Duyên Nợ Ba Sinh - VĂN THƠ NHẠC

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Duyên nợ ba sinh

Duyên nợ ba sinh

Lời tựa

Ví chăng duyên nợ ba sinh Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi (Truyện Kiều - Nguyễn Du)Người ta đều nói chết rồi muôn sự chẳng còn, thật ra, rất nhiều việc vẫn mãi tồn tại, chẳng hủy chẳng diệt, bất sanh bất tử. Tôi là một tên quỷ tốt, một tiểu lâu la dưới quyền Ty chủ Luân hồi. Chúng tôi được xem như là những chúng sinh thấp hèn nhất trong toàn cõi đất trời, chỉ có thể sinh hoạt trong địa ngục tối tăm, muôn đời muôn kiếp. Nhiệm vụ của tôi chỉ là xem xét tình hình bên sông cầu Nại Hà, một công việc có hơi nhàn rỗi, bởi vì nơi đây ngoại trừ những hồn hoang quỷ chiếc thỉnh thoảng bước qua, đều không có cái gì, cũng chẳng thể có gì xảy ra. Tôi thường hay ngồi ngơ ngẩn bên cầu Nại Hà, thẫn thờ nhìn những phách hồn cô độc, đơn chiếc phơ phất lướt đi. Ngày ngày, tháng tháng, năm năm, ngày lại một ngày, năm lại một năm. Có một hôm, Ty chủ Luân hồi cho gọi tôi đến, bảo rằng tôi trung thành với chức vụ, bởi vì tôi đã tuần tiễu nơi cầu Nại Hà suốt ba trăm năm, chưa từng xảy ra lầm lẫn. Thế nên Ngài cho tôi làm Sứ giả gọi hồn, để tôi có cơ hội đến trần gian xem ngắm. Chốn trần gian quả thật quá tốt đẹp, cái gì cũng có, so với nơi địa ngục chỉ có sự âm u và đen tối này chẳng khác gì như một cơn mộng. Tiếc thay mỗi lần tôi đến nhân gian đều là nửa đêm, hơn nữa đều là đi bắt phách hồn người khác. Tháng ngày chồng chất, tôi biết được hình như hạng người như tôi, ồ không, phải là ma quỷ chứ, là người ta sợ hãi nhất, căm thù nhất. Bởi vì chúng tôi mà đến, chỉ có nghĩa là chấm dứt cuộc sống trần gian. Tôi chỉ còn cách cười gượng, bởi vì người ta tin vào vận mệnh, đồng thời khiếp sợ vận mệnh, tiện thể mà thù hận ngay cả đến chúng tôi. Thời gian bao giờ cũng trôi qua rất nhanh, lại trăm năm nữa trôi qua rồi. Ty chủ Luân hồi nói với tôi rằng tôi đã có bốn trăm năm đạo hạnh, chờ đến lúc tôi được năm trăm năm đạo hạnh, tôi có thể chuyển kiếp đến trần gian, hay ở địa ngục tu hành để làm một vị thần tiên. Ngay lúc ấy tôi vui lòng lắm, hài lòng đến nỗi cười lên được, có lẽ đây là lần đầu tiên mà tôi cười đấy. Đại ca Bạch Vô Thường có mặt tại đó bèn chế nhạo tôi, nói tôi cười còn khó coi hơn quỷ. Tôi nói: Tôi vốn chính là Quỷ. Nhưng mà Bạch Vô Thường cười còn khó coi hơn tôi, người ta mà trông thấy nghỉ 1 cười, chắc là sợ đến chết. Trong khoảng thời gian trăm năm sau cùng, tôi tiếp tục làm hết sức từng mỗi việc mà Ty chủ Luân hồi giao phó. Thế nhưng tôi cảm thấy một trăm năm này còn dài hơn, dài đằng đẵng so với bốn trăm năm ban đầu. Tôi mong mỏi biết bao rằng nó qua đi nhanh một chút, để đến ngày đó, tôi nhất định phải đi chuyển kiếp, đến trần gian…Thiên thứ nhất Duyên Cớ Ngàn NămMột hôm, tôi dạo chơi bước đến bên cầu Nại Hà, trong tăm tối mơ hồ truyền lại tiếng khóc có chút nghẹn ngào. Tôi bước qua để nhìn xem, thì ra là một nữ quỷ đang khóc nơi đó. Tôi hỏi cô ta vì sao dừng lại trong chỗ ấy. Cô ta nói cô không cẩn thận đã làm tắt lửa chiếc lồng đèn chiếu rọi đường chuyển kiếp rồi. Lúc mà trong lòng khoan khoái, tôi cũng tự nguyện giúp đỡ người khác (quỷ đấy); khi ấy lòng tôi vui lắm, cho nên tôi bèn nói tôi có thể đưa cô về phủ Luân hồi. Cô ta chùi nước mắt, hướng về tôi nở nụ cười xinh xắn: "Cám ơn anh!" Khoảnh khắc ấy, ngực tôi như bị cái gì đó đấm mạnh một cái, bên trong tim nhảy loạn lên… Tôi chưa từng thấy qua một nụ cười nào của hồn quỷ mà tươi đẹp đến thế, tôi chỉ cảm thấy chân mình dường như đã yếu mềm… Về đến phủ Luân hồi, Ty chủ xem xét hồ sơ ký lục về cô ta, rồi nói cô này là kẻ chết oan, không thể đầu thai chuyển kiếp, chỉ có thể ngụ nơi Uổng Tử Thành. Cô ta thình lình khóc nấc lên, đột nhiên tôi cũng mềm lòng, bèn hỏi Ty chủ tôi có thể nhường cô ấy đi đầu thai không? Ty chủ nổi cơn giận dữ, mắng tôi một trận, la hét đến nỗi cả người tôi run lên, cô ta cũng khiếp sợ không dám khóc nữa. Tôi chán chường ủ rũ đưa cô ấy đến Uổng Tử Thành báo danh, suốt trên đường một câu tôi cũng không buồn nói. Đến Uổng Tử Thành rồi, tôi để cô ta đi vào, cô ấy gật đầu, tiến bước vào thành. Tôi đưa mắt trông theo cô ấy đi xa dần, lúc này, cô hồi đầu lại nhìn tôi, còn cất lên một câu: "Cám ơn anh". Hình bóng cô nàng dần dần mất hẳn tại cửa thành, chỉ còn tôi đứng tại nơi ấy mà ngẩn ngơ khờ dại. Thời gian từng ngày một trôi qua, tôi cảm thấy quái lạ là tôi vẫn còn nhớ đến cô ta. Thế là thỉnh thoảng tôi lại tìm dịp chạy đến Uổng Tử Thành, lén lút nhìn trộm cô nàng. Tôi phát hiện ra rằng cô ấy thường hay vội vội vàng vàng chạy đến Vọng Hương Đài từ rất sớm, tại nơi ấy ngồi đó trọn cả ngày, sau cùng khóc lóc rồi bỏ đi. Chẳng biết vì sao, mỗi lần nhìn thấy nàng ta khóc, tôi cũng muốn khóc… Ngày xuân lặng lẽ qua đi, hoa dương tàn rụng đã hóa làm tuyết trắng bay khắp trời. Lúc chim én quay về, chân trời bầu bạn cùng ánh ráng chiều rực rỡ, kẻ rời xa thì đã tan biến nơi tròng mắt trong như nước, nghỉ mới đến mà từ lâu đã khắc dấu nơi tim. Giữa lúc sơ ý, có một nỗi tâm tình ngấm ngầm khuấy động mà lại giống như trước đó cứ quanh quẩn trong lòng, ấy là chưa từng theo chim én trời Nam quay trở lại. Tiết Thanh Minh năm đó, tôi tìm thấy phần mộ của cô nàng. Đằng trước một nắm đất vàng, rượu nhạt một chung, trái cây ba thứ, hai người khóc nức nở, một người lớn và một trẻ em. Tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn hai người ấy, một nỗi thương tâm và mất mát trước giờ chưa từng có đang vương vấn mãi trong lòng. Tôi ở lại nơi ấy rất lâu, suốt đến đêm khuya. Uống xong cốc rượu trần gian, rượu xấu đắng chát, trong lòng lại không cảm nhận ra mùi vị là gì. Có một lần, tôi vô ý hỏi đại ca Bạch Vô Thường, người chết oan làm thế nào mới có thể được đầu thai. Anh ta nói cần có nhân quả. Tôi hỏi nhân quả là cái gì. Anh nói rằng nhân quả thật ra cũng chỉ là cái giá phải trả, nếu như có người đem cơ hội đầu thai nhường cho một người không có cơ hội, như thế thì người ấy có thể được đầu thai. Anh còn nói, cơ hội đó đến thằng ngốc cũng không vui lòng nhường lại cho kẻ khác. Tháng ngày lại trôi qua lâu lắm, Ty chủ Luân hồi cho gọi tôi đến, nói rằng tôi đã đủ năm trăm năm tu luyện, rồi hỏi tôi có chọn lựa gì chăng. Tôi nói tôi ước mong được đi đầu thai, Ngài hỏi tôi muốn đi nơi nào, tôi nói tôi vui lòng nhường cho cô ta đi đầu thai. Ty chủ giương to mắt mà nhìn tôi, Bạch Vô Thường càng sửng sốt đến buông lưỡi xuống tận mặt đất. Ty chủ cho tôi biết, nếu như tôi từ bỏ năm trăm năm đạo hạnh, sẽ phải trở lại làm một tên quỷ tốt như trước. Tôi nói: "Con vui lòng như thế." Nói xong, tôi lẳng lặng rời bước. Khi ấy trong lòng tôi rất bình thản, tựa hồ như đều chẳng có việc gì xảy ra… Cô ấy ra đi vào hôm đó, tôi lén lút nhìn theo cô nàng, đến lúc cô uống chén cháo lú của Mạnh bà bà, rồi lên Chuyển Luân đài. Từ nơi xa xa, tôi đã nhìn không rõ cô ta, tôi nhịn chẳng được mà phải bước ra từ nơi ẩn nấp, ngóng về nơi xa đó. Mạnh bà bà nhìn tôi mà kinh ngạc, chầm chậm thở dài một hơi, rồi tiếp tục quấy quậy món cháo lú của bà… Tôi lại trở thành một tên quỷ tốt, vẫn là phụ trách việc tuần tra, mỗi ngày tôi đều đến đầu cầu Nại Hà, đi trông ngóng. Tôi tin rằng, một ngày nào đó, tôi lại có thể nhìn thấy cô ta… Ngày tháng lại trôi qua, ngày này sang ngày khác. Tôi tại bên cầu canh giữ, một ngày lại một ngày. Những ngày ấy đã nhiều đến nỗi tôi không còn đếm được nữa. Ty chủ Luân hồi lại cho gọi tôi đến, bảo rằng tôi đã canh giữ nơi địa ngục thêm năm trăm năm rồi, có thể chọn lựa con đường cho chính mình từ giờ trở đi. Nghe Ty chủ nói xong, mà tôi ngỡ ngàng, lại là năm trăm năm rồi! Trong năm trăm năm này, ngày ngày tôi đều canh giữ tại bên cầu, nhưng làm sao mà suốt thời gian ấy tôi chẳng hề trông thấy cô ta quay lại chứ… Ty chủ nhìn thấy tôi với bộ dạng thần trí chẳng yên, bèn thở dài ngao ngán. Trong cơn bối rối bàng hoàng, tôi lại bước đến bên cầu Nại Hà. Tại bên cầu này, tôi đã chờ đợi năm trăm năm. Năm trăm năm biển thắm hóa nương dâu, đến đất đá trơ trơ cũng rêu xanh phủ kín. Tôi lại không chờ được đến lúc cô ta quay lại… Sau đó, Bạch Vô Thường cho tôi biết, nếu mà ai chuyển kiếp đầu thai, Trời mới biết kẻ đó sẽ biến thành hình dạng thế nào, là nữ hay là nam. Ngay lúc ấy, tôi đột nhiên phát hiện sao mình ngu quá, ngốc quá. Vì sao mà có sự an bài như thế. Mắt tôi vào khoảnh khắc đó mờ nhòe lệ thắm… Trong tối tăm thăm thẳm, một hồn quỷ khóc lóc thảm thê. Lần này thì tôi chẳng biết tôi phải mong chờ gì nữa… Chuyện quá khứ tất cả đã qua rồi, như ngấn lệ trong cơn mộng đêm qua, sáng nay đã không cách chi tìm kiếm. Tâm tư vào mộng vô cùng tận, mơ hồ xa vọng vang vang như trống vỗ, động rung thế giới nứt tan. Tỉnh mộng rồi lại chỉ còn sót những mảnh tàn vụn không làm sao chắp nối, như văn tự thời xưa cổ, chẳng biết đâu mà nói. Thế nhưng những tiếng thầm thì ấy phảng phất nơi ký ức ai đâu, lại giống như ánh chớp bừng sáng, bức xé đêm không vô tận biển tâm đầu. Không biết mộng mơ đến cái gì, cũng chẳng mong muốn đuổi theo mây trôi trong giấc mộng. Tôi biết rằng, chẳng phải đau lòng, tự nhiên sẽ không rơi lệ. Lã lướt tơ đàn, nhẹ cất tiếng ca; mà đừng hát khúc sầu thương, chuyện buồn đau trong cõi hồng trần, đã quá nhiều. Tiện tay cầm bút, lấp đầy câu chữ; khó mà viết mãi chuyện cười, niềm hoan lạc nơi đời nhân thế, ai người biết? Và tôi giống như hoa dại trong sương gió, chẳng hay sẽ vì ai mà bừng nở; tựa như cỏ hoang cô độc chốn đồng không, chả biết sẽ vì ai mà xanh lá. Tôi lại lần nữa buông trôi nguyện ước được đầu thai, tôi sợ lại nhìn thấy trần gian sâu thẳm đó cuốn hút tôi… lo sợ lại nhìn thấy nụ cười xinh xắn khiến tôi chẳng thể nào quên… Ty chủ Luân hồi thở dài bảo rằng Quỷ mà vướng víu tội nghiệt trần ai giống tôi như thế thì làm sao thành thần tiên được. Tôi lại như cũ mà ngồi bên cầu Nại Hà, làm một tên quỷ tốt, để đợi để chờ một người e rằng không còn tồn tại nữa. Lại lần nữa ngồi ở đầu cầu, tôi nhìn theo các hồn quỷ lướt ngang qua, trên mặt họ dường như đều viết lên một câu chuyện, bên trong tròng mắt trống rỗng của họ, hình như đang kể lể về một thời điểm từng trải nào đó trong dĩ vãng. Nhìn thấy sự mê man bối rối của họ, tôi mừng cho mình vẫn còn tri giác, rồi tôi dần dần hiểu được, thế gian đã gây cho mọi người biết bao là thắc mắc, mà