Gustav Klimt Và Những Người Phụ Nữ Quyến Rũ Dát Vàng
Chân dung danh họa Gustav Klimt
Klimt sinh năm 1862 tại Baumgarten, vùng ngoại ô thủ đô Vienna, Áo. Ông là con thứ 2 trong 7 đứa con của một gia đình nghèo có hơi hướng nghệ thuật. Mẹ ông, bà Anna, một nhạc sĩ tài năng nuôi giấc mộng trở thành ca sĩ opera nổi tiếng nhưng không thành. Bố ông là Ernst Klimt, một người đàn ông di cư từ Bohemia, ông vừa là thợ kim hoàn kiêm một họa sĩ với nhiều năm kinh nghiệm, ông cũng chính là người dạy vẽ cho các con từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù sống trong một gia đình bình thường nhưng Klimt luôn nỗ lực phấn đấu, nhờ tài năng thiên phú về nghệ thuật, ông dành được học bổng toàn phần vào trường Nghệ thuật và Nghề thủ công Vienna (Kunstgewerbeschule) khi mới 14 tuổi. Chương trình học của ông kết thúc vào năm 1883 và tại đây ông được đào tạo để trở thành họa sĩ vẽ kiến trúc nhưng Klimt lại sùng kính lối vẽ không phô trương cầu kỳ của họa sĩ lịch sử lỗi lạc nhất thời đại Hans Makart. Mặc dù không hẳn là muốn trở thành một họa sĩ vẽ kiến trúc nhưng không giống như nhiều nghệ sĩ trẻ chung trường, Klimt chấp nhận tất cả những quy tắc giảng dạy bảo thủ của Học viện. Năm 1877, em trai ông, Ernst, lẽ ra cũng đã trở thành một thợ kim hoàn như cha thì cũng được ghi danh vào trường. Hai anh em nhà Klimt và một người bạn của họ là Franz Mastch bắt đầu làm việc chung. Từ lúc còn chưa tốt nghiệp họ đã nhận được rất nhiều thù lao nhờ tài năng nghệ thuật của mình và sau đó đã thành lập một văn phòng với cái tên lạ " Company of Artists". Klimt bắt đầu công việc như một họa sĩ vẽ kiến trúc chuyên nghiệp khi thực hiện những bức bích họa và tượng điêu khắc đầu tiên có tên "Alegories and Emblems" trên tường và trần những công trình công cộng đồ sộ tại Ringstraße.
Klimt và Emilie Flöge
Năm 1888, Klimt được trao tặng huân chương vàng Merit bởi Hoàng đế Franz Josef I vì những đóng góp to lớn của ông cho nghệ thuật. Ông còn trở thành thành viên danh dự của Đại học Munich và Đại học Vienna. Năm 1892, cả bố và em trai Ernst của ông đều qua đời ảnh hưởng rất lớn đến phong cách nghệ thuật của ông, khiến ông thay đổi cách nhìn của mình đối với nghệ thuật. Trong những năm đầu 90, Klimt gặp Emilie Flöge, một trong những người đàn bà hóa nàng thơ trong những kiệt tác của ông, cho dù ông có những mối quan hệ với bất kỳ người phụ nữ nào khác thì bà cũng là người đi cùng ông đến cuối cuộc đời.
Hanswurst on the fair stage (1892)
Tượng điêu khắc trong series "Alegories and Emblems"
Phong trào Ly Khai Viên…
Klimt là một trong những thành viên sáng lập, chủ tịch của tổ chức Wiener Sezession (Vienna Secession)- Phong trào Ly khai Viên từ năm 1897 đến năm 1908 và chủ tịch nhiệm kỳ của Ver Sacrum (Sacred Spring). Mục đích của Vienna Secession là hỗ trợ những nghệ sĩ trẻ không trong tổ chức có thể mở được cuộc triển lãm của riêng mình, tạo cơ hội tốt nhất cho những nghệ sĩ nước ngoài khi đến Vienna, đồng thời xuất bản cuốn tạp chí về những bức họa của các thành viên trong hội. Vienna Secession bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng họ không thiên vị bất kỳ trường phái, phong cách nào cả, ở đây, Chủ nghĩa Tự Nhiên, Hiện Thực, Tượng Trưng đều cùng tồn tại bình đẳng. Chính phủ Áo hoan nghênh những đóng góp nỗ lực của Vienna Secession cho nền nghệ thuật quốc gia, vì thế họ đã cho hội thuê một mảnh đất để có thể dựng khu triển lãm, tạo điều kiện tốt nhất để hội có thể hoàn thành sứ mệnh của mình. Biểu tượng của Vienna Secession là Pallas Athena- vị nữ thần Hy Lạp tượng trưng cho chính nghĩa, tự do và nghệ thuật. Biểu tượng này được Klimt phỏng tác lần đầu tiên năm 1898.
