Gây Thiệt Hại Bao Nhiêu Là Nghiêm Trọng? - PLO

Nhưng đến nay vẫn còn 39 tội chưa có hướng dẫn khiến các cơ quan tố tụng lúng túng khi giải quyết án.

Mới đây, VKSND Tối cao đã đưa ra rút kinh nghiệm toàn ngành vụ Lê Văn Nghị và đồng phạm phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS).

Tòa phán nghiêm trọng, tòa nói không

Theo hồ sơ, từ tháng 1-2004 đến 11-2008, Lê Văn Du và Nghị lần lượt làm trưởng thôn, Dương Quang Chuyên làm kế toán thôn. Vì mục đích cục bộ của thôn, họ đã chia lô gần 15.000 m2 đất nông nghiệp và hơn 1.000 m2 đất ao công ích để bán cho 90 hộ dân làm đất ở lâu dài. Số tiền bán đất hơn 1 tỉ đồng được nhập vào quỹ thôn, sử dụng để xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng kênh mương tưới tiêu…

Sau đó, ba bị cáo bị xử lý về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Tòa sơ thẩm nhận định việc họ gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng là gây hậu quả nghiêm trọng, phải xử theo điểm c khoản 2 Điều 282 BLHS. Từ đó, tòa phạt các bị cáo từ 18 tháng tù đến ba năm tù.

Ba bị cáo kháng cáo xin giảm án và hưởng án treo. Theo tòa phúc thẩm, các bị cáo làm theo nghị quyết của đại hội xã viên và nghị quyết của chi bộ thôn về việc bán đất, thu tiền sử dụng vào việc công ích của thôn. Trong số 90 hộ được giao đất chỉ mới có ba hộ san đất, làm nhà. Sau khi sự việc xảy ra, các hộ đã mua đất không đòi lại tiền, chỉ đề nghị giao đất. Việc cấp sơ thẩm xác định các bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng là chưa đủ căn cứ. Vì thế, tòa phúc thẩm giảm án, cho các bị cáo hưởng án treo theo khoản 1 Điều 282 BLHS.

Gây thiệt hại bao nhiêu là nghiêm trọng? ảnh 1

Việc xác định các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng trong các vụ án kinh tế - chức vụ còn có những quan điểm vận dụng khác nhau. Ảnh minh họa: HTD

Như vậy, cùng một vụ việc, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm lại có sự không thống nhất trong đánh giá hậu quả. Theo VKSND Tối cao, trường hợp này quy định chưa rõ nên mỗi cấp tòa có một cách hiểu và khó có thể kết luận rằng ai đúng, ai sai.

Xử sao cũng được?

Tương tự, vụ Đào Tiến Dũng, nguyên trưởng phòng Tài chính kế toán của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà đô thị (Bộ Xây dựng), bị kết án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng gây nhiều tranh cãi.

Theo hồ sơ, với chức vụ thành viên HĐQT tổng công ty, Dũng đã tham gia xét duyệt giá đất tại dự án Khu đô thị Mỹ Đình II và Khu đô thị mới Định Công (Hà Nội) mà tổng công ty có chủ trương chuyển nhượng lại cho các đối tác. Do biết giá đất tổng công ty xét duyệt thấp hơn nhiều so với giá thị trường, trong quá trình môi giới bán đất, Dũng cùng đồng phạm đã yêu cầu đối tác ngoài việc trả tiền mua đất cho công ty theo giá phê duyệt còn phải trả cho Dũng và đồng phạm hơn 20,5 tỉ đồng.

VKSND TP Hà Nội truy tố Dũng cùng đồng phạm theo khoản 3 Điều 281 BLHS với tình tiết tăng nặng định khung là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tại phiên sơ thẩm, đại diện VKS cho rằng chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, VKS xác định mức thiệt hại về tài sản mà họ gây ra (20,5 tỉ đồng) chỉ là gây hậu quả nghiêm trọng. Từ đó, VKS rút truy tố các bị cáo từ khoản 3 xuống khoản 2 Điều 281 BLHS. Đồng tình, sau đó tòa chỉ phạt các bị cáo từ 30 tháng tù treo đến 36 tháng tù treo.

