Học Thuyết Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Của C.Mác Một Cách Tiếp Cận ...
Có thể bạn quan tâm
Trong kho tàng lý luận của Mác để lại cho loài người, Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội (hay Lý luận về hình thái kinh tế - xã hội) của ông được coi là "cơ sở phương pháp luận của các khoa học xã hội, là hòn đá tảng cho mọi nghiên cứu về xã hội"(1). V.I.Lênin - trong khi bảo vệ những luận điểm khoa học của Mác - đã viết trong tác phẩm Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao? rằng: "Mác là người đầu tiên đã làm cho xã hội học có một cơ sở khoa học, bằng cách xác định khái niệm coi hình thái kinh tế - xã hội là một tổng thể những quan hệ sản xuất nhất định, bằng cách xác định rằng sự phát triển của những hình thái đó là một quá trình lịch sử - tự nhiên"(2). Mặc dù Mác không tự xem mình là nhà xã hội học, nhưng các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đều coi Mác là nhà xã hội học vĩ đại của thế kỷ XIX. "C.Mác đã cung cấp cho xã hội học và chính trị học hiện đại một trong những tiếp cận lý thuyết bao quát và mạnh mẽ nhất"(3). Trong di sản tư tưởng của Mác, xã hội học mác xít có thể tiếp cận nghiên cứu sự biến đổi xã hội dựa trên một số luận điểm của Mác trình bày trong lý luận hình thái kinh tế - xã hội.
1. Nhân tố quan trọng nhất tạo nên sự biến đổi xã hội là hoạt động sản xuất vật chất, suy cho cùng là sự phát triển về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Có thể khẳng định rằng, với học thuyết hình thái kinh tế xã hội, lần đầu tiên trong lịch sử triết học và xã hội học, Mác đã đưa ra cách giải thích thực sự khoa học về nguồn gốc, động lực, nguyên nhân của sự biến đổi xã hội. Mác cho rằng, biến đổi xã hội là một thuộc tính phổ biến của mọi xã hội.
Hoạt động sản xuất vật chất của con người là cơ sở, nguồn gốc, nguyên nhân quyết định nhất tới sự biến đổi xã hội. Mác là người đầu tiên phát hiện và nói lên một sự thật hiển nhiên, cái sự thật luôn luôn bị bưng bít và xuyên tạc bởi những thế lực bảo thủ ôm ấp những mục đích đen tối rằng: "trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học..."(4). Trong nhiều tác phẩm Mác đã chứng tỏ rằng, chính hoạt động thực tiễn của con người tạo nên xã hội và làm thay đổi bộ mặt xã hội, rằng mọi sự giải thích về sự biến đổi xã hội nếu tách rời hoạt động sản xuất vật chất, tất yếu dẫn đến nguỵ biện, chủ quan. Mác đã viết trong tác phẩm "Sự khốn cùng của triết học" rằng: "Những quan hệ sản xuất đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do đó được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại cho xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp"(5). Trong khi trình bày luận điểm khoa học của mình, Mác cực lực phê phán những quan niệm phản tiến bộ trong việc giải thích sự biến đổi, phát triển của xã hội, ông cảnh cáo rằng: "Cho đến nay, người ta vẫn coi bạo lực, chiến tranh, cướp bóc, giết người và ăn cướp... là những động lực của lịch sử"(6). Điều đáng chú ý là, trong quá trình nhấn mạnh vai trò quan trọng quyết định của sản xuất vật chất - của yếu tố kinh tế, Mác tuyệt nhiên không tuyệt đối hoá vai trò của nó đối với tiến trình phát triển xã hội. Theo Mác có nhiều nhân tố khác cũng tác động đến quá trình biến đổi xã hội như: môi trường tự nhiên; cơ cấu dân số; đặc trưng văn hoá... Quan điểm này biểu hiện trong việc Mác phân tích mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất; giữa kiến trúc tượng tầng với cơ sở hạ tầng; giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội.