Cuối những năm 1890, Klimt thường có những chuyến đi nghỉ hè bên bờ biển Attersee và ông đã có những bức họa phong cảnh đầu tiên tại nơi đây. Những tác phẩm của ông thường chỉ mô tả một phía của chủ thể, một phong cách mà ông cự kỳ thích thú, mặc dù kỳ lạ nhưng tính cả về số lượng lẫn chất lượng thì chúng đều được đánh giá rất cao. Thực ra, phong cảnh trong những bức tranh của ông được tạo thành bởi những đường nét, họa tiết tinh tế và dứt khoát. Chiều sâu của không gian trong những bức vẽ về Attersee khiến người xem cảm thấy bất ngờ khi nó được thực hiện trên một mặt phẳng, và người ta tin rằng Klimt đã vẽ chúng khi nhìn qua kính thiên văn.
Một trong những bức vẽ bên bờ biển Attersee
Năm 1984, Klimt được ủy nhiệm vẽ 3 bức họa để trang trí trần của tòa Great Hall thuộc Đại học Vienna. Ba bức tranh mang tên Philosophy (triết học), Medicine (y học) và Jurisprudence (luật học) đáng lẽ ra đã được lưu giữ ở Great Hall thì lại bị chỉ trích nặng nề vì chủ đề cực đoan, mô tả những ham muốn nhục dục của con người, những người đã được nhìn thấy gọi những tác phẩm này là "pornographic" (khiêu dâm). Chỉ vì Klimt muốn truyền tải những câu chuyện ngụ ngôn và vật tượng trưng truyền thống vốn chỉ được gợi lên trong suy nghĩ sang một ngôn ngữ mới- ngôn ngữ hội họa- ngôn ngữ mà chúng hiện lên một cách chân thực, trần trụi những điều vốn nên tránh né thảo luận nơi công cộng thông qua thị giác, chính vì thế, bộ ba tác phẩm này càng gây xôn xao, nhiễu loạn. Sự phản đối của quần chúng đến từ các lĩnh vực chính trị, thẩm mỹ học và tôn giáo. Cuối cùng, các tác phẩm này đã bị phá hủy hoàn toàn bởi lực lượng SS vào 5/1945, và đây cũng là lần cuối cùng Klimt nhận lời vẽ cho những công trình kiến trúc công cộng. Sau đó, ông vẽ bức “Nuda Verita” (1899) như một bản tuyên ngôn mạnh mẽ về phong cách nghệ thuật mới mà mình theo đuổi. Trong đó, một người phụ nữ tóc đỏ khỏa thân nắm trong tay một chiếc gương mà ông gọi là “chiếc gương sự thật”, trên đầu cô là lời trích dẫn của triết gia người Đức Friedrich Schiller: “Nếu bạn không thể làm hài lòng đa số, hãy làm hài lòng thiểu số. Làm hài lòng đa số thật tệ hại.”
