Họa Sĩ Gustave Klimt (1862-1919) - Đông Tác

Nhiều người nhận định, khi xem các bức họa của Gustave Klimt, họ như đắm chìm trong suy nghĩ, băn khoăn. Điều này là do họa phẩm của Klimt thể hiện sự giằng xé giữa cái sống và cái chết, giữa tột cùng hạnh phúc và đỉnh điểm của sự sợ hãi.

Nụ hôn

Các tác phẩm của Klimt thường có nét vẽ gọn ghẽ, với bố cục rõ ràng và những mảng màu phức tạp, trong đó nổi bật là họa phẩm Nụ hôn, sáng tác năm 1908. Phụ nữ là chủ đề chính trong hầu hết tác phẩm của ông. Ông thường vẽ dưới ánh sáng ban ngày, thể hiện màu da thật và mịn màng của phụ nữ.

Gustav Klimt sinh ngày 14-07-1862, là con thứ 2 trong một gia đình thợ kim hoàn nghèo có tới 7 người con. Trải qua một tuổi thơ nghèo khó như các gia đình nhập cư khác, năm 14 tuổi ông vào học trường Nghệ thuật trang trí ở Viena. Ông học tại đây tới năm 20 tuổi như là một họa sĩ trang trí.

Không như những họa sĩ trẻ, Klimt lại thích những nguyên tắc bảo thủ bài bản tại trường, cũng như tôn sùng các họa sĩ lịch sử. Ông bắt đầu được công chúng biết đến qua cách thức trang trí ở một số nhà hát và đặc biệt là công trình mỹ thuật trong Bảo tàng Kunsthistorisches ở Vienna (thủ đô nước Áo).

Năm 1880 cùng với người anh trai và một người bạn, họ bắt đầu thành lập nhóm làm việc gọi là "Công ty của nghệ sĩ" và làm các công việc chuyên nghiệp như tranh hoành tráng trong nhà, hay các tòa nhà công cộng. Tiêu biểu là loạt tranh "Allegories and Emblems".

Năm 1888, Klimt nhận bằng khen của Hoàng đế Áo, Franz Josef cho những đóng góp cho nghệ thuật. Ông cũng trở thành một thành viên danh dự của trường Đại học Munich và Đại học Viena.

Trích từ tranh "Ba giai đoạn của phụ nữ" 1905

Ly khai Vienna (Vienna Secession)

Bước sang tuổi 30, Klimt mở một phòng tranh. Đến năm 1897, 35 tuổi, ông là người sáng lập và làm chủ tịch của hội Sezession Wiener (Ly khai Viena), dựa trên cảm hứng của phong trào Art Nouveau (Nghệ thuật mới), với mong muốn gần gũi với xã hội, chống lại thái độ bảo thủ của nghệ thuật lúc bấy giờ. Tạp chí "Ver Sacrum" ra đời nhằm đưa tin hàng tháng về các hoạt động của hội. Ông làm việc tại đây cho tới năm 1908.

Cái chết và sự sống

Năm 1894, Klimt được lựa chọn vẽ 3 bức tranh Triết học, Y học và Luật học để trang trí trần nhà của Đại sảnh đường tại Đại học Vienna. Chúng không được hoàn thành do bị chỉ trích bởi chủ đề "khiêu dâm’ ẩn chứa trong đó. Klimt cố gắng đưa những chủ đề truyền thống và các biểu tượng bằng một ngôn ngữ được "công khai" nhiều hơn là sự gợi dục. Tất nhiên nó bị phản đối kịch liệt từ các nhà chính trị, mỹ học, tôn giáo. Cả ba bức tranh đã bị phá hủy khi lực lượng SS (hiến binh của phát xít Đức) rút đi vào tháng 5/1945.

Năm 1902, ông vẽ "Beethoven Fries" một bức tranh tường trên tòa nhà của phong trào Ly khai Vienna.

