MỘT DUYÊN HAI NỢ BA TÌNH - Lê Khắc Thanh Hoài

                             Một duyên, hai nợ, ba tình                             Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh. (1)

Chữ Duyên thường được dùng khi đề cập đến hôn nhân, tình yêu nam nữ, thí dụ nói «  Nên duyên vợ chồng, Kết tóc se duyên… »          Thúy Kiều ngày xuân dạo chơi rồi dừng lại nơi nấm mồ của Đạm Tiên cũng đã thốt lên :                                           

                            Người đâu gặp gỡ làm chi

                            Trăm năm biết có duyên gì hay không ? (2)

Chữ Duyên ở đây lại không phải là chữ Duyên trong nghĩa vợ chồng, tình yêu nam nữ. Trong khi Kim Trọng tương tư về nàng Kiều thì chữ Duyên, theo nghĩa vợ chồng lại đi kèm với chữ Nợ :

                            Mành tương phất phất gió đàn

                            Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình

                            Ví chăng duyên nợ ba sinh

                            Làm chi quen thói khuynh thành trêu ngươi (3)

Nơi dân gian cũng không khác, cái Duyên ban đầu kéo theo cái Nợ :

                            Đem thân ở dưới cõi trần

                            Hỏi rằng duyên có nợ nần chi không ?

                            Giá bao nhiêu một ông chồng

                            Thì em cũng bỏ đủ đồng ra mua (4)

Cho dù là một cái nợ đi chăng nữa, vẫn có người sẵn sàng bỏ tiền ra « rước của nợ » về với mình, điều này cho thấy cái chữ thứ ba là chữ Tình sao mà mãnh liệt như thế, làm cho con người ngẩn ngơ, có thể mất cả trí khôn, có thể sống chết, khổ đau cũng vì chữ Tình này mà thôi ! Thế mà con người vẫn lao theo, cả nam lẫn nữ, không chừa ai !

Một duyên hai nợ ba tình. Đúng ra, chữ Tình này phải đứng trước chữ Duyên và Nợ vì không có nó làm lực đẩy ban đầu thì chẳng có Duyên và Nợ gì kéo theo ! Nhưng chúng ta sẽ tìm hiểu theo thứ tự trước sau như câu ca dao «  Một duyên hai nợ ba tình ».

Trước tiên đừng quên ba chữ Duyên, Nợ và Tình này như cái kiềng ba chân. Kiềng có ba chân mới đứng vững. Có Tình mà chẳng có Duyên Nợ gì với nhau thì cũng chỉ là một câu chuyện tình, dù có đẹp đến mấy cũng sẽ bị cuốn theo chiểu gió, mờ nhạt, xoá nhòa với dòng thời gian. Có Duyên, có Nợ mà chẳng có chút Tình gì với nhau thì rồi cũng sẽ bị gió cuốn đi ! Lại nữa, có Tình, có Duyên mà chẳng Nợ thì cứ yêu nhau quanh năm suốt tháng mà…đường ai nấy đi, đời anh chẳng dính líu gì đến tôi cũng như đời tôi chẳng liên quan gì đến anh, yêu nhau thì cứ yêu nhau ! Khi hết chữ Tình thì sẽ hát khúc « tình nghĩa đôi ta có thế thôi ! » Không Duyên, không Nợ, chẳng có gì phải bận bịu. Quá dễ, quá giản dị. Xã hội hiện đại đã tạo ra những con người chọn lối sống dễ dãi này, không trách nhiệm, không bổn phận, không ràng buộc, không lo âu. Cuộc đời quá ngắn ngủi và nhiều đau khổ, không cần phải rước cho mình thêm những nhọc nhằn. Vui thì ở, không vui thì đi ! Ít ai còn muốn ký một « hợp đồng chung thân » để cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng nhưng lại sẳn sàng ký những hợp đồng rất chi ly, chi tiết về việc phân chia tài sản, góp công góp của, chuyện giáo dục con cái, thậm chí, hơi khó tin nhưng có thật, chuyện chăn gối vợ chồng !

Hãy bàn về chữ Duyên. Xin đừng lầm lẫn với chữ Duyên khi muốn nói đến cái vẻ đẹp, nét quyến rũ nơi dáng dấp, khuôn mặt hay cử chỉ, lời ăn tiếng nói của ai đó : cô này miệng cười có duyên tệ ! Anh chàng này nói năng thật có duyên ! Chúng ta không bàn đến chữ Duyên này ở đây cho dù nó cũng là đầu mối làm cho chữ Tình phải lận đận lao đao !

Chữ Duyên bàn đến đây là chữ Duyên, từ Hán Việt, mang ý nghĩa của cái duyên do, duyên cớ, duyên sự, duyên cố tức là nguyên nhân, bởi từ đó, do nơi đó, do cái điều đó, nương vào cái điều đó, nương vào sự việc đó mà nẩy sinh, kéo theo điều kia, sự việc kia. Duyên, cũng từ đó mà được hiểu rộng như là mối dây, sự liên hệ, liên quan, thắt chặt người với người hay người với con vật, sự vật và cả sự việc. Mối dây này có thể trở thành dây xiềng, dây xích, dây dưa, rễ má, kéo từ đời con sang đời cháu, đời chắt, từ lạ trở thành quen, từ không thân trở thành thân thuộc và mối dây này cũng có thể tốt đẹp, thân thiện, tương thân, tương ái mà cũng có thể là xấu ác, hận thù, hiềm khích. Nên không hẳn nói đến Duyên là nói đến cái điều tốt, đẹp.

Nói cho đúng và đầy đủ thì phải nói là Nhân Duyên. Một tập hợp vừa là cái mầm, cái rễ, cái gốc vừa là những điều kiện, nguyên do xúc tác, thúc đẩy cái mầm đơm hoa kết trái. Không có Nhân Duyên là hạt mầm là gốc rễ của cam và những điều kiện phụ thuộc chung quanh gọi là trợ duyên để ươm cho cây cam mọc thì chẳng thể nào có được cây cam. Nói về con người, con vật, sự việc, sự vật cho đến cả thiên nhiên cũng theo một trình tự như thế. Có Nhân mới có Duyên. Và phải có Duyên thì Nhân mới thành cái gì đó, việc gì đó, điều gì đó, như thế nào đó…v.v…

Xin đưa ra những thí dụ thật cụ thể để hiểu rõ hơn về chữ Nhân, chữ Duyên này theo sát nhau, hỗ tương nhau như thế nào :

Không có sự việc cùng ngồi chung một lớp học thì không đưa đến sự quen biết nhau. Có lớp học, có những người bạn học là Nhân và Duyên là sự cùng ngồi chung một lớp, mới dẫn đến sự quen biết nhau.

Không có chuyện chiến tranh giặc giã thì tôi đã không bỏ quê hương mà lưu lạc xứ người. Quê hương là Nhân và chiến tranh, giặc giã là Duyên, cho dù là Duyên xấu, ác, vẫn là Duyên, là lý do buộc tôi phải rời bỏ quê hương để lưu lạc xứ người.

Không có chuyện được sinh ra từ một gia đình thì đâu phải là ruột thịt, là anh là chị là em. Sinh ra trên đời là Nhân nhưng cùng một gia đình là Duyên làm cho những người trở thành anh chị em một nhà.

Không có việc mai mối của người này thì tôi cũng không có cách gì gặp em, cưới em hoặc gặp anh, cưới anh. Chắc chắn trước tiên phải có cái ý muốn tìm vợ, tìm chồng trong thâm tâm làm cái Nhân, và người làm mai mối, trung gian là Duyên đưa đến chuyện cưới hỏi thành vợ thành chồng.

Không có người đã cứu mạng sống thì không có cái ngày nay tôi đền ơn. Mạng sống của tôi là Nhân, tai nạn hay bệnh hoạn của tôi là Duyên, cho dù là Duyên rủi ro, nhưng nhờ việc rủi ro này mà có người cứu, đó cũng chính là Duyên làm cho tôi gặp ân nhân và rồi nhớ ơn và trả ơn về sau. Sự trả ơn của tôi không phải vô cớ mà có một duyên do, duyên sự, duyên cớ và sự gặp gỡ vị ân nhân là cũng nhờ vào cái duyên rủi ro đó. Cái rủi ro bỗng trở thành cái may ở đây. Rất nhiều trường hợp trên đời mà một cái duyên rủi trở thành may và ngược lại, duyên may lại thành rủi.

Không có cha mẹ tôi yêu nhau thì tôi sẽ không sinh ra trên cõi đời. Nhờ cha mẹ yêu nhau, muốn có một đứa con, mà tôi mới được tạo thành, mang một hình hài, lớn lên trong bụng mẹ. Cha mẹ là cái Nhân, những yếu tố khác như yêu nhau, ý muốn có con là Duyên từ đó mới dẫn đến sự thụ thai. Tôi sinh ra là cái Quả của Nhân và Duyên kia. Nếu cha mẹ không có ý muốn một đứa con thì tôi không có cơ hội để sinh ra đời và trong trường hợp này, có Nhân mà không có Duyên và cũng không thể có Quả.

