Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Và Hoàn Thành Tốt Nhiệm Vụ được Giao
Có thể bạn quan tâm
Hai chữ “trách nhiệm” không chỉ bó hẹp để nói về những người có chức trách, những người lãnh đạo, mà theo nghĩa rộng, là để chỉ về bất cứ ai, làm bất cứ công việc gì. Đương nhiên, cấp độ và phạm vi trách nhiệm cụ thể mỗi người có khác nhau. Người có cương vị lãnh đạo, phụ trách càng cao thì trách nhiệm càng nặng. Là người, ai cũng có một phạm vi trách nhiệm nhất định; ví như trách nhiệm đối với ông bà, cha mẹ, anh, chị em, cô bác, con cháu, họ hàng nội ngoại, rộng ra là trách nhiệm với tổ chức, tập thể, cộng đồng, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, dân tộc và nay còn cả với quốc tế nữa. Đó là tinh thần “mình vì mọi người”.
Chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” nằm trong hệ thống chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), đã được tổ chức nghiên cứu quán triệt và đề ra chương trình hành động tại các đơn vị, các tổ chức đảng từ đầu năm 2015. Bài viết này xin bàn thêm về khía cạnh “nêu cao tinh thần trách nhiệm”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nói về tinh thần trách nhiệm, có khi Bác nói là “lòng trách nhiệm”, nghĩa là ý thức trách nhiệm là biểu hiện của tấm lòng, từ trái tim, từ trong tâm khảm mỗi người… đối với công việc. Bác hay nhắc, làm việc gì cũng phải “một lòng một dạ”, “toàn tâm toàn ý”, “hết lòng hết sức”. Nếu chỉ làm việc bằng nửa lòng nửa dạ, nửa tâm nửa ý, làm qua loa đại khái, hời hợt, không hết lòng hết sức, được đến đâu hay đến đấy, dân gian gọi là “được chăng hay chớ” thì làm sao có thể gọi là “hết mình”, “hết lòng” với công việc. Vì thế, chỉ có thể chứng minh lòng trung thành, mọi lời hứa bằng hành động cụ thể, bằng việc làm thiết thực, được kiểm chứng qua thời gian, qua công luận thì mới có thể nói, ai đó đã thực lòng, thực tâm phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, trung thành, tận tụy với Đảng, với tổ chức, không cơ hội, vụ lợi bởi những động cơ cá nhân, ích kỷ, nhỏ nhen. Và như vậy, mới chứng tỏ đã quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Do đó, nói ý thức, tinh thần trách nhiệm, trước hết là thể hiện đạo đức, tư cách, nhân cách, tâm nguyện của mỗi người vì mọi người. Những người như vậy, những tấm lòng và việc làm như vậy, Bác bảo, nó sáng ngời, thiết thực hơn cả trăm lần thề thốt, hứa hẹn lý thuyết suông. Người có ý thức trách nhiệm cao thường không bao giờ thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Trái lại, luôn lo toan, trăn trở, trước những việc chưa hoàn thành hoặc hoàn thành chưa được như mong muốn. Tinh thần tự trách, tự đòi hỏi ở chính mình là thái độ tự phê bình, tự phê phán để rút kinh nghiệm và sửa chữa khiếm khuyết. Đó thực sự là tấm lòng, là đạo đức trong mọi công việc, mọi ứng xử của mỗi người.
Tinh thần đạo đức đó hoàn toàn đối lập với thói lười biếng, cẩu thả, tắc trách, bệnh vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm, tính ỷ lại, đại khái qua loa, chiếu lệ, “làm cho xong chuyện”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thẳng thắn phê bình những người, những việc làm mang nặng bệnh hình thức, bệnh thành tích, làm để đối phó với kiểm tra, thanh tra, để che mắt dư luận hoặc chỉ làm cho có. Chuyện kể rằng, gặp một đoàn cán bộ trên đường, Bác hỏi họ đi đâu thì mọi người trả lời là đi dự lớp huấn luyện về. Bác hỏi tiếp: “Học có vui không?”. “Vui lắm”. “Thế học những gì?”. “Các Mác”. “Thế học rồi có hiểu không?”. Họ ấp úng: “Không ạ”. Bác buông câu nhận xét: “Thế là phí công, phí của, vô ích”(1).
Gặp những trường hợp khác cũng tương tự như vậy, Bác rút ra kết luận: “Học và dạy kiểu “chuồn chuồn đạp nước”, “Cưỡi ngựa xem hoa” như vậy thì thật là lãng phí. Đó là biểu hiện sự thiếu chu đáo, thiếu tinh thần trách nhiệm. Người có ý thức trách nhiệm cao không thể chấp nhận lối dạy và học, học và hành đại khái, qua loa, tắc trách như vậy. Nếu là những người nghiêm túc, đề cao tinh thần trách nhiệm thì thầy mà dạy qua loa, đại khái, trò phải góp ý, đòi hỏi; trái lại, trò mà học đối phó, chỉ cốt có tấm bằng hay chứng chỉ, không chăm chỉ tập trung cao để bảo đảm chất lượng thì thầy cô phải chấn chỉnh, uốn nắn, giáo dục để mọi người đi vào nền nếp, kỷ cương.