Ba tác phẩm gây nhiều tranh cãi của Klimt là Triết học, Y học và Luật học
Nuda Verita
"Thời kỳ hoàng kim" và con đường đến vinh quang…
"Thời kỳ hoàng kim" (golden phase) của Klimt được đánh dấu bằng phản ứng tích cực của giới phê bình cũng như giới mộ điệu về những tác phẩm đặc sắc của ông. Người ta thường nói rằng, vì cha của Klimt là một người thợ kim hoàn chuyên chạm khắc những đồ trang sức bằng vàng nên Klimt từ nhỏ đã bị “ám ảnh” bởi vẻ đẹp lấp lánh của vàng. Ông coi đó là chất liệu tuyệt mỹ và nhờ những kỹ thuật tiếp thu được từ cha, ông đã cho ra đời những tác phẩm độc đáo và đắt giá hàng đầu thế giới. Kim loại này đã được sử dụng dù chỉ là một chút ít trong Pallas Athena (1898) and Judith I (1901) nhưng nổi bật và dễ thấy nhất là Adele Bloch-Bauer I (1907) và The Kiss (1907 – 1908). Những chuyến đi đến Venice và Ravena- nơi có những bức khảm tuyệt vời, là nguồn cảm hứng quý báu cho kỹ thuật vẽ tranh bằng vàng và gợi lên hình tượng Byzantine của ông.
Năm 1904, ông cùng với nhiều họa sĩ khác cộng tác để trang trí cho Palais Stoclet, ngôi nhà xa hoa của một thương nhân giàu có người Bỉ. Sau khi hoàn thành, Palais Stoclet trở thành một trong những tượng đài lớn nhất của thời kỳ Art Nouveau. Hai bức họa Fulfillment and Expectation trong phòng ăn là những bức họa trang trí đẹp nhất và cũng đánh dấu thời kỳ kết thúc hội họa kiến trúc của ông. Từ năm 1907 đến 1909, Klimt vẽ 5 bức tranh sơn dầu với chủ đề những người đàn bà trong chiếc áo lông thú. Tình yêu của Klimt với bộ trang phục này rõ ràng bị ảnh hưởng bởi Flöge vì đây là trang phục mà bà tự thiết kế và thường xuyên mặc.
Nữ thần Pallas Athena theo phỏng tác của Klimt có sử dụng vàng ròng
“Cây đời” – một ví dụ hoàn hảo của những đường cong Art Nouveau tại Palais Stoclet. Hai người phụ nữ hai bên tranh được coi là biểu tượng về hai giai đoạn của đời người, còn cái cây là một thực thể sống động, biến hình và thay đổi liên tục như cuộc sống. Nếu coi “Cây đời” là một bức tranh phong cảnh thì đây là bức tranh phong cảnh duy nhất còn sống sót của Klimt mà có sử dụng chất liệu vàng.
Cuộc sống giản dị có phần ẩn dật của Klimt chủ yếu dành cho hội họa và gia đình, ngoại trừ Secessionist Movement, ông không tham dự bất kỳ hội nhóm nào kể cả hội họa sĩ. Tài năng và sự nổi tiếng của ông đã đem khách hàng đến tận cửa và ông có quyền chọn lựa làm việc cho ai. Thời kỳ này, ông lựa chọn phương pháp vẽ vô cùng thận trọng và cẩn thận, với mỗi tác phẩm đều yêu cầu có những cuộc thảo luận chi tiết. Cũng như Rodin, Klimt mô tả những câu chuyện thần thoại hoặc những câu chuyện ngụ ngôn bằng tranh nhằm che giấu ham muốn tình dục thuần túy của mình. Những bức tranh của ông chủ thể chính hầu hết là phụ nữ, người mẫu được yêu cầu tạo dáng ở những tư thế khiêu gợi cho đến khi ông ấy cảm thấy hài lòng nhất, và nhiều người trong số họ là gái mại dâm. Trong một tài liệu viết tay hiếm hoi của Klimt với tên gọi " Bình luận về bức chân dung không tồn tại" ông có nói rằng "Tôi chưa bao giờ vẽ chân dung cho chính mình, tôi không mấy hào hứng khi chính mình là chủ thể trong tranh, tôi yêu cái đẹp của người khác trong tranh hơn, trên hết vẫn là những người phụ nữ quyến rũ…Tôi không có gì đặc biệt, chỉ là một ông họa sĩ ngồi bên giá vẽ từ sáng đến tối. Nếu ai đó muốn biết chút gì đó về tôi, hãy xem tranh của tôi một cách kỹ lưỡng".