Cứ như thế, Nhân Duyên là hằng hà sa số, là bất tận, là không thể đếm kể cho hết. Mọi sự việc trên đời, dù nhỏ dù lớn, không gì là không có một Nhân, một Duyên để hình thành. Không thể dửng dưng mà có, mà thành được. Những phân tích chi tiết bên trên cho thấy rõ Nhân và Duyên, khắng khít, không thể tách rời. Nhân là cái mầm mà không có Duyên giúp vào, tạo điều kiện thì Nhân sẽ không thành gì cả. Mà cái gì thành rồi thì cũng không đi ra ngoài qui luật của sự Sanh Thành Hoại Diệt. Bốn chu kỳ tự nhiên của vũ trụ, của con người và muôn vật. Nhân đi đâu cũng có Duyên đi theo. Bởi vì cái nghĩa của Duyên là nương theo. Nhân sanh ra cũng nhờ các điều kiện thuận lợi, trợ giúp của Duyên. Nhân lớn lên, bành trướng, sinh sôi nẩy nở cũng nhờ Duyên tưới tẩm. Nhân suy sụp, chết đi, biến mất cũng có bàn tay của Duyên trong đó, tức là những điều kiện bất lợi, suy yếu, tàn tạ, nghịch cảnh, chướng ngại, dẫn Nhân đến chỗ hoại diệt, đường cùng, sự chấm dứt.

Chiều đi lên hay đi xuống, thịnh hay suy, tốt hay xấu…của Nhân đều lệ thuộc vào Duyên. Có thuận Duyên, nghịch Duyên, túc Duyên, căn Duyên, cơ Duyên, trái Duyên, phải Duyên, Duyên hợp, Duyên tan, Duyên kỳ ngộ, Duyên may, Duyên rủi, Duyên lành, Duyên hờ, Duyên hẩm, Duyên thắm, Duyên muộn, Duyên sâu, Duyên cạn, Duyên hài, Duyên ước, Duyên hẹn, Duyên thề…Có Ác Duyên thì cũng có Thiện Duyên, Lương Duyên và Thanh Duyên, cũng nằm trong ý nghĩa cao quí, tốt đẹp này.

Người tin vào thuyết Thiên mệnh thì có Duyên tiền định. Khi nói đến Túc Duyên là nói đến mối duyên đã có từ đời trước nhưng hoàn toàn không mang ý nghĩa của cái duyên tiền định. Khi chẳng có chuyện gì dính líu, liên quan thì gọi là Vô Duyên. Tạm cho là như người dưng, như nước lã…Xin tạm thời nói như vậy vì thực ra trên cõi đời này, giữa mọi con người, mọi con vật, mọi đồ vật, mọi việc đều có Nhân Duyên chằng chịt với nhau. Cũng xin đừng lầm lẫn ở đây, Vô Duyên, có nghĩa là chẳng hay ho, thú vị « chuyện này thật vô duyên » ngược với Có Duyên như « ăn nói có duyên » và xinh xắn, quyến rũ, mặn mà như «  cô này vừa đẹp vừa có duyên »…

Chữ Duyên dùng để chỉ tình yêu đôi lứa, hôn nhân, gọi là Tình duyên, Duyên bàng bạc khắp nơi, khắp cùng tận nẻo đường trên thế gian này, khắp cùng mỗi số phận của con người, con vật, sự vật, sự việc. Nói duyên phận, duyên số là vì có những yếu tố từ Nhân, từ Duyên mà tạo nên số phận, số mệnh riêng biệt của mỗi con người. Hai từ duyên phận hay duyên số đều trở nên thông dụng và thường được hiểu như là nói đến số phận gắn liền với hôn nhân, tình duyên nhưng đúng nghĩa của chữ Duyên thì không hạn hẹp như thế.

Tất cả đều phải nhờ bàn tay đưa đẩy của Duyên. Tôi sinh ra, lớn lên và lưu lạc nơi này chốn nọ. Tại sao không kết hôn với người này mà lại với người nọ ? Tại sao lại không thể là chỗ này chỗ kia mà phải là chỗ này chỗ nọ ? Tôi được việc này việc nọ, làm chuyện này chuyện kia, thành tựu hay thất bại, trúng mánh hay thua lỗ, phát đạt hay suy sụp. Tất cả đều có Nhân có Duyên.

Đôi lúc chúng ta nói do tình cờ mà gặp gỡ, mà tự dưng nên chuyện, có thể là thành bạn, có thể thành vợ chồng. Ở đây, hai người, đương sự là Nhân và cuộc gặp gỡ tình cờ là Duyên, nhờ đó mới có mối quan hệ tiếp nối theo sau. Những mối Nhân Duyên được ví như những xâu chuỗi. Một hạt Nhân kéo theo một hạt Duyên, rồi một hạt Duyên lại sinh ra một hạt Nhân khác, cứ thế tiếp tục xâu chuỗi dài bất tận của Nhân Duyên.

Giống như ta kết hôn với một người thì dính liền với cả gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm, thân quen, xa gần của người bạn đời. Từ một Nhân một Duyên kéo ra thành trăm, ngàn, vạn mối Nhân, Duyên khác.

Tình cảm của con người vừa vi tế vừa phức tạp. Xúc động trước một con người, con vật, đồ vật hay sự việc gì đó cũng phải do Nhân do Duyên đứng đằng sau « giựt dây  » như bàn tay phù thủy hoạt động trong bóng tối, điều khiển con người mà con người không hay biết !

Một thí dụ : bạn đi ra phố để mua một món đồ bạn cần, rất nhiều cửa tiệm mở ra trước mắt bạn nhưng rồi bạn chọn đi vào cửa tiệm này mà không bước vào cửa tiệm khác, vì sao ? Vì bạn có « nhân duyên » với cửa tiệm này : thương hiệu của cửa tiệm đáng tin cậy, món hàng có phẩm chất tốt, hợp nhãn, hợp ý, cô bán hàng mặt mày trông vui vẻ, và có giá hạ treo trước cửa…v.v…Món hàng bạn cần mua là Nhân, tất cả những lý do như đáng tin cậy, phẩm chất tốt, vui vẻ, giá rẻ…là Duyên để bạn sẽ mua món hàng, món hàng đó sẽ thuộc về sở hữu của bạn đều có đầy đủ hai yếu tố Nhân và Duyên. Nhân hay Duyên cũng có thể là tự mình tạo ra hay do từ nơi người khác.

Trong thí dụ đi mua hàng nói trên, bạn nghĩ là mình chủ động ? Hoàn toàn sai ! Chính người thương gia kia mới là người chủ động. Vì sao ? Vì người đó đã khôn khéo «  dàn trận » trước mắt bạn là một thương hiệu đáng tin cậy, món hàng có phẩm chất tốt, cô bán hàng miệng cười xinh xắn và cái giá rẻ treo ngay trước cửa thật to, làm thế nào mà bạn không thể thấy và không ngần ngại bước vào ?!

Cho dù mình ở thế chủ động hay bị động, Nhân và Duyên vẫn tác động đến mình như nhau.

Một thí dụ khác mà bạn chủ động : Yêu một người. Bạn sẽ chủ động tình huống này với những ý tưởng như «  Cô ấy hiền lành, nấu ăn ngon, giống mẹ, đẹp như Grace Kelly, hoặc anh ấy thông minh, giống bố, đẹp trai như Brad Pitt… » Nhân là người con trai hay con gái mà bạn hướng đến. Ý tưởng và hình ảnh bạn tự dựng lên trong đầu như giống mẹ, giống bố, đẹp gái, đẹp trai là Duyên để cho tình cảm nảy sinh. Và khi tình cảm nảy sinh rồi thì sẽ có sự đeo đuổi để tìm cách gần gủi, chiếm đoạt làm sở hữu của mình.Trên đời, không có một cặp tình nhân hay vợ chồng nào mà không nhìn nhận rằng bạn trai, bạn gái, chồng hay vợ mình là sở hữu của mình.

Hãy suy nghĩ xa hơn. Trong thí dụ «  Yêu một người » này, có thật bạn chủ động không ? Hay cũng bị động như khi bước vào một cửa hàng trước đó ? Đúng vậy ! Bạn đang bị thôi thúc bởi cái bản năng thèm khát yêu đương đấy, ở đây, bạn đang bị động và bạn chỉ chủ động trong trình tự tiếp theo sau là sự đeo đuổi, chiếm hữu, làm thỏa mãn bản thân mà thôi !

Đối với một con vật, một đồ vật hay một sự việc cũng không có gì khác. Sự thèm khát thúc đẩy Nhân và Duyên tương tác. Đạo Phật gọi đó là Ái hay Khát Ái. Cái trình tự này sẽ được lập đi lập lại cho tất cả mọi trường hợp, không ngoại lệ. Nhân là con vật, đồ vật hay sự việc mà ta khao khát.Ta sẽ dựng một hình ảnh trong đầu, « chồng lên » cái hình ảnh trong thực tế, cố tìm những lý do phù hợp với sự suy nghĩ, sở thích hay gì đó, miễn là chính ta hứng thú, chấp nhận được và hình ảnh, lý do, sự suy nghĩ theo sở thích hay theo gì đó mà ta «  thêu dệt, bày vẽ » ra sẽ là cái Duyên cho ta gần gủi với con vật, với đồ vật, với sự việc kia và ta bắt đầu cuộc đeo đuổi, biến thành vật sở hữu, và tất nhiên ta là sở hữu chủ. Lòng khao khát đã được thỏa mãn. Duyên đã làm xong cái «phận sự» là kết nối, gắn liền ta với đối tượng ta khao khát. Từ đó có chữ Kết Duyên là vậy. Đây cũng là một đặc tính của Duyên. Gắn bó keo sơn. Dân gian có câu thật chính xác :

                   Phải duyên thì bám như keo

                   Trái duyên, trái kiếp như kèo đục vênh. (5)

Những Nhân và Duyên đi theo chiều hướng thuận, dẫn dắt đến sự gắn bó, liên hệ, khắng khít kèm theo là sự thụ hưởng. Có những Nhân và Duyên đi theo chiều nghịch sẽ là sự chia tay, xa lìa, tách rời, rủ bỏ, không dẫn đến sự thụ hưởng.