Bệnh đại khái, qua loa, tắc trách sở dĩ tồn tại được là do tổ chức thiếu chặt chẽ; lãnh đạo, quản lý thiếu sâu sát, nghiêm khắc; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, khen chê không kịp thời, thẳng thắn, đúng mức. Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thiếu cụ thể, cứ “một số” thế này, “một số” thế kia, “nói chung” thì…, chứ không chỉ ra được cụ thể, rạch ròi đâu là đúng, đâu là sai, đâu là nguyên nhân, kinh nghiệm. Những cung cách kiểu ấy rất trái với phong cách Hồ Chí Minh.
Hồi Bác chỉ đạo làm sách “Người tốt, việc tốt”, cũng như những lần Bác định thưởng huy hiệu của Người cho một ai, Bác thường kiểm tra, hỏi trực tiếp đồng chí phụ trách đơn vị, địa phương có điển hình người tốt, việc tốt. Đã có đồng chí lãnh đạo đơn vị, địa phương không trả lời Bác ngay được vì nắm không chắc tình hình. Bác cho khất, nhưng vẫn phê bình đó là bệnh đại khái, quan liêu, không sâu sát cơ sở, không nắm bắt thực tiễn kịp thời đối với công việc và ngành nơi mình phụ trách.
Hàng ngày, Bác bận với biết bao công việc nhưng vẫn dành thời gian đọc báo, nghe tin và chỉ đạo kịp thời các công việc hệ trọng. Trong hàng chục, hàng trăm thông tin mỗi ngày Bác vẫn phát hiện, chọn được những vụ việc điển hình tốt và xấu, đáng khen và đáng chê.
Bệnh đại khái, quan liêu, tắc trách, nếu là của lãnh đạo, của cấp trên, vô tình còn tạo kẽ hở cho cấp dưới, cán bộ, nhân viên làm ẩu, nói dối, thậm chí báo cáo sai sự thật. Đã từng có chuyện, Bác yêu cầu kiểm tra, đánh giá một báo cáo của cấp dưới và kết quả đã lòi ra sự thiếu trách nhiệm và bệnh thành tích. Bác viết: “Một đoàn thể kia báo cáo rằng: 85 phần trăm hội viên đã được huấn luyện. Tài thật! Nhưng khi xét lại, thì chương trình huấn luyện vẫn là “ba giai đoạn, bốn mâu thuẫn”, và 85 phần trăm hội viên được huấn luyện kia vẫn không hiểu rõ công việc thiết thực của mình là gì”. Phê phán bệnh thi đua một cách hình thức, có lần Bác nhận xét: “Một xã kia có đến 25 chương trình thi đua. Mỗi đoàn thể, mỗi ngành trong xã đều có một chương trình riêng, và không chương trình nào ăn khớp với nhau hết. Kết quả là thi đua không có… kết quả”(2).
Để động viên, phát động được đông đảo quần chúng tham gia vào quá trình xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc biểu dương, khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, cả những tấm gương can đảm, mẫu mực xuất hiện trong quần chúng ngoài Đảng, Bác gọi đó là “những người cộng sản ngoài Đảng”. Trong một bài nói quan trọng về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” (năm 1952), Bác có mượn lời của Lênin nêu nhận xét: “Nhiều khi có những người ngoài Đảng họ biết tiết kiệm của công hơn những đảng viên. Có những đảng viên rất “dũng cảm, kiên quyết” trong trường hợp này: họ âm thầm phát “phụ cấp” cho nhân viên của họ, mượn tiếng là “hoa hồng” (...) Về điểm này, những người ngoài Đảng cẩn thận hơn”(3).
Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, ý thức trách nhiệm không chỉ thể hiện trong nghị quyết, bằng lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người. Vì nói cho cùng, tinh thần trách nhiệm không chỉ là bổn phận mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, trước cấp trên mà còn là trách nhiệm trước dân, trước tập thể, những người xung quanh mình và với cả chính mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức công dân, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp của dân, của nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức thực thụ, chứ không phải kiểu làm việc “sáng cắp ô đi tối cắp về”!
------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.49.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.4.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr.500.
Từ khóa » Giải Pháp Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm
-
Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Của Cán Bộ, Công Chức Trong Việc ...
-
Giải Pháp Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Của Cán Bộ Ngành Kiểm ...
-
BÀI THAM LUẬN “NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN ...
-
Nêu Cao Tinh Thần, Trách Nhiệm Của Cán Bộ, đảng Viên Trong Tình Hình ...
-
Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Của Cán Bộ, đảng Viên - Ubmttq
-
Giải Pháp Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Và Hiệu Quả Hoạt động ...
-
Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Trong Thực Hiện Nhiệm Vụ, Góp Phần ...
-
Giải Pháp Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Của Cán Bộ, đảng Viên
-
Giải Pháp Nâng Cao Vai Trò Trách Nhiệm Của đội Ngũ Cán Bộ Giáo Viên ...
-
Làm Gì để Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm Của Nhân Viên? - CareerLink
-
Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm, Tạo Sự Thống Nhất Trong Triển Khai ...
-
“Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm” Của Cán Bộ, đảng Viên, Công Chức ...
-
[PDF] ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - Cục Thống Kê Tỉnh Phú Thọ
-
Nêu Cao Tinh Thần Trách Nhiệm - Hànộimới