Chân dung nàng Rose von Rosthorn-Friedmann
Số phận những bức họa của Klimt…
Năm 1911, bức họa Death and Life giúp ông giành được giải thưởng đầu tiên trong triển lãm diễn ra tại Rome. Mẹ Anna qua đời năm 1915 khiến ông rất đau khổ, và 3 năm sau đó, 6/2/1918, Klimt cũng ra đi bất ngờ vì bị đột quỵ và viêm phổi khi còn nhiều tác phẩm chưa kịp hoàn thành.
Các bức tranh được danh họa Gustav Klimt vẽ trong giai đoạn vàng của ông nằm trong số những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng và được sao chép nhiều nhất trong lịch sử. Tại buổi trưng bày " Viennese Secessionist-themed Life Ball" ở thành phố Viên, Ý năm nay, nhiếp ảnh gia Inge Prader đã tái hiện những tác phẩm nổi bật nhất của danh họa Gustav Klimt với người mẫu thật. Sự kiện này được tổ chức bởi Style Bible, với mục tiêu gây quỹ cho những nạn nhân HIV/AIDS, cũng như giảm sự kỳ thị của xã hội với họ. Có thể thấy nhiếp ảnh gia Inge Prader đã thổi luồng sinh khí mới vào các bức ảnh đã rất quen thuộc với mọi người. Prader đã tái hiện những bức tranh của Klimt như Danae, Death and Life và Beethoven Frieze, gìn giữ được vẻ đẹp của chúng, đồng thời biến hình ảnh hai chiều thành ba chiều sống động.
Những bức họa của Klimt nằm trong số những bức họa có giá trị cao nhất trong số tác phẩm nghệ thuật cá nhân. Vào 11/2013, bức Landhaus am Attersee của Klimt được bán với giá 29,128 triệu đô la, nhưng tác phẩm này nhanh chóng bị lu mờ bởi giá trị cho các kiệt tác khác của ông. Năm 2006, Apple Tree I (khoảng năm 1912) bán với giá 33 triệu USD và Birch Forest (1903) có giá trị 40,3 triệu USD. Cả hai tác phẩm gần đây đã được hoàn lại cho người thừa kế của Adele Bloch-Bauer- người phụ nữ duy nhất mà Gustav Klimt đã vẽ hai lần trong suốt cuộc đời của mình.
Death life của Klimt…
…và Death Life 3 chiều củaPrader
Landhaus am Attersee
Bức chân dung vẽ năm 1907 Adele Bloch-Bauer I của Klimt thuộc sở hữu của Neue Galerie, New York được mua bởi Ronald Lauder với giá 135 triệu USD vào 19/6/2006 đã hạ bệ kiệt tác Boy With a Pipe của Picasso vẽ năm 1905 (bán vào 5 tháng 5 năm 2004 với giá 104 triệu USD) trở thành tác phẩm nghệ thuật có mức giá cao nhất từng được bán đấu giá công khai. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất mà Gustav Klimt đã vẽ hai lần trong suốt cuộc đời của mình. Trong chiến tranh thế giới thứ hai thì bức họa đã bị tịch thu bởi quân Nazi và mãi đến năm 2006 thì Maria Altmann, cháu của Adele Bloch-Bauer mới được trả lại bức tranh Bức chân dung Adele Bloch-Bauer II được đem bán đấu giá vào tháng 11/ 2006 với giá 88 triệu USD, là bức họa có giá cao thứ ba trong cuộc bán đấu giá tại thời điểm đó. Tổng cộng năm bức tranh của Klimt được khôi phục và bán đấu giá, bao gồm cả những bức họa phong cảnh đã thu được hơn 327 triệu USD.
Adele Bloch-Bauer I- ngoại trừ gương mặt và đôi bàn tay được khắc họa rất thật, toàn bộ phần còn lại của bức tranh là vẻ huy hoàng của vàng và những hình kỉ hà – tính trang trí của Art Nouveau được đẩy lên đến mức tối đa tạo sự tương phản với người phụ nữ bằng xương bằng thịt
Adele Bloch-Bauer II
Phong cách và chủ đề xuyên suốt…
Có thể thấy các tác phẩm của Klimt thường sử dụng vàng để trang trí hay những màu trang nhã, thanh lịch để vẽ. Ông sử dụng biểu tượng tượng trưng cho sự sinh sôi của thiên nhiên để che giấu đi những vị trí được cho là mang tính khiêu gợi trong các bức họa của mình. Điều này có thể thấy rõ trong Judith I (1901), The Kiss (1907-1908), và đặc biệt là Danaë (1907).