Giai đoạn thành công với màu vàng

Nhờ những kinh nghiệm của nghề chạm khắc trang sức trong gia đình. Klimt sử dụng rất nhiều màu sắc vàng bạc cho công việc nghệ thuật mình. Ngoài đặc điểm quý phái bởi trang trí bằng vàng, những hình dạng trong tranh của ông thường khiến người xem liên tưởng sự dung tục (quan điểm thời đó).

Pallas Athene (1898), Judith (1901), Danae (1907), Nụ hôn (1907-1908) là những tác phẩm đáng chú ý của thời kỳ này.

Khi làm việc và thư giãn tại nhà, Klimt thường mang dép và áo dài giống như một nhà tu, cống hiến hết mình cho gia đình và nghệ thuật, ngoại trừ thời gian cho phong trào Ly khai.

Ông cũng tránh các quán cà phê, các nghệ sĩ trong xã hội. Mặc dù nổi tiếng về những hình vẽ gợi dục, nhưng Klimt giữ công việc của mình rất kín đáo, nhằm tránh các bê bối cá nhân.

Các bản vẽ của Klimt thường dùng các câu chuyện ngụ ngôn để che giấu bản chất khêu gợi, nhưng thường bộc lộ sự quan tâm tới tình dục.

Nhiều tác phẩm của Klimt được cho là dung tục so với những năm đầu thế kỷ 20, thậm chí nhiều người cho rằng những tác phẩm khỏa thân của ông khiêu dâm. Dù vậy tất cả bê bối dường như giúp nâng cao tầm ảnh hưởng và danh tiếng với các tác phẩm nghệ thuật của Klimt.

Suốt đời mình Klimt không lấy vợ, nhưng ông nổi tiếng là người phong tình, thường xuyên sử dụng gái mại dâm làm các mẫu vẽ và có tới 14 đứa trẻ ra đời bởi những mối quan hệ này.

Adèle giàu sang

Bức tranh 135 triệu đô-la

Tháng 6-2006, giới mỹ thuật ồn ào vì một sự kiện nổi bật trong làng sưu tầm. Bức tranh "Chàng trai với chiếc tẩu" ngự trị từ 2004 trên ngôi vị cao giá nhất thế giới với 104 triệu USD, nay đã bị truất ngôi bởi tác phẩm Adèle Bloch-Bauer I (thường gọi là Adèle giàu sang) của Gustav Klimt. Được vẽ năm 1907, gần như cùng thời "Chàng trai với chiếc tẩu" của Picasso (1905), "Adèle giàu sang" sau 100 năm đã có giá ngất trời: 135 triệu USD.

Adèle là con gái một ông chủ nhà băng ở Vienna và vợ của Ferdinand Bloch-Bauer, một chủ xí nghiệp Do Thái giầu có. Yêu thích nghệ thuật tiền phong, bà từng mở một phòng khách và cùng chồng trợ giúp hào hiệp các văn nghệ sỹ đương thời, trong đó có Klimt.

Năm 1923, biết mình sắp qua đời bà viết thư đề nghị chồng tặng 5 bức tranh của Klimt cho Bảo tàng Belvedere ở Vienna, nhưng ông không theo ý vợ. Khi đại chiến II nổ ra, Bloch-Bauer phải trốn tránh phát xít, phá sản rồi chết thê thảm; trong di chúc, ông để lại bộ sưu tập nghệ thuật của vợ chồng ông cho con cháu.

Mấy chục năm qua, bức Adèle Bloch-Bauer I được coi như một báu vật quốc gia và ngợi ca là "Mona Lisa của nước Áo", ảnh nó được in tràn lan trên áo phông và đồ sứ. Năm 1999, một người cháu của Bloch-Bauer di tản sang Mỹ đã nhờ Toà án tối cao Hoa kỳ đòi lại được bức tranh và đem bán đấu giá.

Chủ nhân mới của nó là tỷ phú Ronald Lauder, từng là đại sứ Mỹ ở Áo hồi 1986-1987, hiện là một tay trùm mỹ phẩm. Năm 2001, ông xây dựng ở New York một phòng tranh có quy mô bảo tàng. Từ nay, bức Adèle giầu sang được trưng bày ở đây.

DT tổng hợp

Từ khóa » Họa Sĩ Klimt