khê. Ông vào đời là giáo viên dạy toán và về hưu non, tiếp nối nghề cha ông bốc thuốc. Khi còn nhỏ, ông đã được học chút ít chữ Hán từ ông nội. Trong tủ sách thuốc của gia đình có sách viết bằng chữ Nôm, vì thế ông quyết định học chữ Nôm để đọc được sách. Ông lấy cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm làm tài liệu để học.
Từ học để hành nghề thuốc, ông cũng chú ý đến chữ nghĩa viết trong Truyện Kiều. Ông cũng tham khảo một số cuốn Kiều khác, nhưng thấy chúng có chỗ khác nhau. Vậy đâu là bản Kiều Nôm chính xác?
Ông bắt đầu đi tìm các bản Kiều Nôm để chữa các “vết thương” cho Truyện Kiều. Theo ông Bảo, Truyện Kiều được viết trước khi Gia Long lên ngôi vua, chứ không phải dưới thời Gia Long như một số người vẫn nói. Cuối đời, cụ Hoàng Xuân Hãn có khẳng định, Truyện Kiều được viết dưới triều Tây Sơn, nhưng cụ không chứng minh.
Còn ông Bảo, ông khẳng định và chứng minh được điều này. Ông lý giải: Thứ nhất, Điều 225 luật Gia Long quy định những ai viết câu yêu thư, yêu ngôn đều bị tru di tam tộc. Khi Nguyễn Du dám viết “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”, hay “Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà”… trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt mấy trăm năm, Gia Long mới lên ngôi thống nhất, vậy thì dễ bị trọng tội.
Thứ hai là chữ húy. Bản Kiều Nôm năm 1879 có viết “So vào với thiếp Lan Đình nào thua”. Lan là tên mẹ của Gia Long. Các bản in sau này đều viết là “Hương Đình”, chữa chữ Lan đi, do đó bản gốc phải là sau năm 1802.
“Tôi không lấy bất cứ chữ nào trong đầu tôi ra cả. Cho đến bây giờ, tôi có 52 bản Kiều Nôm. Nghĩa là bằng vốn hiểu biết của mình, khi đọc một chữ nào đó, thấy không thích hợp với những bản còn lại, tôi sẽ xem xét để thay thế cho đúng. Trong cuốn Truyện Kiều Nôm phiên âm mới tìm thấy do NXB Nghệ An ấn hành năm 2004, những chữ nào tôi phiên âm ra mà khác với bản gốc Nôm năm 1866, tôi đều chỉ ra trong chú thích.
Truyện Kiều lưu lạc trong dân gian, nó được truyền miệng và được các cụ túc nho chép lại. Khi viết, các cụ vẫn coi mình nhớ nhiều nên không kiểm tra lại, vậy là có chữ đã sai. Bản do học giả Đào Duy Anh biên soạn năm 1979 cũng có nhiều câu sửa cho hợp với thời hiện đại. Xin đưa ra những dẫn chứng cụ thể:
Bản năm 1979 Đào Duy Anh chép: “Quản chi lên thác xuống ghềnh/ Cũng toan sống thác với tình cho xong” (câu 1951-1952). Câu đó, theo ông, nguyên gốc phải là “Quản chi trên các dưới duềnh”. Theo ông, đây là hai câu liên quan đến điển tích của hai nhà thơ đời Sở, Hán là Dương Hùng đâm đầu từ trên lầu gác xuống mà chết. Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn. Các nhà khảo cứu có thể đã bỏ qua cái tích này.
Cứ theo bản dịch của Kiều Oánh Mậu thì người đọc tưởng là hợp với Thúc Sinh, nhưng sẽ không đúng cốt và đúng tầm uyên thâm của Nguyễn Du. Hay câu miêu tả Từ Hải “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, ông Bảo cho rằng, nên chăng thay chữ vừng cho chữ tấc, để tả một cách ước lệ cho vị tướng oai phong này.
Còn câu “Vực ngay lên ngựa tức thì” chỉ hành động của bọn Khuyển, Ưng nhận lệnh Hoạn Thư đánh thuốc mê bắt Thúy Kiều về, ông Bảo cho rằng “Dẩy ngay lên ngựa tức thì” mới đúng. Thúy Kiều vừa bị ngấm thuốc mê, thì vẫn có thể đi được. Vả lại, nếu là vực thì hóa ra bọn Ưng, Khuyển này tử tế quá. Vậy câu thơ làm sao lột tả được bản chất của quân Ưng, Khuyển.
Câu thơ “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”, nàng Kiều than khi bị bán mình cho Tú Bà, nguyên nghĩa phải là “Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ”, bởi xưa nay, người ta hay nói chừa những thói hư tật xấu, chứ chẳng ai nói “chừa trinh bạch” bao giờ.