The Kiss- khúc ca tuyệt đẹp về tình yêu và sự lãng mạn. Biểu tượng của phong trào Art Nouveau tại Áo. Hình ảnh cặp đôi quấn quít giữa cánh đồng hoa dát vàng được cho là dựa theo Klimt và người bạn tri kỉ của ông – Emilie
Danae là bức tranh gợi tình nhất của Klimt. Ông vẽ nàng nằm trên một tấm thảm màu tím với tư thế khiêu gợi. Đôi mắt Danae nhắm nghiền, những ngón tay co quắp vì tận hưởng khoái lạc, và thay vì phủ kín bức tranh bằng vàng thì Klimt tập trung cho dòng suối vàng chảy tràn giữa hai chân nàng. Nếu không nhờ tài năng của Klimt mà bỏ đi yếu tố nghệ thuật thì bức tranh Danae xứng đáng làm hình mẫu cho những bức ảnh “người lớn” ở thế kỉ 21.
Judith I với một số chi tiết dát vàng
Dù sống khá khép kín nhưng Klimt qua lại với khá nhiều phụ nữ, ông yêu thích họ, vì thế không lạ lẫm gì khi phụ nữ là chủ thể chính trong vô vàn bức họa của ông, ông gọi họ là "những người đàn bà quyến rũ lạ thường". Nghệ thuật cổ như Ai Cập, Minoan, Hy Lạp, Byzantine hay những bức trạm khắc của Albrecht Dürer, hội họa cuối thời Trung cổ, trường hội họa Rimpa của Nhật cũng ảnh hưởng khá lớn đến nguồn cảm hứng tạo nên các tác phẩm riêng biệt của Klimt. Những tác phẩm của ông đi ngược lại phong cách của trường phái Tự nhiên trước đó, ông sử dụng các biểu tượng hoặc các yếu tố tượng trưng để truyền đạt ý tưởng liên quan đến tâm lý học và nhấn mạnh đến "tự do" của nghệ thuật từ văn hoá truyền thống.
Klimt còn có một gia tài những bức vẽ chì về phụ nữ- những người mà ông vô cùng yêu quý
Có thể bạn quan tâm > Vera Wang: Đế chế không ngừng bành trướng > Phạm Văn Tư – người họa sĩ hài hước > BST "Gửi tình nhân cũ" từ Sebastian Errazuriz cho ngày Valentine FacebookPinterestTwitterLinkedinTừ khóa » Họa Sĩ Klimt
-
Gustav Klimt: Họa Sĩ Của Tình Yêu Và Phái đẹp
-
HỌA SĨ GUSTAV KLIMT HỌA SĨ VĨ ĐẠI CỦA THẾ KỶ 20
-
Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ Lược, Các Thành Tựu, Tiểu Sử
-
10 Tác Phẩm Nghệ Thuật Của Klimt Bạn Nên Biết
-
Gustav Klimt - Người Dành Cả đời để Vẽ Phụ Nữ
-
Gustav Klim - Họa Sĩ Của Của Tình Yêu Và Phái đẹp
-
Danh Họa Gustav Klimt Với Những Người Phụ Nữ Dát Vàng Quyến Rũ
-
Cuộc đời Và Công Việc Của Gustav Klimt, Họa Sĩ Biểu Tượng Người Áo
-
Họa Sĩ Gustave Klimt (1862-1919) - Đông Tác
-
Tiểu Sử Họa Sĩ Gustav Klimt, Họa Sĩ Gustav Klimt Là Ai? (Chi Tiết Về ...
-
Họa Sĩ Gustav Klimt
-
Nụ Hôn Một Tác Phẩm Của Họa Sĩ Người Áo Gustav Klimt - Postposmo