câu trả lời cần phải tìm kiếm nơi đâu chứ? Địa ngục chăng? Tôi không nghĩ vậy, bởi vì trong lòng tôi, cũng có quá nhiều quá nhiều nghi vấn. Lại lần nữa tôi quay về những tháng ngày không hoan lạc, không hy vọng, không ưu sầu, tháng ngày của một hồn quỷ. Thuận tay lướt gảy tơ đàn, một bản trường ca tùy hứng, ai mà lường trước tiếng đàn chất chứa oán hờn, đỗ quyên máu lệ, người mong quay về. Tuổi trẻ đâu đã nhận biết mùi vị buồn rầu, phổ làm chi lời ca mới sầu quá đỗi… Ai biết được trong tơ đàn hỗn loạn còn hai chữ tâm sâu nặng, trọn đời sầu thương! Dây tơ theo tiếng lòng rung, giận thay ngón đàn khó như ý, chỉ làm được nửa bài mà lời ca chẳng trọn, một khúc đàn buồn. Ngàn năm chìm nổi, trong bể óc chỉ góp nhặt vô số điều vụn vặt không tròn. Nhìn lại xưa kia, vật còn đó mà người đã khác rõ ràng thay. Tràn trề hy vọng chắp nối được bao điều vụn vặt trong ký ức, ai hay rằng lại biến thành một chiếc thuyền hoang không chở người mà tự sang ngang. Thời gian tiếp nối từng ngày một qua đi, tôi ngày này sang ngày khác đi lại bên cầu, cho dù tôi đã không còn mong chờ nữa, nhưng tôi mỗi lần lúc đi ngang đều chẳng thể cầm lòng mà vọng nhìn sang, xem xem từ bên cầu ấy phải chăng có bóng hình tôi không thể quên được. Mỗi lần như thế, tôi đều thầm cảm thấy mình ngu quá, trong bụng tự mắng mình mấy câu. Thế nhưng, chỉ cần đi qua đây, tôi đều làm chuyện ngu đần ấy. Thậm chí tôi còn điên khùng tới mức chạy ra Uổng Tử Thành, muốn nhìn xem là phải chăng còn có hồn quỷ nào đó đang trên Vọng Hương Đài khóc lóc. Trong những ngày sau đó, tôi bắt đầu có chút hối hận, hối hận vì sao vào lúc cô ấy rời khỏi mà chẳng đến nói với cô một câu cuối cùng; hối hận vì sao vào lúc cô ấy ra đi phải lén lút dấu mặt mà không nhìn cô lần cuối; hối hận vì sao vào lúc cô ấy ly khai… May thay thế gian còn ký ức, ghi nhớ được những sắc mầu đẹp tươi trên thế giới; thương cho thế gian còn ký ức, ghi nhớ được những mầu tối đen xám nơi thế giới. Phép thuật thời gian đem những mầu sắc và mầu đen trắng chồng chất vào nhau, xé nát nó đi, vẫy tung nó đi… lưu lại khắp trời giấy vụn bay lả tả. Hãy để tôi đuổi theo, để tôi chắp ráp lại… để quên đi tất cả, để không được lãng quên gì cả, để quên hết tất cả những gì chưa quên được. Trong mưa xuân đóa hoa hé nở, rồi theo gió thu tơi tả rơi bay, cánh hoa nhẹ múa, để sau cùng dưới ánh nắng đẹp tươi mà hát lên bản tình ca lưu luyến chẳng lìa xa. Những cánh hoa chẳng tự nguyện chia lìa kia ơi, chỉ như tim tôi mà tan tác hóa thành bùn. Chúa thiên nhiên ơi, Người cho gió xuân dìu dịu đánh thức phách hồn hoa, vì sao lại để mưa thu vô tình vùi chôn đời hoa chứ? Lẽ nào tất cả những gì trên thế gian đều phải có đầu có cuối… Buổi chia tay bao giờ cũng quá vội vàng, vẫy lại vẫy tay, bên trời áng mây như cũ. Khách đi qua vội vã, giữa lúc vô ý bỗng nhiên quay đầu mới biết mới hay. Mà lúc này sớm đã vào khúc cuối người tan, tiếng vỗ tay màn hạ ngân vọng bên tai, trên sân khấu lại chỉ còn một mình cô độc với mùa thu lặng lẽ. Buổi chia tay bao giờ cũng quá vội vàng, vẫy lại vẫy tay, trông tựa muốn đi mà vẫn còn ở lại. Trong tiếng gió thu người cất bước đi xa, nếp gấp tà áo váy đã từng phơ phất ở bên mình, quanh quẩn bên tai những lời êm ái dịu dàng của chiếc dây diều ấy, để mặc cánh diều bay mỗi lúc một xa. Sợi dây sớm đã đứt đoạn, chiếc diều từ lâu không biết đã nơi đâu. Tôi lại chưa biết tất cả đã hết rồi, cứ như cũ mà nắm chặt sợi dây đứt đoạn đó, cứ đợi cứ chờ quay lại, quay về. Buổi chia tay bao giờ cũng quá vội vàng, vẫy lại vẫy tay, vẫn mơ hồ nhớ được hơi em thở, vẫn thường xuyên hoài niệm tóc em dài, vẫn tình cờ tìm kiếm bóng hình em… Chờ đến lúc gió thu lại đến, tôi chẳng biết tất cả những điều này phải chăng cũng sẽ giống như hoa tàn bị mưa vùi dập bị gió cuốn đi, điêu tàn, mai một, không còn lại chút gì vết tích. Khó gặp nhau, dễ chia lìa, tựa như hoa tuyết trên lầu ngọc… Rất lâu sau đó, rất lâu, lâu lắm… Hôm ấy, tôi trông thấy Địa Tạng Vương Bồ Tát. Địa Tạng Vương Bồ Tát là vị thần tối cao nơi Địa ngục, cũng là đấng thiện lương ôn hòa nhất. Ngài dùng huệ nhãn nhìn một cái là thấu hiểu sự hoang mang, do dự, âu sầu chất chứa cả ngàn năm trong lòng tôi; ngài rất kinh ngạc về tôi, một hồn quỷ mà sao cũng có tâm sự như thế. Ngài thở dài bảo: "Chúng sinh nơi bể khổ, quay đầu lại là đến bờ". Nhưng tôi trước giờ có nghe mà không hiểu lời ngài. Tôi bèn đem hết tất cả những chất chứa trong lòng mình kể ra cho Bồ tát nghe. Bồ tát hỏi tôi: "Cái gì là duyên." Tôi trả lời không được. Bồ tát lại hỏi: "Cái gì là tình." Tôi hoàn toàn không biết. Cuối cùng Bồ tát hỏi tôi: "Ngươi có nguyện vọng gì không?" Tôi cũng không thể kiềm chế mình được nữa, khóc nức nở nước mắt tràn lan cầu xin Bồ tát cho tôi một lần làm người, cầu xin Bồ tát cho tôi và cô ấy được kết một đoạn trần duyên. Bồ tát chấp thuận, đồng ý dùng một ngàn năm tu tập của tôi đổi lấy một lần luân hồi làm người cùng kiếp với cô ta. Cuối cùng, Bồ tát bảo tôi rằng: "Vạn sự tùy duyên, đừng cố chấp." Tôi như hiểu như không bèn gật đầu. Hôm ấy, sau cùng tôi đã chuyển kiếp để làm người. Nhà tôi là gia tộc giàu sang quyền thế trong vùng, tôi vừa được sinh ra đã là cậu ấm. Dần dần, tôi lớn lên, yêu thích một cô gái hàng xóm. Gia đình cô là người làm thuê cho gia đình tôi. Từ bé cô ấy đã giúp việc trong nhà tôi, thời thơ ấu chúng tôi cùng nhau nô đùa, nhưng lớn lên rồi lại dần dần xa cách. Nhưng tôi phát hiện, tôi càng ngày càng yêu thích cô ta. Hơn nữa, tôi nghĩ, cô ta cũng phải ưa thích tôi chứ! Năm cô mười tám tuổi, cha mẹ tôi chịu hết nổi lời thỉnh cầu của tôi, mới quay sang gia đình cô ta đề nghị kết thông gia, gia đình cô đương nhiên bằng lòng. Hôm ấy tại nhà cô, gặp cô ngoài cửa, lòng tôi ngập tràn vui sướng và muốn nói cùng cô đôi lời, ai ngờ, tôi nhìn thấy trong đôi mắt cô lại để lộ ra sự căm ghét vô cùng. Tim tôi bỗng nhiên đông cứng lại, tôi ôm tâm trạng bất an mà quay về nhà, âm ỷ cảm giác sắp xảy ra chuyện gì đó. Quả nhiên, vào hôm làm lễ đón dâu, cô ấy cùng một chàng trai láng giềng bỏ nhà trốn mất. Cha tôi nổi trận lôi đình, sai cả bọn gia đinh đuổi theo, tôi cũng ruột gan rối bời mà chạy theo. Chẳng lâu sau đã đuổi kịp hai người ấy, tôi kinh ngạc, bàng hoàng, sợ sệt, không biết phải nói gì, chỉ có ngớ ngẩn ngó nhìn cô, cứ nhìn cô. Cô ta cũng nhìn tôi, trong đôi tròng mắt trong suốt ấy xoay vòng nỗi hận thù chực đem tôi ra mà cắn nuốt. Ngay lúc biết bao xúc cảm lẫn lộn, tim tôi một cơn co thắt "cô ấy thù tôi!!" Trước mắt tôi một mầu đen tối… Chờ đến lúc tôi tỉnh lại, mấy người gia đinh cho tôi biết cô ta và chàng trai hàng xóm dọc đường chạy trốn, cuối cùng sánh đôi nhảy xuống sườn núi tự sát rồi… Tôi nghe nói tin này, thế giới tất cả đều không còn tồn tại nữa, thời gian không gian đều nát tan thành tro bụi… Người thương ngày trước chỉ để lại một đường nét xám mờ. Tinh thể quá khứ trong tay tôi đã biến thành nét vẽ rời rạc trên đất cát, bị dòng triều vũ trụ vỗ nát tan, từng chút từng chút một, rồi hóa làm cơn gió. Gió đi về đâu? Bạn không vui lòng mang tôi đi, nhưng ít ra bạn mang tim tôi đi chứ, xin đừng bỏ tôi lại một mình, ở tận cùng thế giới mà kêu gào, kêu la không dứt. Đêm đen gần sắp đến, cuộc sống cũng mất dần, vì sao đôi lòng hẹn ước bên nhau lại không cách nào tháo gút, vì sao hai chữ tâm sâu nặng lại không cách nào chồng chất lên nhau!? Chờ đến lúc tôi tỉnh lại lần nữa, tôi phát giác mình đã ở bên cầu Nại Hà, Bạch Vô Thường đứng bên cạnh tôi. Chờ cho tôi hồi phục tinh thần, Bạch Vô Thường cho tôi biết, tôi hôn mê sau đó không lâu, thì than ôi mất mạng rồi… Nghỉ còn cho tôi biết, cô gái tự sát vì tình đó chính là người mà năm xưa tôi khổ đau chờ đợi, hiện giờ đã đến Uổng Tử Thành. Trong đầu tôi rối loạn, toàn bộ ký ức vỡ nát mà dâng khắp trong tim trong dạ, tôi không biết phải làm sao… Bạch Vô Thường đưa tôi đến chỗ Địa Tạng Vương Bồ Tát, Bồ tát mỉm cười không nói. Tôi chịu hết nổi bèn hỏi Bồ tát: "Vì sao cô ấy ghét tôi?" Bồ tát nói, đây là nhân quả. Tôi hỏi, cái gì là nhân quả. Bồ tát nói: "Có duyên chính là nhân quả. Ngươi từng cho cô ta một lần luân hồi, cô ta nửa đời phục dịch ngươi, đây chính là nhân quả. Ngươi cho cô ta một duyên đầu thai, là bởi vì cô ta do ngươi mà chết oan. Cô ta gây ra cái chết cho ngươi, thì cô ta phải hoàn trả ngươi một duyên đầu thai. Người ta thường nói rằng "Đời trước kiếp sau", thật ra không có trước sau, đời trước là đây, đời này cũng là đây. Có đến thì có đi, từ đầu đến cuối lại chẳng có gì sanh mà cũng chẳng có gì chết." Tôi cảm thấy toàn bộ tất cả những điều này đều là một sự hiểu lầm, vào một thời khắc khác nhau, gặp gỡ một người khác nhau, xảy ra một chuyện khác nhau. Dường như có thể thấy được một kết quả có thể đoán trước, nhưng việc đời nào phải thế đâu, là tôi sai rồi. Đã lỡ rồi thời gian một ngàn năm. Đã mất rồi hai quãng đời người phải nên hạnh phúc. Tôi trong khoảnh khắc ấy lĩnh hội được ý nghĩa luân hồi, sở dĩ mà người ta luân hồi, là vì có vô số sự sai lầm, biết bao điều hối tiếc, quá nhiều sự mong mỏi, biết bao điều mất mát, muốn đến kiếp vị lai để đền bù để lấy lại. Nhưng lại càng luân hồi không bao giờ dứt, rồi khi rơi vào trần thế đình trệ ấy thì người ta lại không thể nào nhớ được những việc đã qua trong kiếp trước để làm sự chỉ dẫn cho hành động trong kiếp này?! Luân hồi là kinh điển Phật môn, để chúng sinh lầm lạc nơi bể khổ hiểu được mà quay đầu thấy bến, nhưng con người cố chấp thì làm sao lại có thể hiểu được tâm ý của Phật, nên cứ chui đầu vào thế gian tạo ra những điều hối tiếc. Ít nhất, tôi không hối tiếc. Cuối cùng, tôi hiểu được tâm ý của Bồ tát chỉ điểm tôi, nhưng tôi vẫn không đáp ứng lời Bồ tát, tôi cũng không sẵn lòng để nghiền ngẫm lời của Bồ tát. Bởi vì tôi từng cảm nhận được hạnh phúc, từng cảm nhận được buồn thương, trải qua khoái lạc, trải qua đau lòng. Từng có cơn mộng ngàn năm bất diệt, từng có mối duyên kiếp trước đời này, có tất cả những điều ấy, tôi đã quá đầy đủ rồi. Sau cùng tôi vẫn buông bỏ sự luân hồi hoặc tu hành kế tiếp, tôi vĩnh viễn vui lòng với sự sinh hoạt trong ảo mộng ngàn năm đã tiếp diễn ấy của tôi, vĩnh viễn làm một tên quỷ tốt cô độc ngồi bên cầu Nại Hà. Bởi vì, tôi tin rằng một ngày nào đó, tôi có thể gặp lại cô nàng, người ấy vĩnh viễn chẳng đổi thay…--------------------------------

1

Nghỉ = kẻ ấy; đại từ ngôi thứ ba.

Thiên thứ hai Vận May Tản LạcNgười ta có tâm, nên sẽ nghĩ suy rất nhiều chuyện, và cũng sẽ quên đi rất nhiều chuyện. Tôi chẳng biết là quỷ nơi địa ngục có tâm hay chăng. Thời gian ngày ngày qua đi, tôi cảm thấy mình càng ngày càng trở nên lãnh đạm, rất nhiều sự việc trong quá khứ, đã không còn nhớ rõ cho lắm. Tôi dần dần quên đi những giờ khắc xúc động, thương xót, đớn đau; quên rồi, dường như quên cả rồi… Đầu óc đã quên rất nhiều điều, cần phải có cái gì mới bù đắp vào, thế là, ngay năm ấy tôi bắt đầu suy xét lời nói của Bồ tát, dường như cũng hiểu được một vài đạo lý. Kiếp phù du toàn là khổ, vạn tướng vốn là không. Đây là lời nói của Bồ tát, tôi tin rằng Bồ tát nói đúng, nhưng tôi thật tình chưa hiểu được, đã là "hồng trần mười trượng" muôn hình ngàn tướng vì sao nó lại là Cảnh Không chứ? Đã là Cảnh Không, vì sao lại muốn dùng thế giới phồn hoa làm rối loạn mắt người chứ? Thần Phật đương nhiên là bậc thanh tịnh, nhưng kẻ phàm phu tục tử làm sao có thể thấu hiểu cái gọi là sự thật của bề sau mặt ngoài này chứ?! Lẽ nào đây là Thần Phật cố tình bày trò để làm khổ con người sao? Khiến người ta chẳng kham nổi biển khổ mà quay đầu về nước Phật? Thần Phật nham hiểm đê tiện như thế, là đáng phải cho xuống Địa ngục. Nhưng mà, tôi tuyệt đối không tin Thần Phật lại đi bỡn cợt người đời, bởi vì các ngài là đấng từ bi bậc nhất. Toàn bộ tất cả những điều này, giải thích thế nào đây? Tôi vùi đầu vào kinh sách, mê cuồng trong giáo lý Phật môn, tôi muốn biết, toàn bộ những điều này là như thế nào. Tôi còn nhớ một ít sự tình nơi trần thế vào năm ấy, bây giờ nhớ lại, nghĩ đến mà kinh. Nếu như tôi có thể hiểu rõ vấn đề nhân quả trong sự việc đó, tôi tin rằng, nỗi thống khổ trên thế gian cũng sẽ dần dần tan mất. Tôi đã từng hoang mang và chờ đợi suốt ngàn năm, nên muốn giúp đỡ những linh hồn hoang mang lạc lõng giống như tôi, những kẻ cùng chung nỗi khổ, thì cũng như giúp giải thoát chính mình. Trong sự kiếm tìm lục lọi, không biết tàn hết bao mùa giá lạnh, bất tri bất giác, tôi lại vùi đầu trong kinh điển đã ba trăm năm. Ty chủ Luân hồi đã từng cho gọi tôi trở lại, bảo tôi đạt được Đại đạo, muốn tôi làm phán quan bên cạnh ngài, tôi khước từ. Bạch Vô Thường lại kinh ngạc đến thè lưỡi xuống tận mặt đất, nói tôi gì mà đã xem thường danh lợi, đã đạt cảnh giới "Tứ đại giai không", chỉ muốn ban ngày thăng thiên. Tôi chẳng nói gì, chỉ thầm mắng trong lòng: Tôi nào phải hòa thượng, Không cái gì mà Không, cái gì mà xem thường danh lợi, chẳng qua là trong lòng tôi đang bời bời rối loạn thế thôi. Nhưng không biết tự lúc nào, những người chung quanh, ồ không – phải là Quỷ chứ, đã lễ độ hơn đối với tôi, Bồ tát cũng thường xuyên gọi tôi đi nghe Ngài giảng kinh nói pháp. Thật tình tôi chỉ có thể hiểu được một chút, cho dù hiểu được, tôi vẫn không cảm thấy lời Ngài hoàn toàn đúng. Bởi vì tôi tin rằng giữa Đất Trời, trong cõi mịt mù tự có Chân lý, Chân lý là cái gì? Tôi cảm thấy đó là phải làm cho chúng sinh không khổ đau nữa. Bồ tát nói phải xả bỏ tất cả dục vọng, tôi lại cảm thấy không hợp lý, cuộc sống không còn dục vọng thì sinh hoạt như thế nào? Nhưng tôi lại chẳng dám nói ra, chỉ có vâng vâng dạ dạ, sau đó dốc sức vào trong quyển kinh để tìm kiếm câu trả lời. Xem qua biết bao là kinh sách, kinh của nhà Phật, còn thêm sách của Đạo gia, tôi chỉ hiểu được một nửa ý tứ của nó. Về sau tôi cảm thấy những ý này tuy rằng hữu lý, nhưng đó đâu phải là thứ tôi cần tìm hiểu. Đặc biệt là "Nam Hoa Kinh" của Trang tiên sinh, tôi hoàn toàn bị câu chuyện hóa bướm lượn bay của ông mà đầu óc cuồng xoay, dào dạt đầy trang giấy, chẳng biết sao mà nói. Càng khiến tôi mê hoặc ấy là Bồ tát mỗi lần hỏi tôi về thiền cơ. Tôi không muốn ăn nói lung tung, không muốn trầm ngâm chẳng nói. Bồ tát lại nét cười trên mặt, tôi thật sự không hiểu tâm ý của Ngài, hoang mang thế mà hết ngày. Lại như thế mà hai trăm năm trôi qua, tôi rất lấy làm lạ vì sự kiên nhẫn của mình, cứ y như trước mà chăm chỉ xem kinh, cho dù tâm không để đó, lại có thể đọc. Xem ra đọc kinh có sự lợi ích, kinh đọc chưa xong, mà Bồ tát càng thêm lòng ưu ái, được Ngài truyền cho các pháp để tu luyện, học những thuật như là cưỡi khí bay lên, nhịn ăn tập thở, đánh chém biến hóa… Tôi vốn là một tên lính quỷ bé nhỏ, vốn là một kẻ không có tư cách để học, cũng không biết học xong dùng để làm gì, nhưng Bồ tát nói, tu luyện các pháp chủ yếu chỉ là dùng để hàng ma vệ đạo. Tôi không hiểu được, đã là Phật pháp vô biên, thì tại sao còn có tà ma ngoại đạo. Nhưng Bồ tát nói, có những kẻ bản tính ngoan cố độc ác, không dạy dỗ được. Tôi vâng vâng dạ dạ. Có một hôm, tôi đi dạo nơi địa phủ, không biết không hay lại đến chỗ nấu cháo lú của Mạnh bà bà. Bà ấy đang ngủ gục, tôi bước đến gọi bà tỉnh lại. Mạnh bà bà thình lình thức dậy, vội vã nhìn ngó chung quanh, cả lúc sau mới nhẹ thở một hơi. Tôi thấy lạ lùng quá, sao bà lo lắng như thế, bà nói, nếu có hồn quỷ nào nói là không ăn cháo lú của bà mà đi đầu thai, thì bà phạm tội nặng lắm. Tôi hỏi bà, vì sao phải ăn cháo lú mới được đi đầu thai? Bà nói: là vì để cho ký ức từ đời này sang đời khác không thể tiếp nối, khiến cho họ mỗi một kiếp đều có nỗi ân hận suốt đời không cách nào bù đắp, cứ thế mà chờ đến khi họ chán ghét nỗi khổ đau đầy đọa, thì sẽ buông bỏ sự luân hồi, tâm hướng về đại đạo. Tôi ngạc nhiên và nghi ngờ quá, phương pháp này đối với tôi mà nói, là đánh lừa người khác, là cố tình hành hạ người ta. Tôi hỏi, chẳng lẽ trần gian nhân thế là không tốt sao? Vì sao mà không muốn họ làm người chứ? Mạnh bà bà sắc mặt từ kinh dị chuyển thành hoảng sợ, cái gì cũng không trả lời, vội vàng đẩy tôi mời đi ra… Từ nơi chỗ Mạnh bà bà quay lại, tâm tình của tôi luôn luôn không cách nào bình tĩnh, tôi không muốn tin rằng thủ đoạn đối xử với chúng sinh như thế này là điều hợp lý, nhưng đấy lại đúng thật là luật trời, vì sao luật trời phải không công bằng như thế chứ? Kinh Phật nói rằng chúng sinh bình đẳng, cũng có nghĩa là chúng sinh có quyền chọn lựa cuộc sống mà tự họ mong muốn, ngay cả có người không quan tâm đến Đại đạo, cũng chỉ là điều có thể hiểu mà. Song, để chúng sinh chịu đủ đọa đày rồi đành hướng đầu về Đại đạo, đây hiển nhiên là một trò lừa bịp. Đại đạo cũng hay, trần gian cũng tốt, muôn vật trong vũ trụ sinh nở tự nhiên, chắc hẳn nó phải có giá trị thật sự, vì sao phải bất chấp mọi thủ đoạn để ép buộc, lôi kéo họ để tâm hướng về Đại đạo chứ?! Ôm lòng nghi hoặc, tôi lại vùi đầu vào kinh điển, không biết đã lật qua bao nhiêu trang kinh sách, chỉ thấy một lời giải, chỉ có Tâm hướng về Đại đạo mới là thích hợp, lý do ư? Lại không có, cũng chẳng cần lý do. Dần dần, tôi cũng mỏi mệt vì xem quá nhiều kinh sách, chỉ còn chuyên tâm tu luyện những pháp dùng để trừ ma vệ đạo. Thời gian lại trôi qua năm trăm năm sau, Địa ngục xảy ra một sự kiện; dưới mắt người khác, là một chuyện nhỏ, theo như tôi thấy, lại là một chuyện lớn, nó đã vĩnh viễn thay đổi vận mệnh tôi … Chu bút Phán quan Tần Sở là thủ hạ của Tần Quảng vương, nghỉ yêu mến một cô gái ở trần gian (chuyện tình này có lúc xảy ra), bởi vậy mới lén trốn đến nơi trần thế. Sứ giả Địa ngục khuyên giải không có hiệu quả, Thập điện Diêm vương bèn phái lính quỷ dưới âm ty đến tóm y bắt về. Ai ngờ nghỉ u mê không tỉnh, một lòng muốn đến nhân gian cùng cô gái phàm trần đó gặp gỡ, cả gan đến nỗi dám vượt ngục mà đi. Sau cùng lại vẫn bị tóm cổ, hơn nữa lính quỷ còn bắt luôn hồn phách cô gái ấy, đem cô ta giam cầm vĩnh viễn tại địa cốc u tối, để phán quan mãi mãi không cách nào cùng cô ta gặp nhau. Tần Sở vừa buồn vừa giận mới mắng chưởi chư thần tại Âm ty là mất hết nhân tính, các thần đều giận, họ muốn đem Tần phán quan tru diệt, cho y đời đời kiếp kiếp chẳng được siêu sanh. Hôm ấy, trên Tru Hồn Đài, Phán quan bị xích sắt quấn chặt, Móc Nhiếp Hồn xuyên thấu xương bả vai, lúc này ngoại trừ thân hình cao lớn của nghỉ, phần còn lại đã không thành nhân dạng. Tôi cảm thấy trong tim từng cơn co thắt, bèn liếc trộm ngó một cái sang Địa Tạng Vương Bồ Tát ngồi cao trên tòa sen; bình thường thì ngài ôn hòa nhân ái, mà bây giờ trên mặt không chút cảm tình; trong tròng mắt sâu thẳm, tôi mơ hồ nhận thấy có chút ớn lạnh, trong tim tôi lạnh rét, chỉ cảm thấy chính mình đang chìm xuống, chìm xuống… Bồ tát từ bi vô lượng ơi, trong tâm Ngài hiện giờ lẽ nào đã mất hết lòng thương xót sao?! Tần phán quan cuối cùng bị ngũ lôi ầm ầm đánh nát tan thành tro bụi… Mọi người đã tản mác rất lâu, tôi lại lén lút quay lại Tru Hồn Đài, trông thấy những mảnh hồng bào vụn nát của phán quan còn sót lại, tôi chỉ cảm thấy một nỗi thê lương vô hạn. Lúc này, một cơn gió thổi đến, một mảnh lụa trắng bị gió thổi bay lên, tôi liền vội vàng chụp lấy. Quái lạ, Địa ngục làm sao mà có gió? Tôi hoài nghi mới cầm mảnh lụa trắng ngần ấy lên xem, trên mặt có chữ: "Năm ấy trời thu trong vắt, chim én đậu bên cầu. Khéo sao gặp gỡ, tình trao như nước, mây cắt núi xanh xanh biếc. Mĩm cười cam chịu, ước ao cùng say đắm kiếp này. Rồi từ đấy, mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách". Thật là một tuyệt khúc "Vết Môi Hồng"! Quả là một tuyệt cú "Mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách". Tôi đột nhiên nhớ lại chuyện cũ ngàn năm, bên cầu hiu quạnh, một quỷ hồn cô độc, mãi ngồi ngơ ngẩn, chờ ai đó quay lại. Một giọt nước mắt tuôn rơi, thấm vào mảnh lụa trắng ngần đang trải rộng, nỗi sầu khổ tương tư buồn đau xa cách đã ngàn năm tích tụ lại lần nữa chọc thủng tầng tầng lớp lớp khóa kín nơi tim mà phun bắn trong lòng, mà tràn lan trong dạ giống như nước mắt trên mảnh lụa trắng tinh. Chỉ là hiện giờ tôi không biết, giọt lệ ngọc bi thương không tên tuổi này là vì Tần phán quan mà chảy? Là vì nàng ta mà rơi? Là vì tương tư mà rụng? Hay là vì tuôn trào cho chính nó… Gió liên tục thổi đến hất tung những mảnh vải rách nát còn sót lại trên Tru Hồn Đài, Địa ngục không có gió đấy chứ? Lẽ nào là hồn phách Tần phán quan bất tử ư? Gió càng lúc càng to, thổi phất phơ mảnh lụa trắng ấy trong tay tôi, dường như tôi hiểu được ý tứ của ngọn gió ấy, bèn bước xuống Tru Hồn Đài, hướng về địa cốc âm u mà cất bước, lúc ngoảnh lại, gió đã ngừng thổi, toàn trường tan tác những mảnh hồng bào vụn nát của Phán quan, tựa như những chiếc lá hồng rơi rụng vào buổi tàn thu… lúc này tôi cảm được, Tần phán quan có lẽ vẫn tồn tại… Lặng lẽ đến nơi nhà lao giam cầm hồn phách, trên gương mặt vô cùng tiều tụy ấy vẫn còn nhìn ra vết tích của dáng vẻ thùy mị xưa kia, tôi không ngăn được tiếng thở dài. Tôi chẳng ngờ được rằng quỷ hồn cũng vì tương tư mà khổ, vì ly biệt mà buồn, vì đôi lứa cách xa mà tiều tụy võ vàng. Đưa mảnh lụa trắng đó cho nữ quỷ ấy, tôi xoay người rời khỏi nhà giam, tôi không muốn nghe thấy tiếng khóc. Đi được một đoạn đường, tôi không còn nghe tiếng khóc nữa, nhưng lại thấy từ bên phía nhà lao truyền lại một giọng hát u sầu mà vững chắc: "Năm ấy trời thu trong vắt, chim én đậu bên cầu. Khéo sao gặp gỡ, tình trao như nước, mây cắt núi xanh xanh biếc. Mĩm cười cam chịu, ước ao cùng say đắm kiếp này. Rồi từ đấy, mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách". Tiếng ca uất ức, nhưng có hơi hám ngọt ngào; tiếng ca ai oán, nhưng có chút mừng vui thanh thản. Tiếng ca càng lúc càng xa, song trong tai tôi nghe gần như gang tấc. Tôi cắn chặt răng, tung người hóa thành một luồng khói xanh, bay khỏi nơi địa cốc… Hôm ấy, tôi hiểu được tình là vật chi, mà khiến người ta hẹn nhau sống chết. Hôm ấy, tôi đã chán ngấy vực sâu không đáy của sự mê muội hoang mang nơi Địa ngục. Hôm ấy, tôi không truy tầm Đại đạo nơi kinh Phật nữa. Hôm ấy, tôi đã rời khỏi Địa ngục. Hôm ấy, một lần nữa tôi trở lại Trần gian. Tôi đã phản bội Địa phủ, Đại đạo; tôi muốn đến nhân gian để tìm kiếm Đại đạo chân chánh. Vào khoảnh khắc đang trốn ra khỏi Quỷ Môn Quan, tôi nhìn lại Địa phủ đã ràng buộc tôi trong hai ngàn năm, "Chờ cho tôi hiểu rõ Đạo lý chân chánh, tôi sẽ lại quay về!" Tôi cho rằng: đến lúc ấy, tôi cũng sẽ không còn hoang mang nữa, khổ đau nữa…Thiên thứ ba Nổi Trôi Nơi Trần ThếTrời sáng mờ mờ, khu núi vẫn còn bao phủ trong vầng mây đen xám, tôi bồng bềnh vô định nơi giữa đám mây mù. Trong lòng tôi chất đầy những cảm giác không biết sao mà nói, bình tĩnh mà còn bối rối, kiên quyết mà lại chần chừ. Lần này bỏ đi có lẽ là tôi vĩnh viễn đi luôn, cảm giác này âm ỷ dâng lên trong lòng, khiến tôi cảm thấy hoang mang và cô độc khôn cùng. Ly khai dễ dàng quá, không cần chào từ biệt, cũng chẳng cần vẫy tay, nhưng rời khỏi nơi mình sinh trưởng, khác nào như bèo bọt lắc lư trong cơn mưa gió tiêu điều lạnh lẽo, khiến người ta mãi mãi không thể quên đi thời khắc ấy. Chim bay mỏi còn biết trở lại, lá khô rụng xuống đất quay về gốc, trong khoảnh khắc ấy, tôi cuối cùng thấu hiểu những kẻ lang bạt chết nơi đất khách quê người; sự sống đã mất, mọi việc rõ rồi, mà vẫn muốn nhờ ai đó đem hài cốt mình quay về quê xa ngàn dặm để kết tình nồng thắm. Tôi không biết tôi có thể sống bao lâu, có lẽ một trăm năm, biết đâu một ngàn năm, may ra một vạn năm. Một vạn năm là rất dài lâu, lâu đến nỗi tôi không còn biết là bao lâu nữa, nhưng ít ra vào giây phút cuối, chỉ là không rõ vào ngày ấy, có chăng ai đó đem nắm xương tàn của tôi mang về nơi chốn mà hôm nay tôi bỏ ra đi. Ánh nắng chọc thủng những từng mây, đem tia sáng rực rỡ ngút ngàn chan hòa khắp thế gian. Tôi đứng trong nắng xuống cảm thấy một sự thông suốt trước giờ chưa từng có, từng sợi nắng kéo theo từng tia nóng ấm xuyên qua tâm hồn tôi, ánh sáng chói chang tươi đẹp dường như soi thấu thân hình tôi, như một cụm sương mù mà nắng soi trong suốt. Vốn là hồn quỷ không thể chịu được ánh nắng trời, may thay hồi đó Bồ tát truyền thụ cho tôi các pháp tu tiên, nên tôi mới có khả năng tiếp nhận ân huệ từ thiên nhiên. Tôi chẳng thể không nghĩ đến Bồ tát, trong tâm tôi Ngài là bậc tôn trưởng hiền từ, tôi tôn kính Ngài, yêu quý Ngài. Song, tôi dường như lại đồng thời nhớ đến nét mặt của Tần phán quan, rõ là mong ước tàn phai, oán hờn tiêu sạch mà như cành cây khô héo; nhớ đến từng mảnh áo nát vụn dơ bẩn như lững lờ bay. Còn thêm vào lúc ấy là gương mặt của Bồ tát lạnh băng như nước, tròng mắt ấy như hố sâu thăm thẳm… Tôi không biết tự bao giờ vì sao đối với Bồ tát, tôi lại có một chút oán trách như vậy; cũng không hiểu sự bất công đối với Tần phán quan, lại làm tôi tức giận nhiều đến thế. Chẳng thể quên nụ cười quen thuộc của Bồ tát, hiền từ như một người cha. Chẳng thể quên ánh mắt vô hồn của Tần phán quan lúc Thiên Lôi sấm sét. Chẳng thể quên khúc ca u oán của phách hồn cô độc nơi cõi U Minh thăm thẳm. Trong óc tôi rối bung lên, dường như có biết bao người đang trong đó tranh cãi, kéo tôi về bên này, lôi tôi về phía kia… tôi thật sự không biết tôi nên ở bên nào, phải đi về đâu. Tôi lơ đãng đứng ở bên đường, ngắm nhìn người qua kẻ lại, ai nấy đều bước đi vội vã, vội vội bước qua, vội vàng đi lại. Tôi ghen tỵ với họ quá, họ biết mình phải đến chỗ nào, mà tôi thì chẳng biết tôi phải đi đâu, cũng chả có ai cho tôi biết, tôi nên đến chỗ nào. Thời giờ nơi thế gian rõ là trôi qua nhanh quá, chẳng mấy chốc, mặt trời đã tàn hết sự rực rỡ của mình. Đến lúc trời tối rồi, người qua lại quanh đấy cũng thưa dần, thỉnh thoảng có một người qua đường vội vã, trên mặt cũng phủ lên thần sắc khao khát quay về nhà. Nhà, tốt quá mà. Người vợ ở nhà có lẽ đã làm xong bữa cơm, chờ đợi người chồng ngoài phố quay về nhà sum họp, đàn trẻ thơ có lẽ đang chờ cha chúng ngoài kia mang về những quà ăn vặt, đồ chơi mà chúng trông mong. Mà những người bước đi vội vã trên đường, có lẽ đều nghĩ đến bữa ăn thịnh soạn trong nhà, người vợ dịu dàng và bầy trẻ ngây thơ. Rồi khi về đến nhà, bầy trẻ thơ ấy lập tức sấn vào lòng, người vợ mỉm cười nồng ấm vô cùng… Nhà, tôi không có cái nhà, cũng chẳng biết nơi đâu mới là nhà của tôi. Bỗng nhiên lúc đó tôi nghĩ đến ngôi nhà mà khi tôi đầu thai lần đầu vào ngàn năm về trước, nơi ấy có cha tôi, mẹ tôi, còn thêm cô ấy… Tôi y như người chìm dưới nước nắm được khúc cây trôi dạt, như người đi đường trong đêm tối nhìn thấy ánh lửa chập chờn, tôi không cách nào đè nén sự kích động trong lòng "Tôi phải về nhà!" Vào lúc màn đêm sau cùng buông xuống, trong khói bếp lờ mờ, giữa ánh đèn lấm chấm; tôi hóa làm một cơn gió, hướng về phương xa bay đi. Nơi xa ấy, là nhà tôi, ngôi nhà mà tôi đã ngàn năm xa cách. Mang máng còn nhớ được vị trí vùng quê nhà, thì ở bên kia núi đấy mà! Tôi hiện lại nguyên hình, cất bước trên đường núi. Đường núi quanh co uốn khúc, bên kia núi có một thị trấn, gọi là làng "Đào Nguyên", tôi đã từng sống tại nơi ấy. Bước đi trên đường núi, bốn bề cây xanh vây bọc, chim bay ríu rít, hương thơm hoa dại mang đến cho tôi mùi vị trần gian. Được sinh sống trong thế giới như thế này đúng là có số may mắn đây, tôi nghĩ vậy. Tôi lại lần nữa từ trong ký ức trầm lắng mà lôi ra từng chút một những chuyện nơi cõi hồng trần vào năm ấy, xuân hoa thu nguyệt hạ đỗ quyên, tuyết trắng ngần ngần thêm ớn lạnh. Cây hoa đào trước nhà chốn cũ, không biết là lúc tôi quay về lần nữa có nở đầy hoa như trước hay chăng? Dưới cây dương liễu trước bờ ao cổng làng, phải chăng vẫn còn bọn trẻ tinh ranh đùa giỡn? Quán ăn bên đường ấy ngào ngạt mùi thơm có còn náo nhiệt như xưa? Ngôi nhà cũ đã từng trú ở phải chăng vẫn như trước mà cho người tránh mưa che gió? Bè bạn nô đùa thuở ấu thơ có ai đầu thai lại chỗ này không? Nghĩ tới nghĩ lui, bước chân tôi càng lúc càng chậm, gần đến quê thì cảm thấy lo sợ, thời gian xa cách đến ngàn năm, cố hương, phải chăng vẫn là cố hương của tôi? Khoảng cách đến phố thị mỗi lúc một gần, lòng tôi càng lúc càng mất bình tĩnh, tim nhảy loạn lên, mà chẳng hiểu nguyên cớ từ đâu. Trong lòng xôn xao hồi hộp, cuối cùng tôi lần nữa đặt chân lên mảnh đất từng là quê cũ. Ấn tượng về quê cũ như trong ký ức tôi, giờ đã không còn lại chút gì. Tất cả đều mới lạ, đường lộ khác hẳn, cây cối lạ lùng, hơn nữa lúc nào thấy cũng toàn là người lạ. Song, tất cả dường như lại quen thuộc đến thế, phiến đá nơi đường lộ vẫn là mầu sắc trước kia, phong thái yểu điệu của cây cối vẫn y nguyên thời quá khứ, nét mặt ai kia dường như đã từng quen từng gặp, chẳng qua không rõ kẻ đó từ đâu để mà kể ra. Vòng quanh hơn nửa ngày, cuối cùng tìm được ngôi nhà của tôi ngàn năm về trước, tôi đã từng ngụ tại nơi đây, tôi đã từng cùng với cha mẹ và người thân sống tại chỗ này. Nơi để ở đã không còn nữa, nơi đây đã biến thành một khoảnh rừng hoa đào, chỉ có giữa rừng, tượng sư tử đá sứt mẻ ấy lẻ loi đứng đó khiến cho tôi biết, ngay đây, chính là nhà của tôi, ngôi nhà ngàn năm về trước, ngôi nhà đã không còn nữa. Chầm chậm bước giữa rừng đào, âm thầm suy xét mảnh đất dưới chân mình, ngôi nhà xưa kia là ở vị trí nào, căn phòng ở đâu, không ngờ tôi có trí nhớ tốt đến thế, nhớ lại được những việc xa xưa như vậy. Nhè nhẹ ngẩng đầu, xa vọng đào lâm, đôi mắt chỉ còn sương khói mịt mờ, hình như có lẽ, rừng đào biến mất rồi. Tôi đang có mặt trong nhà của mình, lầu gác với cửa sổ trạm trổ, mái đình nơi sân nhỏ, rành rành trước mắt. Trong đại sảnh hình như truyền lại tiếng mẹ gọi tôi ăn cơm, thư phòng tựa như lại truyền đến lời trách mắng mà cha giận tôi trốn học. Bức tường phía Đông nơi khoảnh sân nhỏ, đầu tường dường như còn có chấm chấm rêu xanh, lại là tiếng gì thế kia? Rõ ràng là cô ấy bên vách tường gọi tôi, muốn tôi bẻ cho cô một cành hoa đào, bắt con chim sẻ nhỏ… Một cánh hoa rơi xuống, nơi mặt nước gợn lên từng lớp sóng lăn tăn, những gợn sóng cứ từng vòng một lan ra. Giữa làn sóng nhẹ lấp lánh, gian phòng nhà cửa, sân vườn đều mờ nhòe chẳng còn dấu vết; cha mẹ người thân, bạn chơi thời tóc còn búi chỏm theo làn sóng tan tành. Chỉ có hoa đào như cũ, cánh hoa trong mưa gió rơi bay như mộng như ảo, như khói như mưa, như lệ như kể, tim tôi dường như theo mây khói tung bay, hòa cùng những cánh hoa tàn rơi lả tả, rơi rơi lững lờ… Đêm tối, tôi mang theo một bầu rượu, ngồi bên tượng sư tử, nói chuyện suốt đêm với tượng đá. Tôi kể chuyện tôi cho nó nghe, kể cho nó biết đời trước của tôi, kể với nó về cha mẹ tôi, cho nó biết sự ngu xuẩn của tôi, cho nó biết nỗi đau buồn của tôi, nói với nó về sự bất hạnh của tôi, nói với nó về ao ước của tôi, cho nó biết sự hoang mang của tôi… Cuối cùng tôi đắp ba nắm đất vàng bên tượng sư tử, làm thành những ngôi mộ cho cha mẹ và người thương của tôi, dùng chỗ rượu còn dư, truy điệu linh hồn đã đi xa của họ. Rượu ngấm vào đất, khoảnh khắc cạn khô, tôi hy vọng mượn chút rượu này, có thể rửa đi những thương đau và bất hạnh mà tôi mang đến cho họ ngàn năm về trước, có thể rửa đi lời thở than trong lòng họ về sự bất hiếu của tôi, về sự oán giận vô lý của tôi. Nhưng tôi không biết chút rượu này phải chăng có lực lượng ấy, để an ủi vết thương ngàn năm, để bù đắp ngàn năm hối tiếc. Tôi quyết định dừng lại nơi chốn quê nhà, từ khi rời bỏ Địa phủ, tôi như người mất hồn lang thang đây đó, giờ thì không còn muốn đi đâu xa xôi nữa, tôi ước mong có một mái nhà, nơi đây đã là nhà của tôi vào kiếp trước, cũng nên là nhà của tôi trong đời này. Tôi vốn dự định sống dài lâu nơi rừng hoa đào, nhưng rừng đào sát ở bên thành; nơi Địa phủ tạo cho tôi thói quen lầm lì khiến tôi không cách nào giao tiếp tốt cho lắm với những người hàng xóm; láng giềng đều cảm thấy tôi rất kỳ dị rồi tránh né lánh xa tôi; tôi buồn lắm, tôi muốn sinh hoạt giống như họ, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào. Thế là tôi dứt khoát dời về trong vùng núi ngoài thành, cất cho mình một mái nhà tranh. Ngày lại một ngày, năm lại một năm, thời giờ trôi qua nhanh lắm, và rồi tôi cũng quen dần với nếp sống nơi trần thế; tự mình khai khẩn vài mẩu ruộng cằn khô, trồng hai mảnh vườn rau, nuôi vài con gà con vịt. Đời sống mặc dù nghèo khổ, nhưng so với tháng ngày nơi Địa phủ mịt mờ, tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Thỉnh thoảng cũng xuống dưới núi, bán đi ít rau mình trồng, gà vịt mình nuôi, sau đó vào trong quán hàng quen thuộc uống vài chung rượu nhỏ. Dần dần, tôi quên mất mình là quỷ, quên mất mình phải truy tầm Đại đạo, tôi dường như cảm thấy mình là người, là một kẻ phàm phu nhàn nhã thảnh thơi. Rồi một hôm, trong vùng núi vốn dĩ tĩnh mịch chợt có một vị khách không mời mà đến. Hôm ấy, tôi đang cho gà vịt ăn xong, chuẩn bị nghỉ ngơi chốc lát, uống bầu trà. Một đạo sĩ bước đến trước cửa nhà tôi, muốn hóa duyên. Tôi liền mang một ít cơm rau và nước trà đưa cho ông ta. Lúc người này thò tay nhận thức ăn thì sắc mặt lập tức biến đổi, trở nên rất khó coi, đôi mắt bám vào tôi mà nhìn chòng chọc. Sau đó chẳng nói câu nào, liền xoay người bỏ chạy. Tôi cảm thấy lạ lùng quá, lại chẳng ngờ được một tai họa vô duyên vô cớ bay lại… Khoảng trưa ngày hôm sau, tôi vẫn chưa ăn cơm, đã trông thấy vị đạo sĩ đó kéo một đám người chạy đến, đạo sĩ có, hòa thượng có, còn có rất nhiều dân làng. Vừa nhìn thấy tôi, dáng vẻ của họ liền rất căng thẳng; sau đó từ từ vây chung quanh. Những hòa thượng ấy niệm kinh không ngớt, niệm cái gì tôi nghe rõ lắm mà chẳng hiểu được; còn mấy đạo sĩ thì quăng bừa giấy bùa chú khắp nơi, tay cầm lục lạc lắc rung liên tục; tức khắc làm khu vườn của tôi gà bay chó chạy, vườn rau cũng bị họ chà đạp lung tung cả lên. Tôi thật sự nhịn hết được rồi, nhào ra lên tiếng chất vấn, mấy người rốt cuộc đang làm gì! Ai ngờ đạo sĩ ấy cầm một chậu chứa gì đó hơi đen đen hướng về tôi hất lại, một mùi tanh hôi xông lên mũi, thì ra là máu! Tôi giận điên lên, xông tới phía trước, vung tay đánh ra một đấm, đạo sĩ đó bị đánh văng ra xa có đến mấy trượng, miệng đổ máu tươi, ngã sấp trên mặt đất mà rên rỉ. Tôi sững sờ một lúc, bây giờ mới nhớ lại, lực lượng ngàn năm tu luyện của tôi, người phàm không thể nào chịu đựng nổi. May mắn là tôi không dùng sức nhiều cho lắm, bằng không đạo sĩ ấy đã chết chắc rồi. Lúc này, những người khác oai oái kêu rối rít, một đạo sĩ cất tiếng chưởi rủa: "Hay cho ngươi đồ ác quỷ! Rõ là không sợ máu chó đen!" Trong lòng tôi nổi nóng, bèn đáp lại: "Ngươi nói tầm xàm bá láp gì thế! Ta mới không là ác quỷ! Ta là… ta là…" Tôi liền khựng lại không nói được, tôi là quỷ, tôi là quỷ mà! Đạo sĩ đó lại hô hào: "Ngươi đồ quỷ dữ, không chịu sống yên nơi Địa ngục lại chạy đến trần gian làm hại người! Không tha cho ngươi được!!" Tôi nỗi giận rồi, tôi mà đã hại người!! Tôi lớn tiếng hét lên: "Tôi không làm hại ai cả!!" Đạo sĩ hét lớn: "Ác quỷ mà không hại người, chạy đến nhân gian làm gì!! Còn dám ngụy biện!!" Trong lòng tôi tức giận hết sức, tôi chỉ muốn sinh sống tại làng thôn của mình, muốn có một gian nhà, điều này chẳng lẽ là sai trái sao? Kẻ nào quy định không cho phép quỷ đến trần gian! Là ai!! Tôi không làm hại ai cả, tôi trước giờ chưa hề làm hại người nào. Tôi chỉ muốn sinh sống tại chỗ này mà thôi!!! Trong lòng tôi càng lúc càng kích động, tiếng chưởi bới của đạo sĩ đó càng khiến tôi không cách nào kiềm chế được mình, nào tiếng tụng kinh, tiếng lục lạc, giấy bùa chú bay loạn khắp nơi, rồi đồng nát sắt vụn ném lên người tôi càng làm tôi thêm bực bội. Tất cả khiến cho luồng lực lượng tiềm tàng trong người tôi đột nhiên phát tác, tôi ngẩng lên trời mà cười man dại, luồng âm khí ấy từ trong thân tôi thấm ra ngoài, nhanh chóng biến thành một khối mây mù xanh xanh rồi hóa làm cơn lốc mãnh liệt; gió bay cát chạy, nhà tranh sụp đổ, tất cả rau cỏ trong vườn bị thổi bay tơi tả, đến cây cối cũng bị bứng cả gốc lên… vài hòa thượng, đạo sĩ bị gió thổi bay đi, những người còn lại kinh hoàng khiếp đảm, bò lăn bò càng vội vàng tháo chạy xuống núi… Hôm sau, tôi xuống phố dự định mua ít vật liệu để tu sửa gian nhà. Ai dè vừa tiến vào thành, nhìn thấy tôi thì ai nấy đều sắc mặt tái xanh, kinh hoàng bỏ chạy. Người người hoảng hốt lo sợ, ngay cả quân lính nơi sở quan không biết đã trốn mất nơi nào. Tôi quả là không hiểu chuyện gì xảy ra, cho đến lúc tôi đến quán mì của lão Vương quen biết định bụng ăn uống chút gì đó, tôi mới hiểu đã xảy ra chuyện gì. Lão Vương nhìn thấy tôi bước vào, sợ đến cả người run lên, nói lia lịa: Đừng tới đây, đừng tới đây… Tôi bối rối nhìn ông ta, lão Vương thấp thỏm dè dặt hỏi tôi: "Anh thật ra là quỷ?" Trong đầu tôi tức khắc nổ ầm lên một tiếng, tôi hiểu rồi, hiểu hết mọi chuyện rồi; con người, họ không thể nào tiếp nhận quỷ, cũng không thể nào chịu đựng nổi cảnh cùng nhau chia xẻ nhân gian của họ với quỷ. Tôi không biết trong lòng tôi là thứ cảm giác gì, là đau buồn, là giận dữ, là đành chịu?! Tôi ngỡ ngàng xoay người bước ra khỏi cửa tiệm của lão Vương, nhìn thấy trên đường không một bóng người, khắp nơi bừa bãi hỗn độn. Tôi muốn gào, muốn hét lên, muốn khóc… Tại một quán rượu hoang vắng tiêu điều, tôi cầm lên một bầu rượu, ném xuống vài đồng tiền, bước ra khỏi thành mà đầu cũng chẳng buồn quay lại. Nơi rừng hoa đào, tôi uống một hơi nửa bầu rượu, đem nửa bầu còn lại tưới lên mặt đất. Vốn là muốn trong năm nay khi hoa đào nở thì cất ngôi mộ thật sự cho họ, nhưng xây lên còn có lợi ích gì, dù sao tôi cũng đâu còn cách nào để sống tại đây nữa. Vốn là cho rằng chỗ ấy quê hương mình, nhưng nơi này lại không phải, ngàn năm trước thì đúng, nhưng bây giờ thì không! Biển xanh hóa nương dâu, Trời Đất hẳn vô tình, ai ngờ đâu người đời cũng vô tình như vậy. Đã từng là bạn bè quen thuộc, lại cho rằng ta không là đồng loại mà dễ dàng từ bỏ ta; đã từng là người đi đường kề vai vội vã, giờ cũng muốn tránh xa ta, giống như ta là nước lũ, là thuốc độc. Lần này thì tôi không còn nước mắt, nhưng trong tim tôi co thắt đau đến thế, đau đến nỗi tôi chẳng cách nào hít thở… "Bùm bụp", Bầu rượu rỗng không vỡ vụn trên mặt đất, chỉ như sân nhà đổ nát, cơn mộng tan tành của tôi.Thiên thứ tư Tình Lạc Phương NàoNgọn cỏ úa tàn còn thêm ánh chiều tà, ngoài ánh chiều tà, nước sông lạnh lẽo mây trời vàng hoe, dù cho có ruột cũng phải đứt đoạn, huống mà không ruột. Những ngày nơi trần thế, tôi chỉ như con sâu nằm sấp trên chiếc lá khô trôi giạt, không thể chịu đựng nổi dù chỉ một ngày, dòng đời nhân thế đem tôi đi; tôi muốn chống cự, mà đâu đủ sức, cũng chẳng rõ phải chống lại từ đâu. Tôi không biết bến bờ mà tôi đến tại phương nào, tôi chỉ có thể xa xa mà nhìn ngắm dòng triều lên xuống, phó mặc sự nổi trôi. Tôi là Quỷ, cái thứ mà người ta chán ghét nhất, bất kể dùng kiểu tâm tình gì mà tôi mong mỏi có sự dịu dàng, song đều không thể đạt được tấm lòng nhân hậu, bởi vì tôi là quỷ. Từ từ rồi tôi cũng an chịu cho định mệnh chính mình; sáng ngày, tôi ẩn trốn trong những nơi hẻo lánh, lén lút nhìn bên lề nhân thế; đêm tối, tôi lẫn vào dòng người, tự mình đi thể nghiệm lạc thú cõi trần gian. Tôi tự đúc cho mình một chiếc vỏ, để tự mình đeo nó trên lưng, trong cuộc sống con người nhân thế, tham sống sợ chết. Buổi sớm mai, ánh nắng biếng nhác từ ngoài song chiếu vào, trời sáng rồi… Trong lòng tôi đột nhiên có hơi bực bội, tôi không ưa ban mai và ánh nắng. Chút mát mẻ buổi ban mai và sức nóng ánh triêu dương làm cho tôi cảm giác da thịt mình trở nên hỗn loạn, một luồng hơi khô nóng từ bên ngoài ngấm ngầm truyền xuống lớp da vẫn còn mát rượi, khiến tôi cảm thấy một cơn đau rất nhẹ như châm chích và tê tê. Trên lớp da dường như có rất nhiều côn trùng nhỏ đang bò, muốn gải ngứa cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, trong lòng càng lúc càng bứt rứt muộn phiền… Lại trải qua rồi một cơn say túy lúy suốt đêm. Với người khác mà nói, một ngày vừa mới bắt đầu, với tôi, cuộc sống khoái lạc đà kết thúc. Tôi chẳng ngăn được lòng căm hận thế giới này, càng thêm căm ghét tất cả chư vị thần minh trên thế giới này. Tôi ưa chuộng đêm tối, bởi vì Tôi là Quỷ, trong thanh âm tịch mịch, lòng tôi được bình tĩnh, màn đêm đen như mực dấu che tất cả những gì mà tôi không vui lòng để lộ trước mặt người khác. Trong đêm tối thì tôi được thư thả, tôi vào lúc ấy, mới thực sự chính là tôi. Tôi không cần phải lưu ý đến chung quanh, không cần phải canh cánh bên lòng về những sự vật chung quanh nữa, cho dù là bên cạnh ẩn nấp những ác mộng canh khuya tôi cũng chẳng cần lưu tâm để ý. Bởi vì, tôi và nó như nhau, thuộc về đen tối… Trong cảnh đêm vô tận, dòng tâm tưởng của tôi lan chảy, mặc nó như thủy triều cuộn trào mãnh liệt, mọi vật bên ngoài, đã chẳng còn liên quan đến tôi… điều quan trọng hơn đó là dưới màn trời đêm tăm tối vô biên, tôi sống lại rồi. Tôi rất cô đơn. Tôi ao ước được gần gũi, khát khao được chăm sóc quan tâm. Hy vọng có một ai đó cùng ở bên tôi, bất cứ lúc nào, cũng đang ở cạnh tôi. Khi ấy, phải là thời gian tốt đẹp biết chừng nào. Hiện giờ thì thật đáng chán, tôi khó mà có được cơ hội để trò chuyện, tán dóc với người khác. Đôi lúc, tôi phát hiện một điểm sáng của cuộc đời, cũng chỉ là chim hồng kinh sợ thoáng lướt qua. Dần dần, tôi bắt đầu buồn bực, bắt đầu oán trách. Cuối cùng, tôi chẳng còn được sự chiếu cố của các vị thần linh, có lẽ các ngài đã vứt bỏ tôi rồi, muốn tôi sống còn trong vùng tăm tối. Thời khắc hoa đăng bắt đầu thắp sáng, người ta ồn ào náo nhiệt chỉ giống như bầy ong lượn bay trong tổ, tôi ao ước được thể nghiệm niềm vui sướng của sự huyên náo, nhưng mà tôi dường như cùng với người khác không gian bất đồng, đây đó mặc dù có thể nhìn thấy, nhưng vĩnh viễn không thể tiếp xúc. Xuân đi xuân lại, thu đến thu đi. Đã từng trong gió xuân những chồi non đâm nảy, lớn lên thành những chiếc lá đẹp tươi giữa đêm hè. Rồi trong gió thu múa qua khúc luyến lưu, giữa mùa đông tuyết giá hóa làm bùn tan nát. Sau đó cứ như ảo thuật mà hiện ra tại đầu cành, cả cành lại xanh mướt mượt mà y như trước. Cỏ cây đều có sức sống tốt tươi, có sống có chết, có đến có đi, cái đến hôm nay cũng là cái ra đi ngày trước. Ngắm nhìn những sinh linh dũng mãnh ấy, tiếng tơ lòng tôi vang dội dường như bị ai ngoắc tay mà búng, lanh lảnh mà dồn dập. Cỏ cây còn có năng lực như thế, tôi mặc dù là một hồn quỷ, song tôi đã từng trải qua khoảng thời gian hai ngàn năm, cũng đã từng tu luyện Đại đạo. Nhìn chúng sinh đông đúc, tôi có lẽ cũng nên sống yên ổn lập nghiệp chứ. Tôi đã rời xa địa ngục, quay về là chuyện không thể, hơn nữa tôi cũng chẳng mong quay về. Bây giờ thì tôi đã đến chốn hồng trần bụi thẳm này, đến lúc để làm một "Con Người" sinh sống tại trần gian, không làm một "Con Quỷ" chỉ có thể sinh hoạt nơi địa ngục nữa. Tôi trôi dạt bốn phương trời, lang thang lưu lạc đó đây. Lại lần nữa tôi muốn tìm cho mình một nơi chốn, tạo dựng cuộc sống yên bình. Tôi muốn tìm cho mình một người bạn, bạn bên nhau suốt đời. Đã quên rồi từng thấy bao lần chim nhạn tung cánh về Nam, đâu còn nhớ trông qua mấy mùa chim én non rời tổ. Lạnh lùng thay dưới chân bụi vàng lối cũ, hững hờ thay bên mình khói liễu mơ màng. Giữa Đất Trời chỉ còn tôi một mình đang cất bước… Nhớ lại đầu thu năm ấy… Phong cảnh nơi quan ngoại đúng là rất khác xa với Giang Nam tại Trung Nguyên, trời cao mây nhạt, mông mênh bát ngát. Nơi ấy có tiếng ca vọng lại: Trời xanh xanh, cỏ mang mang, gió lay cỏ ngã rạp, đàn cừu hiện ra. Tôi lang thang đây đó trên đồng cỏ bao la, xa xa nhìn thấy núi Hạ Lan oai vệ, nắng trời phủ xuống dãy núi trông rõ mồn một. Trên thảo nguyên chẳng thấy lối mòn, thỉnh thoảng chỉ có người chăn nuôi đánh đuổi bầy dê. Lòng tôi nhẹ nhõm quá, có lẽ là vùng biên ngoại mênh mông này đã mở rộng tấm lòng tôi, gió cát gào thét xua đi những rối mù trong tim tôi. Tôi rất muốn đến chào hỏi những người chăn nuôi ấy, cùng bọn họ trò chuyện, nhưng mà tôi sợ người khác phát hiện thân phận thật sự của tôi, nên do dự hết sức, đành phải ngó trông theo bọn người chăn nuôi lùa đuổi đàn cừu đi mỗi lúc một xa… Có một hôm, tôi ngồi xổm nơi một đồi cỏ nhỏ, lơ đãng nhìn theo áng mây trôi dạt bên trời. Vầng mây biến đổi thất thường, có lúc là một ngọn núi, lúc thành cái nón, có lúc lại biến thành con ngựa, con cừu… Cừu?! Đột nhiên tôi phát hiện, bên cạnh tôi không biết từ lúc nào, đã chạy đến một đàn cừu đang ăn cỏ, cừu dễ thương quá, chỉ thấy cúi đầu lặng yên ăn cỏ… Tôi kéo một con cừu non ôm vào lòng, ve vuốt lông cừu mềm mại. Lúc ấy, một con chó chăn cừu chạy đến chỗ tôi, nó dừng lại trước mặt tôi, ngó tôi tròng trọc, tôi cũng nhìn nó. Qua một lúc lâu, con chó đó bộ dạng uể oải nằm xuống bên tôi, tôi đưa tay xoa lên đỉnh đầu nó, nó dùng mũi ngửi quần áo tôi, thè lưỡi liếm tay tôi. Một bóng hình hướng về tôi chạy lại, là một người. Tôi không nén được sự lo lắng đang trào dâng, không biết là nên rời đi, hay là phải… Người ấy đã đến gần trước tôi, con chó chăn cừu đó vùng dậy, thân thiết lấy đầu cạ vào chân người ấy, không ngừng vẫy đuôi. Người này thận trọng quan sát tôi, tôi cũng nhìn lại, là một cô bé, ước chừng mới mười lăm, mười sáu tuổi thôi. Tôi càng thêm bối rối, tôi sợ bị người ta hiểu lầm tôi là kẻ cắp, sợ người ta chán ghét mình, sợ nói chuyện với người khác. Tôi ngớ ngẩn cười với cô bé, nhưng vì càng căng thẳng, trong tay cứ ôm chặt con cừu non mà chẳng buông ra. Cô gái đó cúi xuống, từ trong tay tôi mà đỡ lấy con cừu non, đem nó ôm vào lòng. Sau đó nói với tôi, anh có đói không? Tôi chẳng ngờ được cô ta lại hỏi tôi như thế, tôi giương mắt mà nhìn, chẳng biết phải nói gì nữa. Cô bé ấy hướng về sườn đồi đi xuống, thấy tôi thẫn thờ không chút phản ứng, bèn quay người lại nói: "Theo tôi đi nhé!" Rồi mĩm cười sáng rỡ… Tôi chưa từng thấy qua nụ cười nào tươi đẹp đến thế, không! Tôi từng thấy, tôi thấy rồi… Lòng tôi lại nhớ đến ngàn năm trước đó, tại bên cầu Nại Hà, dáng tươi cười vô cùng rạng rỡ… Trong tim tôi một cơn kích động không gì sánh được "Chẳng lẽ là nàng?!" Tôi không biết phải làm gì hoặc nên nói gì, chẳng qua là đôi chân mình đã cất bước rồi, đi theo sau cô ấy. Dưới sườn đồi có một chiếc lều Mông Cổ, tôi đứng ở bên ngoài, chẳng biết có nên tiến vào chăng. Cô ta vén rèm cửa, lại ban cho tôi một nụ cười, rồi hướng về tôi vẫy vẫy tay. Trong chiếc lều Mông Cổ, trên lò lửa đang nấu nồi thịt dê thơm ngào ngạt, một người đàn ông cao lớn vẫy kêu tôi ngồi xuống, cô cười khúc khích và đưa cho tôi một chén sữa ngựa. Tôi không biết phải nên nói gì, cũng chẳng biết phải làm gì, thôi thì họ đưa tôi cái gì thì tôi ăn cái đó. Nghe họ nói chuyện, tôi biết được cô bé ấy tên là Hốt Lan, người đàn ông cao lớn là cha cô. Tôi mải mê ăn thịt dê, uống sữa ngựa, cha cô nhìn tôi ha hả cười to, cô lén lút quay sang tôi cười nụ, tôi cũng ngốc nghếch cười đáp trả. Ăn uống xong xuôi, tôi lau sạch miệng; lúc này, Hốt Lan như cười mà chẳng phải, lại chững chạc đàng hoàng quay sang tôi mà nói: "Anh ăn đồ ăn của tôi, anh phải làm đầy tớ cho tôi, đây là tục lệ của thảo nguyên!" Tôi lại lần nữa giương mắt mà trông, chẳng qua tôi thấy nét mặt nghiêm túc ấy của cô, tôi đành phải dạ vâng liên tục. Bây giờ cô lại phát ra một chuỗi cười với tiếng trong trẻo như chuông bạc, cha cô lại lần nữa sang sảng tiếng cười khoan khoái, chỉ có tôi ngồi tại nơi ấy, tiếp tục giương mắt há mồm. Cha cô hỏi tôi: "Anh là người ở đâu?" Tôi bỡ ngỡ lắc lắc đầu, ông lại hỏi tôi: "Anh bao nhiêu tuổi?" Tôi không dám nói thật là tôi đã hai ngàn tuổi, thế là, tôi lại ngỡ ngàng lắc lắc đầu. Cha cô thầm lẩm bẩm một câu "chẳng lẽ là thằng ngốc ư?!" Cô lại luôn luôn cười lén lút, sau đó cô nhìn cha mà nói: "Người này chơi vui quá, giữ anh ta lại đi!" Cha cô quan sát tôi, lặng yên không nói. Tôi nhìn cô gái, từ nơi tròng mắt trong suốt của cô, hình như tôi nhìn thấy quá khứ xa xưa ấy, buổi biệt ly thuở trước, bao nhung nhớ một thời, nào sầu muộn trước kia, tất cả những gì trong quá khứ… Tôi chẳng ngăn được mà nước mắt tuôn rơi, tôi dập đầu xuống đất, cầu xin: "Xin cho tôi ở lại đây, chỉ coi như là làm nô bộc cho ông, cầu xin ông cho tôi ở lại đây." Tôi thật lòng cầu khẩn, chỉ giống như năm ấy tôi van cầu Bồ tát. Cha con họ vì sự háo hức đột ngột của tôi mà kinh ngạc, song họ nhìn thấy nước mắt và vẻ mặt chân thành của tôi, còn thêm giọng khẩn cầu không cách chi giả tạo, trên mặt họ để lộ sự đồng tình và thương hại. Sau cùng cha cô quyết định cho tôi ở lại. Trong lòng tôi khoan khoái không biết sao mà nói, tôi len lén nhìn cô bé, muốn biết tâm tình của cô. Tròng mắt cô vẫn trong sáng đến thế, nhưng dường như từ nơi sâu thẳm tâm hồn cô, đã chất chứa ít nhiều nghi hoặc. Tôi không dám nhìn cô nữa, trong dòng triều ký ức giữa tâm tôi phản chiếu lại một thời quá khứ, một đôi mắt u oán nhìn tôi trừng trừng, tôi sợ sệt ánh mắt đó, tôi sợ nhìn thấy ánh mắt đó nữa. Tôi sợ định mệnh… Tôi