GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA LÝ LUẬN HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI ...

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại, trước Mác đã có không ít cách tiếp cận, nghiên cứu lịch sử phát triển của xã hội. Xuất phát từ những nhận thức khác nhau, với những quan điểm lập trường khác nhau mà có sự phân chia lịch sử, sự tiến hoá của xã hội theo những cách khác nhau. Chúng ta cũng đã quen với khái niệm thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng, thời đại cối xay gió, thời đại máy hơi nước… và gần đây là các nền văn minh: Văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp.

Dựa trên những kết quả nghiên cứu lý luận và tổng thể quá trình lịch sử, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác đã vận dụng phép biện chứng duy vật để nghiên cứu đời sống xã hội và lịch sử nhân loại, đã hình thành nên lý luận "hình thái kinh tế xã hội". Lý luận hình thái kinh tế - xã hội là lý luận cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử do C. Mác xây dựng lên, có vị trí quan trọng trong triết học Mác-Lênin. Lý luận đó đã được khoa học thừa nhận và là phương pháp luận cơ bản trong việc nghiên cứu lĩnh vực xã hội. Nhờ có lý luận hình thái kinh tế - xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, C.Mác đã chỉ rõ nguồn gốc, động lực bên trong, nội tại của sự phát triển xã hội, bản chất của từng chế độ xã hội, nghiên cứu về cấu trúc cơ bản của xã hội, cho phép phân tích đời sống hết sức phức tạp của xã hội để chỉ ra các mối quan hệ biện chứng giữa các lĩnh vực cơ bản của nó; chỉ ra quy luật vận động và phát triển của nó như một qua trình lịch sử - tự nhiên. Lý luận đó giúp chúng ta nghiên cứu một cách đúng đắn và khoa học sự vận hành của xã hội trong những giai đoạn phát triển nhất định cũng như tiến trình vận động lịch sử nói chung của xã hội loài người.

Hiện nay, do lo sợ sự lớn mạnh bởi tư tưởng cách mạng của C. Mác, sợ bị mất đi lợi ích từ sự độc quyền áp bức, bóc lột giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc trên thế giới nên giai cấp tư sản tìm mọi cách phủ nhận lý luận hình thái kinh tế - xã hội dưới mọi hình thức. Thêm vào đó, cuối những năm 80 của thế kỷ XX, hệ thống xã hội chủ nghĩa bị khủng hoảng và lâm vào giai đoạn thoái trào, các phần tử phản động, chống phá tuyên bố về “sự cáo chung” của lý luận này. Những ý kiến phê phán có đủ mọi màu sắc, tựu trung là phủ nhận giá trị của lý luận với lập luận rằng: Lý luận đã lạc hậu, chỉ thích hợp đối với “bước chuyển từ thời trung cổ sang thời cận đại”. Phải thay thế nó bằng một lý luận khác, chẳng hạn như lý luận về các nền văn minh. Chính vì vậy việc khẳng định những giá trị khoa học của lý luận hình thái kinh tế - xã hội đang là một đòi hỏi cấp thiết, nghiêm túc nhằm cũng cố niềm tin khoa học về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã chỉ ra: Sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội và vai trò quyết định của người lao động đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Không thể xuất phát từ ý thức, tư tưởng, từ ý chí chủ quan của con người để giải thích các hiện tượng đời sống mà phải từ phương thức sản xuất. Trong đó con người giữ vị trí trung tâm, là chủ thể của lịch sử, người lao động là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Không thể phủ nhận được ngày nay những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại với sự ra đời của người máy đã thay thế không chỉ những công việc nặng nhọc, những hoạt động cơ bắp mà còn có thể thay thế cho cả những hoạt động tinh vi, phức tạp của con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khoa học - công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ đó người lao động trở thành yếu tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất. Về thực chất, khoa học - công nghệ là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Có thể nói, do yêu cầu của sản xuất mà con người đã sáng tạo và quyết định khuynh hướng, tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ, đồng thời quyết định việc sử dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất theo mục đích của mình. Thực tế cho thấy, kỹ thuật, công nghệ hiện đại với tư cách là phần vật chất trong các yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người. Do đó, trí tuệ nhân tạo dù được mệnh danh là tiên tiến đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người, hoạt động của nó phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra, đã cài đặt vào máy tính điện tử và người máy công nghiệp. Chính vì thế, khoa học - công nghệ là của con người, gắn liền với con người, phụ thuộc vào con người và phải thông qua hoạt động của con người mới có thể được vật hóa vào quá trình sản xuất. Nếu không xuất phát từ con người, được tiến hành bởi con người và không hướng về mục đích phục vụ con người, không có quá trình sản xuất nào có đủ lý do để tồn tại và phát triển. Do vậy, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học - công nghệ hiện đại, người lao động vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã chỉ ra: Xã hội không phải là sự kết hợp một cách ngẫu nhiên, máy móc giữa các cá nhân, mà là một cơ thể sống sinh động, các mặt thống nhất chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau.

Trong tác phẩm: “Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ nghĩa xã hội ra sao”, Lênin đã chỉ ra rằng: Các nhà xã hội học chủ quan không chỉ ra được nguồn gốc, động lực bên trong của sự vận động phát triển xã hội, họ coi xã hội là một tổ hợp máy móc hỗn loạn không tuân theo quy luật nhất định.