Như vậy, theo lý luận Mác, có nhiều nhân tố gây nên sự biến đổi xã hội, trong đó, xét cho cùng, nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất là trình độ phát triển của sản xuất vật chất, hay cụ thể hơn, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Trái ngược với Mác, các nhà xã hội học tư sản, khi lý giải về nguyên nhân của sự biến đổi xã hội, họ thường không coi trọng các nguyên nhân từ sản xuất vật chất, từ nền kinh tế, mà họ có xu hướng coi trọng các nguyên nhân, động lực về văn hoá, về chính trị, tinh thần A.Comte (1798 - 1857)- nhà xã hội học người Pháp thế kỷ XIX, cho rằng: động lực thúc đẩy sự biến đổi xã hội chính là trí thức, trí tuệ và văn hoá. Ông cho rằng, thực chất của sự biến đổi xã hội là sự tiến hoá của các sức mạnh tư tưởng, trí tuệ, tinh thần xã hội. Đứng trên lập trường của giai cấp tư sản, ông cho rằng, sự vận động, biến đổi của xã hội tuân theo quy luật tiến hoá, bởi thế không cần có đấu tranh xã hội và cách mạng xã hội. Comte lập luận rằng: nếu văn hoá, tri thức, đạo đức là động lực thúc đẩy xã hội biến đổi, thì chính các yếu tố này cũng là chất keo kết dính chống lại sự phân rã xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định. Để làm được điều đó, theo ông cần tăng cường vai trò của nhà nước (nhà nước tư bản) đương thời. Trong khi Mác vạch rõ cơ chế vận động của xã hội, thông qua phân tích hoạt động sản xuất vật chất, mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp thì A.Comte hoàn toàn không chú ý đến yếu tố kinh tế và mâu thuẫn giai cấp, mà chỉ nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước tư sản trong việc điều hoà, củng cố sự liên kết xã hội. Durkheim (1858 -1917) - nhà xã hội học người Pháp - cho rằng, các giá trị xã hội, chuẩn mực, vai trò, địa vị và các yếu tố tinh thần khác tạo nên nền văn hoá xã hội. Văn hoá và tôn giáo không phải là sự phản ánh của các trật tự xã hội, mà nó có quá trình sinh thành riêng và tạo thành trật tự đạo lý xã hội. Trật tự đạo lý xã hội là nguồn gốc của các hoạt động xã hội khác, là quy luật phổ biến để duy trì trật tự xã hội và là động lực của sự tiến hoá xã hội(7). M.Weber (1864 - 1920) - nhà xã hội học người Đức, cho rằng, sự hình thành và phát triển xã hội tư bản là quá trình hình thành hành động hợp lý. Xã hội tư bản ra đời do quá trình hình thành hành động hợp lý của các cá nhân mà nguồn gốc của nó là tri thức khoa học kết hợp với ý thức (động cơ) cao cả của đạo Tin lành. Thực chất, cũng giống như Comte và Durkheim, Weber đặc biệt đề cao vai trò của văn hoá trong sự biến đổi xã hội.
Xã hội học được coi là một khoa học của xã hội hiện đại, rất cần cho các quá trình nhận thức, quản lý, dự báo xã hội. Do những chức năng quan trọng đó, nghiên cứu xã hội học không cho phép mơ hồ về lập trường và phương pháp luận. Mọi nghiên cứu xã hội học cần có tính đảng, tính giai cấp và phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Thực tế cho thấy, nếu các nghiên cứu xã hội học không quan tâm đến vấn đề lập trường thì nhiều khi sẽ rất tai hại. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà xã hội học kinh điển của nền xã hội học tư sản như Comte, Durkheim đều phớt lờ vấn đề mâu thuẫn kinh tế, mâu thuẫn giai cấp xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà cả Comte, Durkheim, Weber đều ra sức ca ngợi vai trò của nhà nước tư bản, đều mong muốn có một "trật tự đạo lý", hay "sự đồng thuận xã hội" để né tránh vấn đề đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội. Phân tích về sự biến đổi xã hội theo lý luận của Mác, đòi hỏi một sự phân tích triệt để, bắt đầu từ sự phân tích hoạt động sản xuất vật chất, từ những quan hệ kinh tế xã hội. Hoạt động sản xuất vật chất là nền tảng của sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Do vậy, nghiên cứu về biến đổi xã hội nếu không phân tích sự tác động quyết định của hoạt động sản xuất, tất yếu rơi vào chủ nghĩa duy tâm dưới góc độ triết học, hay chủ quan và ngụy biện dưới góc độ xã hội học. Mác đã khẳng định một lập trường dứt khoát rằng: "Nếu ta không thể nhận định về một người căn cứ vào ý kiến của chính người đó đối với bản thân, thì ta cũng không thể nhận định về một thời đại đảo lộn như thế căn cứ vào ý thức của thời đại ấy. Trái lại, phải giải thích ý thức ấy bằng những mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột hiện có giữa các lực lượng sản xuất và những quan hệ sản xuất xã hội"(8).