Như một cuộc gặp gỡ dù là tình cờ, gặp ai đó cùng đứng chờ xe buýt, mà nếu Nhân Duyên theo chiều hướng thuận thì tự nhiên ta sẽ thấy cái mặt anh chàng hay cô nàng này dễ thương, đáng yêu lúc đó ta mới quyết định làm quen, gợi chuyện rồi từ đó cứ ngong ngóng chờ cùng chuyến xe, trao đổi địa chỉ, e-mail, điện thoại…Nhân Duyên theo chiều hướng thuận thì sẽ như nhụy hoa quyến rũ bầy ong bướm, mật ngọt thì kiến bò đến, như keo như sơn thì dính chặt, đeo đẳng nhau, cho tới khi sở hữu nhau mới thôi.

Nếu theo chiều hướng nghịch thì ta sẽ thấy cái mặt này thật đáng ghét, bộ tịch này thật hợm hỉnh, ta không muốn dính líu gì tới « hắn ta » thoạt ngay từ đầu mới nhìn, thì lúc đó Duyên có tác động là xua đuổi, tách rời, ly khai. Cái gặp gỡ là Nhân, nhưng Duyên, qua sự suy nghĩ chủ quan của trí óc thì chận lại, không tạo điều kiện cho Nhân trưởng dưỡng, được chuyển tiếp đến giai đoạn Thành. Có thể nói Nhân đã bị giết chết từ trong trứng.

Tuy nhiên hãy coi chừng, Duyên không tạo điều kiện cho Nhân được Thành nhưng Nhân vẫn còn đó hoài, Nhân tưởng như chết mà …chưa chết ! Nhân vẫn nằm đó, âm thầm như một cái xác không hồn mà thôi ! Cái hình ảnh của buổi gặp gỡ khuôn mặt đáng yêu hay đáng ghét đó đều vẫn còn lưu lại đâu đó, theo nhà Phật thì nó được lưu trữ nơi Tạng Thức, chỉ cần trí nhớ, trí tưởng tượng gợi lại là thấy rõ như in trước mắt ! Và cái tình cảm yêu thương, gắn bó cũng như cái tình cảm ghét bỏ và xua đuổi đều là mầm mống chứa chất Nghiệp ! Mống khởi yêu hay ghét đều làm Nhân cho Nghiệp mà khi có đủ điều kiện nghĩa là có bàn tay của Duyên trợ giúp thì Quả sẽ trổ mà thôi !

Chúng ta ai cũng từng nghe qua câu nói của dân gian :

                   Ghét của nào trời trao của ấy !

Đó chẳng qua là cái Nhân « ghét » đã gieo tự lúc nào mà không biết, không nhớ, tưởng là đã « giết » nó trong trứng rồi, ai ngờ nay gặp điều kiện, Duyên thuận thì nó trờ mặt tới !

Theo đạo Phật thì Nhân, Duyên, Nghiệp, Quả dính chùm vào nhau, theo nhau, tiếp nối nhau, luân chuyển, chạy vòng, chạy quanh rồi cũng có ngày gặp nhau. Gieo Nhân nào thì được Quả đó. Có Duyên thì cũng có Nghiệp hợp sức, hợp lực. Có nghĩa là khi đã có lý do chính đáng rồi thì sẽ có hành động, do đó tạo nghiệp. Rồi cứ thế lại tạo ra Nhân khác, Quả khác, Duyên khác và Nghiệp khác. Vô cùng vô tận.

Chúng ta đã hiểu như thế nào là Duyên, chính là điều kiện, hỗ trợ cho cái Nhân thành tựu và cũng chính là lý do từ đó, nương vào đó mà nảy sinh những sự việc tiếp theo. Không có Duyên thì Nhân cũng đứng một chỗ, không sinh sôi nẩy nở, đâm chồi, có hoa có quả, sinh con đẻ cái, cháu chắt đầy đàn, từ một đồng bạc, trở thành một triệu bạc…v.v…Và rồi cũng do chiều nghịch của Duyên mà làm cho Nhân biến mất, hoại diệt, như sinh lão bệnh tử, từ giàu có đến nghèo cùng, từ hạnh phúc đến đau khổ, từ được khen đến bị chê…Tất cả đều có sự tác động của Nghịch Duyên.

Có điều rất đáng được chú ý là những ý tưởng hay hình ảnh do chính ta tạo ra, thêu dệt trong đầu thường không đúng với thực tế, nhưng đã tạo ra cái Duyên giúp cho Nhân thành tựu thì chắc chắn sẽ dẫn tới cái Quả là sự thất vọng. Đây là điều thường xuyên xảy ra, nhất là khi ta đang yêu, ta không còn lý trí mà chỉ biết mơ mộng, chỉ thấy người trong mộng, người thật thì…quá xa vời ! Điều này thường dẫn đến chuyện từ Duyên bỗng biến thành Nợ !

Tiếp đến, xin bàn đến chữ Nợ. Thật ra thì cũng không có gì khó hiểu vì sao mà từ Duyên lại chuyển qua thành Nợ. Đó chỉ là Duyên này đang tác động theo chiều nghịch của nó mà thôi.

Hôn nhân ban đầu đẹp đẽ, hạnh phúc, thì với thời gian, dần dà trở nên khổ đau, cay đắng, cơm không còn lành, canh không còn ngọt, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, chẳng qua là do những mối Nghịch Duyên đột nhiên xuất hiện. Những cái duyên xấu, gây đau khổ, bất hòa, xung đột này có thể là nó đã có từ trước nhưng mắt ta đã bị đánh hỏa mù bởi những ý tưởng và hình ảnh mà chính ta tự tạo, tự thêu dệt lấy, như đã đề cập ở phần trên, hoặc là do nơi bản thân mình, và của đối tượng, lần lần, từ từ mới bộc lộ cái bản chất xấu, thật, bị giấu giếm, che đậy, hoặc do bản tánh mình thay đổi với thời gian và cũng có thể do bên ngoài đem lại, do ảnh hưởng không tốt, như bạn bè chỉ để nhậu nhẹt, chơi bời, bê tha, quên bổn phận, trách nhiệm, hoặc có quá nhiều ưu tư, căng thẳng trong công việc nên không đủ kiên nhẫn với những chuyện tạm gọi là vụn vặt của đời sống hằng ngày, tính tình trở nên khó chịu, gắt gỏng, hay la mắng, giận dữ, người đàn ông thường dễ thiếu sót trong việc giáo dục con cái, gây thất vọng cho người vợ. Phía người phụ nữ thì cũng không phải ai cũng như vợ của Tú Xương, an phận, tảo tần mà có thể là ham đua đòi vật chất, và cũng có trường hợp «  Nhàn cư vi bất thiện » được cuộc sống thoải mái rồi thì sinh chướng, sinh tật, không bao giờ biết bằng lòng, biết đủ, được voi đòi tiên…Trăm ngàn vạn lý do để cái Duyên chuyển thành cái Nợ.

Cái nhẹ nhàng, đẹp như mơ như mộng không còn kéo dài, chạm mặt với cuộc sống thực tế, ít ai mà không thốt lên :

                            Trách duyên lại giận trăng già

                            Xe tơ lầm lỗi hóa ra chỉ mành

                            Bây giờ chồng thấp vợ cao

                                   Như đôi đũa lệch so sao cho bằng ! (6)

                            ….

                            Thế gian được vợ hỏng chồng

                                   Có phải như rồng mà được cả đôi ! (7)

                                   ….

                                   Trai có vợ như rợ buộc vào chân. (8)

Hay là :

                            Con là nợ, vợ là oan gia ! (9)

Hoặc :                    

                            Anh khôn nhưng vợ anh đần

                            Lấy ai lo liệu xa gần cho anh ! (10)

Nhưng không phải chỉ có đàn ông mới than, đàn bà cũng thế thôi :

                            Vì chàng thiếp phải mò cua

                            Những như thân thiếp thì mua mấy đồng

                            Vì chàng thiếp phải long đong

                                   Những như thân thiếp cũng xong một bề. 11)

                                   ….

                            Có con phải khổ vì con

                                   Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay. ( 12)

                            …

                            Chồng con là cái nợ nần

                            Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm ! (13)

Những câu nói của dân gian, trải qua bao năm tháng, bao thời đại vẫn còn nguyên giá trị, chứng minh được cho chúng ta thấy cái Duyên ban đầu đã biến thành cái Nợ. Nhưng chưa hết ! Cái Nợ này còn dây dưa kéo từ đời này sang đời khác. Cho nên mới có câu nói «  Nợ Ba Sinh » là ám chỉ cái Nợ của nhiều kiếp, kiếp quá khứ, kiếp hiện tại và cả kiếp vị lai ! Ba Sinh, dịch từ chữ Hán là Tam Sinh hay Tam Kiếp vậy. Có chấp nhận thuyết luân hồi thì mới hiểu được Nợ Ba Sinh này, vì con người gặp nhau kiếp này thường là đã gặp nhau kiếp trước rồi, và đã gặp nhau kiếp hiện tại thì cũng rất dễ gặp lại nhau trong tương lai, tức là kiếp sau.