Ngược lại, lý luận hình thái kinh tế - xã hội cho thấy để nhận thức, lý giải đúng đời sống xã hội, phải phân tích một cách sâu sắc các mặt của đời sống xã hội và mối quan hệ lẫn nhau giữa chúng. V.I.Lênin viết: “Xã hội là một cơ thể sống đang phát triển không ngừng (chứ không phải là một cái gì được kết thành từ máy móc và do đó cho phép có thể tùy ý phối hợp các yếu tố xã hội như thế nào cũng được), một cơ thể mà muốn nghiên cứu nó thì cần phải nghiên cứu những quy luật vận hành và phát triển của hình thái xã hội đó” 3. Cũng như phải sử dụng phương pháp luận trừu tượng hóa khoa học - đó là cần phải xuất phát từ quan hệ sản xuất hiện thực của xã hội để đi sâu tìm hiểu các phương diện khác nhau (chính trị, pháp luật, văn hóa, khoa học…) và mối quan hệ giữa chúng để thấy được tính thống nhất biện chứng giữa các mặt trong đời sống xã hội. Trong đó, quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, quyết định các quan hệ xã hội khác, là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội khác nhau.

Gần đây, trước những thành tựu kỳ diệu của khoa học và công nghệ, có những quan điểm đi đến phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội và đòi phải thay thế bằng cách tiếp cận văn minh. Cách tiếp cận này phân chia lịch sử phát triển nhân loại thành văn minh nông nghiệp (hay văn minh tin học, văn minh trí tuệ). Thực chất đây là phân chia dựa và các trình độ phát triển của kinh tế, dựa vào trình độ khoa học và công nghệ. Rõ ràng, cách tiếp cận này không thể thay thế được học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, nó không vạch ra mối quan hệ giữa các mặt trong đời sống xã hội và các quy luật vận động của xã hội từ thấp đến cao.

Lý luận hình thái kinh tế - xã hội đã chỉ ra: Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên.

Quan điểm của C. Mác: “Tôi coi sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”1 . Tức diễn ra theo các quy luật khách quan, chứ không phải theo ý muốn chủ quan. Xã hội loài người vận động, phát triển liên tục từ thấp đến cao không phụ thuộc và ý muốn chủ quan của con người, mà do các quy luật nội tại của đời sống xã hội quy định, trong đó trước hết và cơ bản là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Lênin đã chỉ rõ cơ sở khoa học của vấn đề này như sau: “Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”4

Quan niệm Mácxít cũng chỉ ra rằng: Toàn bộ xã hội loài người vận động phát triển tuần tự qua hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp nhau từ thấp đến cao: Cộng sản nguyên thủy; Chiếm hữu nô lệ; Phong kiến; Tư bản chủ nghĩa; Cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội). Những đồng thời cũng chỉ ra rằng: Một dân tộc, hay quốc gia cụ thể nào đó trong những điều kiện khách quan, chủ quan, thời đại hay trong nước cho phép, thì không nhất thiết phải phát triển tuần tự, mà có thể phát triển “bỏ qua” một nấc thang nào đó của lịch sử để tiến lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Đó chính là quá trình lịch sử - tự nhiên đặc thù.

Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Vì vậy dưới ảnh hưởng, tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, của quá trình toàn cầu hóa, thì những nước kinh tế kém phát triển nếu đã giành chính quyền về tay giai cấp vô sản, có được những nhân tố khách quan và chủ quân cần thiết thì hoàn toàn có khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó cũng là một tất yếu lịch sử.

Lý luận hình thái kinh tế - xã hội là một trong những thành tựu khoa học mà C. Mác đã để lại cho nhân loại. Chính nhờ xuất phát từ con người hiện thực - con người đang sống hiện thực của mình, C. Mác đã vạch ra sản xuất vật chất là cơ sở đời sống xã hội. Xã hội là một hệ thống mà trong đó quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Sự vận động và phát triển của xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Các hình thái kinh tế - xã hội thay thế nhau từ thấp đến cao thông qua cách mạng xã hội. Sự vận động, phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội vừa bị chi phối bởi các quy luật chung, vừa bị tác động bởi các điều kiện lịch sử cụ thể của từng quốc gia, từng dân tộc.

Mặc dù hiện nay, xã hội loài người có những đặc điểm khác với thời kỳ của C.Mác, nhưng lý luận hình thái kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên giá trị. Nó là phương pháp luận thực sự khoa học để phân chia giai đoạn phát triển, xem xét mỗi quan hệ lẫn nhau giữa các mặt trong đời sống xã hội như quy luật vận động, phát triển từ hình thái kinh tế - xã hội. Cùng với sự phát triển của thực tiễn xã hội và khoa học, loài người ngày nay cũng tìm ra những phương pháp tiếp cận mới về xã hội, nhưng không phải vì thế mà lý luận hình thái kinh tế - xã hội trở lên lỗi thời. Lý luận hình thái kinh tế - xã hội vẫn giữ nguyên giá trị khoa học và tính thời đại của nó; Là phương pháp luận thực sự khoa học để phân tích thời đại cũng như của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1993, t.23; tr.21.

2. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2012.

3. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, t.1, tr.198.

4. Lênin: Toàn tập, Nxb, Mátxcơva, 1974, t1, tr.163.

Từ khóa » Sơ đồ Các Hình Thái Kinh Tế Xã Hội