Hậu Phác Thực Thụ Là Cây Gì? Hậu Phác Chữa Bệnh Gì?

Vị thuốc hậu phác là tên gọi chung của nhiều loại vỏ cây khác nhau. Vậy, loại nào mới là hậu phác chính thức và hậu phác chữa bệnh gì?

Nội dung chính ⇒

Toggle
  • Hậu phác thực thụ là cây gì?
  • Hậu phác có công dụng gì? Hậu phác chữa bệnh gì?
  • Hoa hậu phác chữa bệnh gì?
  • Các bài thuốc kết hợp có dùng hậu phác
  • Những lưu ý khi dùng hậu phác làm thuốc
  • Thời gian và phương thức thu hoạch hậu phác
  • Hậu phác còn là tên của những loài cây nào?
  • Tư liệu tham khảo

Hậu phác thực thụ là cây gì?

Hậu phác (厚朴) là tên gọi của hai loài mộc lan mọc ở Trung Quốc (hai loại này chưa được tìm thấy ở nước ta nhưng các nhà nghiên cứu dự đoán có thể tìm thấy chúng ở các tỉnh giáp Trung Quốc).

1. Magnolia offcinalis (loài mọc tự nhiên, hoa trắng, đuôi lá nhọn)

Hậu phác Magnolia offcinalis Rehd. et Wils.
Hậu phác, loài Magnolia offcinalis

2. Magnolia offcinalis var. biloba (loài được trồng, hoa trắng, đuôi lá lõm vào trong nên chia phiến lá thành hai đuôi cong tròn).

Hậu phác bắc (mộc lan lấy vỏ) Magnolia offcinalis var. biloba, Rehd. et Wils
Hậu phác, loài Magnolia offcinalis var. biloba

Theo y học cổ truyền, vị thuốc hậu phác là vỏ của hai loài hậu phác kể trên (có thể là vỏ thân, vỏ cành hoặc vỏ rễ; tuy nhiên, vỏ thân ở sát gốc được xem là tốt nhất).

Hậu phác
Hậu phác

Thông thường, sau 20 năm kể từ khi gieo trồng, cây hậu phác mới được bóc vỏ làm thuốc.

Hậu phác có công dụng gì? Hậu phác chữa bệnh gì?

Hậu phác (hay còn gọi là liệt phác, xích phác, xuyên phác…) có mùi thơm, vị cay tê, đắng chát, tính ấm và thông vào các kinh Tỳ, Vị, Đại tràng.

Các công dụng của hậu phác bao gồm:

  • Làm ấm dạ dày, đưa hơi đi xuống.
  • Giúp tiêu đờm, tán ứ, phá tích.
  • Giúp dễ tiêu, điều trị đầy bụng, đau bụng, khó tiêu.
  • Giúp giảm nôn mửa, bí đại tiện.

Ngoài ra, hậu phác cũng được dùng trong trường hợp nhược cơtử cung co bóp yếu khi sinh (vì hậu phác có tính kích thích).

Cách dùng: dùng dạng bột (mỗi lần 6 g) hoặc thuốc sắc (mỗi lần 8 g, sắc trong 600 ml nước đến khi còn 200 ml nước thì để nguội và uống trong ngày).

Hoa hậu phác chữa bệnh gì?

Hoa hậu phác (厚朴花) đẹp và thơm, có chứa tinh dầu và có vị hơi cay, đắng, tính ấm.

Hoa hậu phác
Hoa hậu phác

Vào đầu mùa hạ, người ta lựa những bông hoa sắp nở, hái về, đem đồ hơi nước khoảng 10 phút thì lấy ra phơi hoặc sấy nhẹ cho khô. Tiêu chí chọn hoa hậu phác tốt (loại khô) là màu xám đỏ nâu, các cánh còn nguyên và có mùi thơm đậm.

Theo y học cổ truyền, hoa hậu có tác dụng hóa khí, trừ thấp và điều trị đau tức ngực (mỗi ngày dùng từ 1, 5 – 6 g, hãm lấy nước uống như trà).

Các bài thuốc kết hợp có dùng hậu phác

1. Chữa bệnh sợ gió, tự ra mồ hôi và ho suyễn

Dùng hậu phác, táo Tàu, gừng tươi, quế chi, cam thảo Bắc, hạnh nhân và bạch thược (mỗi vị 9 g), sắc lấy nước uống.