thầm nói với mình: cho dù em xem tôi như thế nào, tôi suốt đời suốt kiếp này, chỉ làm nô bộc trọn đời trọn kiếp cho em. Cho dù tôi là nô bộc, nhưng chỉ cần được ở bên nhau, được nhìn thấy em, là đủ rồi… Từ đấy, tôi chỉ trú tại nơi ấy, ngày ngày cùng ở bên em, cưỡi ngựa chăn dê. Thời gian từng ngày một qua đi, tôi ngày ngày cầu nguyện, cầu cho em mãi mãi sung sướng, cầu cho em mãi mãi đừng chán ghét mà bỏ tôi, mãi mãi cho tôi đi theo em, mãi mãi làm nô bộc cho em… Mặc dù em trước giờ chưa từng coi tôi là nô bộc, nhưng tôi là một con quỷ, một con quỷ chỉ có thể làm nô bộc… Tôi đã từng nghe qua truyền thuyết, nói rằng một vài đá núi cỏ cây có linh tính, chỉ toàn tâm toàn ý muốn đi làm người, về sau quả nhiên được biến thành hình người. Tôi tuy rằng đã có hình người, nhưng tôi vẫn ngày ngày muốn làm người, không biết bao lần nửa đêm tỉnh mộng, tôi đã thấy mình biến thành một con người đích thực. Cứ như thế mà vài năm trôi qua, em cao lớn rồi, mỗi khi tôi nhìn thấy em, liền bị mê mẩn dại khờ, nhưng tôi luôn luôn kiềm nén lòng ái mộ của mình đối với em, lòng ham muốn đối với em. Tôi mãi mãi ghi nhớ giấc mộng hão huyền đã khắc lòng tạc dạ vào kiếp trước đó, ấy là vì không khứng chịu cuộc tình đơn phương của tôi mà người ta đành chết không chút do dự với đôi mắt oán hờn. "Chỉ e tình thâm làm lụy đến mỹ nhân", tôi hiểu rõ đạo lý này. Tôi tình nguyện làm một cây cổ thụ cho em ngồi hong mát, tôi tình nguyện làm một thớt mã mặc ý em thúc giục, tình nguyện làm một chiếc dao găm để em phòng thân, tình nguyện làm một bình trà sữa mà em yêu thích. Tôi cũng không mong mỏi bày tỏ lòng mến mộ, ảo tưởng ôm chặt em vào lòng, cười xem hoa nở hoa tàn… với em nữa. Tôi đã không dám tin rằng phải chăng mình có số may mắn, không muốn suy đoán mãi là mình có duyên nợ với em hay chăng? Nếu như những giấc mơ tươi đẹp vì tôi lại lần nữa tiêu tán, tôi cũng sẽ không thố lộ nỗi lòng mình nữa… Về sau, cha em mất, trước khi lìa đời có hứa gả em cho một người trẻ tuổi nơi bộ lạc khác. Hôm ấy rước dâu, em điểm tô vô cùng xinh đẹp, nước da so với sữa ngựa còn mềm mại hơn, mái tóc so với ngọc trai còn óng ánh hơn, gò má đỏ ửng có thể sánh cùng bóng ráng chiều tà, ánh mắt long lanh như chòm sao lạnh cuối trời. Tôi đắm đuối ngắm nhìn em, nếu em mà là tân nương của tôi, nếu như em là cô dâu của tôi… Tôi chỉ cảm thấy mình đã rơi vào Địa ngục, chìm đắm trong vùng tối đen vô tận, vũng bùn đen ngòm chiếm nuốt tôi, tất cả đến đây là chấm dứt. Ngơ ngẩn ngắm nhìn em, tôi cảm thấy em sáng ngời đến thế. Trong hào quang rạng rỡ ấy, tôi nhìn thấy một đôi mắt với làn sóng chập chờn xanh biếc, trong mắt để lộ ra bao nghi vấn khôn cùng, tôi không cách nào đọc mà hiểu được ý nghĩa ngầm chứa nơi ánh mắt ấy, bởi vì những lời lẽ trong đó quả thật quá nhiều, nhiều lắm. Đám rước dâu đi đã xa, tôi lẽ loi một mình đứng nán lại nơi thảo nguyên, đứng đấy rất lâu, tôi không biết mình phải làm gì, chưa biết rằng, tim mình đã bị người ta lấy mất, cái gì cũng chẳng còn. Thảo nguyên vào đêm khuya, tôi ngẩng đầu lên nhìn trời, trên bức màn đen mượt như nhung ấy giữa khung trời, hiện ra nét mặt em với nụ cười rạng rỡ, rồi lập tức tan biến. Trong khoảnh khắc sáng bừng chất ngất, tầm mắt trông xa thẳm, ánh sao như cơn mưa rơi rụng tơi bời, thế giới cũng dường như cuồng dại, chỉ là không biết dáng tươi cười rồi tan biến ấy là hồi ức trong đời trước hay là tương lai của kiếp này. Một mình đứng giữa canh khuya, ngờ đâu chẳng biết là mình sớm đã lệ rơi đầy mặt… Tôi cảm thấy đời người quả là bất hạnh, tôi không dám tin vào lòng dạ người khác, không dám suy đoán, sợ mọi việc kết thúc. Có ai nghĩ rằng mọi việc trên thế gian đều có thủy có chung, mà rồi đến lúc sau cùng tôi mới hiểu, thật ra là mình sớm phải nắm chắc, nhưng mà, tôi làm sao biết được?! Ban đêm nơi thảo nguyên yên tĩnh đến thế, tĩnh lặng đến nỗi nghe thấy nhịp tim chính mình mà không thể nào ngủ được. Tôi vơ tấm ra giường mà em đã dùng qua, ngửi mùi hương như có như không của em. Trong lòng tôi chưa từng đau khổ, không hề hối hận. Tôi một lần lại một lần nhớ lại ánh mắt em, ánh mắt trong vắt như nước ấy… Lúc sắp chia tay, luôn có trăm ngàn câu nói mà sao lời chẳng ra khỏi miệng. Kẻ phải đi thì sớm muộn gì cũng phải đi. Ngày sau lúc em đi, gió sẽ thổi tan tàn hơi em lưu lại, nhật nguyệt sẽ mang đi tàn vết em từng trải, mây trắng sẽ xóa nhòa dấu tích em ngày cũ, sao mai sẽ lấp che khoảnh khắc sau cùng em vẫy tay. Tôi vĩnh viễn khắc ghi giây phút ấy, như thuở ban đầu mới gặp em… Đột nhiên, một cánh tay vén mở tấm màn cửa lều, ánh trăng trắng bạc thình lình lan tỏa khắp trong lều, trong lều là tôi đang hết sức kinh hoảng; bên ngoài lều, là gương mặt khiến tôi ngày đêm thương nhớ! Tôi không dám tin vào tất cả những gì đang trước mắt, cho đến khi em bước vào lều, chậm rãi ngồi xuống bên cạnh tôi. Tôi nhận ra mình vẫn đang ôm chặt tấm ra giường của em, tôi bỗng nhiên vô cùng xấu hổ, không biết phải giải thích như thế nào. Tôi ngẩng đầu lên, ngó nhìn em; em đang nhìn tôi chăm chú, chỉ giống như vào năm ấy lúc nhìn thấy tôi tại sườn đồi. Tôi nói chẳng được câu nào. Em nhẹ nhàng nhích lại, nhè nhẹ đỡ lấy tấm ra giường trong tay tôi, dịu dàng nói với tôi: "Ôm lấy em…" Tôi không cách nào kháng cự, chẳng thể kháng cự, cũng không muốn kháng cự, đôi tay run rẩy nhẹ ôm lấy eo nàng. Đột nhiên em ngã vào lòng tôi, nghẹn ngào khóc nức nở… Tôi ôm chặt lấy em, em cũng ôm chặt lấy tôi, dùng sức bám chặt tay tôi, mắt chúng tôi đều đang đẫm lệ. Chúng tôi ôm nhau lâu lắm, cho đến khi nước mắt khô rồi… Tối đêm hôm ấy, em kết hôn với tôi. Tôi rất khoan khoái, rất hạnh phúc; xem ra trong cuộc luân hồi ngàn năm, tôi đã tìm ra tất cả những gì tôi muốn cho mình, định mệnh u sầu tăm tối đã rời bỏ tôi mà đi. Tôi cảm thấy vào giờ khắc này, nơi Địa phủ cũng phải đang chìm đắm trong ánh dương quang. Tôi không ngăn được sự cảm tạ chư vị Thần Minh, cảm tạ lòng từ bi của các Ngài, tôi thật lòng nguyện cầu thoát rời bể khổ vô biên. Chúng tôi đến một nơi rất xa trên thảo nguyên mà dựng chỗ cư trú, tháng ngày trôi qua thật hạnh phúc, một hạnh phúc bình thường đạm bạc như dòng nước chảy xuôi. Chúng tôi lại giống như thời niên thiếu trước kia, cùng nhau cưỡi ngựa, chăn dê. Đêm khuya, em cuộn mình trong vòng tay tôi, huyên thuyên kể chuyện buồn vui bên lòng. Tôi thường hay vô tình rơi vào giấc ngủ, và rồi em giận dỗi ngắt nhéo đánh thức tôi, sau đó lại nói liên miên câu chuyện không bao giờ dứt, dài lâu… Tháng ngày hạnh phúc bao giờ cũng trôi qua nhanh lắm, Đất Trời dường như có ý trêu chọc chúng tôi: Để ngươi nhấm nháp một chút vui sướng, sau đó mới bắt ngươi gánh vác sự thương tổn muôn đời… Em trở bệnh rồi, càng ngày càng tiều tụy, bất cứ thuốc thang gì cũng đều chẳng có tác dụng. Thân thể em ngày càng yếu đuối, y hệt như chiếc lá khô trong cơn gió mùa thu. Tôi nghĩ đến mọi biện pháp, ngay cả đả thương người hầu cận của Côn Lôn Tây Vương Mẫu, để mà đánh cắp tinh chất hoa Tuyết Liên. Thế nhưng bệnh tình em vẫn không hề biến chuyển tốt hơn. Tôi ngắm nhìn gò má trắng bệch ngày càng hốc hác của em, nhìn đôi tròng mắt đen nhánh quyến luyến không rời của em, tôi chẳng ngăn được mắt lệ tuôn trào. Em cười buồn thảm: " Cùng sống bên anh, quả thật vô cùng tốt đẹp, em chẳng hối tiếc…" Vào khoảnh khắc ấy, tôi đột nhiên hiểu rõ! Tôi là một con quỷ, một con quỷ hút tinh khí người!! Là tôi đã hại em, tôi là một con quỷ hại người!!! Tôi nghẹn ngào nước mắt tuôn rơi, em nắm chặt lấy tay tôi, mắt chúng tôi mờ nhòe lệ thắm… Tay em chầm chậm buông trượt khỏi tay tôi, tôi cũng chẳng còn nhớ được gì, chỉ nghe ra lời lẽ sau cùng mà em còn lưu lại: "Xin đừng rời xa em…" Sầu khổ buồn đau dâng đầy tấm thân tôi, bành trướng không ngừng, cuối cùng phun bật ra, hóa thành cát bụi khắp trời, ngập tràn chốn thảo nguyên… Trong cơn bụi cát, tôi thấm lau giọt lệ sau cùng, rồi lẽ loi cất bước giữa mang mang trần thế. Luân hồi, Nhân quả, Tình duyên, Thương yêu, Hoang mang - vào khoảnh khắc này - đều đã hóa thành sao băng, vụt đến bên trời, rồi lặng lẽ ẩn vào vực sâu thăm thẳm. Thế giới một mảnh đen ngòm, là nơi tim tôi an nghỉ, bên trong chứa ánh sao băng xẹt qua ngắn ngủi nhưng huy hoàng; thế giới trong sát na bừng sáng, ánh sáng ấy vĩnh viễn chẳng phai mờ… Tôi biết em một lần nữa vì tôi mà chết mất, nhưng tôi không hối hận, bởi vì chúng tôi đã từng được hạnh phúc, chúng tôi hiểu và bảo vệ cho nhau, không xa cách và không bỏ nhau. Trong tháng ngày ấp ủ bên nhau, chúng tôi không biết sợ nỗi chia lìa. Tôi muốn chờ em trở lại, chờ em chuyển kiếp lần nữa. Tôi tin rằng vào lúc em quay lại nữa, nhất định sẽ có biện pháp tìm thấy em và cùng ở bên em. Tôi tin rằng, một ngày nào đó, em cũng sẽ lại quay về. Hai cuộc tình dường như là một khoảng dài lâu, lẽ nào ta còn đang mãi cuộc sớm chiều?Lời kếtMuôn kiếp xoay vần, ngàn ảnh tụ quanh; thoáng say đến chẳng thấu một chung, lúc vào mộng lạnh băng như nước. Mưa thu điểm giọt, bảo rằng đấy là mộng tưởng, là dịu dàng, là hoang mang, là nhung nhớ, trăng sáng biết, ta biết, chỉ em không biết; lối xưa bụi vàng, lấp đi mất nỗi buồn đau, là dũng cảm, là trung trinh, là đoạn tuyệt, trăng sáng biết, em biết, chỉ ta không biết! Khoảnh khắc, kiếp trước đời sau; chớp nhoáng, ngàn năm trăm tuổi. Mây đến bên trời, trăng khuất ngọn cây. Chỉ là không biết cơn gió vô định đó thổi về đâu? Là quay lại, hay là đi mất? Tâm như hơi động, lệ đã đôi dòng.Thần LongTheohttps://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Tuyết Phượng hay hiện thực một đóa tinh khôi trên lối về nhạc Trịnh