Theo nhiều chuyên gia, về mặt lý thuyết, lập luận của VKS cũng có thể chấp nhận được. Nhưng về thực tiễn xét xử, rất nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại nhỏ hơn nhiều thì bị xác định là gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, còn các bị cáo gây thiệt hại đến 20,5 tỉ đồng thì lại cho rằng chỉ gây hậu quả nghiêm trọng là chưa ổn…

Mỗi nơi vận dụng một kiểu

Theo VKSND Tối cao, vì thiếu hướng dẫn nên khi xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng trong án kinh tế-chức vụ, các cơ quan tố tụng có những cách vận dụng rất khác nhau.

Có nơi vận dụng theo Thông tư liên tịch số 02/2001 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp (về nhóm tội xâm phạm sở hữu trong BLHS năm 1999). Theo đó, gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên là nghiêm trọng, từ 500 triệu đồng trở lên là rất nghiêm trọng, từ 1,5 tỉ đồng trở lên là đặc biệt nghiêm trọng.

Ngược lại, có nơi vận dụng Thông tư liên tịch số 01/1998 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Nội vụ (hướng dẫn BLHS năm 1985). Theo thông tư này, mức khởi điểm để xác định hậu quả nghiêm trọng là 300 triệu đồng trở lên, rất nghiêm trọng là từ 500 triệu đồng trở lên, đặc biệt nghiêm trọng là từ 1 tỉ đồng trở lên.

Ngoài ra, cũng có nơi vận dụng “pháp luật tương tự”, nghĩa là xử tội này thì dựa vào hướng dẫn về tội khác. Chẳng hạn, trong tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì gây hậu quả nghiêm trọng là từ 100 triệu đồng trở lên. Hoặc theo hướng dẫn về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước thì gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên...

Thiếu quá nhiều hướng dẫn

BLHS hiện hành có rất nhiều điều luật quy định các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là tình tiết định tội, định khung hình phạt. Dù vậy, đến nay mới chỉ có hướng dẫn ở một số tội nhất định.

Cụ thể là nhóm tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (TTLT số 01/2001); nhóm tội xâm phạm sở hữu (TTLT số 02/2001); tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và tội gây rối trật tự công cộng (Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao); một số tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (TTLT số 01/2003); tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép (TTLT số 09/2006); một số tội xâm hại rừng, động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm… (TTLT số 19/2007); tội rửa tiền (TTLT số 09/2011).

Tính cả hậu quả phi vật chất

Hậu quả nghiêm trọng trong án kinh tế-chức vụ không chỉ thể hiện về thiệt hại tài sản mà còn bao hàm cả những thiệt hại khác như làm ảnh hưởng, có tác động xấu đến hình ảnh cơ quan nhà nước, uy tín, danh dự con người và những thiệt hại phi vật chất khác. Với án loại này, theo tôi, cần phải có sự đánh giá toàn diện những hậu quả phát sinh thay vì chỉ chú ý đến vấn đề thiệt hại tài sản.

Hiện ranh giới giữa hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa rõ ràng, kể cả về giá trị tài sản chứ chưa nói đến những thiệt hại phi vật chất nên cần thiết phải có sự thống nhất chung. Điều này sẽ tạo thuận lợi nhiều cho các cơ quan tố tụng khi giải quyết án kinh tế-chức vụ.

Thẩm phán VŨ PHI LONG,Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM

Còn 39 tội thiếu hướng dẫn

Trong BLHS, tội phạm về kinh tế-chức vụ được quy định tại ba chương với 62 điều thì có 49 điều quy định về các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có TTLT số 02/2001 hướng dẫn các tội xâm phạm sở hữu (10 tội). Đây chính là nguyên nhân làm cho việc giải quyết án kinh tế-chức vụ gặp nhiều khó khăn.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, Bố Trạch, Quảng Bình

HOÀNG YẾN

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Gây Hậu Quả Rất Nghiêm Trọng