Kim Trọng khi gặp Thúy Kiều cũng nói đến cái Nợ Ba Sinh này. Những kẻ yêu nhau mà không được trọn vẹn kiếp này thường hay « hẹn hò » chờ nhau, gặp lại kiếp sau ! Chính trường hợp của Kim Trọng và Thúy Kiều cũng không khác :

                                   Kiếp này duyên đã phụ duyên

                                   Dạ đài còn biết sẽ đền lai sinh. (14)

Bà vợ của Tú Xương thì an phận :

                            Lặn lội thân cò khi quãng vắng

                            Eo sèo mặt nước buổi đò đông

                            Một duyên hai nợ âu đành phận (15)

Chấp nhận Duyên phận, Duyên số cũng không phải là chuyện dễ làm. Thời buổi hiện đại cho thấy, cứ hai cuộc hôn nhân là có một vụ ly dị. Biết sống với nghịch cảnh không phải chuyện dễ làm. Con người thường thiếu kiên nhẫn và mắc cái tật là đổ lỗi, đổ thừa cho người khác ! Luôn luôn có một lý do mà nhất định không phải là lỗi của tôi. Con người đúng là bất toàn, bất hoàn hảo và thay đổi tánh tình, sở thích theo thời gian, theo tuổi tác, theo hoàn cảnh đó là chuyện tự nhiên, theo luật vô thường, phải có trên con đường đời gập ghềnh không bằng phẳng này, nhưng con người đã không làm chủ, không chế ngự, không hàng phục được những điều bất như ý, bất mãn, bất toàn do đó sinh ra đau khổ, giận dữ, oán trách và cuối cùng là chia tay, cắt đứt mối tơ duyên.

Thật ra, có thể có chăng một thời đại lý tưởng cho con người ? Một nền văn minh hay một nền giáo dục đem lại hoàn toàn hạnh phúc cho con người ? Nhiều bài học của quá khứ đã được để lại nhưng con người có làm theo, có thay đổi gì không ? Những lời dạy của thánh nhân không hề thiếu. Mọi nổ lực không ngừng của con người qua triết học, tôn giáo, tâm lý học đều để giúp con người vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống nhưng chuyện lý thuyết thì vẫn dễ mà chuyện thực hành nơi tự thân mỗi con người dường như vẫn là điều khó vượt qua nhất !

Chỉ trừ là con nít, lớn lên ai cũng nhận ra cuộc đời không là màu hồng mà nhuốm màu đỏ của máu, của chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, màu đỏ của lửa hận thù, xung đột, bạo động. Đường đời không trải thảm đỏ của vinh quang và hạnh phúc mà đầy dẫy thất bại và đau khổ. Dòng đời không phải là dòng sông lặng lờ không sóng gió mà ngược lại, đầy bão giông. Những điều bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, bất đắc chí, bất đồng, bất công, bất bình, bất lương, bất chấp, bất trách, bất khả thi, bất thành tựu, bất lực, bất pháp, bất tình, bất nghĩa, bất toàn, bất an…rải rắc đầy dưới bước chân đi của con người. Sự chống chỏi để đứng vững trên hai chân, tạo dựng sự nghiệp, một gia đình, một căn nhà, cơm ăn áo mặc, tiện nghi vật chất đầy đủ làm cho con người lao đao vất vả, mau già nua, bệnh tật và chết ! Không có ai chỉ ngồi không, không động móng tay mà có công danh sự nghiệp, tài sản vật chất, chỉ biết thụ hưởng. Mà nếu có ai có cái may mắn sinh ra đã được hưởng gia tài của cải cha mẹ để lại cũng phải biết lo toan để gìn giữ, điều này cũng không dễ, thêm vào đó, nếu không gặp lo âu phiền toái chỗ này thì cũng gặp ở chỗ khác. Được may mắn chỗ này thì sẽ xui xẻo ở chỗ khác mà thôi. Không vô cớ mà lắm nhà tỷ phú, người nổi danh tự tìm đến cái chết !

Tất cả những điều « bất » nghĩa là không, không được, không có, không thành, không xảy ra như ý muốn, như mong cầu, không đem lại hạnh phúc, sự tốt lành mà gây phiền toái, lo âu, đau khổ, thất vọng xảy đến trong đời người được xem như gánh nặng oằn xuống đôi vai mà con người phải chịu đựng, gọi đó là Nợ.

Không ai muốn cưới một người vợ hay lấy một người chồng mà là một « bà chằng » hay « ông chằng », một Hoạn Thư hay Sở Khanh, cũng thế, không một ai đẻ con ra mà muốn con mình xấu xí, bệnh tật, ngu dốt, lêu lổng, trở nên du đãng, du côn cả. Cũng như trong một gia đình, không ai muốn anh chị em mà trở nên bất hoà, thù ghét nhau.

Nhưng có những điều mà con người không làm chủ được, con người phải cam chịu, xem như là phần số của mình. Sự chịu đựng, phải mang, phải gánh cái khổ mà không thể trút đi đâu, bỏ chỗ nào hết, được xem như là Nợ.

Đúng ra phải hiểu chữ Nợ như là cái gì mình phải trả vì đã có vay. Nên đạo Phật hiểu chữ Nợ như là một điều mà mình phải chịu, phải gánh vì mình đã từng tạo ra cái Nhân của cái Nợ này, bây giờ phải trả. Đó cũng không nằm ngoài luật nhân quả. Và cắt nghĩa luật nhân quả chỉ trong một đời thì không thể nào đúng và đầy đủ được, cho nên đạo Phật phải dựa vào thuyết luân hồi. Phải trải qua nhiều đời, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai mới thấy hết Duyên, Nghiệp, Quả báo. Quả báo không gì khác hơn là Nợ, trả vay, vay trả.

Thí dụ ta đã từng mượn tiền ai mà không trả thì sẽ có ngày ta chịu cảnh túng thiếu, nghèo nàn, làm lụng vất vả, làm thân tôi đòi…Đó là quả báo của sự việc giựt tiền, không trả nợ. Nếu ta đã từng lường gạt, dối trá ai thì ta sẽ gặp lại những cảnh người khác lừa đảo ta, làm ăn thua lỗ. Nếu ta đã từng sống đối xử tệ hại, ác độc, hành hạ thậm chí sát hại người khác thì ta sẽ sống lại cái cảnh bị hành hạ, bị đánh đập, bị sát hại.

Ngược lại, khi ta sống tốt, sống hiền lành, đạo đức, hiếu thảo, rộng lượng thì ta sẽ được đền bù lại bằng sự tốt đẹp. Ở đây, chính những người đã nhận, đã hưởng sự tốt lành, từ sự rộng lượng, từ những hành vi đạo đức của ta sẽ là người « mang nợ » cho dù là trong nghĩa tốt, và họ sẽ đền đáp lại những gì họ đã nhận được. Họ tự xem là những người có Nợ với người đã đem điều tốt lành đến cho họ.

Như vậy phải thấy chữ Nợ qua hai chiều. Một chiều là vay trả nhưng điều xấu mà mình đã tạo, tức là phải gặp lại và chịu đựng những hoàn cảnh hay hành động xấu xa mà mình đã tạo. Một chiều khác là đền ơn những gì tốt đẹp mà mình đã nhận được. Đền đáp một điều gì đó nghĩa là có nhận, thì có vay, nghĩa là có Nợ, cho dù trong nghĩa tốt.

Nợ có thể là vật chất hay tinh thần và sự vay trả cũng theo đó mà có thể là vật chất hay tinh thần. Và cũng có thể là vay trả trực tiếp hay gián tiếp. Rất nhiều cách, nhiều kiểu để vay, để mang nợ và cũng thế, rất nhiều kiểu, nhiều cách để trả Nợ, đền ơn.

Chúng ta hiểu ra rằng thọ ơn ai, nhận được sự giúp đỡ qua vật chất hay tinh thần đều được xem như là mang Nợ. Cho dù người ra ơn không hề nghĩ đến chuyện đền đáp, trả ơn gì cả.

Chúng ta ai cũng được giáo dục là thọ ơn và nhớ ơn Sư, ơn Thầy, ơn cha mẹ, ơn những vị quốc thủ, nguyên thủ biết lèo lái đúng đường vận mệnh đất nước, những người chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ tổ quốc, những vị bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện tận tình chăm sóc, gần hơn thì có ơn vợ chồng, anh em, bà con, láng giềng, ơn chủ, ơn đồng nghiệp, ơn bạn bè và cả những người làm công, giúp việc…Cho dù là chúng ta đã bỏ tiền ra để trả công những người này. Không có họ thì cuộc sống hằng ngày của chúng ta sẽ khó khăn hơn nhiều, ai trông con cái, ai lo nhà cửa tươm tất cho ta rảnh tay lo sự nghiệp. Thời buổi hiện đại, ít có người phụ nữ nào mà không có công ăn việc làm. Thời xưa thì người đàn bà lại đông con, không có ai giúp một tay thì làm sao lo hết được công việc nhà. Khi ta mở công ty mà không có nhân viên hay công nhân nào chịu làm việc dưới quyền của ta thì công ty đóng cửa. Khi ta có công ăn việc làm cũng phải biết nhớ ơn người chủ cho dù họ mướn ta và trả lương cho ta, phần ta thì đã đóng góp tài năng, sức lực xứng đáng với đồng lương, nhưng không phải vì vậy mà không nhớ ơn người đã cho mình công ăn việc làm, và cũng đừng quên là không thiếu những người tài giỏi hơn mình. Ngoài ra, còn phải nhớ ơn…con cái vì nhờ có chúng nó mà mình mới sống theo nề nếp, biết ổn định, nhờ có trách nhiệm, bổn phận mà mình bỏ được tính ích kỷ. Hàng vạn hàng tỷ điều mà chúng ta có thể mang ơn. Cũng là Nợ, khi nhận được sự dạy dỗ, kinh nghiệm, hiểu biết hay bất cứ điều gì đó từ người khác, cũng có thể là điều tiêu cực như lời chê, trách, phê bình, chỉ trích…nhưng dưới cái nhìn theo chiều tích cực nên nó trở thành là Ơn.

Chúng ta cũng được dạy dỗ là biết cám ơn tất cả những gì chúng ta thọ nhận trên đời, tốt hay xấu, lành hay dữ, rủi hay may…Không than trách, biết ơn là đủ. Vì điều gì cũng có thể cho ta những bài học đáng suy nghĩ, noi theo để sửa đổi, hoàn thiện mình và hạnh phúc hơn. Dù chỉ là thiên nhiên, cả vũ trụ này, chúng ta cũng mang ơn. Mở mắt dậy thấy mặt trời, được ánh sáng, được nắng ấm, có không khí để thở, có gió mát, có cơn mưa tưới tẩm cây cối cho đơm hoa kết trái, có đất đai để trồng trọt, có điều kiện để nuôi sống thân mạng…Từ một hơi thở vào, thở ra là chúng ta đã mang ơn. Ngay những con vi khuẩn trong thân thể ta, cũng có những con vi khuẩn « tốt » chứ không phải vi khuẩn nào cũng đem lại bệnh tật cho ta.

Phật giáo có cái nhìn bình đẳng giữa người thi ơn và người thọ ơn. Không có học trò thì ông thầy dạy cho ai ? Không có bệnh nhân thì bác sĩ cũng ngồi không. Không có người nghèo khó thì cũng không có những người làm từ thiện. Không có người ăn xin thì cũng không có người bố thí. Không có người túng thiếu thì đâu có kẻ cho vay (và trở nên giàu có nhờ tiền lời…cắt cổ !)

Người thi ơn thì được phước, nhưng được phước là nhờ có đối tượng để thi ơn. Do đó mà bình đẳng. Người thi ơn hay người thọ ơn đều…phải nhớ ơn nhau ! Thử phóng tầm nhìn xa hơn một chút nữa, chúng ta sẽ thấy, không phải chỉ gọi là Ơn khi việc ấy chỉ hoàn toàn vô vị lợi, mục đích chỉ để giúp người, mà qua những liên hệ « có đi có lại », có « cung có cầu », có thu nhập, lời lãi, cũng có thể xem là Ơn, nên cũng phải có sự đền đáp.

Thí dụ, tiệm phở sẽ sạt nghiệp nếu không có ai thèm ăn phở. Nếu ai cũng cho xướng ca là vô loại thì ca sĩ, nhạc sĩ sẽ thất nghiệp. Cuộc đời sẽ buồn thiu nếu không có âm nhạc vang lên. Nếu ai cũng hà tiện, không mua sắm gì hết, chỉ ba cái áo, một đôi giày cũ quanh năm suốt tháng thì không có buôn bán gì được cả và kinh tế cũng suy sụp !

Ở đây, người bán phải biết ơn người mua và người mua cũng phải biết ơn người bán, cả hai bên đều cần nhau. Cho đến cả việc mua vui, được gọi là món ăn tinh thần, người tìm vui cũng phải biết nhớ ơn người đem vui đến cho mình. Người đem vui được đền bù xứng đáng và không quên là nếu không có người tìm vui thì mình cũng khoanh tay ngồi không.

Theo Phật giáo còn có những vị được gọi là Nghịch Hạnh Bồ Tát, các vị này «  làm gương » cho chúng sanh bằng những hành động không được gọi là thiện hay đạo đức, khi thấy hậu quả của những hành động bất thiện đó đem lại thì tự nơi chúng sanh sẽ nảy sinh sự ghê tởm và xa lánh điều xấu ác đó, sẽ không hành động theo cái gưong xấu được thấy.

Xin đưa một thí dụ : bạn gặp một người say sưa nghiện ngập, áo quần thốc thếch, trông dơ dáy bẩn thỉu, đi đứng xiêu vẹo, ngã nghiêng ngoài đường phố, tự nhiên bạn ghê tởm cái hình ảnh này và bạn tự nói «  khiếp quá, tôi không bao giờ trở thành như ông ta được! » Bạn hãy « cám ơn » ông ta đã cho thấy cái hình ảnh tồi tệ đó để bạn sẽ ghi nhớ và không  « noi » theo cái gương xấu này. Có thể ông ấy là Nghịch Hạnh Bồ tát đấy, chớ vội khinh dễ ! Nhưng mấy ai thấy đó cũng là một bài học, cái bài học «  xấu xa » không đáng noi theo ? Bình thường con người ta chỉ biết khinh khi hoặc có thể là xót xa tội nghiệp, chứ ai mà lại cám ơn cái người thể hiện cái điều xấu ác được. Nhưng không ! Đạo Phật dạy cũng nên cám ơn người đã đưa cái hình ảnh xấu xa tệ hại đó ra như cám ơn người đã làm gương tốt vậy. Từ sự cám ơn này, tâm từ bi thương xót, tấm lòng trắc ẩn sẽ được khai mở khi gặp những người không có cuộc sống đạo đức, ngay thẳng, nghèo hèn, xấu xa, có thể họ chứa chất trong lòng một nỗi khổ nào đó, một hoàn cảnh đau thương nào đó mà mình không biết. Không cám ơn, không thương xót được thì cũng chẳng nên khinh thường.

Một thí dụ để biết cám ơn tất cả, cho dù là gương tốt hay gương xấu. Khi vào bệnh viện, để cảnh giác mọi người về sự tai hại của rượu và thuốc, chúng ta thấy treo nhan nhãn trên tường hình ảnh một lá gan, hay lá phổi lành mạnh và bên cạnh là lá gan, lá phổi bị bệnh, chúng ta rùng mình thấy hình ảnh ghê rợn của lá gan, lá phổi bệnh hoạn và tự nói là sẽ không mắc hai thói quen độc hại này. Đó là nhờ hai cái tấm hình làm gương được trưng bày trước mắt. Thông thường, chúng ta chỉ nhớ và cám ơn vị bác sĩ đã chỉ cho biết điều hại của thuốc và rượu nhưng lại không nhớ mà cám ơn những người đã cho mình thấy lá gan lá phổi kia. Nhất là người có lá gan, lá phổi bệnh hoạn, do được thấy tận mắt cái hình ảnh ghê rợn đó mà mình mới có cái ý chí mạnh mẽ là dứt bỏ thói rượu chè. Từ sự biết ơn này, ta sẽ khởi lên tâm từ bi hướng về người bệnh tật. Khởi Từ Tâm cũng là một pháp môn tu tập trong đạo Phật.

Có những danh ngôn mà ta từng được nghe qua, tương tự như « Điều gì không giết tôi chết, chỉ làm cho tôi thêm sức mạnh » Vậy thì chúng ta hãy cám ơn những đau khổ, thử thách, gian nan đã phải gánh chịu. Cha mẹ cũng thế, thương thì cho roi cho vọt, chỉ một mục đích là giáo dục con cái được nên người. Tuy nhiên, ở thời buổi hiện đại này thì không còn chuyện cho roi cho vọt nữa, coi chừng bạn sẽ bị kiện ra tòa đấy !

Người hạnh phúc là người biết cám ơn và biến cái Nợ thành Ơn. Luôn luôn biết cám ơn và không hề trách móc. Chúng ta đã trả xong Nợ rồi đấy !

Hãy bước qua chữ Tình ! Chữ này mới là rắc rối…sự đời làm sao ! Có nó thì cuộc đời thêm hoa thêm hương. Không có nó thì như đi vào một sa mạc khô cằn. Có nó thì cái gì cũng được tô bồi cho thêm phần đẹp hơn, tốt hơn, ngon hơn. Không có nó thì như ăn một món ăn mà không có mắm có muối có gừng có ớt. Nhưng có nó thì cuộc đời cũng lắm truân chuyên, lên thác xuống ghềnh. Không có nó, có thể, có thể thôi nhé, cuộc đời sẽ lướt đi êm ả như con thuyền trên sông không gợn sóng, quá lặng lẽ và…buồn tênh !

Con người, một tập hợp tâm sinh lý, một động vật có lý trí và tình cảm. Biết suy nghĩ và có cảm xúc. Cảm xúc là những cảm nhận đến từ khối óc, không phải từ trái tim đang đập trong lồng ngực như phần đông chúng ta đều tưởng như thế vì khi có một cảm xúc gì đó thì trái tim đập mạnh nhưng đó chỉ là sự biểu hiện của cảm xúc qua thân thể, không phải từ trái tim mà có cảm xúc. Tuy nhiên chúng ta vẫn quen dùng và phân chia « tiếng nói của lý trí, tiếng nói của con tim » tưởng chừng như lý trí là xuất phát từ trong đầu và tình cảm là từ trái tim nhưng thật ra, theo các nhà nghiên cứu của khoa não bộ hiện đại thì lý trí hay tình cảm gì cũng đến từ bộ não. Bộ não, trung tâm điều khiển mọi ý thức hay nhận thức của tư duy, bao gồm ý tưởng, trí nhớ, sự phân biệt, nhận biết, so sánh, cùng sự nhận thức đến từ các giác quan như mắt, tai, mủi, lưỡi, da thịt. Con người nhận ra ánh sáng, hình tướng, màu sắc, âm thanh, mùi, vị, sự chạm xúc nơi thân đều đến từ bộ não. Con người biết cử động, ăn, uống, nhai, nuốt, nói năng gì cũng từ bộ não. Đó là những hoạt động của thân mà ai cũng nhận ra vì được biểu hiện ra ngoài. Cũng từ bộ não mà ra nhưng phần này không được biểu hiện rõ ra nơi thân và con người phải mượn hình ảnh, ngôn ngữ hay cử chỉ để diển tả, đó là phần trừu tượng, phần của nội tâm, của tư duy, tư tưởng, sự sáng tạo, trí tưởng tượng và cảm xúc. Chính nơi phần cảm xúc này mả phát sinh ra các tình cảm như vui, buồn, giận, ghét, yêu thương, ham muốn…

Như vậy, phần cảm xúc này phát xuất từ bộ não xuyên qua 5 giác quan là mắt, tai, mủi, lưỡi và thân (da thịt) và các đối tượng của 5 giác quan này như hình ảnh, âm thanh, mùi, vị và sự đụng chạm. Năm giác quan, sau khi tiếp xúc với 5 đối tượng thì sẽ có phản ứng là những tình cảm yêu thích hay ghét bỏ, buồn hay vui, mừng hay giận, ham muốn hay không ham muốn…

Theo Phật giáo thì con người có thêm giác quan thứ sáu là ý hay ý căn. Đối tượng của ý căn là tư tưởng, ý tưởng, ý nghĩ. Ngược lại với 5 giác quan nêu trên, thuộc về phần vật chất, thuộc cái thân, thì ý căn thuộc phần tâm lý, phần tinh thần. Hai phần vật chất và tâm lý này nương tựa vào nhau mà tồn tại. Nhờ phần vật chất, 5 giác quan của cái thân mà phần tinh thần, hay tâm lý và cũng là tâm linh, mới có cơ sở để thể hiện những hoạt động trừu tượng của ý căn.

Như vậy, não bộ, năm giác quan và giác quan thứ sáu, ý căn, chỉ là công cụ hay phương tiện để diển đạt những thông tin của chủ nhân đứng đằng sau những hoạt động của phần tinh thần hay tâm lý, tâm linh này mà tùy theo quan điểm của mỗi tôn giáo hay tín ngưỡng, có thể là một Linh hồn, một Đại Ngã, một Phạm Thiên hay chỉ là một cái Tôi, cái Ngã và đơn giản hơn nữa, chỉ là cái Tâm.

Tất cả mọi người trên trái đất đều thống nhất một điều : dùng đại từ Tôi để chỉ cho cái thân tổng hợp của hai phần tâm sinh lý của con người. Nhưng khi cái thân vật chất này chết đi thì còn cái gì lại là điều không có sự thống nhất nơi con người. Giới hạn của bài này không bàn đến chuyện đời sau của cái Tôi mà dừng lại nơi cái Tôi hữu hạn với cái chữ Tình vây bủa nó đôi lúc đến ngạt thở !

Tình, có thể là thuần Việt cũng như xuất xứ từ Hán Việt, dùng để chỉ cái cảm xúc, sự rung động, một trạng thái tâm lý mà con người nhận thức được nhờ trung gian của não bộ, hệ thần kinh, khi đứng trước một con người khác, một con vật, một sự vật hay sự việc. Cảm xúc này tác động đến cả thân và tâm, có thể không được bộc lộ ra bên ngoài, chỉ giữ ở bên trong, nơi phần tinh thần, mà cũng có thể biểu hiện ra bên ngoài qua cử chỉ, nét mặt, hành động và ngôn ngữ.Tình cảm con người thực sự ra chỉ quanh quẩn nơi con số 7. Thất tình gồm có : hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố và dục. Tức là vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn.

Đứng trước một đối tượng, là con người với con người, với con vật, với đồ vật hay với sự việc, kể cả thiên nhiên, sau khi 5 giác quan đã nhận ra, hoặc hình ảnh, hoặc âm thanh, hoặc mùi, vị, sự xúc chạm và khi sự suy nghĩ hay tư duy trong đầu, từ nơi Ý, giác quan thứ sáu, đã « đánh giá, phán đoán » xong là có ngay sự chấp nhận hay không chấp nhận, giữ hay bỏ, đeo đuổi hay không, lập tức tình cảm sẽ nảy sinh trước đối tượng này.

Nếu chấp nhận thì tình cảm sẽ là vui mừng, vui vẻ, dần dần sâu đậm hơn để trở thành yêu thương và ham muốn hay thèm khát được sở hữu hay thụ hưởng tùy theo loại đối tượng. Nếu là con người và tùy theo liên hệ quen biết, thân, không thân, bạn hay người yêu…v.v…mà mức độ tình cảm được tăng trưởng theo cường độ của sự đeo đuổi, thèm muốn, hay khát khao, do đó mà tình cảm có thể chỉ được biểu hiện qua một cái bắt tay, một nụ hôn, một vòng tay hay xa hơn nữa, tiến tới sự phối hợp tình dục. Nếu là một đồ vật, cái bánh ngọt chẳng hạn, thì tình cảm ban đầu chỉ là thích cái bánh đó, dần dần tăng lên cho đến khi thèm muốn là phải ăn cái bánh đó. Nếu đối tượng là một con vật thì tình cảm ban đầu chỉ là vài cái vuốt ve, ôm ấp vào lòng, sau đó là tìm cách đem về nuôi, thân cận ngày đêm. Với một việc gì đó thì tình cảm được biểu hiện là sự thích thú, hứng khởi và con người sẽ nhập cuộc, bắt tay vào việc, đồng hóa mình với sự việc, hoàn toàn dấn thân, bỏ công bỏ sức cho sự việc, dồn hết cả tâm trí, năng lực. Đối với thiên nhiên, như cây cỏ, hoa trái, con người cũng nảy sinh tình cảm thích thú, yêu thương và tìm cách để sở hữu, rồi cũng chăm nom, săn sóc, tưới tẩm, nuôi dưỡng y hệt như đối với một con người hay con vật, đồ vật.

Khi một tình cảm yêu thích, yêu thương bắt đầu nảy sinh thì sẽ kéo con người đi xa hàng vạn dặm. Có thể trèo non lội suối, băng rừng vượt biển, bất chấp gian nguy chỉ để đến gần và sở hữu đối tượng mà mình đã gieo tình cảm vấn vương.

Dân gian lại có câu nói lên được cái tình mãnh liệt như vậy :

                            Yêu nhau chẳng quản đường xa

                            Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều.(16)

                            ….

                            Thương nhau chẳng quản xa gần

                            Cầu tay không vịn cũng lần mà sang.(17)

 

Chữ Tình trong quan hệ nam nữ thì thường được gọi là ái tình hay tình ái, nhưng chúng ta nên hiểu rằng chữ Tình không chỉ giới hạn trong tình yêu đôi lứa. Cũng như chữ Duyên, chữ Tình bàng bạc khắp nơi, khắp chốn. Khi nào có cảm xúc khởi lên với bất cứ đối tượng nào, người với người, với con vật, đồ vật, sự việc gì đều là Tình cả. Cho nên có Tình mẹ con, Tình cha con, Tình thầy trò, Tình bằng hữu, Tình đồng loại, Tình đồng môn, Tình đồng hương, Tình bà con, Tình láng giềng, Tình đồng nghiệp, Tình nghệ sĩ…

Nhưng xem ra chỉ có chữ Tình ái của nam nữ mới thật là phong phú và nhiều sáng tạo nhất.

Hãy đọc bài ca dao « Ước Gì » chứng minh cho sự sáng tạo phong phú này :

                            Ước gì anh hóa ra hoa

                            Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.

                            Ước gì anh hóa ra chăn

                            Để cho em đắp em lăn em nằm.

                            Ước gì anh hóa ra gương

                            Để cho em cứ ngày thường em soi.

                            Ước gì anh hóa ra cơi

                            Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.(18)

Hoặc bài ca dao sau đây mà óc sáng tạo, trí tưởng tượng thật tuyệt vời :

                            Khăn thương nhớ ai

                            Khăn rơi xuống đất.

                            Khăn thương nhớ ai

                            Khăn vắt trên vai.

                            Khăn thương nhớ ai

                            Khăn chùi nước mắt.

                            Đèn thương nhớ ai

                            Mà đèn không tắt.

                            Mắt thương nhớ ai

                            Mắt ngủ không yên.(19)

Ái tình quả đã đem lại sức sáng tạo thật dồi dào qua thi ca, nghệ thuật.

 

Khi không chấp nhận đối tượng thì tình cảm sẽ là ghét, kèm theo các tình cảm khác như sự buồn bã, không vui vẻ, bực tức, giận dữ. Thí dụ, ta chẳng thích chàng trai ấy hay cô nàng ấy mà cứ bị đeo đuổi, cứ bị bám lấy, « hắn cứ chìa cái mặt » thật đáng ghét, không biết thẹn thì ta sẽ sinh ra bực bội, không vui, từ từ trở thành giận dữ, thậm chí mắng chửi, xua đuổi. Với một đối tượng khác như con vật, đồ vật hay sự việc cũng không gì khác, nếu không chấp nhận, không thích, không ưa thì sẽ sinh ra ghét, từ ghét, sinh không vui, buồn bực, giận dữ và xua đuổi, tránh né hay vứt bỏ. Đối với thiên nhiên, cây cỏ, hoa trái thì phá hoại, đào bới, cắt xén, tỉa bỏ, quăng đi, làm cho khô héo, cằn cỗi, chết.

Tình cảm luôn có hai chiều như vậy. Chiều thuận thì đưa đến sự tốt lành, đẹp đẽ, an vui, đoàn tụ, hòa thuận, bảo vệ cuộc sống và hạnh phúc. Chiều nghịch thì đưa đến sự buồn bực, giận dữ, oán thù, chia lìa, xung đột, đau khổ, có khi dẫn đến bạo động và cái chết.

Nếu không có xúc động thì không nảy sinh tình cảm gì hết, sẽ không có Duyên mà cũng chẳng Nợ. Người đi tu là người cắt ngang mối Duyên Nợ ngay từ gốc của nó, tức là chế ngự tình cảm, không để cho nó khởi lên để rồi dính mắc vào những mối Duyên, Nợ khó lòng rứt ra.

Đó là nói những tình cảm ràng buộc qua những mối quan hệ, không chỉ là nam nữ, làm cản trở việc tu hành, diệt ái và diệt dục, mà ngay cả những tình cảm quá gắn bó với người thân, gia đình hay bằng hửu cũng thế, cần được chế ngự, rời bỏ. Chắc chắn là không nói đến những tình cảm tốt như lòng từ bi bác ái, vị tha, nhân đạo, ngược lại, cần phát triển. Tu hành, ai cũng có thể làm đưọc, vì thực chất của nó chỉ là sự dứt bỏ chữ Tình gây ràng buộc và đau khổ và thay vào đó chữ Tình cao thượng đem đến nguồn an lạc, hạnh phúc chân thật.

Năm giác quan và ý căn như những cánh cửa sổ mở ra trước mặt con người những hình ảnh đẹp, quyến rũ, duyên dáng làm xao xuyến, động lòng, những âm thanh tuyệt vời của âm nhạc hay của tiếng nói dịu dàng, trìu mến làm rung động con tim, mùi, vị thơm ngon thì làm cho thèm thuồng, những sự đụng chạm mượt mà dễ chịu của da thịt làm cho khao khát được vuốt ve, nâng niu, và nơi ý thì được nghe, được đọc những lời hay, ý đẹp, chân thật, chân chính, hợp lý, hợp đạo làm tâm hồn được nâng cao, các lời khen ngợi, ca tụng chính đáng, không giả dối.

Phải nói rằng chính nơi con mắt, được thấy những hình ảnh, dung nhan, diện mạo phù hợp với sở thích, thẩm mỹ, theo phán đoán chủ quan của mình, là những lý do đầu tiên làm khởi lên nơi con người những tình cảm mê mẫn, quyến luyến, đắm say. Ở đây, chữ Duyên trong nghĩa của dáng dấp, vẻ đẹp lại làm Duyên, trong cái nghĩa của duyên do, duyên cớ, cho chữ Tình. Nói một cách không được bóng bẩy lắm thì nét đẹp, nét Duyên bên ngoài này như « mồi » để nhử, để « câu » cho Tình mống khởi. Là sắc đẹp trời cho mà cũng có thể cố tình tạo ra để quyến rũ đối tượng mà mình muốn kết mối Duyên, có thể là hời hợt, qua đường, cũng có thể  là lâu dài, bền vững. Hãy cùng đọc bài ca dao « Mười Thương » để thấy dung nhan, tướng mạo bên ngoài đã kết duyên được với cái Tình như thế nào:

                            Một thương tóc bỏ đuôi gà

                            Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

                            Ba thương má lúm đồng tiền

                            Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.

                            Năm thương cổ yếm đeo bùa

                            Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.

                            Bảy thương nết ở khôn ngoan

                            Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.

                            Chín thương cô ở một mình

                            Mười thương con mắt có tình với ai.(20)

Tất nhiên là qua các thời đại, không còn thấy những tóc đuôi gà, yếm, bùa, răng đen, nón lá…Chỉ cần thay vào đó những hình ảnh của tà áo dài, chiếc áo bà ba, hay là chiếc quần túm sát kiểu cao bồi, hay chiếc váy ngắn cũng thế thôi, đều có tác dụng như nhau.

Nhưng năm giác quan và ý căn cũng mở ra trước mặt con người những hình ảnh xầu xí, ghê tởm, những âm thanh, giọng nói chát chúa, cứng cỏi, nặng nề, thô ác, những mùi thối tha, vị đắng, chua, cay và sự đụng chạm thô bạo không mơn trớn, dịu dàng, dễ chịu cũng như ý thì mang những điều không làm đẹp tâm hồn, không cao thượng, không chân thật, chê bai, đả kích, cố tình hạ phẩm giá, nhân cách, không chính đáng, không đúng sự thật, giả dối, tâng bốc nịnh hót.

Luôn luôn có hai chiều, hai hướng, hai thế đối đãi như vậy trong tự bản thân của con người cũng như trong cuộc sống, trong mọi giao tiếp giữa người với người, với con vật, đồ vật, sự việc và cả với thiên nhiên. Tình cảm phát xuất nơi mỗi con người thì luôn nhuốm màu chủ quan, thiên vị do cái suy nghĩ riêng tư của bản thân mà đối tượng không thể nào hiện ra đúng như sự thật cả. Chúng ta lại được thấy điều này chứng minh qua ca dao :

                            Yêu nhau yêu cả đường đi

                            Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.(21)

                            ….

                            Yêu nhau vạn sự chẳng nề

                            Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.(22)

                            …

                            Thương nhau trái ấu cũng tròn

                            Ghét nhau trái bồ hòn cũng méo ( 23)

 

Cái chữ Tình thật không đơn giản chút nào ! Làm cho êm thắm thuận hòa hạnh phúc cũng nó, mà làm cho chia lìa gảy đổ, bất hòa cũng nó. Cho thấy chữ Tình này không thể nói lên sự thật đúng như sự thật được. Do đó mà muốn có sự công bằng, không thiên vị thì phải gạt bỏ chữ Tình này qua một bên. Trong các cuộc thi cử, có những điều lệ dấu tên mà cả dấu mặt thí sinh.

Thành kiến, định kiến, sự suy nghĩ chủ quan cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm của con người. Từ đó mà sinh ra kỳ thị. Không chấp nhận sự khác biệt làm chướng ngại cho tình cảm nảy sinh. Sự khác biệt có thể đến từ tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc, ngôn ngữ, màu da, giới tính…nhiều vô số kể.

Lại nữa, chữ Tình này khi biểu hiện sự yêu thương hay ghét bỏ thì cũng đi theo một chiều hướng nhất định : yêu thương những gì có dính líu, liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến mình và những gì tượng trưng cho sự đẹp đẽ, tốt lành, hay ho, hoặc ngược lại…rất dễ dàng yêu thương người thấp kém, khốn khó hơn mình, ít có ai thương người đẹp hơn, giàu hơn, tài ba hơn, hạnh phúc hơn mình cả ! Và cũng thế, cái tình cảm ghét bỏ thì đi theo hướng từ cao tới thấp, thí dụ ghét người hơn mình, thành công hơn mình…thì dễ hơn so với cái ghét một người thấp kém, thua thiệt hơn mình. Hoặc theo mức độ gần hay xa, thí dụ nói xấu, chửi rủa người dưng thì dễ nhưng là người gần gũi, thân yêu ruột thịt thì khó hơn, thường thì tìm đủ mọi cách để bênh vực, bao che. Chữ Tình này đúng là rắc rối và…lệch lạc!

 

Chúng ta thấy nghĩa chữ Tình này vừa rộng mà vừa hẹp. Rộng là vì nó bao quát tất cả những gì mà con người con thể khởi lên cảm xúc, mang một tình cảm dù vui dù buồn, dù thương dù ghét, đối với người và người, cho đến đối với súc vật, đồ vật, sự việc và cả thiên nhiên. Bất luận là đối tượng nào, trong lảnh vực nào, thuộc tinh thần, tâm linh như tôn giáo, danh vọng, lý tưởng hay vật chất như tiền bạc, của cải, cái ăn cái mặc… con người đều có thể bỏ cái Tình của mình vương vấn vào đó. Lại nữa, chữ Tình còn rộng trong thời gian và không gian. Ta vẫn còn mãi trong ký ức những hoài niệm về quá khứ, những tình cảm xa xưa vẫn còn sống mãi trong lòng và có thể khơi dậy bất cứ lúc nào. Và ta cũng có thể «  sống trước » cái tương lai chưa đến với những cảm xúc, tình cảm do mình tưởng tượng trước, phóng đại, phác họa. Trong không gian thì ở miền Đông cũng vẫn nhớ thương được miền Tây. Ở xóm Thượng vẫn ngong ngóng về xóm Hạ. Ở bên bờ Thái Bình Dương vẫn tha thiết với bên kia bờ Đại Tây Dương. Không có gì ngăn ngại cản trở.