Tuyết Phượng hay hiện thực một đóa tinh khôi trên lối về nhạc Trịnh Trong lịch sử văn học nghệ thuật, có mấy khi một tác giả sau lúc lìa trầ...

  • Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
  • Lời kỹ nữ - Xuân Diệu Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
  • Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam Mùa thu nguồn cảm hứng lớn  của thơ ca  Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật   Mùa thu mùa của thi ca là m...

Tìm kiếm Blog này

  • Trang chủ

Giới thiệu về tôi

vanthonhactrieuchau.blogspot.com Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Báo cáo vi phạm

Lưu trữ Blog

  • ▼  2021 (4595)
    • ▼  tháng 12 (510)
      • Đêm thánh vô cùng 2
      • Đêm thánh vô cùng 1
      • Cỏ non 2
      • Cỏ non 1
      • Cầu Mơ 2
      • Cầu Mơ 1
      • Bồn lừa 2
      • Bồn lừa 1
      • Bầy sư tử lãng mạn 3
      • Bầy sư tử lãng mạn 2
      • Bầy sư tử lãng mạn 1
      • Ảo vọng tuổi trẻ 3
      • Ảo vọng tuổi trẻ 2
      • Ảo vọng tuổi trẻ 1
      • Áo tiểu thư 3
      • Áo tiểu thư 2
      • Áo tiểu thư 1
      • Hà Nội, bướm trắng
      • Biết nhau trên đường cũ
      • Một người cùng chuyến đi
      • Đàn bướm quanh chân ngựa
      • Lẽ vô thường trong thơ Trang Tử, Nguyễn Bính, Xuân...
      • Lan man về các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Vương B...
      • Vùng mắt bão 5
      • Vùng mắt bão 4
      • Vùng mắt bão 3
      • Vùng mắt bão 2
      • Vùng mắt bão 1
      • Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 5
      • Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 4
      • Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 3
      • Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 2
      • Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa 1
      • Bóng chiều 2
      • Bóng chiều 1
      • Trạng Quỳnh
      • Bà cụ ăn mày
      • Những người đàn bà tắm 5
      • Những người đàn bà tắm 4
      • Những người đàn bà tắm 3
      • Những người đàn bà tắm 2
      • Những người đàn bà tắm 1
      • Ngày tết của Hạc
      • Tách bến mơ xưa 3
      • Tách bến mơ xưa 2
      • Tách bến mơ xưa 1
      • Mưa trên lá ngọc 2
      • Mưa trên lá ngọc 1
      • Hoa mơ chiều tím 2
      • Hoa mơ chiều tím 1
      • Nhà văn già và cô bé gù
      • Những ý nghĩ của bọt biển
      • Một đêm trăng 2
      • Một đêm trăng 1
      • Vàng và Máu
      • Trại Bồ Tùng Linh 2
      • Trại Bồ Tùng Linh 1
      • Một người say rượu
      • Mai Hương và Lê Phong 4
      • Mai Hương và Lê Phong 3
      • Mai Hương và Lê Phong 2
      • Mai Hương và Lê Phong 1
      • Gói thuốc lá 2
      • Gói thuốc lá 1
      • Đòn hẹn 2
      • Đòn hẹn 1
      • Con quỷ truyền kiếp 4
      • Con quỷ truyền kiếp 3
      • Con quỷ truyền kiếp 2
      • Con quỷ truyền kiếp 1
      • Bên đường thiên lôi 3
      • Bên đường thiên lôi 2
      • Bên đường thiên lôi 1
      • Ba hồi kinh dị 2
      • Ba hồi kinh dị 1
      • Bóng mây chiều 3
      • Bóng mây chiều 2
      • Bóng mây chiều 1
      • Thềm nhà có hoa 2
      • Thềm nhà có hoa 1
      • Như giấc chiêm bao 3
      • Như giấc chiêm bao 2
      • Như giấc chiêm bao 1
      • Nắng chiều vẫn đẹp 3
      • Nắng chiều vẫn đẹp 2
      • Nắng chiều vẫn đẹp 1
      • Mùa xuân nhạt nắng 3
      • Mùa xuân nhạt nắng 2
      • Mùa xuân nhạt nắng 1
      • Mùa thu tóc ngắn 2
      • Mùa thu tóc ngắn 1
      • Mưa bóng mây 2
      • Mưa bóng mây 1
      • Mai vàng nở sớm 3
      • Mai vàng nở sớm 2
      • Mai vàng nở sớm 1
      • Khúc hát chim trời 2
      • Khúc hát chim trời 1
      • Hương cỏ may 2
      • Hương cỏ may 1

Từ khóa » Cõi Luân Hồi Hay Duyên Nợ Ba Sinh