DWT VÀ TỔNG DUNG TÍCH - GROSS TONNAGE - GT CỦA TÀU ...

I. SỰ KHÁC NHAU GIỮA DWT VÀ GT:

Đây là hai khái niệm đo lường khác nhau cho một con tàu, không ít bạn đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp mới vào nghề, không phân biệt rõ ràng và đôi khi nhầm lẫn.

1. DEADWEIGHT (DWT) Là TỔNG TRỌNG TẢI – DWT ( Deadweight Capacity) của tàu đơn vị là “tấn”, chỉ ra khối lượng hàng hóa mà con tàu có thể chuyên chở an toàn, trong đó bao gồm khối lượng hàng hóa trên tàu, thuyền viên, kho tàng, nhiên liệu, nước ngọt, nước dằn v.v ….

Nếu TỔNG TRỌNG TẢI vượt qua DWT mà nhà đóng tàu chứng nhận thì con tàu ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chìm hoặc hư hỏng do vượt tải.

Có thể viết công thức khái quát như sau: DWT = (Lượng chiếm nước đầy tải) – (Khối lượng tàu không)

2. Dung tích của tàu được chia lảm 3 loại gồm: TỔNG DUNG TÍCH GT (GROSS TONNAGE), DUNG TÍCH TỊNH NT (NET TONNAGE) VÀ DUNG TÍCH KÊNH ĐÀO.

Để giản đơn và cải tiến phương pháp đo lường dung tích của tàu, đáp ứng sự phát triển của ngành đóng tàu. Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO đã thông qua “Công ước đo lường dung tích tàu thuyền quốc tế năm 1969 (International Convention on Tonnage Measurement of Ships 1969). Công ước này đã có hiệu lực đầy đủ vào năm 1974.

Xin nhắc lại rằng đã từ lâu không còn khái niệm một đơn vị ‘tấn dung tích’ bằng 2,83 mét khối, tương đương 100 feet khối như trước khi có Công ước này quy định. Chữ ‘tonnage’ ở đây không liên quan gì đến ‘tấn’ biểu thị trọng lượng cả. Theo công ước nói trên, tùy phạm vi ứng dụng, dung tích đăng ký của tàu được chia làm 3 loại như sau:

A. TỔNG DUNG TÍCH GT (GROSS TONNAGE)

1. Công thức tính GT:

Tổng dung tích GT (Gross Tonnage) của tàu là dung tích tính dựa trên tòan bộ thể tích bên trong con tàu bao gồm cả phòng sinh hoạt cho thuyền viên, không gian cho buồng máy, trang thiết bị hàng hải … (Còn NT là dung tích các không gian kín để chứa hàng hóa).

GT được tính toán trên cơ sở coi nó là “hàm số ánh xạ một-một” (one-to-one function) của dung tích. GT có hai biến số K và V. (xin miễn đi sâu vào toán học ở đây)

GT = KV

Trong đó, V – Thể tích khép kín (enclosed space) bên trong tàu (m3) K– Là số nhân phụ thuộc thể tích khép kín V bên trong tàu. Số nhân K biến thiên theo toàn bộ dung tích của tàu (m3) và được coi như là môt yếu tố khuyếch đại để xác định giá trị của GT. Đối với tàu nhỏ thì K nhỏ, tàu lớn hơn thì K lớn hơn. K nằm trong khoảng 0,22 đến 0,32 và được tính toán bằng công thức logarithm cơ số 10. K= 0,2+0,02 x log10(V)

GT= V x (0,002log10(V)+0,2) Như vậy đơn vị của GT bao gồm mét và log của mét đã không còn có ý nghĩa vật lý nữa, nó chỉ có ý nghĩa biểu trưng độ lớn nhỏ của con tàu được lựa chọn cho thuận tiện mang tính lịch sử.

Có thể lấy một ví dụ để tính GT của một con tàu có dung tích toàn phần là 10.000 m3 như sau: K = 0,2 + 0,02 x log10 (10.000) = 0,2 + 0,02 x 4 = 0,2 + 0,08 K = 0,28

Vậy, GT = 10.000 x 0,28 = 2.800.

2. Ứng dụng của GT Tổng dung tích GT dùng để :

a) Biểu thị mức độ lớn nhỏ của tàu, là số đo biểu thị năng lực đội tàu;

b) Để phân chia đẳng cấp tàu theo quy phạm quốc gia và công ước quốc tế. đồng thời là căn cứ để lập ra các tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật và yêu cầu thiết bị của tàu thuyền;

c) Là cơ sở để thu phí đăng ký, đăng kiểm;

d) Làm căn cứ để dự tính chi phí đóng tàu, mua bán thuê tàu, các tranh chấp khiếu nại bồi thường về tổn thất hư hại hàng hải;

e) Một số cảng dùng làm cơ sở tính chi phí cảng;

f) Làm cơ sở để tính dung tích tịnh;

g) Phân định giới hạn trách nhiệm trong các công ước quốc tế.

B. Dung tích tịnh NT (Net Tonnage)

Dung tích tịnh NT là số đo dung tích có ích, tức dung tích có thể chứa hàng và hành khách. Nói cách khác NT của tàu bằng GT trừ đi không gian dùng cho thuyền viên, không gian buồng máy, trang thiết bị hàng hải. Dung tích tịnh NT dùng để tính toán chi phí và tính thuế cảng (chi phí cảng vụ, hoa tiêu, cầu bến, thuế dung tích…)

C. Dung tích kênh đào Suez, kênh đào Panama ( Suez tonnage, Panama tonnage)

Để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình, nhà đương cục kênh đào Suez và Panama không công nhận số đo dung tích của các quốc gia sở hữu tàu. Họ quy định cách đo lường dung tích riêng của họ để làm căn cứ tính toán chi phí đi qua các kênh trong lãnh thổ của họ.

Theo quy định của họ, một số không gian nào đó trên tàu phải được tính thêm vào dung tích của tàu. Dung tích qua kênh đào cũng chia làm hai loại: tổng dung tích kênh đào và dung tích kênh đào tịnh.

Dung tích kênh đào chỉ sử dụng để làm cơ sở tính toán chi phí qua kênh.

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA DWT VÀ GT:

Theo thói quen khi nói đến một con tàu lớn bé ra sao ta thường lấy DWT để xác định con tàu có thể chuyên chở bao nhiêu hàng hóa.. Tuy nhiên, đôi khi người ta chỉ đưa ra GT của tàu khiến ta khó hình dung cụ thể khả năng chuyên chở của nó. Các công thức đơn giản gần đúng dưới đây biểu thị mối quan hê giữa DWT và GT, giúp ta tính toàn DWT của mỗi loại tàu khi biết GT.

General Cargo Ship GT = 0.5285DWT Container Ship GT = 0.8817DWT Oil Tanker GT = 0.5354DWT Roll-on/Roll-off Ship GT = 1.7803DWT Pure Car Carrier GT = 2.7214DWT LPG Ship GT = 0.8447DWT LNG Ship GT = 1.3702DWT Passenger Ship GT = 8.9393DWT

(Các bạn có thể tham khảo các công thức tính toán các thông số này ở Chương 30 Sổ tay Hàng hải – Tác giả Tiếu Văn Kinh)

Ghi Chú : Trong bài viết các thuật ngữ “dung tích” đổi thành “dung tải”

Nguồn: Thuyền trưởng Tiếu Văn Kinh.

Từ khóa » Trọng Lượng Tàu Không Là Gì