Giải Pháp Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Của Cán Bộ Ngành Kiểm ...

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; Trong những năm qua, mỗi cán bộ ngành Kiểm sát Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

1-Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước công việc và trước nhân dân

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng cần phải có trách nhiệm vì trách nhiệm luôn gắn liền với quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm”.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì nêu cao tinh thần trách nhiệm chính là việc cán bộ, công chức, đảng viên phải làm tròn chức trách, nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao; nếu kết quả thực hiện không tốt hoặc thực hiện sai, thất hứa thì sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân. Từ khi Bác còn trẻ cho đến khi mất, từ “nhân dân” luôn gắn liền trong tư tưởng, tình cảm và trong mỗi việc làm của Bác. Trong các tác phẩm như “Di chúc”, “Dân vận”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” và trong cuộc sống hàng ngày, Bác luôn giành sự quan tâm đặc biệt đến nhân dân. Khái niệm về nhân dân trong tư tưởng và tình cảm của Bác vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng vừa là những con người cụ thể. Đó là người nông dân, công nhân, tri thức, chiến sỹ, các cụ già, các cháu thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ… Bác cho rằng “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Vì vậy, Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ, đảng viên phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân. Người dạy mỗi cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí đối với một người cán bộ tốt là phải có đạo đức. Người dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Người cũng nhấn mạnh phải lấy kết quả thiết thực để làm thước đo, kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức.Bác nói: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc khó khăn mấy và to lớn mấy, nhân dân cũng làm được”.

Ðối với cán bộ ngành Kiểm sát, Bác căn dặn phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Xuất phát từ tính chất của công tác kiểm sát là công tác phát hiện vi phạm, tội phạm, quyết định những vấn đề liên quan đến tự do, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do vậy đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải có cái tâm trong sáng, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chính xác, công bằng, tôn trọng sự thật, luôn đứng về lẽ phải và kiên quyết bảo vệ lẽ phải như Bác đã dạy.

Như vậy, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước công việc và trước nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học và phải tôn trọng nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Để phụng sự Tổ quốc và nhân dân ngày càng tốt hơn thì mọi người đều phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người căn dặn: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy thì phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Người cán bộ, đảng viên làm việc công, tiêu tiền công, lại có ít nhiều quyền hành mà nếu không có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao, không có tính tiên phong gương mẫu, không vượt lên được chính bản thân mình, không biết tiết kiệm, lại còn tiêu xài phung phí của công thì rất dễ bị tha hóa.

Người nhấn mạnh “Trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc. Người phải có bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính; thiếu một mùa không thành trời, thiếu một phương không thành đất, thiếu một đức không thành người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc được giao, làm việc phải có tổ chức thì mới đạt kết quả cao nhất; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc phải bảo đảm thời gian quy định, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư. Bác nhấn mạnh: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp”. Bác cũng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải khắc phục thói làm việc một cách tùy tiện, không có nền nếp, không khoa học, không có tổ chức, không thấy việc chính để tập trung thực hiện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tình trạng làm việc tuy có kế hoạch nhưng lại sắp xếp, phân công không hợp lý làm ảnh hưởng đến việc công việc được giao. Bác nói: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng; người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”.

Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần chủ động, tự giác, tích cực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả khi gặp khó khăn, trở ngại, thử thách cam go nhất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải năng động, sáng tạo, thực hiện công việc phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể nhưng không tự tiện. Bác chỉ rõ “hăng hái không chưa đủ mà phải có kế hoạch, có phương hướng”. Để nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc thì phải hăng hái, làm việc phải khoa học, có chương trình, kế hoạch cụ thể từ phương hướng hành động đến dự kiến kết quả và hậu quả ra sao để có biện pháp phòng tránh; không làm việc một cách thụ động, thiếu trách nhiệm, không khoa học, không có nền nếp.

Thứ ba, cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Cán bộ, công chức, khi được Đảng, Nhà nước phân công làm công việc gì, dù to hay nhỏ, dù quan trọng hay ít quan trọng, dù phức tạp hay ít phức tạp đều phải thấy được công việc đó là rất vinh quang, đáng tự hào, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thực hiện hết sức mình để hoàn thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đem lại kết quả cao nhất.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Mỗi người cán bộ, đảng viên không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không mà phải thấy được rằng công việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại, kể cả phải thiệt hại đến lợi ích vật chất của cá nhân, gia đình mình thì cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không được thoái thác, không được chùn bước. Bác nhắc nhở: “Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”.