2. Chữa chứng ngực đầy tức sinh hen suyễn và viêm phế quản mạn tính

Dùng 6 g hậu phác, 1, 5 g gừng (đã phơi khô), 1, 5 g tế tân, 3 g ngũ vị tử, 3 g ma hoàng, 9 g hạnh nhân, 9 g bán hạ (9 g) và 15 g thạch cao sống, sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.

3. Chữa bệnh xơ gan cổ trướng

Dùng hậu phác, bán hạ chế và vỏ quýt chín phơi khô (mỗi loại 6 g), nhân trần và thạch hộc (mỗi loại 20 g), rễ tranh, sa sâm, sinh địa, xa tiền và trạch tả (mỗi loại 12 g), chi tử (8 g), tất cả cùng sắc uống, mỗi ngày một thang.

4. Chữa chứng đau bụng

Lấy hậu phác tẩm với nước gừng rồi nướng (hoặc sao vàng), sau đó tán nhỏ và chia thành nhiều lần uống (mỗi lần uống 3 – 4 g bột, ngày uống hai hoặc ba lần).

Hậu phác
Hậu phác dưới dạng các thanh vỏ dài

Những lưu ý khi dùng hậu phác làm thuốc

1. Khương hậu phác là hậu phác đem nấu với nước gừng tươi rồi vớt ra, thái nhỏ (tỉ lệ hậu phác và gừng là 10 : 1).

2. Những người tỳ vị hư nhược, tân dịch khô và phụ nữ mang thai không nên dùng.

3. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.

Thời gian và phương thức thu hoạch hậu phác

Từ tháng 4 đến tháng 6, người ta tiến hành chọn những cây hậu phác trên 20 năm tuổi, bóc lấy vỏ (ở thân, nhành hoặc rễ), sau đó đào hố dưới đất rồi cho vỏ hậu phác vào, đậy rơm lại, để ủ từ 3 đến 4 ngày mới lấy ra, cuộn lại thành từng ống rồi phơi trong chỗ mát.

Ngoài ra, còn một cách sơ chế khác là lấy vỏ cây nhúng qua nước sôi rồi đổ thành đống (cho hơi nước ở trong thoát ra), sau đó phơi khô rồi đem đồ hơi nước cho mềm lại, cuối cùng, cuộn vỏ cây lại thành ống và phơi trong chỗ mát.

Vị thuốc Hậu phác Bắc
Vị thuốc Hậu phác (hậu phác Bắc), dạng vỏ cuộn tròn

Hậu phác còn là tên của những loài cây nào?

Hậu phác có nghĩa là loại cây có lớp vỏ dày. Ở nước ta, hậu phác còn là tên của nhiều loài khác nhau như:

1. Magnolia hypoleuca (hậu phác Nhật Bản, các tư liệu ghi là cây vối rừng)

2. Eurycoma longifolia (cây mật nhân, bách bệnh)

3. Cinnamomum iners (đại diệp quế, cây quế rừng)

4. Syzygium jambolana (cây vối rừng, trâm mốc)

5. Michelia champaca (cây hoàng ngọc lan)

6. Cinnamomum obtusifolium (cây quế Thanh)

7. Cinnamomum liangii (cây chành chành)

Tuy nhiên, chỉ có hai loại hậu phác có nguồn gốc từ Trung Quốc (gọi là hậu phác Bắc) mà chúng tôi đề cập trên đây mới là hậu phác thực thụ. Với các loại hậu phác khác được khai thác ở nước ta (gọi là hậu phác Nam) thì “cần xác định lại” (theo nhà nghiên cứu Đỗ Tất Lợi).

Xem thêm: Đại táo chữa bệnh gì?

Tư liệu tham khảo

  1. 厚朴, https://baike.baidu.com/item/%E5%8E%9A%E6%9C%B4/405699
  2. Magnolia officinalis, https://en.wikipedia.org/wiki/Magnolia_officinalis.
  3. Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nxb Y học, 1999, trang 372.
  4. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 908.
  5. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 114.
  6. Hậu phác, http://www.baophuyen.com.vn/portals/0/quangcao/TRACUUDONGDUOC/TUDIEN/THUOC/HAUPHAC.HTM.
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Hậu Phác Baophuyen