2. Phương pháp sản xuất được coi là tiêu chí khoa học nhất để phân loại các hình thái xã hội trong tiến trình biến đổi của nó. Khi nghiên cứu giải thích về sự biến đổi xã hội, tất yếu phải bàn đến sự phân kỳ lịch sử và phân loại xã hội. Việc phân chia các giai đoạn phát triển của xã hội theo các tiêu chí khác nhau đã làm xuất hiện các trường phái khác nhau trong triết học và xã hội hiện đại. Trong lý luận về hình thái kinh tế xã hội, Mác đã phân chia tiến trình phát triển xã hội loài người thành 5 giai đoạn: cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Theo Mác, tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt các hình thái kinh tế xã hội là phương thức sản xuất. Mác đã viết rằng: "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào"(9). Mác lập luận rằng, quan hệ sản xuất phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất là tiêu chuẩn quan trọng nhất, chỉ rõ tính chất của các kiểu xã hội khác nhau. Mỗi một hình thái kinh tế xã hội đều được đặc trưng bởi một quan hệ sản xuất tương ứng với một tính chất và trình độ của lượng sản xuất; một kiến trúc thượng tầng với một cơ sở hạ tầng tương ứng. Theo quan niệm của Mác, biến đổi xã hội thực chất và trước hết là sự biến đổi của nền sản xuất vật chất, đó chính là sự biến đổi trung tâm quan trọng nhất quyết định sự biến đổi xã hội. Các giai đoạn xã hội khác nhau là khác nhau về trình độ sản xuất, khác nhau về cơ cấu kinh tế, dẫn đến sự khác nhau về cơ cấu xã hội. Trong lộ trình biến đổi xã hội, biến đổi về cơ cấu kinh tế kéo theo biến đổi về cơ cấu xã hội và biến đổi hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội. Lôgic của sự biến đổi đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt phương pháp luận khi nghiên cứu biến đổi xã hội. Qúa trình phân loại xã hội nếu ta chỉ dừng lại ở việc mô tả không tính đến các yếu tố kinh tế thì không thể hiểu rõ được cội nguồn, cơ sở quan trọng nhất quyết định sự khác nhau giữa các chế độ xã hội, các loại hình xã hội. Lênin trong khi bảo vệ các luận điểm của Mác trong lý luận về hình thái kinh tế xã hội, cũng đã viết rằng: "Việc phân tích những quan hệ xã hội vật chất khiến cho chúng ta có thể nhận thấy ngay được tính lặp lại và tính đều đặn, và có thể đem những chế độ của các nước khác nhau khái quát thành một khái niệm duy nhất là: hình thái xã hội. Chỉ có sự khái quát mới cho phép chuyển từ việc mô tả (và từ việc đánh giá theo quan điểm lý tưởng) những hiện tượng xã hội đó một cách hết sức khoa học để vạch ra, chẳng hạn chỗ phân biệt giữa một nước tư bản chủ nghĩa này với một nước tư bản chủ nghĩa khác, và để nghiên cứu chỗ giống nhau giữa các nước tư bản chủ nghĩa đó"(10).
Các nhà xã hội học kinh điển trong các tác phẩm của mình, đều đề cập đến sự phân loại xã hội, nhưng tiêu chí phân loại của họ hoàn toàn khác với Mác, thậm chí ngược lại với Mác.A.Comte cho rằng, xã hội loài người vận động, biến đổi qua ba giai đoạn: mông muội, siêu hình và thực chứng. Tiêu chí để phân biệt các giai đoạn phát triển của xã hội là trình độ nhận thức và trí tuệ của con người. Nhà xã hội học người Anh, H.Spencer (1820-1903) phân chia xã hội thành hai loại hình: xã hội quân sự và xã hội công nghiệp, cái mà Spencer quan tâm là sự cố kết giữa cá nhân và xã hội ở các loại hình xã hội khác nhau. Durkheim cho rằng: kiểu đoàn kết xã hội mới là tiêu chí để phân biệt các loại hình xã hội. Ông cho rằng, xã hội truyền thống mới đặc trưng bởi đoàn kết cơ học, xã hội hiện đại dựa trên cơ sở đoàn kết hữu cơ. Xu hướng chung, các nhà xã hội học tư sản khi phân loại đều không chú ý đến yếu tố sản xuất vật chất, yếu tố kinh tế, cái mà trên thực tế là cội nguồn, nền tảng quy định sự khác nhau của các giai đoạn phát triển của xã hội hay các loại hình xã hội.
So sánh cách phân loại của Mác với các nhà xã hội học khác, chúng ta thấy rằng, sự phân loại của Mác có tính khái quát hơn, và sự khái quát đó là sự khái quát ở tầm triết học. Cách phân loại của các nhà khoa học khác cũng có giá trị và cơ sở khoa học, do vậy, cần phải tiếp thu trong các nghiên cứu xã hội học về biến đổi xã hội. Tuy nhiên, sự tiếp thu có chọn lọc đó phải đứng vững trên lập trường, phương pháp luận xã hội học mác xít. Thực tiễn đã chứng tỏ, những luận điểm khoa học Mác trình bày trong học thuyết hình thái kinh tế xã hội thực sự là cơ sở lý luận, phương pháp luận cho việc phân tích một cách khoa học nhất, thuyết phục nhất về sự biến đổi rất phức tạp của xã hội hiện đại./.
__________________________________
(1) Giáo trình Triết học Mác – Lênin, 1999, Nxb CTQG, H., tr.460.
(2) V.Lênin, Những "người bạn dân" là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ xã hội ra sao?, 1974, Nxb Tiến bộ, Matxơcơva, tr.24.
(3) Tony Bilton (chủ biên), Nhập môn xã hội học, 1993, Nxb KHXH, H., tr.56.
(4) C.Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, 1997, Nxb CTQG, H., T.19, tr.32.
(5) C.Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, 1995, Nxb CTQG, H., T.4, tr.1987.
(6) Sđd, T.3, tr.32.
(7) Xem: Phan Trọng Ngọc (chủ biên), Xã hội học đại cương, 1997, Nxb CTQG, H., tr.28.
(8) Sđd, T.13, tr.15.
(9) Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, 1995, Nxb CTQG, H., T.23, tr.269.
(10) V.Lênin, Những "người bạn dân..." Sđd, tr21.
Từ khóa » Sơ đồ Các Hình Thái Kinh Tế Xã Hội
-
Hình Thái Kinh Tế Xã Hội Là Gì ? Tìm Hiểu Về Các Hình Thái Kinh Tế Xã Hội
-
5 Hình Thái Kinh Tế Xã Hội - Luật Hoàng Phi
-
Hình Thái Kinh Tế-xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Sơ đồ Cấu Trúc Hình Thái Kinh Tế Xã Hội - 123doc
-
Chuyên đề 5: Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Và Sự Phát Triển Theo định ...
-
(DOC) 5 HÌNH THÁI KINH TẾ XÃ HỘI " | Minh Hoàng
-
Hình Thái Kinh Tế Xã Hội Là Gì? 5 Hình Thái Kinh Tế Xã Hội?
-
Những Gợi Mở Cho Việt Nam Từ Học Thuyết Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội ...
-
GIÁ TRỊ KHOA HỌC CỦA LÝ LUẬN HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI ...
-
Vấn đề Hình Thái Kinh Tế – Xã Hội Trong Tuyên Ngôn Của đảng Cộng Sản
-
5 HÌNH THÁI KINH TẾ XÃ HỘI - TheWayToIPL
-
[PDF] Chủ Nghĩa Xã Hội Và Thời Kỳ Quá độ