Ghép Tế Bào Gốc Kéo Dài Sự Sống - PLO

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin trên số báo trước, lần đầu tiên ở Việt Nam, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM đã ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu nửa thuận hợp kháng nguyên hòa hợp tổ chức HLA (Human Leucocyte Antigen) thành công cho bệnh nhân Cao Xuân Hiệp (21 tuổi, Đồng Nai). Điều này đã mở ra cơ hội cho nhiều người bị ung thư máu (ít thân nhân để cho TBG hợp 100% HLA) kéo dài sự sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên, có phải tất cả người bị ung thư máu đều được ghép TBG và sau khi ghép sẽ sống khỏe mạnh?

Ghép TBG khi bệnh nhân đã lui bệnh

. Thưa bác sĩ, những trường hợp nào được ghép TBG tạo máu?

Ghép tế bào gốc kéo dài sự sống ảnh 1

+ ThS-BS Huỳnh Văn Mẫn, Phó Trưởng khoa Ghép TBG, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM: Trên thế giới, việc ghép TBG tạo máu được thực hiện cho bệnh nhân bị mắc bệnh lý huyết học cả lành tính lẫn ác tính. Ở Việt Nam, ghép TBG chủ yếu cho bệnh lý ung thư máu ác tính như bạch cầu cấp dòng tủy hay bạch cầu cấp dòng Lympo B, T, đa u tủy (tự ghép), Lympoma (ung thư hạch). Trong đó, ung thư bạch cầu cấp dòng tủy được ghép nhiều nhất. Từ năm 1997 đến nay, bệnh viện đã ghép được 135 ca, cả tự ghép lẫn dị ghép.

. Với một bệnh nhân bị ung thư, khi nào được chỉ định ghép?

+ Bệnh nhân bị phát hiện ung thư máu, trước hết phải điều trị bằng hóa chất (điều trị nhiều đợt, mỗi đợt 100-150 triệu đồng), truyền máu. Những người đã hóa trị thuộc nhóm tiên lượng hồi phục tốt thì không ghép, dù đã có người cho TBG cũng phải chờ đến khi bệnh nhân tái phát mới ghép. Vì nếu ghép chi phí sẽ rất cao, hơn nữa có thể có những biến chứng trong quá trình ghép. Những người được chỉ định ghép nhưng không có người cho phù hợp và không có tài chính cũng khó ghép được. Ghép TBG là bước củng cố nhằm chắc chắn vấn đề lui bệnh cho bệnh nhân.

Trường hợp điều trị mà bệnh không lui nhưng vẫn tiến hành ghép TBG, có thể ghép xong bệnh sẽ tái phát liền hoặc tử vong trong quá trình ghép.

Ghép tế bào gốc kéo dài sự sống ảnh 2

Nếu không ghép TBG thì những bệnh nhân này sẽ vừa hóa trị, vừa truyền máu và không biết lúc nào ra đi. Ảnh: TÙNG SƠN

Dị ghép diệt hết tế bào ung thư

. Như bác sĩ nói, phải tiêu diệt hết tế bào ung thư trong cơ thể bệnh nhân mới bơm TBG vào. Liệu còn sót tế bào ung thư và TBG mới có thể tiêu diệt được mầm mống ung thư cũ?

+ Trên nguyên tắc, khi đã điều trị bằng hóa chất trước thì hóa chất đã tiêu diệt một số tế bào ung thư rồi. Tuy nhiên, vẫn còn một số tế bào ung thư còn sót lại. Đến khi ghép, phải dùng một lượng hóa chất mạnh hơn hóa chất lúc điều trị với mục tiêu để diệt tận gốc tủy bệnh. Về lý thuyết là lý tưởng nhưng thực tế không thể nào diệt 100% được và cũng khó có thể đo lường được mầm mống sót lại trong đó và đến một lúc nào đó nó sẽ tái phát.

TBG mới được đưa vào, nếu tự ghép (TBG của bệnh nhân truyền lại cho bệnh nhân) thì không diệt được ung thư cũ. Còn dị ghép (TBG của người khác cho) sẽ diệt được tế bào ung thư. Một TBG mới vào có cái lợi và hại. Hại là nó chống lại bản thân người được ghép, còn lợi là nó tiêu diệt được tế bào ung thư.

. Một ca ghép TBG tốt thì bệnh nhân sống tối đa bao lâu?

+ Nếu dị ghép TBG đầy đủ, tốt, bệnh nhân sống sau năm năm là 50%-60%. Không thể chắc chắn sau ghép bệnh nhân sẽ sống hết và sống khỏe mạnh.

Tuy nhiên, ghép TBG là nhằm kéo dài sự sống cho bệnh nhân chứ không thể nói nó không tái phát ung thư. Theo các nghiên cứu, ghép TBG sau năm năm thì tỉ lệ tái phát 40%, sau bảy năm 70%-80%.

Không thể lấy TBG của mình lưu trữ sẵn

. Một người bình thường muốn lấy TBG lưu trữ để lỡ sau này bản thân bị bệnh hoặc con cháu bị bệnh có cái mà dùng được không?

+ Cả Việt Nam và trên thế giới không lữu trữ dạng này mà chỉ có lưu trữ TBG máu cuống rốn từ lúc mới sinh ra.

Một số nước trên thế giới có hệ thống cho tủy và TBG tình nguyện theo mạng lưới quốc gia. Người cho sẽ đăng ký để hiến và được làm HLA để lưu trữ dữ liệu, người nào có nhu cầu sẽ liên hệ. Việt Nam chưa có hệ thống hiến tủy và TBG tình nguyện này.

Một người bị ung thư mà không có anh chị em ruột có thể tìm người trong cùng dòng họ giống HLA nhưng xác suất rất thấp. Anh em ruột cùng cha mẹ, xác suất giống hoàn toàn là 25%, tìm bốn người mất chừng 50 triệu đồng. Còn tìm trong anh em dòng họ thì chi phí rất tốn kém.

Ngoài ra, hiện BHYT chưa chi trả cho phương pháp ghép nửa thuận hợp kháng nguyên hòa hợp tổ chức - HLA khi dùng những loại thuốc mới, do đó nếu ghép thì chi phí sẽ rất cao, lên đến cả tỉ đồng.

DUY TÍNH

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Ghép Tế Bào Gốc Sống được Bao Lâu