Giới Thiệu Về Môn Đất Nước Học Anh Mỹ

Đất nước học Anh Mỹ (có mã số ENG2052) là môn học dành cho tất cả sinh viên ngành tiếng Anh (Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh). Bài viết này nhìn nhận môn học trong những bối cảnh lịch sử của nó và giới thiệu chương trình Đất nước học Anh Mỹ hiện thời.   

1. Chương trình Đất nước học Anh Mỹ ở Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội

Ở Việt Nam, đất nước học ra đời ở các khoa ngoại ngữ xuất phát từ việc học ngoại ngữ cần gắn với việc học về đất nước mà tại đó ngôn ngữ ấy được sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Ở Trường Đại học Ngoại ngữ, môn Đất nước học Anh được đưa vào giảng dạy cho sinh viên ngành tiếng Anh ngay từ những năm 1960-1970. Đến khoảng năm 2000, Đất nước học Anh và đất nước học Mỹ trở thành những môn học bắt buộc và đều đặn. Đến năm 2006, tổ Đất nước học chính thức được thành lập ở Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh Mỹ. Vào năm 2009, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Anh Mỹ tách thành Khoa Sư phạm tiếng Anh và Khoa ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh. Bộ môn Đất nước học theo về Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh.

Hình 1: Bìa giáo trình môn Đất nước học Anh Mỹ (Thiết kế: Nguyễn Hải Hà)

Môn Đất nước học Anh Mỹ đã trải qua quá trình phát triển hơn 20 năm. Ban đầu chương trình học giống một bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực khác nhau của Anh và Mỹ, gồm lịch sử, chính trị, kinh tế, giáo dục, và văn hóa. Phiên bản Đất nước học Anh Mỹ hiện thời được đem đến cho sinh viên từ năm học 2017-2018. Nội dung học tập được định vị vào những khái niệm trong nghiên cứu văn hóa: quốc gia dân tộc (nation-state), văn hóa (culture), quyền lực (power) và bản sắc (identity). Từ đó, thay vì chỉ biết những tập hợp dữ kiện về Anh và Mỹ, sinh viên có thể nhìn nhận đất nước như những kiến tạo lịch sử kết nối với nhau thành một hệ thống và định hình cách con người giải quyết vấn đề, sống chung với nhau. Điều này cũng có nghĩa là khi đến với môn học này, sinh viên ngành tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, đứng chung nền tảng học thuật với sinh viên bản ngữ và quốc tế.

Nội dung của môn học xoay quanh sự hình thành và diện mạo của quốc gia dân tộc (nation-state), một dạng thức tổ chức xã hội phổ biến, đã trở thành đơn vị phân chia bản đồ thế giới. Nước Việt Nam hiện đại là một quốc gia dân tộc. Nước Anh và nước Mỹ, dù bao gồm nhiều nước và bang có lịch sử và bản sắc riêng, cũng là các quốc gia dân tộc qua quá trình kiến tạo lịch sử, giá trị và hệ thống pháp luật chung. Anh và Mỹ không chỉ là những nơi tiếng Anh là bản ngữ mà còn là những ví dụ có khả năng cung cấp bối cảnh cho sự phát triển của quốc gia dân tộc và toàn cầu hóa. Quốc gia dân tộc là một thực thể thống nhất giữa chính trị, địa lý và văn hóa, một dạng thức tổ chức xã hội mới ra đời ở đầu thời hiện đại, bắt nguồn từ châu Âu, gắn liền với những cải cách tôn giáo và sự phát triển của công nghệ in ấn, cho phép con người bớt phụ thuộc vào nhà thờ và tầng lớp tăng lữ, tăng tỉ lệ biết đọc và biết viết, có ước mơ về việc làm chủ đời sống của mình, tự do và bình đẳng với mọi người. Loại hình nhà nước điển hình của quốc gia dân tộc là nhà nước dân chủ vận hành do dân và vì dân, được hình thành dựa trên kết quả bầu cử và minh bạch về các hoạt động của mình để nhân dân giám sát. Phần không thể thiếu của một quốc gia dân tộc là sự tạo thành các giá trị văn hóa chung cho những người sống trên cùng lãnh thổ. Ảnh hưởng của các quốc gia dân tộc ở Tây Âu và Bắc Mỹ (phương Tây) đã khiến quốc gia dân tộc trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu, nhưng không phải do áp đặt của phương Tây mà do chính nguyện vọng và chiến lược của những người dân bản địa. Những tư tưởng gắn liền với quốc gia dân tộc góp phần tạo thành chủ nghĩa quốc dân/dân tộc (nationalism), một nguồn lực được vận dụng trong các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và trong cạnh tranh tư bản. Sau chương giới thiệu các khái niệm tổ chức môn học  (quốc gia dân tộc, văn hóa, quyền lực và bản sắc), môn học đi vào các hệ thống của một quốc gia dân tộc, cụ thể là Anh và Mỹ, gồm lịch sử, hệ thống giá trị, chính trị, kinh tế, giáo dục. Bài cuối cùng là những lát cắt về đời sống hằng ngày của người dân. Sự đặt để hai nước Anh và Mỹ song song với nhau tạo ra những so sánh, liên hệ.

