GHÉP TẾ BÀO GỐC ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ Ở TRẺ EM

27/07/2021

TỔNG QUAN VỀ TẾ BÀO GỐC VÀ GHÉP TẾ BÀO GỐC

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ nói chung, các kỹ thuật và công nghệ mới cũng được phát triển, ứng dụng trong Y học giúp đem lại lợi ích trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân. Một trong những lĩnh được ứng dụng mạnh mẽ và được cho là xu hướng phát triển trong tương lai gần đó là lĩnh vực tế bào gốc Y học.

Tế bào gốc là loại tế bào non có 2 đặc tính cơ bản là biệt hóa và tự duy trì. Tế bào gốc được chia làm nhiều loại dựa theo khả năng biệt hóa của chúng như tế bào gốc toàn năng (tế bào gốc phôi), tế bào gốc đa năng, đơn năng (tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô…). Trên thế giới, việc ứng dụng tế bào gốc trong Y học đã được nghiên cứu và ứng dụng từ rất sớm. Ghép tế bào gốc tạo máu được thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 20 nhưng phải đến những năm 70 mới thực hiện thành công sau khi tìm ra phức hợp hòa hợp mô chủ yếu và vai trò của chúng trong ghép tế bào gốc tạo máu. Những năm gần đây, ngoài tế bào gốc tạo máu thì một số loại tế bào gốc khác đã được nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị như tế bào gốc trung mô, tế bào gốc cảm ứng (iPS)… Tại Việt Nam, ghép tế bào gốc tạo máu được thực hiện lần đầu tiên năm 1995 điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy. Từ đó đến nay đã có nhiều cơ sở y tế ứng dụng ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị các bệnh lý khác nhau.

GHÉP TẾ BÀO GỐC ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH LÝ Ở TRẺ EM

Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở Y tế đầu ngành về Nhi khoa trong cả nước. Việc phát triển và ứng dụng phương pháp ghép tế bào gốc đã được thực hiện từ lâu. Kể từ ca ghép tủy đầu tiên năm 2006, đến nay đã có rất nhiều bệnh nhân thuộc nhiều nhóm bệnh khác nhau được ghép tế bào gốc bao gồm các bệnh lý huyết học như suy tủy, thiếu máu di truyền, tan máu bẩm sinh (Thalassaemia), các bệnh lý suy giảm miễn dịch như suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp nặng, Wiskott Aldrich, giảm chức năng bạch cầu hạt, hỗ trợ điều trị ung thư trong bệnh u nguyên bào thần kinh ở trẻ em.

Ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh nhân suy tủy xương vô căn

Đặc biệt, Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện tách tế bào bằng công nghệ từ tính ngoài cơ thể cho ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp. Đây là kỹ thuật mới có thể ghép tế bào gốc từ người cho là bố mẹ cho con hoặc từ con cho bố mẹ, mở ra cơ hội được cứu sống cho những bệnh nhân không tìm được người cho phù hợp.

Lọc tế bào ngoài cơ thể bằng công nghệ từ tính trên máy CliniMACS trong ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch thể kết hợp nặng được ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp lấy từ bố

Gần đây, Bệnh viện đã nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc tủy xương tự thân trong đó có tế bào gốc tạo máu và tế bào gốc trung mô hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân teo đường mật bẩm sinh.

Ghép tế bào gốc tủy xương tự thân hỗ trợ điều trị bệnh teo đường mật bẩm sinh

Bên cạnh việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh, Ngân hàng Tế bào gốc – máu cuống rốn, Bệnh viện Nhi Trung ương được thành lập từ năm 2010 nhằm lưu trữ các mẫu máu cuống rốn cho khách hàng có nhu cầu. Cho đến nay, chúng tôi đã lưu trữ an toàn hàng nghìn mẫu máu cuống rốn, một số trong các mẫu đó đã được sử dụng để ghép để điều trị cho các bệnh nhân là anh chị em trong gia đình không may bị bệnh.

Ngân hàng Tế bào gốc lưu trữ máu cuống rốn theo yêu cầu khách hàng

KẾT LUẬN

Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới trong lĩnh vực ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý ở trẻ em, đem lại hy vọng và cơ hội được chữa khỏi các bệnh lý hiểm nghèo mà trước đây việc điều trị những bệnh này còn chưa thực hiện được.

TS.BS. Nguyễn Thanh Bình

Trung tâm Tế bào gốc, Bệnh viện Nhi Trung ương

Từ khóa » Ghép Tế Bào Gốc Sống được Bao Lâu