Câu “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Đúng phải là “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, theo ông Bảo, 20 bản Kiều Nôm ở thế kỷ 20 ông có trong tay đều thống nhất là “Rõ màu”. Bản in của Tản Đà năm 1941 cũng là “Rõ màu”.
Ông Bảo lý giải: Nguyễn Du phác thảo ra cảnh Kiều tắm là một bóng dáng mờ ảo, hư thực, tòa thiên nhiên trong ngọc trắng ngà được hiện lên như một tác phẩm điêu khắc, bởi nàng tắm sau bức trướng hồng tẩm hoa. Nếu dùng rõ ràng như một số người thì hóa ra nhìn được chân tơ kẽ tóc của Kiều sao?
Nhắc đến những thành quả của mình, ông Bảo rất đỗi tự hào. Ông nói mình đến với Truyện Kiều là cái duyên và cũng là cái may. Cụ Nguyễn Du đã phù hộ để ông có thể tìm gặp được nhiều bản truyện đến thế. Từ chỗ là một người nghiệp dư, ông đã trở thành người “giàu có” các bản Kiều nhất hiện nay.
Một thời “Cứ nghe ở đâu có Kiều. Thì lòng cũng quyết tâm liều dấn vô”, ông Bảo tiết lộ rằng, ông đang nghiên cứu hai tác phẩm nổi tiếng là Chinh phụ ngâm và Hoa tiên, bởi đó cũng là những kiệt tác của văn chương nước nhà, mà theo ông, bản dịch chữ Quốc ngữ còn nhiều điều phải bàn lại. Bước đầu, những nghiên cứu này đã có thành quả.
Truyện Kiều do ông Nguyễn Khắc Bảo phiên âm và khảo cứu từ bản chữ Nôm năm 1879 là một công trình nghiên cứu công phu, có những phát hiện giá trị, bổ sung vào kho tàng văn học nước nhà.
Trải qua mấy trăm năm, kiệt tác Truyện Kiều được nhiều thế hệ truyền khẩu rồi ghi chép lại, không tránh khỏi “tam sao thất bản”. Vì vậy, chúng ta hiện có những bản Kiều cổ khác nhau và có những sai lệch về một số từ ngữ mà các nhà nghiên cứu, các nhà Nho, nhà giáo và những người say mê sưu tầm Truyện Kiều vẫn tiếp tục tìm tòi, phát hiện, nhằm tìm ra bản Truyện Kiều chuẩn xác. Do đó, bản Kiều của ông Nguyễn Khắc Bảo là một đóng góp quý báu, đáng ghi nhận.
Hơn chục năm qua, ngoài nghiên cứu Truyện Kiều, ông Bảo còn sưu tầm tiền cổ và tượng cổ. Ngôi nhà chật chội của ông từ đó càng chật hơn khi các món đồ sưu tầm nhiều lên. Đến nay, ông Bảo đã có trong tay một tạ tiền xu và hơn 2000 pho tượng mô tả cảnh sinh hoạt vợ chồng, sinh hoạt đời sống của cư dân đồng bằng sông Hồng, phục vụ rất hữu ích cho công tác nghiên cứu văn hóa dân gian.
Từ khóa » Câu Thơ Rõ Ràng Trong Ngọc Trắng Ngà
-
Mãi Một Tuyệt Tác...Kiều - Tiền Phong
-
Rõ Ràng Trong Ngọc, Trắng Ngà Dày Dày... - Phật Ngọc Từ Tâm
-
Bức Tranh Khỏa Thân Trong Truyện Kiều - ĐÔI BỜ HIỀN LƯƠNG
-
Sex Trong Truyện Kiều - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Rõ Ràng Trong Ngọc Trắng Ngà - Trang Tin Sức Khỏe, đời Sống Trẻ
-
Dưới Trăng Quyên đã Gọi … Tòa Thiên Nhiên - Huỳnh Ngọc Chiến
-
Tìm Bài Thơ "ro Rang Trong Ngoc Trang Nga" (kiếm được 2 Bài)
-
Rõ Ràng Trong Ngọc Trắng Ngà/Ein Frauenleib Wie Jade…
-
Một Tòa Thiên Nhiên - Xem Nôm Thúy Kiều
-
Kiều Tắm - Trang Tin Tức - Trần Nhương
-
Từ Điển - Từ Trong Ngọc Trắng Ngà Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
Tính Dục Trong Truyện Kiều — VIETNAM GLOBAL NETWORK
-
Năm Mươi Câu Kiều Hay Nhất - Báo Đại Biểu Nhân Dân