Hình 2: Một giờ học Đất nước học Anh Mỹ ở lớp 16E3&E4 (Ảnh: Lại Bảo Hoa)

Hình 3: Một giờ học Đất nước học Anh Mỹ ở lớp 16E3&E4 (Ảnh: Lại Bảo Hoa)

Bài kiểm tra cuối kì của môn học được tổ chức thành một kì thi riêng. Các nội dung kiểm tra đánh giá khác gắn kết với cách tổ chức hoạt động học tập trên lớp. Bốn bài kiểm tra dạng Quiz nhằm khuyến khích sinh viên đọc và ôn bài trước khi đến lớp. Những bài kiểm tra này có thể tạo ra đôi chút căng thẳng, nhưng chúng cũng có thể được tổ chức như một trò chơi vui vẻ giữa các đội. Môn học cũng có 4 seminar, những cuộc thảo luận sinh viên chuẩn bị và lãnh đạo, với các nội dung về tam quyền phân lập, Brexit, cải cách giáo dục và gia đình. 

Khi làm việc với những kiến thức vĩ mô như sự kiến tạo và tổ chức một quốc gia dân tộc, những người dựng và giảng dạy chương trình cũng tin vào giá trị của những điều nhỏ bé như những từ ngữ mới, mẩu chuyện, chi tiết thú vị, sự gặp gỡ giữa giảng viên và sinh viên.

2. Cách dịch tiếng Anh cụm từ ‘Đất nước học’ và ‘Đất nước học Anh Mỹ’

‘Đất nước học’ vẫn được dịch ra tiếng Anh là ‘country studies’, và môn Đất nước học Anh Mỹ được Tổ Đất nước học dịch là ‘Introduction to British and American Studies’ (chứ không phải là British-American Country Studies). Khi dịch tên môn học ngược trở lại từ bản dịch tiếng Anh, tên tiếng Việt của môn học trở thành ‘Dẫn luận nghiên cứu Anh và Mỹ’. Tuy nhiên, do nội dung cụ thể của môn học xoay quanh khái niệm quốc gia dân tộc cũng như do lịch sử phát triển của môn học, tên tiếng Việt của môn học là ‘Đất nước học Anh Mỹ’ thì hợp lý hơn.

Cụm từ ‘đất nước học’ và bản dịch tiếng Anh của nó ‘country studies’ cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử cụ thể. ‘Country studies’ không phải là thuật ngữ chỉ ngành học phổ biến trên phạm vi toàn cầu và không được nhận diện dễ dàng. Theo nghĩa phổ biến, country studies chỉ sự nghiên cứu một đất nước nhưng không chỉ đến một ngành học đã xác lập trong học thuật thế giới. Trên thế giới, Hoa Kỳ học (American studies) không chỉ nghiên cứu một đất nước mà nghiên cứu những hiện tượng xuất hiện dưới tên gọi Mỹ, có tính Mỹ, nằm rộng khắp toàn cầu. American studies đứng riêng thành một lĩnh vực, không phải là một bộ phận của country studies. Khi xét đến các cách tiếp cận và các bối cảnh cụ thể, có thể xếp American studies vào các lĩnh vực học thuật như area studies (khu vực học), international studies (quốc tế học), hay cultural studies (nghiên cứu văn hóa). Các môn Đất nước học hiện nay được giảng dạy ở tổ Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh (gồm Đất nước học Anh Mỹ, Các chủ đề trong Đất nước học Anh, và Các chủ đề trong Đất nước học Mỹ) không dừng lại ở việc giới thiệu bức tranh tổng quan hay các khía cạnh các nhau về nước Anh và/hay nước Mỹ mà được xây dựng dựa trên các khái niệm, lý thuyết của các ngành học thuật khác nhau như nghiên cứu văn hóa và kinh tế học. Tên ‘country studies’ có thể gây chút hiểu nhầm hay thắc mắc, song nó cũng có thể trở thành cái cớ để chúng ta kể với nhau về những gì đã và đang diễn ra. Tên tiếng Việt ‘đất nước học’ ngoài giá trị lịch sử cũng có sự thơ mộng của nó—gợi ra những thứ rất cụ thể, là đất và nước, là những thứ con người và vạn vật nương tựa ở đó, cùng nhau.

Phùng Hà Thanh

Tổ Đất nước học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh

Từ khóa » đất Nước Từ Tiếng Anh Là Gì