 

Và chúng ta nói chữ Tình hẹp là giới hạn nơi cách biểu hiện, và phương tiện để biểu hiện. Chữ Tình được biểu hiện không nằm ngoài 7 cách : vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và muốn hay là tham muốn. ( Xin chú ý thêm vài điều : vui mừng là hân hoan, mừng rỡ, và vui vẻ nghĩa là tươi tắn, vui, trái với buồn bã; Niềm kiêu hãnh, sự hãnh diện, bằng lòng, sung sướng đem lại niềm vui nên cũng được xếp vào tình cảm vui mừng, hoan hỉ; trong cái ghét cũng đã có sự ganh tị trong đó rồi, nên ganh thường đi theo ghét, trở thành ganh ghét) Chúng ta cũng có thể thêm vào sự không tham muốn nhưng thực ra thì nó cũng nằm trong cái tình cảm ghét rồi, đã ghét thì không bao giờ có ý tham muốn đem về cho mình. Và trong cái « muốn » cũng đã bao hàm cái « không muốn » này, nghĩa là đã có cái « muốn cái không muốn » đó không tồn tại, không hiện hữu. Như thế thì trong chữ Muốn, hay Tham muốn, gọi là Dục, thì đã có sự muốn dẹp đi cái mình không ưa thích, xấu, đau khổ và đem về, giữ lại cái mà mình ưa thích, cái tốt đẹp, hạnh phúc…v.v…Bảy cách biểu hiện của chữ Tình này, theo đạo Phật, đều bị thúc đẩy bởi hai nhân căn bản là Ái và Dục và đều nhiễm ba độc tố là Tham, Sân Si.

 

Thêm nữa, cái giới hạn của chữ Tình là lệ thuộc vào các phương tiện để biểu hiện, tức là 5 giác quan và ý, có thể gọi là ý thức. Nhờ qua các giác quan, được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, và qua cái ý được nhận biết, phân biệt, phán đoán mà cái Tình mới trỗi dậy. Song con người chỉ có 3 « công cụ » để hành động, nghĩa là chuyển cái Tình đang nằm ẩn ở bên trong, nơi phần trừu tượng thành cái điều cụ thể, hiện thực, nhờ vào 3 cửa ngỏ là Thân Khẩu Ý. Tức là từ nơi Thân, thì chân tay có thể đánh đập hay vuốt ve, nơi miệng thì nói lời hay, dịu dàng, yêu thương hay chửi rủa, mạt sát và nơi Ý thì mượn hình ảnh, ngôn ngữ, cử chỉ đễ diễn đạt cái điều suy nghĩ, tích cực hay tiêu cực…v.v…

 

Điều đáng chú ý là chúng ta thấy rõ chữ Tình này rất lệ thuộc cái Ý. Chính cái Ý phán xét, phán đoán, phân biệt là đầu mối cho Tình khởi lên. Cái Ý đã tinh tế, sắp đặt tất cả để cho Tình mống khởi yêu, ghét, giận, vui buồn…Ta cứ nghĩ yêu người này là thuần tình cảm, thuần cảm xúc ? Không như thế đâu ! Cái Ý đã sắp đặt hết rồi. Cô ấy, anh chàng ấy phải như thế này thế nọ, hợp với sở thích, đòi hỏi, lý tưởng của tôi như thế nào tôi mới xiêu lòng đấy chứ !

Bất cứ đối với sự việc gì cũng thế thôi, cái Ý là chủ chốt, là chủ nhân ông quyết định mọi việc, mọi cảm xúc.

Vậy thì cái Ý quả là quan trọng dường nào ! Do đó mà hai chữ Tình Ý thường đi đôi với nhau là vậy, không gì khó hiểu.

Đạo Phật đi sâu hơn vào cái khả năng nhận biết, suy nghĩ, phân biệt, phán đoán của Ý và thường dùng chữ Tâm, cũng là Ý, là Ý thức và cùng một hoạt động như nhau cả. Nhưng cái Tâm của nhà Phật sâu rộng hơn cái Ý, hay Ý thức. Vì Tâm là cốt lõi của đạo Phật. Mọi sự buồn vui sướng khổ cũng từ Tâm, mà thế giới bên ngoài, được thấy, được nghe, được biết cũng từ Tâm tạo ra. Tâm thì có Vọng tâm và Chân tâm. Ý hay Ý thức thông thường của con người thì thuộc về Vọng Tâm nên có đối đãi và gây ra đau khổ. Giới hạn của bài này không bàn quá xa về chữ Tâm này.

Xin dừng lại ở chữ Tình. Cái chữ ràng buộc con người. Hạnh phúc được…một mà đau khổ …mười ! Nhưng không có nó chưa chắc con người đã có mặt trên trái đất này.

                            Lại mang lấy một chữ tình

                            Khư khư mình buộc lấy mình vào trong. (24)

Chính chữ Tình mới kéo theo Duyên và Nợ. Dứt được chữ Tình thì cũng hết Nợ hết Duyên. Nhưng chuyện đó hầu như không thể có.

                            Cho hay là giống hữu tình

                            Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong ! (25)

Vì sao chữ Tình lại khó gỡ như thế ? Bởi vì nó dính liền với một điều mà con người lao đao từ khi mang lấy cái thân ! Điều đó là Tình Dục hay Tính Dục đấy các bạn ơi ! Sinh ra là trai hay gái, ai cũng mang trong người cái hoạt động âm ỉ, từ từ lớn dần với ngày tháng, của bộ phận sinh dục. Một bộ phận vừa có chức năng bảo tồn nòi giống, truyền chủng, vừa đem lại khoái lạc cho thân và cả…tâm ! Ảnh hưởng qua lại giữa thân và tâm không còn ai phủ nhận nữa, điều này không có gì lạ vì khi cái thân mạnh khoẻ, hoạt động tốt không bệnh hoạn thì cái tâm cũng mạnh khoẻ, không bệnh hoạn và ngược lại, tâm an vui, thoải mái, hạnh phúc thì thân cũng tiêu trừ bệnh tật. Tất nhiên là trên đời này, khẳng định điều gì cũng mang tính cách tương đối, nếu không thì chẳng còn sinh lão bệnh tử gì hết. Có người chăm chú săn sóc cái thân đuợc tốt đủ điều mà phần tinh thần vẫn có cái gì bất an bất ổn. Xã hội hiện đại quá xem trọng tình dục chưa hẳn là đúng. Tình dục và khoái lạc do tình dục đem lại chính là sự xúc chạm của da thịt, của bộ phận sinh dục cũng không khác gì một giác quan khác như mũi ngửi được mùi thơm, lưỡi được nếm đồ ăn ngon. Tình dục quá độ sẽ gây bệnh hoạn mà thiếu thốn cũng đem lại sự mất thăng bằng. Con người không biết giữ thế quân bình trong sự thụ hưởng khoái lạc do các giác quan đem lại mà thường, thay vì làm chủ các giác quan, thì lại nô lệ cho các giác quan. Lấy sự hưởng thụ làm mục đích sống. Điều sai lầm là ở đây.

Do mong cầu hạnh phúc nơi thân, vừa vật chất vừa tinh thần, mà con người phải chịu khổ bởi vì không có gì đạt được mà không có sự nổ lực, tìm tòi, đeo đuổi, bỏ công, tốn sức, nhưng không phải lúc nào cũng được thỏa mãn. Và một khi đạt được rồi cũng không thể giữ mãi trong tay, hạnh phúc mong manh, điều này ai cũng nhận thấy. (Xin đọc Hạnh Phúc và Đau khổ, Con Người là…Con gì ? LKTH)

Con người khó lòng tách rời khoái lạc, dục lạc vì mang cái thân với những nhu cầu cần được thỏa mãn. Chỉ trừ người có một lý tưởng là đi theo con đường giải thoát, diệt dục mới tìm cách tách rời ra khỏi sự thụ hưởng khoái lạc, dục lạc của cái thân vật chất mà con người bình thường, phàm phu không lý tưởng giải thoát, thì không ai từ chối sự thụ hưởng, nên vẫn dính vào chữ Tình này mà trong đó có Tình Dục, rất khó bỏ, khó buông.

Nếu gỡ được chữ Tình ắt cuộc đời sẽ không còn gì để nói. Thi sĩ chẳng dệt được vần thơ nào. Nhạc sĩ chẳng đàn lên cung điệu làm thổn thức lòng người. Ca sĩ không hát lên khúc tình ca diệu vợi. Họa sĩ không cần thổ lộ tâm tình qua màu sắc. Người viết cũng không còn gì để viết. Và người tu cũng không còn gì…để tu !

 

 

                                                        LêKhắcThanhHoài

                                         Paris, những ngày cuối năm Giáp Ngọ.

 

Chú Thích :

1.4.5.6.7.8.9.10.11.12.13. 16.17.18.19.20.21.22.23 : Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca VN. Vũ Ngọc Phan.

2.3.14..24.25 : Kiều. Nguyễn Du.

15 : Thương Vợ. Trần Tế Xương

  

Từ khóa » Cõi Luân Hồi Hay Duyên Nợ Ba Sinh