Bác nhấn mạnh muốn sửa chữa tốt sai lầm thì phải sẵn sàng nghe phê bình và thật thà tự phê bình, không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định sẽ lạc hậu. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Những khuyết điểm, sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến. Mỗi cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa. Thang thuốc hay nhất chính là thiết thực phê bình và tự phê bình.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, đổ lỗi; phải cầu thị, khiêm tốn, không kiêu ngạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cán bộ, đảng viên, công chức và bất kỳ ai “trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt và trái lại”.

Người khẳng định: Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến. Vì vậy, năng lực, sáng kiến, tiến bộ của mỗi cán bộ, công chức, đảng viên cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng; mỗi cán bộ phải có thái độ khiêm tốn, càng giỏi càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ; nếu tự mãn, tự túc là co mình lại, không thể tiến bộ thêm.

2. Thực trạng về tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành Kiểm sát Bắc Giang trước công việc và trước nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang gồm có 20 đơn vị: Cấp tỉnh có 10 phòng chức năng, nghiệp vụ và10 VKSND cấp huyện. Tổng biên chế của ngành Kiểm sát Bắc Giang được VKSND tối cao phân bổ là 187 người nhưnghiện tại số lượng công chức ngành Kiểm sát Bắc Giang là 175 người, còn thiếu 12 người so với chỉ tiêu biên chế được giao. Toàn ngành hiện có 49 Kiểm sát viên trung cấp, 63 Kiểm sát viên sơ cấp và 11 Kiểm tra viên, còn lại là chuyên viên.

Trong những năm qua, thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, cán bộ ngành Kiểm sát Bắc Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên; gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan, đơn vị và hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ; ngành Kiểm sát Bắc Giang ban hành Kế hoạch công tác số 79/KH-VKS ngày 14/01/2021 xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong đó có nhiệm vụ “Tích cực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ” với những biện pháp, giải pháp cụ thể như: Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên để nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm; đề cao vai trò gương mẫu, nêu gương của lãnh đạo gắn với trách nhiệm và hiệu quả công việc theo phương châm lãnh đạo đơn vị phải thực sự “công bằng, trách nhiệm và gương mẫu”, cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm trong công việc”; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ tại chỗ cho cán bộ, Kiểm sát viên; tăng cường thông báo, kiểm điểm rút kinh nghiệm về những vi phạm, thiếu sót trong công tác...

Trong điều kiện, hoàn cảnh hiện nay còn thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp (nhất là Kiểm sát viên sơ cấp) và khối lượng công việc tăng lên, chất lượng công việc chuyên môn đòi hỏi ngày một cao hơn nhưng mỗi cán bộ trong ngành Kiểm sát Bắc Giang luôn khắc phục khó khăn, vất vả để hoàn thành mọi công việc được giao. Nhiều đồng chí đã tự nguyện, tự giác làm việc thêm giờ với ý thức và tinh thần trách nhiệm cao nhưng không đặt ra yêu cầu lợi ích vật chất. Nhiều đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ trong các đơn vị thực sự là những tấm gương về tinh thần trách nhiệm trước công việc như: Giải quyết công việc được phân công nhanh, gọn, đảm bảo đúng quy định của pháp luật được cấp trên, lãnh đạo cơ quan và cơ quan hữu quan ghi nhận; đã tăng cường đối thoại với công dân có đơn khiếu nại, tố cáo, giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng pháp luật những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật, không để công dân có đơn khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

Hàng năm, nhiều đồng chí cán bộ, công chức, đảng viên trong ngành Kiểm sát Bắc Giang đã được Viện trưởng VKSND tối cao, Tỉnh ủy Bắc Giang, Đảng ủy các Cơ quan tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn các Cơ quan tỉnh; cấp Ủy địa phương khen thưởng vì đạt nhiều thành tích trong các phong trào thi đua; nhiều tập thể, cá nhân được Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang khen thưởng đột xuất vì đã nâng cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Những tập thể và cá nhân tiêu biểu đó là:

Phòng 9 trong nhiều năm liền luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, ban hành được nhiều văn bản kháng nghị, kiến nghị đối với các bản án dân sự có vi phạm. Văn phòng tổng hợp đã phát huy tốt vai trò công tác tham mưu cho lãnh đạo Viện chỉ đạo mọi mặt hoạt động công tác của các đơn vị trong ngành, đề xuất nhiều biện pháp, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại và nâng cao chất lượng công tác kiểm sát. Đây là hai đơn vị nhiều năm liên tục được Viện trưởng VKSND tối cao công nhận đạt danh hiệu “Cờ thi đua dẫn đầu khối các phòng thuộc VKSND tỉnh”.

Các Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự đã tham mưu giải quyết nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm nhất là về các tội phạm về giết người, tội phạm về chiếm đoạt tài sản, tội phạm về ma túy, tội phạm về kinh tế, chức vụ; việc giải quyết các vụ án hình sự đều đảm bảo đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Một số Viện kiểm sát cấp huyện như Lạng Giang, thành phố Bắc Giang... đã khắc phục khó khăn về biên chế, là những tập thể có nhiều cán bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác và đạt được những kết quả tích cực; nhiều năm liền được Viện trưởng VKSND tối cao công nhận đạt danh hiệu “Cờ thi đua dẫn đầu khối VKSND cấp huyện”.

Về cá nhân: Nhiều đồng chí cán bộ trong ngành luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân, phát huy những sáng kiến, cải tiến đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác và được khen thưởng như: Đồng chí Trưởng phòng 9, đồng chí Trưởng phòng 10(được khen thưởng là đảng viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của toàn tỉnh Bắc Giang). Ngoài ra còn nhiều đồng chí là lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp huyện...

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, thông qua kết quả kiểm tra toàn diện, thanh tra, kiểm tra đột xuất thấy vẫn còn một số cán bộ, Kiểm sát viên của các đơn vị trong ngành còn để xảy ra những thiếu sót, tồn tại như:

Lãnh đạo một số đơn vị chưa thực sự trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy với công việc được giao, còn có biểu hiện giao hết cho Kiểm sát viên cả những công việc có tính chất phức tạp, chưa phát huy tốt vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; thao tác nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên trong giải quyết một số công tác nghiệp vụ còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao; còn có tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm; còn có nhận thức cho rằng công việc, nhiệm vụ được giao là đơn giản, không phức tạp nên đã không sát sao, không cẩn thận dẫn đến xảy ra vi phạm, thiếu sót không đáng có; còn có tư tưởng để dành công việc trong khi có thể giải quyết được ngay; việc bố trí, sắp xếp thời gian thực hiện công việc còn chưa hợp lý, chưa khoa học, chưa chủ động phải để lãnh đạo nhắc nhở; chưa phát huy tính sáng tạo trong thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ có lúc, có chỗ còn chưa thật sự nghiêmtúc; việc phê bình và tự phê bình chưa thường xuyên, chưa thực chất, hiệu quả chưa cao...thể hiện trong từng khâu công tác nghiệp vụ như sau:

- Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự: Một số cán bộ trong ngành chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, ban hành yêu cầu điều tra còn qua loa, đại khái, xảy ra nhiều lỗi cẩu thả; kiểm sát điều tra chưa chặt chẽ, chưa dành thời gian nghiên cứu quy định của BLHS, BLTTHS và các văn bản liên quan dẫn đến xảy ra những sai sót trong xử lý (nhất là đối với các vụ án có tính chất phức tạp), để xảy ra hủy án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, một số vụ án còn kéo dài thời hạn giải quyết có liên quan trách nhiệm của Kiểm sát viên...

- Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án: Do một số cán bộ chưa làm hết trách nhiệm và chưa kiểm sát chặt chẽ nên còn chưa phát hiện hết những vi phạm trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự; còn để xảy ra tình trạng chưa thi hành, tạm đình chỉ, hoãn thi hành án phạt tù nhưng không đảm bảo căn cứ...

- Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động: Một số cán bộ của một số Viện kiểm sát cấp huyện còn để xảy ra những vi phạm, thiếu sót liên quan đến trách nhiệm cá nhân như: Bài phát biểu của Kiểm sát viên chưa đạt yêu cầu về chất lượng, còn xảy ra nhiều lỗi do cẩu thả; chưa phát hiện hết những vi phạm, thiếu sót của Tòa án để ban hành kháng nghị, kiến nghị; chưa thực hiện tốt quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ...

- Công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp: Một số đồng chí trong giải quyết công việc khi tiếp xúc, lấy lời khai, đối thoại với nhân dân có lúc, có chỗ còn chưa linh hoạt, chưa tìm hiểu cặn kẽ những nguyên nhân mâu thuẫn do khách quan, chủ quan hoặc những ý kiến, nguyện vọng, đề nghị chính đáng của người dân để hòa giải hoặc tham mưu lãnh đạo ra quyết định giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật...

Những khuyết điểm, tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có cả nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân cán bộ, Kiểm sát viên trước công việc và trước nhân dân.

3. Giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành Kiểm sát Bắc Giang trước công việc và trước nhân dân

Một là, mỗi cán bộ trong ngành Kiểm sát Bắc Giang cần tự giác thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liềnvới cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” và rèn luyện 05 đức tính của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy Bác dạy là "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Việc học tập phải được tiến hành trên tinh thần tự giác, thực chất, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ cụ thể khi giải quyết công việc được giao.

Hai là, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phải liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, hoạt động, có thái độ chính trực, có chính kiến, bản lĩnh trong công việc; khi giải quyết công việc phải có trách nhiệm với nhân dân, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật.

Ba là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo trước công việc được giao. Khi thực hiện nhiệm vụ, công việc phải có chương trình, kế hoạch, ngăn nắp, nền nếp, không để chậm trễ gây tồn đọng, ách tắc; không để cấp trên hoặc lãnh đạo phải nhắc nhở, không để đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, không để nhân dân phải phàn nàn, chê trách, góp ý phê bình về ý thức và tinh thần trách nhiệm. Trong thực hiện nhiệm vụ thì dù đơn giản hay phức tạp cũng phải tuân thủ nghiêm quy chế của Ngành, đúng quy trình, thủ tục, không được làm trái quy định. Tuy nhiên không nên cứng nhắc, máy móc mà phải linh hoạt, sáng tạo, đổi mới để hoàn thành công việc một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Bốn là, gắn việc nâng cao tinh thần trách nhiệm với việc tự phê bình và phê bình. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên phải tự soát xét, kiểm tra lại công việc đã thực hiện để biết kết quả, biết sáng kiến để phát huy và khắc phục thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm. Khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp sửa chữa, khắc phục và phấn đấu vươn lên; không nên tranh công, đổ lỗi cho khách quan hoặc đổ trách nhiệm cho người khác. Phải khiêm tốn, thực sự cầu thị, không kiêu ngạo, không thỏa mãn với kết quả đạt được.

Năm là, lãnh đạo mỗi đơn vị phải tiên phong, thực sự gương mẫu trong về tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân. Người đứng đầu từng đơn vị tiến hành nêu gương theo phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; lãnh đạo cơ quan, đơn vị nêu gương cho cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành, trong từng đơn vị.

Sáu là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của VKSND tỉnh đối với VKS cấp huyện, của lãnh đạo từng đơn vị đối với cán bộ, Kiểm sát viên; Viện trưởng VKSND tỉnh theo thẩm quyền cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, Kiểm sát viên có tinh thần trách nhiệm, có nhiều giải pháp, sáng kiến đạt kết quả cao trong công tác tạo ra sự lan tỏa trong ngành về ý thức và trách nhiệm của người cán bộ Kiểm sát trước công việc và trước nhân dân.

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2021. Vì vậy, mỗi cán bộ ngành Kiểm sát Bắc Giang cần xác định phải tích cực nghiên cứu, học tập và đề ra những giải pháp cụ thể thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trong đó có nội dung về nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc và trước nhân dân. Đây vừa là trách nhiệm đồng thời cũng một trong những việc làm thiết thực nhất, ý nghĩa nhất góp phần xây dựng ngành Kiểm sát Bắc Giang thực sự trong sạch, vững mạnh./.

Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang

Từ khóa » Giải Pháp Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm